Sau đây chúng ta tìm hiểu chỉ về ba đối tượng của lòng sùng tín trong kinh Hoa Nghiêm. Đó là thế giới, các Thiện tri thức, và chúng sanh.
1. Đối với thế giới Hoa Nghiêm
Thế giới chúng ta đang thấy và đang sống thì ở trong thế giới Hoa Nghiêm của Phật pháp thân Tỳ-lô-giá-na. Thật ra, thế giới của chúng ta là thế giới Hoa Nghiêm được trải nghiệm qua nghiệp thức chia cắt, manh mún, phân biệt, tranh giành, thương ghét… của chúng
Thế giới Hoa Nghiêm là thế giới Sự sự vô ngại, không hề có sự chia cắt, không hề có ta người, chủ thể một bên, đối tượng một bên. Đó là thế giới của “Tất cả là Một, Một là Tất cả”. Đó là thế giới của Phật Tỳ-lô-giá-na, Phật Đại Nhật, Phật Quang Minh Biến Chiếu; trong đó, Tất cả là Phật, từ vĩ mô cho đến vi mô.
Đây là một đoạn kệ của Bồ-tát Hải Nguyệt Đại Quang Minh thấy và ca ngợi thế giới Hoa Nghiêm:
Phật trong vô lượng kiếp rộng lớn
Khắp hiện trước tất cả chúng sanh…
Tôi thấy mười phương không thừa sót
Cũng thấy chư Phật hiện thần thông
Đều ngồi đạo tràng chứng bồ-đề
Chúng hội nghe pháp bao quanh Phật
Quang minh rộng lớn Phật pháp thân
Hiện ở thế gian dùng phương tiện
Khắp tùy chúng sanh lòng mến thích
Xứng căn trí họ mà thuyết pháp
Chân như bình đẳng thân vô tướng
Pháp thân thanh tịnh lìa cấu nhiễm
Trí huệ tịch tịnh thân vô lượng
Ứng khắp mười phương mà thuyết pháp.
(Thế chủ Diệu Nghiêm, Thứ nhất)
Thần Diệu Sắc Na-la-diên nói kệ:
Ông nên xem Pháp vương
Pháp vương pháp như vậy
Sắc tướng vô lượng biên
Thế gian đều hiện khắp
Mỗi lông nơi thân Phật
Lưới sáng bất tư nghì
Giống như vầng mặt trời
Khắp soi mười phương cõi.
(Thế chủ Diệu Nghiêm, Thứ 1)
Tất cả chúng sanh chúng ta ở trong thế giới Hoa Nghiêm của Phật Quang Minh Biến Chiếu.
“Bồ-tát Phổ Hiền do thần lực Phật quán sát khắp tất cả thế giới hải, tất cả chúng sanh hải, tất cả chư Phật hải, tất cả pháp giới hải, tất cả chúng sanh nghiệp hải, tất cả chúng sanh căn dục hải, tất cả chư Phật pháp luân hải, tất cả tam thế hải, tất cả Như Lai nguyện lực hải, tất cả Như Lai thần biến hải” (Thế giới thành tựu, Thứ 4).
Mười thế giới này tương tức tương nhập, tương dung tương nhiếp lẫn nhau. Nói cách khác, thế giới “tất cả chúng sanh hải, tất cả chúng sanh nghiệp hải” chúng ta hiện đang sống đây tương nhiếp tương nhập với thế giới “tất cả chư Phật hải”. Nếu tâm chúng ta đủ thanh tịnh, chúng ta sẽ thấy thế giới chư Phật ngay trong thế giới chúng sanh của chúng ta.
Trong mỗi hạt bụi nhỏ,
trong mỗi vi trần đều như vậy:
Pháp giới quốc độ mỗi vi trần
Những cõi nước lớn ở trong đó
Mây Phật bình đẳng đều giăng che
Tất cả mọi nơi đều đầy đủ
Lực dụng tự tại trong mỗi trần
Tất cả vi trần cũng như vậy
Chư Phật, Bồ-tát đại thần thông
Tỳ-lô-giá-na đều hiển hiện.
(Thế giới thành tựu, Thứ 4)
Những cõi rộng lớn ở mười phương
Đều hiện vào trong thế giới này
Dầu thấy mười phương hiện trong đây
Mà thật không vào cũng không đến
Trong vi trần của tất cả cõi
Đều thấy Như Lai hiện trong đó.
(Hoa tạng thế giới, Thứ 5)
Thế giới này là thiêng liêng vì nó là thân của Phật tánh Tỳ-lô-giá-na. Thế giới chúng ta thấy chính là thế giới Hoa Nghiêm ấy nhưng đã bị nghiệp hóa, bị ô nhiễm, bị phiền não hóa và tà kiến hóa bởi chúng sanh chúng ta.
Chúng ta sống ở đời là để tìm lại cái bổn lai diện mục Hoa Nghiêm của chúng ta và của thế giới. Trong sự đi tìm ấy, sự sùng mộ thành tín thế giới như thực Hoa Nghiêm là động lực quan trọng để một ngày nào chúng ta bắt đầu thấy nó. Sự sùng tín ấy rất là chân chính, rất là mạnh mẽ, vì nó không đi tìm một đối tượng ở ngoài xa kia, ở tương lai hứa hẹn, mà là một đối tượng ngay trong đây, trong chính tâm mình, trong những giác quan bình thường của mình.
Kinh nói về cấp độ đầu tiên (sơ địa) của con đường giác ngộ:
“Thành tựu niềm tin thanh tịnh, có công dụng của đức tin, có thể tin bổn hạnh chứng nhập của Như Lai, tin thành tựu được các môn ba-la-mật, tin những địa trên, tin sức thành tựu đầy đủ vô sở úy, tin sanh trưởng Phật pháp bất hoại bất cộng, tin Phật pháp bất tư nghì, tin có thể xuất sanh cảnh giới Phật giữa không biên, tin tùy nhập vô lượng cảnh giới của Phật, tin nơi quả thành tựu” (Thập địa, thứ 26).
2. Đối với các bậc Thiện tri thức
Trong kinh Hoa Nghiêm, được nói đến nhiều nhất là ngài Bồ-tát Văn-thù (Phổ Hiền?), kế đến là ngài Văn-thù-sư-lợi, sau đó là ngài Di-lặc Từ Thị, và tiếp theo là rất nhiều Bồ-tát Thiện tri thức khác cùng khai thị con đường Phật đạo. Bài này chỉ nói sơ lược về sự sùng tín của đồng tử Thiện Tài đối với các vị Thầy chủ yếu trong phẩm Nhập Pháp giới.
Bồ-tát Văn-thù là vị Thiện tri thức đã dạy Thiện Tài đi về phương Nam để học hạnh Bồ-tát Phổ Hiền để đạt quả Phật.
Bài kệ của đồng tử Thiện Tài nói với ngài Văn-thù có những câu: “Xin thương soi xét tôi, xin thương dạy bảo tôi, xin thương thủ hộ tôi, xin thương cứu vớt tôi, dạy tôi môn giải thoát, dạy tôi đường bồ-đề, dạy tôi pháp đại thừa, cho tôi ngồi xe này, xin dạy cho tôi thấy, xin thương chiếu cố tôi”.
Sau đó, Thiện Tài bắt đầu đi gặp những vị Thiện tri thức, có đến trên năm mươi cuộc gặp gỡ để nghe chỉ dạy. Mỗi lần từ giã một vị Thiện tri thức, “… Đồng tử Thiện Tài đảnh lễ dưới chân của vị ấy, rơi lệ buồn khóc, đi quanh bên hữu theo nhiều vòng, bùi ngùi luyến mộ, chiêm ngưỡng, từ tạ mà đi”; dọc đường vẫn nhớ Thiện tri thức và sự dạy bảo của ngài: “… Khi ấy, Thiện Tài nhờ sức Thiện tri thức, y lời dạy của Thiện tri thức, nhớ lời nói của Thiện tri thức, thâm tâm mến mộ Thiện tri thức. Tự nghĩ rằng: ‘Nhờ Thiện tri thức làm cho tôi được thấy Phật, làm cho tôi được nghe pháp. Thiện tri thức là thầy của tôi, vì chỉ dạy tôi những Phật pháp. Thiện tri thức là con mắt của tôi, vì làm cho tôi thấy Phật như hư không. Thiện tri thức là thuyền đò của tôi, vì làm cho tôi được vào hồ sen của chư Như Lai’”.
Sau khi gặp nhiều vị Thiện tri thức, Thiện Tài được bảo đến với Bồ-tát Di-lặc. Trước khi rời đi, Thiện Tài được dạy: “…Tất cả Bồ-tát thành tựu Phật pháp đều do sức Thiện tri thức. Đều lấy Thiện tri thức làm căn bản. Đều nương Thiện tri thức mà sanh. Đều y vào Thiện tri thức mà ra. Đều nương Thiện tri thức mà lớn. Đều nương Thiện tri thức mà trụ…”.
Đến lầu gác của Bồ-tát Di-lặc, “… sau khi dùng vô lượng pháp tán dương chư Bồ-tát trong lầu gác lớn Tỳ- lô-giá-na Trang Nghiêm của Đức Di-lặc, Thiện Tài cung kính đảnh lễ, nhất tâm nguyện thấy Bồ-tát Di-lặc để thân cận cúng dường, bèn thấy Đức Bồ-tát Di-lặc từ chỗ khác đến, có chúng đông vô lượng đi theo…”.
Khi gặp Bồ-tát Di-lặc, Thiện Tài “… vui mừng hớn hở, toàn thân nổi ốc, rơi lệ nghẹn ngào, đứng dậy chắp tay cung kính hữu nhiễu vô lượng vòng. Do sức tưởng niệm Đức Văn-thù nên đột nhiên những hoa anh lạc và diệu bửu đầy cả hai tay. Thiện Tài liển rải lên cúng dường Bồ-tát Di-lặc. Bấy giờ Bồ-tát Di-lặc xoa đầu Thiện Tài mà nói kệ…”.
Sau đó, Bồ-tát Di-lặc dạy Thiện Tài đến Bồ-tát Văn Thù: “… Ngài Văn Thù sẽ nói tất cả công đức cho ngươi. Tại sao vậy? Vì trước kia ngươi được thấy Thiện tri thức, nghe Bồ-tát hạnh, nhập môn giải thoát đầy đủ đại nguyện, tất cả đều do thần lực của Văn-thù-sư-lợi”.
“Bấy giờ Bồ-tát Văn-thù từ xa đưa tay phải qua khỏi 110 do-tuần đặt lên đầu Thiện Tài mà nói rằng: Lành thay! Lành thay! Này Thiện nam tử! Nếu rời tín căn thì tâm yếu kém, lo sợ ăn năn, công hạnh chẳng tròn đủ, thối thất tinh cần, với chút ít công đức đã cho là đủ…”.
Rồi sau đó, tâm Thiện Tài “… khát ngưỡng muốn thấy Bồ-tát Phổ Hiền, phát tâm rộng lớn như hư không giới. Lúc Thiện Tài phát khởi những tâm như vậy, do sức thiện căn của mình, được sức gia hộ của tất cả Như Lai, do sức đồng thiện căn của Bồ-tát Phổ Hiền nên Thiện Tài thấy mười tướng tốt lành…”.
“Thiện Tài đã được mười trí ba-la-mật này rồi, Bồ-tát Phổ Hiền liền đưa tay hữu xoa đầu Thiện Tài. Được xoa đầu, Thiện Tài liền được tất cả vi trần số môn tam-muội…”.
Sau đó, Bồ-tát Phổ Hiền nói với Thiện Tài: “Ta được pháp thân thanh tịnh ba đời bình đẳng rốt ráo này. Ta lại được sắc thân thanh tịnh vô thượng siêu các thế gian, tùy sở thích của tâm chúng sanh mà hiện hành vào tất cả cõi, tất cả xứ, nơi các thế giới rộng hiện thần thông, làm cho người thấy đều vui mừng… Nếu có chúng sanh nào được nghe danh hiệu của ta thì không còn thối chuyển với vô thượng bồ-đề. Nếu có chúng sanh nào thấy nghe thân thanh tịnh của ta thì tất được sanh trong thân thanh tịnh của ta…”.
Qua những trích đoạn sơ lược này, chúng ta thấy sự ngộ nhập pháp giới có động cơ là lòng sùng tín đối với các bậc Thiện tri thức và kết quả của sự chứng nhập cũng là kết quả của lòng sùng tín thành tựu. Bởi thế kinh nói, “Tin là nguồn gốc, là mẹ của tất cả mọi công đức” (Phẩm Hiền Thủ, thứ 12).
Sùng tín bậc Thiện tri thức khiến cho những chướng ngại bao trùm ngăn che hành giả với Thiện tri thức và với thực tại tối thượng bị rách toạc và cái thấy biết của Thiện tri thức có thể truyền thông qua tâm thức hành giả.
3. Đối với chúng sanh
Chúng sanh là những vị Phật sẽ thành. Thế nên kinh nói, “Phụng sự chúng sanh tức là cúng dường chư Phật” (Phổ Hiền hạnh nguyện). Trong kinh Hoa Nghiêm, thực tướng của chúng sanh được nói một cách rốt ráo và mạnh mẽ. Bồ-tát Phổ Hiền nói:
“Chư Phật tử! Đại Bồ-tát phải biết tâm mình niệm niệm thường có Phật thành Chánh giác. Như tâm mình, tâm tất cả chúng sanh cũng đều như vậy, đều thường có Như Lai thành Chánh giác, rộng lớn cùng khắp không chỗ nào chẳng có, chẳng rời, chẳng dứt, không ngừng nghỉ” (Như Lai xuất hiện, thứ 37).
“Giống như mặt trời chiếu sáng khắp thế gian, trong tất cả đồ chứa nước trong sạch đều có bóng mặt trời hiện, cùng khắp chỗ mà không có đến đi… Trí Như Lai cũng vậy, hiện khắp pháp giới không trước không sau. Trong tâm trong sạch của tất cả chúng sanh Như Lai đều hiện” (Như Lai xuất hiện, thứ 37).
Thân tâm chúng sanh là nơi chứa đựng trí Như Lai, nên chúng sanh phải được nhìn là thiêng liêng.
“Thân Phật không ngằn mé, trụ khắp trong thân của tất cả chúng sanh” (Thăng Đâu-suất thiên cung, thứ 23).
Kinh đưa đến một kết luận về cái thấy Hoa Nghiêm: tất cả là một, một là tất cả. Với cái thấy này, người ta đi vào pháp giới Hoa Nghiêm hay Nhất chân pháp giới:
Như tâm, Phật cũng vậy
Như Phật, chúng sanh đồng
Tâm, Phật, và chúng sanh
Cả ba không sai khác.
(Da-ma cung kệ tán, thứ 20)
Sự sùng tín xóa đi chấp ngã và chấp pháp khiến thế giới không còn sai biệt: tất cả các tướng đồng một tánh vàng, tất cả là ba thân của Phật Tỳ-lô-giá-na. Sự sùng tín xóa đi tất cả những phân biệt không gian và thời gian khiến cho Nhân để thành Phật và Quả Phật vốn tự viên thành là một.
Như vậy, chúng ta và tất cả những gì bao quanh chúng ta đều thiêng liêng. Thế giới thiêng liêng, những vị thầy thiêng liêng và chúng sanh hữu tình thiêng liêng. Tất cả đều thiêng liêng và tràn đầy công đức Phật. Đó là cái thấy mà kinh Hoa Nghiêm khai thị cho chúng ta.
Sự sùng tín xóa bỏ ranh giới giữa ta và đối tượng mà ta sùng tín. Những ranh giới do chúng ta giả lập càng được xóa bỏ bao nhiêu thì đối tượng càng hiển lộ bấy nhiêu. Cuối cùng là sự hợp nhất của một với tất cả, của tất cả với tất cả.
Sùng tín làm cho tâm thanh tịnh, tức là xóa bỏ những phiền não chướng và sở tri chướng, những thứ độc trong tâm. Khi tâm bớt rào cản ngăn che, chúng ta bắt đầu nhận được sự gia hộ, hộ niệm của chư Phật: “Được chư Như Lai gia hộ cho. Sẽ được pháp bảo vào tâm mình”, “…chính thức thọ nhận sự gia hộ của Như Lai, được chính Đức Phật hộ niệm”(Thập địa, thứ 26).
Bằng sự sùng tín, chúng ta đi vào con đường thiêng liêng ấy và được bao bọc trong sự thiêng liêng thanh tịnh bổn nguyện ấy. Con đường ấy có một vị thanh tịnh và thiêng liêng, từ lúc khởi đầu cho tới cuối cùng.