Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Sự phát triển của Phật giáo & nền văn minh ngôn ngữ...

Sự phát triển của Phật giáo & nền văn minh ngôn ngữ (tt)

225
0

Đế quốc Ma-kiệt-đà (684-320 trước công nguyên) là một lãnh thổ mênh mông thuộc vùng Đông bắc Ấn độ, gồm thung lũng rộng lớn của sông Hằng, trong đó có tiểu ban Bihar, Bengal và cả vùng Bangladesh ngày nay. Một trong những thể loại của ngôn ngữ Prakrit là ngôn ngữ magadhi, còn gọi là prakrit magadhi hay là ardhamagadhi, và rất có thể đây là ngôn ngữ mà Đức Phật đã dùng để giảng Pháp.

Tiếng Pàli là một biến thể khác của ngôn ngữ prakrit, xuất hiện vào thế kỷ thứ III trước công nguyên, rất phổ biến trong vùng phía Nam Ấn độ và đảo Tích lan từ thế kỷ thứ III trước công nguyên đến thế kỷ thứ I trước công nguyên. Trong khoảng thời gian này Phật giáo truyền khẩu phổ biến rất sâu rộng ở Tích lan. Mặc dù tiếng Pa-li có rất nhiều điểm tương tợ với ngôn ngữ ardhamagadhi, nhưng không phải là tiếng ardhamagadhi phổ biến trong lãnh thổ Ma-kiệt-đà.

Bước vào thế kỷ thứ I sau Tây lịch, tiếng Pàli mất dần tầm ảnh hưởng ở Tích lan và cả vùng miền Nam Ấn độ, và được thay thế dần bằng loại Phạn ngữ Birahmi. Từ thế kỷ thứ VI đến thế kỷ thứ VIII, Phật giáo truyền vào Campuchia qua ngõ Tích lan và Sumatra, tư tưởng Phật giáo và Phạn ngữ Brahmi ảnh hưởng rõ rệt trong ngôn ngữ Khơ-me và ngôn ngữ Thái, sau đó là ngôn ngữ Lào. Tiếng Thái ngày nay sử dụng nhiều từ có nguồn gốc Khơ-me. Đối với Miến điện thì theo truyền thống Phật giáo truyền vào xứ này từ thế kỷ thứ III, nhưng theo các học giả Tây phương thì Phật giáo Bắc tông khởi sự du nhập và phát triển ở Miến điện từ thế kỷ thứ V đến thế kỷ thứ X, nhưng vào thế kỷ XI thì nhà vua Anoratha (1044-1077) lại chọn Phật giáo nguyên thủy truyền vào từ ngõ Tích lan để phổ biến ở Miến điện. Đồng thời vào thế kỷ XI cũng thấy xuất hiện chữ viết Miến điện, loại chữ này có ít nhiều liên hệ với các tiếng Pa-li, brahmi và Khơ-me.

Tóm lại, Phật giáo qua ngôn ngữ và ngữ tự đã ăn sâu vào các nền văn hoá của một số quốc gia Đông nam Á, hoặc cũng có thể nói một cách khác là đã dự phần tích cực vào sự hình thành của các nền văn hoá đó. Một số ngữ tự Phật giáo trong tiếng Phạn sau khi đã du nhập vào các ngôn ngữ mới thì đôi khi ý nghĩa lại biến đổi một cách rất lạ lùng, chẳng hạn như chữ samsara, nghĩa gốc trong tiếng Phạn là luân hồi hay chu kỳ tái sinh, nhưng khi biến thành tiếng Thái thì lại có nghĩa là « sự thương xót, sự khốn khổ », và trong ngôn ngữ khơ-me của người Campuchia thì có nghĩa là « tình thương ». Trên đây chỉ là một thí dụ thật nhỏ cho thấy sự thâm nhập rộng lớn và sâu xa của Phật giáo vào các nền văn hoá và ngôn ngữ Á châu nói chung.

Ngày nay không còn mấy người biết đọc tiếng Pàli. Tam tạng kinh bằng ngữ tự Pàli đã được người Anh đem từ Tích lan về Anh quốc để dịch vào thế kỷ XIX. Và chính bản dịch đầu tiên sang tiếng Anh này đã trở thành «bản gốc» Tam tạng kinh dùng để dịch ngược trở lại tiếng Tích lan ngày nay, và cả tiếng Thái, tiếng Miến điện, tiếng Campuchia… Tam tạng kinh nhờ đó được phổ biến sâu rộng hơn trong các nước Đông Nam Á. Sự kiện trên đây cho thấy ngôn ngữ đã giữ một vai trò chủ yếu trong việc hoằng Pháp.

Trường hợp của các nước Tây Á:

– Con đường tơ lụa:

Thông thường người ta xem con đường tơ lụa là một con đường thương mại, nhưng thật ra vai trò quan trọng và tích cực hơn của hành lang thông thương này là sự giao lưu văn hoá giữa Trung quốc, Ấn độ, Tây tạng và cả cùng Tây Á, kể cả I-ran và Thổ nhĩ kỳ. Trong thời kỳ Phật giáo bành trướng, vô số những sắc tộc khác nhau tổ chức thành nhiều quốc gia hay bộ tộc trải dọc theo con đường tơ lụa. Ảnh hưởng Phật giáo trong cả một vùng mênh mông của Tây Á bắt đầu từ thời đại vua A-dục và xuất phát từ các quốc gia Phật giáo mang nặng ảnh hưởng văn hoá Hy lạp của thời bấy giờ là Bactriane (nằm giữa Apganixtan và Uzbekistan ngày nay) và Gandhara (Apganixtan và phần tây bắc của Pakistan ngày nay).

Vào thế kỷ thứ I sau công nguyên, một đế quốc mênh mông là Khusana còn gọi là Kouchan được thành lập, bao gồm cả vùng Tây vực, từ Tây Bắc Ấn độ, I-ran và một phần phía đông của Trung quốc ngày nay. Khusana là một đế quốc theo Phật giáo thật nhiệt thành và tích cực, đồng thời cũng là một đế quốc cực thịnh về kinh tế cũng như văn hoá, kéo dài từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ IV. Khusana là một đế quốc đa chủng, vì thế cũng có nhiều ngôn ngữ khác nhau thuộc vào loại ngôn ngữ Ấn-Âu, rất gần với các loại tiếng Phạn được phổ biến trong vùng Cachemire và Bắc Ấn thời bấy giờ.

Phật giáo phát triển rất mạnh trên toàn lãnh thổ Khusana của vùng Tây Á và gồm có các học phái như Pháp tạng bộ (Dharmaguptaka), Nhất thiết hữu bộ (Sarvastivadin) và Kinh lượng bộ (Sautrantrika). Lịch sử Phật giáo Trung quốc ghi chép vào năm 67 có hai vị sư người Ấn đã đưa Phật giáo vào Trung quốc, tên của các vị này có vẻ Ấn độ nhưng theo các học giả Tây phương thì các vị ấy là người vùng Tây vực. Dù sao thì vào giai đoạn đầu, việc hoằng Pháp ở Trung quốc phần lớn là do hàng tăng lữ người Tây Á và Ấn độ đảm trách.

Trên toàn lãnh thổ Khusana, đền chùa, tu viện được xây dựng khắp nơi, và ngày nay người ta khám phá ra vô số những hang động, nhất là dọc theo con đường tơ lụa, chứa nhiều di tích Phật giáo, từ tranh vẽ trên vách đá đến các mảnh đất sét ghi chép kinh Phật và vô số điêu khắc đủ loại, điển hình hơn cả là pho tượng Phật khổng lồ lớn nhất thế giới tạc trong vách núi ở Bamiyan (vào khoảng năm 250) thuộc vùng Gandhara (Apganixtan ngày nay), mà gần đây đã bị người Taliban đặt mìn phá hủy. Khusana có một nền văn hoá Phật giáo rất đặc biệt, ảnh hưởng từ các nền văn hoá Ấn độ, Hy lạp và cả I-ran.

Đường nét điêu khắc Hy lạp ảnh hưởng rõ rệt trên vô số các tượng Phật. Gương mặt của các pho tượng Phật mang nét mặt người Âu châu hoặc người Cận đông. Các ảnh tượng và chạm nổi cũng rập khuôn với nghệ thuật Hy lạp. Bảo tàng viện Phật giáo Guimet ở Paris có một bộ sưu tập khá phong phú về những pho tượng này. Vùng khảo cổ Hadda trong hẽm vực Khyber gần Jalalabad thuộc vùng lãnh thổ Gandhara, ngày nay thuộc Apganixtan, được khám phá vào thế kỷ XIX, nhưng các công trình khai quật và khảo cứu chỉ bắt đầu từ năm 1922. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy trên 23 000 điêu khắc Phật giáo, hơn 500 bảo tháp và các di tích khác. Nhà sư Pháp Hiền (thế kỷ thứ IV) và Huyền Trang (thế kỷ thứ VII) có kể chuyện vể Hadda trong hồi ký du hành sang Ấn độ của các vị ấy và gọi nơi này là Hi-lô.

Tuy nhiên sau đó, từ thế kỷ thứ XI, những đạo quân xâm lược người Thổ nhĩ kỳ theo Hồi giáo đã san bằng nền văn minh Khusana. Mahmud al-Kasghari (1005-1102) là một đại văn hào Thổ nhĩ kỳ rất được tôn kính ngày nay, và cũng là một trong những học giả uyên bác về ngôn ngữ Thổ. Ông đã để lại một gia tài văn học lớn lao, trong đó có một quyển tự điển góp nhặt những bài thơ tứ tuyệt, một thể loại tiêu biểu của nền văn học Thổ nhĩ kỳ vào thời bấy giờ. Trong quyển tự điển ấy người ta tìm thấy một bài thơ đánh dấu sự suy tàn của Phật giáo trong vùng Tây vực:

 Chúng ta tràn vào như thác đổ
Chúng ta xuất hiện từ những nơi thành phố
Chúng ta tàn phá hết các chùa chiền Phật giáo
Chúng ta trát phân lên những ảnh tượng của Phật

Nhưng đồng thời cũng có một bộ tộc thiểu số người Thổ nhĩ kỳ là Duy-ngô-nhĩ (Ouïgour) nói một thổ ngữ cùng loại với ngôn ngữ chính thức Thổ nhĩ kỳ, nhưng họ lại theo Phật giáo và đã từng xây dựng được một nền văn học Phật giáo đáng kể.

Từ thế kỷ thứ VIII đến thế kỷ thứ XII, người Thổ nhĩ kỳ thuộc giống dân Duy-ngô-nhĩ sinh sống trong lãnh thổ Turkestan mà ngày nay đã trở thành vùng Tây cương của Trung quốc, họ theo Phật giáo và đã sử dụng một loại ngữ tự Thổ nhĩ kỳ để dịch thuật nhiều kinh sách, nhưng hầu hết các kinh sách ấy đã thất lạc chỉ còn lưu lại một số rất ít. Tuy rằng ngày nay hầu hết trong số họ đã trở thành người Hồi giáo, nhưng vẫn còn một nhóm nhỏ mà người ta thường gọi là dân Duy-ngô-nhĩ da vàng, sinh sống trong vùng lãnh thổ Cam túc thuộc Trung quốc, còn giữ được tín ngưỡng Phật giáo. Cách nay không lâu họ vẫn còn dùng kinh sách bằng thổ ngữ trên đây để tụng niệm, tuy nhiên các thế hệ trẻ sau này không còn nói được thổ ngữ này nữa.

Các đạo quân Mông cổ khi chinh phạt và chiếm đóng vùng Tây cương đã trưng dụng các nhà sư Duy-ngỗ-nhĩ để ghi chép sổ sách và lịch sử của họ như là một ngôn ngữ chính thức. Một biến cố hết sức bất ngờ và cũng hơi khó hiểu là một thời gian dài sau khi đế quốc Mông cổ đã sụp đổ, thì vào những thế kỷ XVII và XVIII nhà Thanh thuộc hoàng triều Mãn châu chủ trương và khuyến khích dịch thuật các kinh sách Phật giáo ra tiếng Mông cổ, dựa vào toàn bộ kinh điển Tây tạng gồm 108 bộ kinh điển (Kanjur) và 240 bộ luận giải (Tanjur). Quyết định này của nhà Mãn châu tỏ ra khá khó hiểu, vì hàng tăng lữ Mông cổ từ lâu đã quen dùng thẳng ngôn ngữ Tây tạng để học hỏi, trước tác và tụng niệm. Đồng thời họ cũng sáng chế ra một loại ngữ tự song song và tương tợ với tiếng Tây tạng để sử dụng. Loại ngữ tự này về sau đã trở thành một ngôn ngữ riêng biệt mang nhiều đặc tính văn chương với các quy luật về ngữ pháp rõ rệt và ngày nay vẫn còn được sử dụng trong vùng lãnh thổ Nội Mông.

Trường hợp của Phật giáo ngày nay ở Tây phương :

Như đã được trình bày sơ lược qua các trường hợp điển hình trên đây, Phật giáo đã trải qua nhiều thăng trầm trong quá trình lịch sử của Á châu. Phật giáo đã đem đến ngữ tự và văn minh cho nhiều dân tộc, nhưng cũng có nhiều ngôn ngữ chuyển tải Đạo Pháp đã hoàn toàn trở thành cổ ngữ hoặc đã mai một, nhiều nền văn hoá kể cả một số sắc tộc và quốc gia thấm nhuần Đạo Pháp cũng đã biến mất. Trong quá trình lịch sử của bất cứ một quốc gia nào ở Á châu, Phật giáo đều đã từng chịu đựng những sự ngược đãi nặng nề, từ Trung quốc đến Nhật bản, từ Tây tạng đến Thái lan và cả Việt Nam… Có những thời kỳ Phật giáo gần như biến mất dưới áp lực của những hệ thống tư tưởng khác, chẳng hạn như Khổng giáo, Lão giáo…, hoặc vì va chạm với thần quyền, chẳng hạn như Thần đạo ở Nhật bản, hoặc vương quyền hay các sức mạnh cầm quyền khác.

Nhưng lịch sử đã cho thấy những người Phật giáo chân chính không bao giờ dựa vào thần quyền hay xu nịnh vương quyền, hoặc ngả theo bất cứ một sức mạnh nào, vì Phật giáo đặt hạnh phúc và sự giải thoát của con người lên trên tất cả. Tinh thần bất bạo động, lòng từ bi hiển hiện trong tim, thoát ra từng lời nói và từng cử chỉ của người Phật tử là sức mạnh của Phật giáo, nhưng đồng thời cũng là một chiếc gậy đưa cho kẻ khác để đánh lại mình.

Thế kỷ XX là một thế kỷ tại hại nhất cho Phật giáo. Từng là một tín ngưỡng lớn nhất của nhân loại trong các thế kỷ trước, Phật giáo đã tụt xuống hàng thứ tư. Chỉ xin đơn cử một vài thí dụ nhỏ, chẳng hạn như Tây tạng vào năm 1959 có số tăng lữ hơn 100 000 người và có hơn 6 000 ngôi chùa, đến năm 1990 chỉ còn 400 nhà sư và 30 tu viện còn nóc. Ngày nay vài ngôi chùa được xây dựng lại, tăng lữ đông hơn, nhưng không thể so sánh với thời kỳ trước 1959. Một thí dụ khác là vào những năm 1930 đến 1960, Phật giáo Mông cổ bị ngược đãi và gần như hoàn toàn biến mất.

Nhưng đồng thời lại có những sự kiện khá lạ lùng đã xảy ra, chẳng hạn như khi Phật giáo của cả vùng Tây Á bị suy tàn vào thế kỷ thứ V thì Phật giáo ở Trung quốc bước vào thời cực thịnh kể từ thế kỷ thứ VI. Khi Phật giáo Ấn độ bắt đầu suy tàn vào thế kỷ thứ IX và thứ X vì giặc Hung nô và Hồi giáo thì hàng tăng lữ bỏ lên Tây tạng để phục hưng nền Phật giáo cho quốc gia này, vì lúc đó Phật giáo Tây tạng đã gần như bị tận diệt dưới sức mạnh của vương quyền. Khi Phật giáo biến mất ở Ấn độ vì các đạo quân xâm lược Hồi giáo vào đầu thế kỷ XIII, thì những nhà sư sống sót bỏ trốn lên Tây tạng hoặc đem Đạo Pháp đến những nơi khác. Ngày nay Phật giáo chịu nhiều khó khăn ở Tây tạng, thì hàng tăng lữ Tây tạng lại di tản và phát triển Phật giáo ở Tây phương.

Phật giáo tuy mới chớm nở ở phương Tây, nhưng vô cùng vững chắc vì được thừa hưởng một nền văn hoá và khoa học tân tiến. Nền triết học duy lý và lâu đời cũng như ngôn ngữ Tây phương rất thích nghi với Phật giáo. Kinh sách dịch sang ngôn ngữ Tây phương hết sức chính xác và dễ hiểu, chẳng hạn như một từ rất thông thường là interdependance dùng để diễn tả khái niệm của Phật giáo về sự tương liên giữa tất cả mọi hiện tượng, thì thật hết sức dễ hiểu so với các từ như duyên sinh, duyên khởi, nhân duyên sinh trong kinh sách gốc Hán dùng để chỉ cùng một khái niệm.

Một số ngữ tự tiếng Phạn được dùng thẳng và đã đi vào ngôn ngữ dân gian ở phương Tây, chẳng hạn như những chữ nirvana, karma, samsara… Hình ảnh trong sáng, trầm tư và siêu thoát của gương mặt Đức Phật đã dần dần thay thế hình ảnh khổ não, đọa đày và đau thương của một vị sáng lập một tôn giáo lâu đời khác, vì hình ảnh này không còn đủ sức làm xúc động người Tây phương nữa. Trái lại hình ảnh các nhà sư ngồi thiền kể cả chữ Zen của Phật giáo Nhật bản cũng đã bị lạm dụng để dùng vào việc quảng cáo trên truyền hình và sách báo hàng ngày.

Tuy rằng vị thế vững chắc của Phật giáo trong các xã hội Tây phương không còn đặt thành vấn đề, nhưng các học giả, triết gia và các nhà xã hội học vẫn tự hỏi là một nền Phật giáo nào đây sẽ dành cho Tây phương ? Thật vậy, có rất nhiều chuyên gia và học giả nêu lên vấn đề này, vì họ vẫn thắc mắc khi nhìn vào tính cách đặc thù của các nền Phật giáo Á châu, chẳng hạn như Phật giáo Trung hoa, Nhật bản, Thái lan, v.v. Một nền Phật giáo cho Tây phương rất có thể đặt thành vấn đề trong tương lai, nhưng hiện nay khoảng hai phần ba Phật tử Tây phương tu tập theo Phật giáo Tây tạng, khoảng một phần ba tu tập theo Thiền học Nhật bản, Phật giáo nguyên thủy chiếm một phần nhỏ còn lại, các học phái khác hình như không đủ sức thu hút người Tây phương, có lẽ không có các vị thầy giỏi (?).

Chỉ cần đơn cử một thí dụ nhỏ như sau để hiểu sự phát triển trội hẳn của Phật giáo Tây tạng trong thế giới Tây phương. Một tỳ kheo Tây tạng muốn đỗ bằng tiến sĩ Phật học gọi là geshe để đủ tư cách trở thành một vị thầy thì phải theo học một chương trình thật khắt khe và chi tiết, kéo dài 31 năm liền không được thi hỏng, nếu hỏng môn nào hay khoá nào thì phải học lại. Đức Đạt-lai Lạt-ma cũng đã đỗ bằng geshe như vừa kể. Vì những điều kiện khắc khe như thế mà hiện nay Tây phương thiếu thầy, và có nhiều nhà sư Tây tạng được đề cử giữ chức vị đó mặc dù chưa học xong tiến sĩ. Có lẽ cũng vì thế mà hiện nay Phật giáo Tây tạng đang có khuynh hướng rút ngắn chương trình thi cử của bằng tiến sĩ Phật học.

Kết luận

Bài viết có vẻ như ôm đồm và tham lam vì đưa ra một số dữ kiện và chủ đề quá rộng, và những dữ kiện đó lại không có tính cách đồng nhất.  Tuy nhiên chẳng qua cũng vì bài viết chỉ muốn nhắm vào mục đích đề nghị một tầm nhìn theo chiều rộng liên quan đến sự phát triển của Phật giáo qua không gian và thời gian, và theo chiều sâu xuyên qua ngôn ngữ và văn hoá của một vài dân tộc Á châu. Nếu một số sự kiện hiển nhiên được đưa ra thì đồng thời cũng có nhiều câu hỏi và thắc mắc được nêu lên, và nhất định sẽ có nhiều học giả và sử gia không đồng ý với một số dữ kiện được trích dẫn. Dù sao thì bài viết cũng không phải là một bài khảo cứu uyên bác có tham vọng giải quyết các thắc mắc hay đề nghị các câu trả lời, hoặc bênh vực bất cứ một giả thuyết nào, vì mục đích của bài viết rất hạn hẹp chỉ muốn dựa vào một số dữ kiện để tìm lấy một tầm nhìn như vừa nêu lên trên đây. Tầm nhìn ấy có thể giúp ý thức được tính cách vô thường của Đạo Pháp qua không gian và thời gian và qua cả lòng người, vì chính Đạo Pháp cũng chỉ là một hiện tượng trong vũ trụ này. Nhưng đồng thời tầm nhìn linh động đó biết đâu cũng có thể giúp nhìn thấy lợi ích của một nền tín ngưỡng lâu đời đã từng mang đến ngữ tự, văn hoá, văn minh và lịch sử cho một số dân tộc Á châu.

Nhìn qua những đổi thay và biến động của các ngôn ngữ chuyển tải Đạo Pháp, người ta cũng có thể hình dung được quá trình phát triển và những thăng trầm của Phật giáo. Nếu một dân tộc không đủ sức bảo tồn được văn hoá và hoài bảo của mình thì không thể nào tạo dựng được một hệ thống triết học và tư tưởng mạch lạc, phản ảnh và tiêu biểu cho dân tộc ấy. Việc bảo tồn này chỉ có thể thực hiện được bằng ngôn ngữ và chữ viết. Trước khi xảy ra «biến cố» Phật giáo mà Đức Phật đã đem đến cho nhân loại cách nay hơn hai ngàn năm trăm năm, chưa có ngữ tự nào có sẵn từ trước đủ sức để ghi chép cũng như diễn đạt tư tưởng thâm sâu của Đạo Pháp, kể cả loại Phạn ngữ cổ mà đạo Bà la môn dùng để hệ thống hoá những câu thần chú thiêng liêng trong kinh Vệ-đà. Nhưng thật lạ lùng, Đức Phật không hề viết một câu nào, nhưng chính vì thế mà những lời giảng của Ngài đã vượt qua không gian và thời gian, lúc nào cũng sinh động, làm phát sinh không biết bao nhiêu loại ngữ tự và tạo ra thật nhiều nền văn hoá khác nhau, giúp cho Đạo Pháp ngày càng phong phú. Phật giáo khác với một số những truyền thống khác vì không bị gò bó trong những văn bản bất di dịch ngày càng trở nên lỗi thời.

 Lòng từ bi mong mỏi được phổ biến những lời giảng huấn của Phật đến những người đồng loại là động cơ thúc đẩy việc trước tác và dịch thuật kinh sách trong suốt quá trình lịch sử Phật giáo. Việc luận giải và dịch thuật từ ngàn xưa từng là một đặc thù của tín ngưỡng Phật giáo và ngày nay vẫn còn là một mối quan tâm lớn lao cho những người con Phật. Nếu công việc dịch thuật ảnh hưởng sâu đậm đến các sinh ngữ ngày nay từ phương Đông cho đến phương Tây, thì công việc luận giải đã làm phong phú thêm tư tưởng Phật giáo trong các nền văn hoá cổ xưa và cả hiện đại. Không phải hiếm khi thấy những học giả Tây phương về Phật giáo học hỏi tiếng Phạn, tiếng Hán, Tiếng Nhật, tiếng Pa-li…và hy sinh đời mình trong việc dịch thuật, đồng thời họ cũng đóng góp thêm các trước tác và các công trình nghiên cứu của họ vào các nền văn hoá Tây phương. Nói chung Phật giáo từ ngàn xưa luôn luôn giữ được truyền thống nhưng vẫn tiếp tục mở rộng và cập nhật sự hiểu biết trong những bối cảnh mới.

                                                                                                                                                        Hoang Phong; Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 71

 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here