Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Sứ mạng Phật học trong việc kiến tạo nền văn hóa

Sứ mạng Phật học trong việc kiến tạo nền văn hóa

144
0

Song song với nhịp điệu này, Phật giáo từ chỗ bị lãng quên lại được chú trọng, bước lên ngang hàng với kết cấu văn hóa đa nguyên, càng ngày càng được xem trọng bởi các thành phần tri thức trong xã hội. Đứng từ góc độ xây dựng một nền văn hoá lý tưởng, Phật giáo đặc biệt là nội dung tư tưởng văn hóa – Phật học, mang một sứ mạng vô cùng trọng đại trong việc xây dựng nền văn hóa trong buổi giao thời giữa hai thế kỷ, loé hiện một viễn cảnh huy hoàng xán lạn.

Từ triều đại Thương Chu cho đến ngày nay, văn hoá Trung Quốc phát triển trong sự đấu tranh mâu thuẫn giữa chính sách chuyên chế của văn hóa nhất nguyên và thực tế tồn tại của văn hóa đa nguyên. Một khi văn hóa nhất nguyên phát triển mạnh, thì văn hóa xã hội sẽ vì thế mà bị xơ cứng và đi đến sụp đổ. Cục diện cạnh tranh của văn hóa đa nguyên trong thời kỳ này là tất yếu, để trở thành thời đại hoàng kim phồn vinh thịnh vượng. Phật giáo là một văn hóa ngoại lai, xuất hiện ở Trung quốc khi Nho học thoái hóa vào thời Nho học chuyên chế đời Tây Hán, khi mà xã hội đang chìm ngập trong hoàn cảnh của nguy cơ tín ngưỡng. Từ khi Phật giáo từ phương Tây truyền vào Trung Quốc, đã mang đến cho truyền thống văn hóa Trung Quốc sự khởi phát mạnh mẽ về thái độ, phương pháp tư duy mới về nhân sanh và phương thức sống, khiến cho những địa hạt văn hoá khô cằn trì trệ trở nên phơi phới tràn đầy sức sống, thúc đẩy sự cải cách sáng lập của Đạo giáo và sự ra đời của tân Nho học, đó là Ngụy Tấn huyền học và Tống Minh lý học, hình thành kết cấu văn hóa tam giáo Thích–Nho-Đạo. Sau khi văn hóa chuyên chế Nho học phát triển mạnh trở lại, thì Thích–Nho-Đạo và cả xã hội phong kiến Trung Quốc dần dần trở nên bế tắc không lối thoát, cuối cùng thì văn hóa Tây Phương ồ ạt mở đường, phá tan cục diện nặng nề mà Lỗ Tấn tỉ dụ là “nhà sắt then gài”, khiến Trung quốc trở lại thời kỳ trăm nhà đua tiếng của thời đại Xuân Thu chiến quốc, Tùy, Đường, Ngụy và Tấn. Phật giáo bị suy vong đến cùng cực, nhưng trong thời kỳ rối ren của sự gặp gỡ giữa hai nền văn hóa Đông – Tây lại được phục hưng. Bấy giờ nhân tài đông đảo, nhiều học thuyết lần lượt ra đời, nhiều phương pháp cải cách đổi mới đồng thời xuất hiện. Tư tưởng của các học thuyết và phương pháp hoằng truyền lại xuất hiện dưới hình thức và nội dung mới mà trước đây chưa từng thấy, mang màu sắc của sự tái xuất hiện Phật giáo thời đại nhà Đường.

Phật giáo Trung Quốc trong thời kỳ đổi mới phục hưng, trong những cuộc chiến loạn của đại lục, trong sự phá hoại nhiễu loạn của những nghịch duyên “cải cách văn hóa”, đã bị những thương tổn nặng nề, và đã từng đối diện với nguy cơ của sự diệt vong. Thế nhưng ở Hương Cảng, Đài Loan, tinh thần nhân gian Phật giáo trong suốt thập niên 20 đã bước đi từng bước vững chắc và trở nên phong phú đa dạng nhiều màu sắc, mang lại cho hơn 1/3 người dân trong xã hội sức mạnh của niềm tin và sự sùng mộ, trở thành một trong những vai trò chủ yếu của văn hóa đa nguyên. Cục diện bế quan tỏa cảng của đại lục (Trung Quốc-BTT) cuối cùng cũng được mở cửa, theo đó mà trở về với chính thống, cải cách mở cửa, tư tưởng văn hóa lại xuất hiện một không khí ấm áp của trăm hoa đua nở trăm nhà đua tiếng, làm điểm mốc cho lịch sử Trung quốc bước vào một thời đại văn hóa huy hoàng. Sự giống nhau giữa giới tư tưởng Trung quốc cuối thế kỷ và đầu thế kỷ là ở chỗ làm kinh đông lòng người. Người dân Trung quốc nhờ tấm lòng rộng mở, đã thâu nạp tất cả học thuyết Hải ngoại, làm cho truyền thống tư tưởng Bách gia phục hưng trở lại, mở rộng tầm nhìn để cải cách tư duy. Chuyên chế Nho học đã trở thành quá khứ, mấy mươi triệu lòng người đã sản sinh tín ngưỡng về “chân không”.

Sự bảo đảm pháp luật của tự do tín ngưỡng tôn giáo đã mang đến cho Phật giáo cơ hội phục hưng. Mười mấy năm trở lại, Phật giáo ở đại lục dần dần hồi phục, đã có số lượng Tòng lâm tự viện lớn, hơn hai mươi Phật học viện, hai mươi mấy chủng loại tạp chí Phật giáo, đào tạo Tăng tài với số lượng khả quan, đặt nền tảng vững chắc hơn cho sự phát triển và chấn hưng. Phật học là yếu tố quan trọng của truyền thống văn hóa Trung quốc, ngày càng được xem trọng. Nghiên cứu Phật học từ chỗ bị xem nhẹ đã trở thành sự quan tâm chú ý của rất nhiều người, không ít thành phần trí thức thuộc giới khoa học tự nhiên và khoa học xã hội nhân văn đã chuyên tâm nghiên cứu sâu về Phật học. Hàng trăm thành phần tri thức Phật giáo có phẩm cách độc lập đã được hình thành. 

Nhìn từ phạm vi toàn cầu, Phật giáo càng có cơ hội tốt nhất trong việc hoằng truyền và chấn hưng. Cuộc cách mạng Tư bản chủ nghĩa và khoa học kỹ thuật công nghiệp đã đánh tan cục diện văn hóa nhất nguyên của Cơ đốc giáo có mặt từ lâu ở Tây phương. Phật giáo được truyền nhập vào các nước Âu Mỹ gần một trăm năm nay, đã bước đi từng bước trong sự phát triển ổn định, đặt nền móng vững chắc cho Phật giáo mai hậu. Tai nạn do hai lần đại chiến thế giới và cuộc đấu tranh giai cấp gây ra cho nhân loại toàn cầu, khiến cho những người thuộc văn hóa Tây phương phản tỉnh một cách sâu sắc rằng văn minh khoa học cận đại cho đến văn hóa Hi Lạp cổ và Cơ đốc giáo“đã chết ở Thượng đế”, văn hóa Tây phương đã trở nên thất vọng trong việc cứu thế và phụng hiến cho khoa học. Đối với việc kỳ vọng văn hóa Đông phương cứu vớt nhân loại ra khỏi những khủng hoảng bế tắc của tâm lý, thì Phật giáo là niềm hi vọng duy nhất. Sau thập niên 80, theo đà quá độ của vật chất hóa và sự phản tỉnh của công nghiệp hóa đã thâm nhập đến trào lưu hiện đại và sự cân bằng của sinh thái, đã làm cho trào lưu hồi qui tôn giáo ở một số quốc gia đã trở nên lớn mạnh như một làn sóng. Hương Cảng, Đài Loan cùng với đại lục Trung Quốc trước sau đều hòa nhập vào tư triều toàn cầu tính, hình thành một Phật giáo được phục hưng với thế cục lớn mạnh.

Tiến sĩ Thang Nhân Bỉ dùng cách nhìn của nhà lịch sử học, sau khi thực hiện một cuộc khảo sát lịch sử văn minh nhân loại, đã rút ra kết luận, sự phát khởi tôn giáo là suối nguồn sức sống của các văn minh nhân loại, suối nguồn sức sống của xã hội vị lai tất nhiên cũng là tôn giáo, tôn giáo này phải thỏa mãn những nhu cầu mới của nhân loại. Ông nói rằng, thỏa mãn những nhu cầu mới của nhân loại, chính là làm thỏa mãn tinh thần khoa học và tinh thần triết học của loài người, vừa có thể cứu vớt những nguy hại của phương Tây, vừa có thể cứu giúp những cảnh cùng đường tuyệt lối của Đông phương. Điều đó có thể giúp chúng ta biện rõ và khắc phục sức mạnh của các tội ác do tham dục dẫn đầu, uy hiếp nghiêm trọng sự sinh tồn của con người. Trong việc xây dựng lại một nền văn hoá đa nguyên, thì Đại thừa Phật học gánh vác một trọng trách đặc thù, chủ yếu biểu hiện những phương diện sau đây:

1. Văn minh tự giác cao độ:

Mấy trăm năm gần đây, văn hoá nhân loại đặc biêt là sự phát triển của văn minh vật chất càng ngày càng nhanh, nhưng nhìn từ chỉnh thể, hoạt đông của sáng tạo văn hóa nhân loại dường như đang còn trong trạng thái mù quáng, bị sự ép buộc của lực lượng văn hóa dị biệt, không ngừng chinh phục tự nhiên và giải quyết những mâu thuẫn giữa tự nhiên giới với con người. Kết quả là vật chất tài phú tuy tăng lên rất mạnh, nhưng lại chiêu cảm sự báo thù vô tình của giới tự nhiên,dẫn đến sự mất cân bằng của sinh thái, do đó mâu thuẫn giữa con người càng trở nên gay gắt, không ăn nhập gì với “tinh thần nhà vườn”của chính mình. Đối với những câu hỏi “làm thế nào”tuy đã có nhiều giải đáp, nhưng đối với câu hỏi “tại sao”lại còn tỏ ra mờ mịt không hiểu bằng người xưa; đối với đường lối, mục đích sáng tạo văn minh, hậu qủa của việc sáng tạo hoạt động, và đối với chỗ đứng của tự thân trong vũ trụ, thì nhân loại mất đi sự tự giác sáng suốt, cũng thiếu mất năng lực khống chế hoạt động sáng tạo của tự thân. Đây là sự thiếu sót đáng tiếc lớn nhất của văn minh nhân loại. Trong lúc đó, giá trị tuyệt hảo của Phật giáo, đầu tiên là ở chỗ dùng trí tuệ siêu việt khai sáng thiền học, xem toàn vũ trụ là trung tâm điểm, trầm tĩnh nhìn vào địa vị con người trong vũ trụ và vấn đề căn bản của nhân sanh, chỉ rõ ra chỗ chưa hoàn bị của nhân sanh, mục đích cuối cùng là phá tan những thống khổ trước mắt mà hướng đến hạnh phúc vĩnh hằng. Những mâu thuẫn giữa người với người, giữa người với tự nhiên tuy là những chướng duyên trực tiếp làm chướng ngại thực hiện mục tiêu của nhân loại, nhưng hai loại mâu thuẫn này cũng chính là điểm tựa làm bàn đạp để giải quyết những mâu thuẫn cơ bản. Chỉ cần thực hiện những thay đổi hoàn mãn của tự thân, thì tất cả những mâu thuẫn tự nhiên sẽ được giải quyết hoàn toàn, bấy giờ hạnh phúc vĩnh hằng của mục tiêu văn minh mới được thực hiện. Nếu chỉ biết hướng ngoại tìm cầu trong khi mang hoài bảo chinh phục tự nhiên, thì khó mà giải quyết được những mâu thuẫn tự nhiên, do vậy mà không thể thoát khỏi những khổ đau triền miên. Trí tuệ quán triệt được đại thể của nền văn minh Phật học, là cái gốc an thân lập mệnh của toàn nhân loại, có khả năng mang lại cho con người cái gọi là khả năng quan sát những hoạt động sáng tạo của văn hóa, phản tỉnh tự thân để giải quyết ba mối quan hệ lớn, con người với chính mình, người với người, người với tự nhiên.

2. Như thật giác tri đối với tự tâm và tự ngã:

Trong tương lai việc tìm hiểu thân tâm của chính mình, hay là chân chánh đi tìm cầu chính mình, chắc chắn sẽ được triết học và khoa học coi trọng bởi. Phật học dùng “như thật tri tự tâm”để giải quyết những vấn đề căn bản tồn tại của nhân loại. Phật học không những tỉ mỉ phân tích giải thích đối với tám thức, 55 tâm sở của tâm lý con người, mà còn biện minh được chân tướng của chân ngã giả ngã. Thêm vào đó còn có sự chứng nghiệm của thiền định có thể khống chế tham vọng của tâm, tự tịnh tâm và tự nhận thức được bổn tâm, thể chứng được sự đặc thù của tự ngã, nhờ đó mà thấu triệt vô minh, phát hiện được tự ngã chân chánh. Tinh thần này tất yếu sẽ được xem trọng, đề xướng để nhằm giải quyết những sa đọa về đạo đức của nhân loại trong hiện tại và tương lai.

3. Nhân văn chủ nghĩa, khoa học tinh thần:

Tinh thần của Đại thừa Phật học siêu việt lên mọi giới hạn của không gian thời gian, cực lực đề cao tinh thần tất cả chúng sanh đều bình đẳng, đều có Phật tính, nhấn mạnh tinh thần xem tự thân là “hải đảo”, xem pháp là chỗ quay về, chủ trương y vào sức mạnh của chính mình, nương vào chân lý tự thanh lọc thân tâm để tự giải thoát chính mình, và bình đẳng phổ độ chúng sanh. Tinh thần chủ nghĩa nhân văn là tôn trọng và quan tâm cao độ đối với chúng sanh, trong các tôn giáo được gọi là độc nhất vô nhị, rất dễ được toàn nhân loại thừa nhận. Tính chất triết lý của Phật học không ngừng được khoa học phát hiện và tán thành, bởi vì tư duy và phương pháp thực chứng của Phật giáo khế hợp với khoa học. Đặc tính phi hữu thần luân, xem trọng lý trí chứng nghiệm và tinh thần chủ nghĩa nhân văn của Phật học, có thể nói là siêu việt tôn giáo, rất có khả năng thích ứng và thỏa mãn nhu cầu tôn giáo của nhân loại trong thời đại khoa học. Sự hoàn thiện của Phật học trong việc xem nhẹ cuộc sống vật chất, đề cao việc nắm vững tri thức kỹ thuật “ngũ minh”, đặc biệt là công xảo minh để lợi ích chúng sanh có thể bổ sung và cứu vớt sự phát triển phiến diện của văn minh khoa học Tây phương.

4. Trí tuệ siêu việt:

Cho đến hôm nay, rõ ràng nhân loại vô phương trong việc khống chế những tâm lý như hận thù, tật đố, tàn nhẫn, tham dục và hàng loạt các loại tội ác khác. Đó chính là nguyên nhân căn bản của thảm họa chiến tranh. Hầu hết các loại văn hóa và học thuyết tuy rằng đã đưa ra các phương pháp chữa trị những căn bệnh thâm căn cố đế của con người, nhưng không thể chữa trị tận nguồn gốc của căn bệnh. Phật học dùng huệ nhãn để nhìn lại tự tâm, nhìn thẳng vào bản chất của những tâm lý tham dục ngu si ngã mạn tật đố, và thiết lập trí tuệ Bát Nhã siêu việt, có khả năng chuyển hóa ngũ độc phiền não thành Giới Định Huệ, có thể khắc phục được tội ác của nhân loại. Phật học còn dùng trí tuệ Bát Nhã để thống nhất lý trí với tình cảm, chủ trương vô duyên đại bi, không trú tướng bố thí, hành những hạnh khó hành, hi sinh phụng hiến, phát tinh thần tinh tiến dõng mảnh “ta không vào địa ngục thì ai vào địa ngục”

5. Kết cấu đa nguyên đa tầng và tinh thần khế lý khế cơ:

 Kết cấu Phật học không đồng với những tôn giáo khác. Phật học là lập thể kết cấu đa nguyên đa tầng. Nội dung rộng lớn, pháp môn đa dạng, trong quá trình hoằng truyền đã hình thành nhiều bộ phái với phong cách không đồng, vừa chú trọng thực hiện cải thiện nhân sanh, lại vừa chú trọng siêu việt nhân sanh, liễu sanh thoát tử; vừa chú trọng nương vào tự lực giải thoát theo tinh thần của nhị thừa và thiền tông, lại vừa xem trọng sự cứu độ của tha lực theo tinh thần Tịnh độ tông và Mật tông; vừa có triết lý thâm sâu, tư biện nghiêm mật, có các học phái như Duy thức Trung Quán, Hoa Nghiêm, Thiên Thai mà chỉ có bậc thượng trí mới có thể thâm hiểu, lại có hình tượng Bồ tát Quán Thế Âm có thể thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng cho tầng lớp bình dân. Phật học còn nhấn mạnh thuyết Pháp giáo hóa cần phải khế lý khế cơ, điều này khiến Phật giáo luôn tùy duyên uyển chuyển, thích ứng với mọi hoàn cảnh. Phật học còn có tinh thần chủ trương viên dung và không tranh chấp, biết hấp thụ một cách có chọn lọc và sáng tạo những tinh hoa văn hóa khác. Tính chất viên dung, bao dung và ứng biến của Phật giáo chính là chỗ vượt trôi nổi bật so vơí những nền văn hóa khác. Điều này đã khiến Phật giáo được truyền bá đi khắp năm châu một cách ôn hòa, ít bị trở ngại lực, nghiễm nhiên trở thành bậc Thầy minh triết cứu tinh cho toàn nhân loại.

Nói tóm lại, Phật học lấy đề tài vĩnh hằng của văn minh nhân loại làm trung tâm, là tinh thần siêu việt không gian thời gian, có thể giải quyết những căn bản về trí tuệ và kỹ thuật của văn minh, bao hàm tính chất tôn giáo khoa học và triết học mà lại vừa siêu việt tính chất tôn giáo khoa học và triết học. Tính chất đặc biệt và ưu thế văn hóa của Phật học đã khiến cho Phật giáo dù có trải qua vô tận của thời gian cũng vẫn luôn mang lại cho con người cảm giác vô cùng mới mẽ, cho nên Phật giáo đủ tư cách gánh vác sứ mạng trọng đại trong việc xây dựng lại một nền văn hóa cho toàn nhân loại trong tương lai.

Người xưa nói rằng: người hoằng dương đạo, chẳng phải đạo hoằng dương người. Xây dựng, hoằng dương một nền Phật học hiện đại có khả năng gánh vác trọng trách xây dựng kiến tạo một nền văn hóa mới cho thế giới trong tương lai, mấu chốt là ở chỗ cần số đông người nghiên cứu thăm dò thực tiễn. Để có thể hoàn thành sứ mạng trọng trọng đại ấy, thời gian ít nhất phải trải qua mười năm. Bên cạnh đó, điều cần yếu bậc nhất là phải nhanh chóng bồi dưỡng một số lượng lớn nhân tài thật sự có đức hạnh, có trách nhiệm với sự nghiệp hoằng dương Phật pháp. Đây là nhiệm vụ cấp thiết nóng bỏng trước mắt được đặt ra cho giới tri thức, giới Phật giáo Trung quốc nói riêng và toàn cầu nói chung. /.

Hương Trí dịch

 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here