Những ký ức tuổi ấu thơ khi được cha mua cho chiếc váy mới để khai giảng, được mẹ hôn lên đôi má hồng hồng, những lần được cô giáo tuyên dương vì được điểm mười, những lần cùng nhóm bạn thức thâu đêm chỉ để kể những chuyện vu vơ, được bắt gặp ánh mắt ai nhìn trộm, và lễ tốt nghiệp đánh dấu cho một chặng đường mới…
Sinh, lão, bệnh, tử, là quy luật tự nhiên không chừa một ai. Nhiều người chấp nhận, nhưng cũng không ít người chống lại bằng cả vật chất và ý chí. Thực sự, tham vọng sinh tồn của con người đã có từ khi mới khai thiên lập địa. Chẳng thế mà từ xa xưa, nhiều vị vua, nhiều vị chúa đất đã tận dụng hết quyền lực và tiền tài để đi tìm cái gọi là "thuốc trường sinh bất tử". Ai ai cũng muốn tồn tại càng lâu trên cõi đời càng tốt mặc dù không biết mình tồn tại để làm gì.
Có một câu chuyện kể về một gia đình bất tử, họ tồn tại dật dờ, lén lút qua bao thế kỷ, và ước mơ duy nhất của những người trong gia đình đó là được chết. Họ hiểu rằng khi thân thể họ không cảm thấy mệt mỏi, đau đớn, tuổi họ không hề già đi, những người thân thiết với họ đều vĩnh viễn ra đi, thì họ chỉ "tồn tại" lay lắt chứ không phải họ "đang sống".
Từ khát vọng "trường sinh" chợt liên tưởng đến "sống hay tồn tại". Thử làm một phép so sánh, một người sống đến vĩnh hằng nhưng cứ lay lắt, dật dờ, và một người phải vĩnh viễn ra đi khi mới hai mươi năm tuổi nhưng đã dùng tất cả sự dũng cảm, lòng nhân hậu, và kiến thức mà mình có được để che chở cho những số phận bất hạnh khác. Vậy ai là người "đang sống" và ai là người "đang tồn tại"?!
Chợt nhớ tới liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc với cuốn nhật ký "Mãi mãi tuổi hai mươi" và Anna Frank với nhật ký "Anna Frank". Hai con người đã cho tác giả câu trả lời hùng hồn nhất về "sống" và "tồn tại". Tuổi trẻ của hai thiên thần đó thật đáng ngưỡng mộ và trân trọng. Tâm hồn họ đẹp như một bài thơ, có tiếng chim hót, có tiếng suối reo, và có lá cây xanh reo trong nắng, trái tim họ dũng cảm như ngọn núi lừng lững có thể bẻ gẫy mọi đợt trủy triều và giống tố. Họ đã và sẽ "sống" mãi tuổi thanh xuân, không phải như gia đình bất tử kia, mà trong trái tim của mọi người thế hệ sau này. Đó mới là "trường sinh bất lão", đó mới là "đang sống".
Thực tế, đa số con người chỉ tồn tại, bởi họ không vượt qua được chính mình, họ sợ đau đớn, họ sợ chết, sợ nghèo, họ sợ và họ sợ… Bản chất tự nhiên là vậy thôi, chỉ trừ số ít ngoại lệ. Nhưng thời điểm họ cảm thấy sự đau đớn, sự sợ hãi, và cái chết cũng là lúc họ cảm nhận rõ ràng nhất là họ đang sống. Khi vượt qua được "những cảm thấy" này họ sẽ thực sự "sống mãi". Ngẫm ra, sự "trường sinh" không phải chỉ là số đếm về thời gian trôi mà chính là cách mà chúng ta đã "sống".
Mọi thứ dường như phức tạp?!
Chỉ cần khi bạn ở giữa ranh giới của sự sống và cái chết, chợt đâu đó vọng về lời ru "Ầu ơ… trời khuya đêm vắng mà đường thời xa, hưu hắt con trăng tà…Con đừng quên ngày sau khôn lớn công sức mẹ cha vượt ngàn cay trăm đắng xót xa cho đường đời con sang đẹp với người ta…Ầu ơ…" là bạn đã "đang sống" một cách căn bản nhất rồi đó!
Theo Tuần Việt Nam