Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Sử liệu về Thiền sư Như Sơn

Sử liệu về Thiền sư Như Sơn

169
0

Đầu tiên xin trưng dẫn tấm bia bốn mặt tại chùa Hòe Nhai Hà Nội có tiêu đề Trùng tu Hòe Nhai phường Hồng Phúc tự bi minh 重修槐街坊洪福寺碑銘 (bài minh khắc trên bia nói về việc trùng tu chùa Hồng Phúc phường Hòe Nhai) do Hà Tông Mục soạn năm Chính Hòa 19 (Mậu Dần 1698). Một mặt của bia là   bài minh ca tụng công đức, trong đó dòng cuối ghi như sau: “Sơn Nam Kiến Xương Chân Định Hương Ngải Tưởng Hữu Kiên tự Như Sơn kính tả thử hồi”1 nghĩa là Tưởng Hữu Kiên, tự Như Sơn2, người Hương Ngải, Chân Định, Kiến Xương, Sơn Nam3 kính chép hồi này. Đoạn đó cung cấp thế danh cùng quê quán của thiền sư. Bia do sư chép chữ mà loại chữ đó khá sắc sảo, để biết tài thư pháp của người.

Bản in Pháp giới an lập đồ do chùa Linh Quang (Bà Đá) thực hiện năm Minh Mệnh 21 (Canh Tý 1840); bản đó dựa vào bản in năm Bảo Thái 5 (Giáp Thìn 1724), đầu sách có bài tựa của Thiền sư Như Sơn và cuối bài tựa có dòng: “Hòa thượng Tăng thống Chính Giác tự Chân Nguyên phái Trúc Lâm chùa Long Động núi An Tử đã giao phó và khéo giúp đỡ thầy Sa-di chùa Tường Quang ở Đông Sơn tự Như Sơn in lại”4. Bản in được thực hiện do sự dặn dò của Thiền sư Chân Nguyên chùa Long Động5 và lúc đó Thiền sư Như Sơn mới còn giới phẩm Sa-di đã đứng in Pháp giới an lập đồ. Ở bậc giới phẩm Sa-di mà sư đã đủ kiến thức để soạn ra bài tựa khắc đầu tập sách, cho thấy tầm học thức của ông khá cao trong hàng Tăng chúng đương thời. Trong tựa có nói ông ở chùa Tường Quang Đông Sơn mà nay dân gian gọi là chùa Non Đông thuộc thị trấn Mạo Khê, tỉnh Quảng Ninh. Đây là tổ đình của phái Tào Động do Thiền sư Thủy Nguyệt Thông Giác (1636-1704)6 khai phái và trụ trì. Trước sư đã có ngài Chân Dung Tông Diễn7 trụ trì mà ngài này kiêm quản Thánh Quang tự8 cùng Hồng Phúc tự (chùa Hòe Nhai) mà ta sẽ nói đến sự quan hệ của sư cùng các chùa này ở sau.

Thiền điển thống yếu Kế đăng lục 禪典統要繼燈 錄 (gọi tắt là Kế đăng lục) do Thiền sư Như Sơn soạn tại chùa Hồng Phúc và Bài tựa được viết vào tiết đầu đông năm Giáp Dần 1734 triều Lê (năm Long Đức 3, đời Lê Thuần Tông). Đầu quyển nhất có ghi rõ: “Hồng Phúc tự Sa-môn Như Sơn trước thuật, môn nhân Sa-di Tính Chúc tham duyệt, Sa-di Tính Phái, Tính Hiển tham hiệu”. Mấy dòng này cho ta biết người soạn cũng như môn nhân của ngài tham gia vào công việc duyệt và hiệu đính sách. Có ba vị đều nằm ở giới phẩm Sa-di mà họ được đào tạo khoa bảng nên có nền tảng kiến thức cao mới tham gia giúp cho thầy mình công việc đọc lại bản thảo và hiệu đính. Trong ba vị, ta biết được hai là Tính Chúc và Tính Hiển. Tính Chúc sau này tham gia nhiều Phật sự quan trọng và là vị trụ trì chùa Hồng Phúc9. Khoa cúng cùng văn bia tháp đều cho sư là vị trụ trì thứ 4 sau Thiền sư Từ Sơn Hành Nhất tại chùa Hồng Phúc. Sư Tính Hiển mà bài viết “Có phải chùa Liên Hoa chính là chùa Liên Phái?”, chúng tôi đã minh chứng Thiền sư Tính Hiển có hiệu là Liễu Viên trụ trì chùa Liên Hoa đã dặn dò Sa-di-ni Diệu Thuần đứng in Thiền tông bản hạnh vào năm Cảnh Hưng thứ 6 (1745)10.

Một quả khánh đồng được treo mé phải tiền đường chùa Hòe Nhai, lời văn khánh cho ta biết thông tin khá

hay về Thiền sư Như Sơn. Bài Hồng Phúc tự bảo khánh văn do Sa-di tự Liễu Minh soạn vào ngày tốt tháng 7 năm Giáp Dần 1734 niên hiệu Long Đức thứ 3, có cùng niên đại với tập Kế đăng lục. Bài tựa sách Kế đăng lục viết tháng đầu đông tức tháng 10, tức sau ba tháng. Ở đoạn đầu có nói: “Kính nghĩ: Sa-môn Như Sơn chùa Hồng Phúc xét thấy bản tự nằm ở thắng cảnh chốn kinh kì, thuộc danh lam nước Việt… ủy mệnh cho đệ tử Sa-di tự là Liễu Viên nỗ lực hưng công…”. Đoạn trích cho thấy, Thiền sư Như Sơn ở chùa Hồng Phúc nhận ra vai trò của ngôi chùa nằm ở vị thế đẹp của chốn kinh kỳ nên mới giao cho đệ tử Sa-di Liễu Viên đứng hưng công đúc khánh đồng. Cứ liệu Kế đăng lục có nói đến Tính Hiển tham gia duyệt sách. Bài văn khánh đồng lại đề hiệu của ông là Liễu Viên và cùng ở giới phẩm Sa-di. Với giới phẩm đó, Tính Hiển hiệu Liễu Viên đã là một người có quan hệ khá tốt cũng như có tầm tri thức cao. Hai tư liệu xác định Tính Hiển là đệ tử của Như Sơn. Tác giả bài văn khánh là Sa-di tự Liễu Minh mà ta chưa biết pháp danh của ông là gì. Hay chăng ông là Tính Phái, người cùng Tính Hiển hiệu đính sách Kế đăng lục. Ta phải đợi phát hiện thêm tư liệu mới dám khẳng định về vị này.

Thiền sư Như Sơn còn được nhắc đến trong bản   in Mục Liên kinh11. Bản kinh được khắc ván tháng 2 năm Vĩnh Hựu 3 (Đinh Tỵ 1737, đời Lê Ý Tông). Trong đó có ghi: “Tăng thống tự Như Sơn, chùa Vạn Phúc xã Phật Tích, núi Tiên Du phú chúc cho đệ tử Tính Chúc, trụ trì chùa Hồng Phúc, Trung Đô đốc khán”. Ở đây nói đến quan hệ giữa Như Sơn và Tính Chúc. Lúc đó, Thiền sư Như Sơn đang ở chùa Vạn Phúc xã Phật Tích mà nay dân gian gọi là chùa Phật Tích đã giao cho đệ tử Tính Chúc đứng in bản kinh. Lúc đó, Tính Chúc trụ trì chùa Hồng Phúc, ngôi chùa mà Như Sơn từng hành đạo và soạn Kế đăng lục. Cũng như Kế đăng lục, bản in Mục Liên kinh cho Tính Chúc là đệ tử của Thiền sư Như Sơn. Điểm cần bàn là tại sao Như Sơn không đứng in bản kinh mà phải giao cho Tính Chúc. Hai trường hợp xảy ra: một là Tính Chúc ở kinh đô nên việc khắc ván dễ dàng hơn, nhất là kinh phí thực hiện. Hai là Như Sơn phải lớn tuổi và sức khỏe yếu nên không thể thực hiện ý định đó được. Hai trường hợp có thể xảy ra hoặc đúng cả hai. Thiền sư Phúc Điền trong tập Thiền môn tu trì kinh chú luật nghi cho Như Sơn thuộc đời thứ tư chùa Phật Tích. Sách chép:“Chuyết Công hòa thượng trụ trì Vạn Phúc tự vi thủy, hạ nhị truyền Minh Lương, hạ tam truyền Minh Huyễn, hạ tứ truyền Như Sơn, hạ ngũ truyền Như Hạo12 nghĩa là Hòa thượng Chuyết Công trụ trì chùa Vạn Phúc làm đời thứ nhất, truyền xuống đời thứ hai Minh Lương, truyền xuống đời thứ ba Minh Huyễn, truyền xuống đời thứ tư là Như Sơn, truyền xuống đời thứ năm là Như Hạo. Chép thế thì biết Như Sơn trụ trì chùa Phật Tích và ta biết Phật Tích từng là tổ đình của thiền phái Lâm Tế do Chuyết Công gây dựng. Ta hiện chưa rõ Như Sơn về Phật Tích khi nào, có thể cuối năm Giáp Dần (1734) chăng?

Trên đây là các tư liệu Hán Nôm có liên quan đến Thiền sư Như Sơn, tác giả sách Kế đăng lục. Nếu dừng ở đây thì ta chưa biết năm sinh, năm tịch cùng tông phái do ngài kế thừa. Ta nhận thấy quan hệ giữa Như Sơn và Tính Chúc là quan hệ thầy trò, cùng trụ trì chùa Hồng Phúc, ngôi tổ đình của thiền phái Tào Động. Khảo về Tính Chúc ta có cơ hội phát hiện tư liệu về Như Sơn. Sách Thiền uyển truyền đăng lục, quyển hạ chép: “Pháp phái Tào Động truyền đến nước ta, tổ thứ nhất là Thiền sư Thủy Nguyệt Đạo Nam. Truyền xuống đời thứ hai là Hòa thượng Chân Dung Tông Diễn, được phong tặng Đại thừa Bồ-tát, khai sơn chùa Hồng Phúc, phường Hòe, tỉnh Hà Nội; truyền xuống đời thứ ba là Hòa thượng Tịnh Giác Từ Sơn; truyền xuống đời thứ tư là Hòa thượng Bản Lai Tính Chúc Đạo Chu. Truyền xuống đời thứ năm là Tăng chính Hải Điện Mật Đa thiền sư. Truyền xuống đời thứ 6 là Hòa thượng Đạo Nguyên Khoan Dực, khai sơn chùa Đại Quang, xã Nghi Tuyền, tỉnh Bắc Ninh…”13. Sách do Thiền sư Phúc Điền soạn vào thời Tự Đức nên cũng đáng tin cậy, nhất là đối chiếu văn bia và khoa cúng tại chùa Hòe Nhai. Ở đây cho Thiền sư Tính Chúc có hiệu là Đạo Chu thuộc đời thứ tư dòng Tào Động. Phía trước sư là Hòa thượng Tịnh Giác Từ Sơn tổ đời thứ ba mà không phải là Như Sơn. Như thế có mâu thuẫn với cứ liệu trên không?

Nguyễn Lang trong Việt Nam Phật giáo sử luận III đã có lí khi cho rằng Thiền sư Từ Sơn chính là Thiền sư Như Sơn. Ông đưa ra hai lý do chính. Một là tính truyền thừa và quan hệ thầy trò mà ta dẫn ra trên và hai là niên đại trụ trì chùa Hồng Phúc mà tác giả Nguyễn Lang y cứ là năm Giáp Dần, Như Sơn soạn Kế đăng lục thì Từ Sơn đi đâu.

Ta thêm vào đây một chứng cứ nữa là quan hệ của Như Sơn với Liễu Viên mà ta chứng minh ông có pháp danh Tính Hiển, vị sư trụ trì chùa Liên Hoa, dặn dò Sa- di-ni Diệu Thuần đứng in Thiền tông bản hạnh. Khoa cúng tổ chùa Hồng Phúc chép: “Tào Động tông tam thập bát thế tổ Từ Sơn thiền sư. Đệ tử dĩ hạ: Tì kheo Tế Thế, Hương Lâm, Trí Giác, Liễu Viên” nghĩa là: Thiền sư Từ Sơn tổ đời thứ 38 tông Tào Động có đệ tử dưới đây: Tỳ-kheo Tế Thế, Hương Lâm, Trí Giác, Liễu Viên. Các vị này đều được ghi pháp hiệu, khác với đệ tử các vị trong tông phái đều đề pháp danh theo kệ phái. Trong số đệ tử của Từ Sơn có Liễu Viên mà ta biết ông này là đệ tử của Như Sơn, từng tham gia hiệu đính sách Kế đăng lục và được Như Sơn ủy mệnh hưng công đúc khánh đồng cho chùa Hồng Phúc. Hai sư Tính Chúc, Liễu Viên là đệ tử của Như Sơn. Còn tư liệu ở Hồng Phúc đều cho hai vị là đệ tử của Từ Sơn. Thế thì chắc rằng Từ Sơn chính là Như Sơn.

Đường thỉnh trong khoa cúng và Ngũ gia phân phái cho Từ Sơn họ Tưởng, quê làng Hương Ngãi khá giống với biaTrùng tu Hòe Nhai phường Hồng Phúc tự bi minh cho Như Sơn cũng có quê và họ Tưởng. Bia ghi rõ sư Như Sơn thế danh Tưởng Hữu Kiên. Đối chiếu nhiều nguồn tư liệu trên, việc đồng nhất Như Sơn với Từ Sơn là một khẳng định có tính khoa học cao, giúp ta hiểu hơn về con người của vị thiền sư này.

Ta còn tìm được một ngôi tháp đá ở chùa Vạn Đức (Quảng Nghiêm thiền tự) ở thị trấn Phú Thứ, huyện Kinh Môn, Hải Dương. Ngôi tháp có biển đề“Viên Minh tháp” được khắc ở tầng thứ 2 và bên mé phải có bài văn khá hay ghi chép hành trạng Thiền sư Từ Sơn Hành Nhất. Bài bia được chúng tôi công bố trên tạp chí Văn Hóa Phật Giáo, số 14214.

Xin tóm lược vài nét như sau, Sư họ Tưởng, sinh năm Tân Dậu (1681), quê tại Hương Ngãi, huyện Chân Định, phủ Kiến Xương, trấn Sơn Nam hạ. Sư đồng chân vào đạo, đến tuổi nhược quán xuất gia với Thiền sư Chân Dung và kế thừa dòng pháp từ vị này. Năm Giáp Thìn (1724), sư đứng ra xây dựng chùa Quảng Nghiêm rồi giao cho đệ tử trụ trì. Sư tịch giờ Thân ngày 24 tháng 11 năm Đinh Tỵ (1737), thọ 57 tuổi. Tháp lập tại chùa Quảng Nghiêm và Phật Tích15.

Chính bia tháp xác định: “Nhà vua long bút sắc chỉ truyền làm sách Thiền điển kế đăng” (君王龍筆旨傳為 禪典繼燈 Quân vương long bút chỉ truyền vi Thiền điển kế đăng). Thiền điển kế đăng là tên khác của Ngự chế thiền điển thống yếu kế đăng lục mà ta hay gọi là Kế đăng lục. Bài tự dẫn do Như Sơn phụng soạn vào năm Giáp Dần (1734) nhà Lê cho thấy sư được vua Lê giao cho công việc biên soạn tập sách nên tập sách có hai chữ “Ngự chế” rồi đến tên sách là “Thiền điển thống yếu Kế đăng lục”.

Qua cứ liệu Hán Nôm trưng dẫn, chúng ta từng bước phác họa cuộc đời của Thiền sư Như Sơn. Điểm lôi cuốn ở đây là không chỉ dừng ở hành trạng mà còn đi đến một luận cứ khoa học là việc xác định Như Sơn chính là Từ Sơn Hành Nhất. Đây là luận điểm mà Nguyễn Lang trong Việt Nam Phật giáo sử luận III đã đưa ra. Lúc đó, tư liệu chưa được dồi dào nhưng ông tìm ra được hai bằng cứ có giá trị để đi đến việc đồng nhất này. Hiện vẫn chưa xác định tên Như Sơn do ai đặt cho ông, hay đó là một bút hiệu mà ông sinh thời hay dùng16. Còn tên Từ Sơn được đặt theo kệ phái Tào Động Đàng Ngoài. •

Chú thích:

  1. Thác bản Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu 275/276/289/290. Câu trích trên ở thác bản kí hiệu
  2. Thế danh Tưởng Đình Kiên với pháp danh Như Sơn, tức bổn sư đã dựa vào tên thế tục “Kiên” để liên tưởng đến pháp danh “Sơn”. Đây là một tập tục mà trong chùa các sư thường hay đặt tên pháp cho đệ tử, dựa vào tên thế tục.
  3. Địa danh đó được viết dưới đời Hậu Lê. Nay là thôn Hương Ngải thuộc xã Bình Minh, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình.
  4. Phiên âm: “Yên Tử sơn Long Động tự Trúc Lâm tăng thống Chính Giác hòa thượng tự Chân Nguyên phó chúc thiện hộ niệm Đông Sơn Tường Quang tự Sa-di tăng tự Như Sơn trùng san” (Trùng san Pháp giới an lập đồ tự, 1a).
  5. Thiền sư Chân Nguyên (1646-1726): sư họ Nguyễn, tên Nghiêm, tự Đình Lân, quê ở Tiền Liệt, Thanh Hà, Hải Dương. Năm 19 tuổi, xuất gia với Thiền sư Chân Trụ Tuệ Nguyệt, chùa Hoa Yên, được ban pháp danh Tuệ Thông. Khi Chân Trụ tịch, sư cư tang ba năm lo tròn hiếu đạo. Sư phát tâm thụ giới bồ- tát với Hòa thượng Minh Lương, chùa Vĩnh Phúc trên núi Phù Lãng và đắc pháp với vị này. Sau sư về trụ trì chùa Long Động, Thiền Dược
  6. Thiền sư Thủy Nguyệt Thông Giác: thuộc tông Tào Động, họ Đặng, quê ở xã Thanh Triều, huyện Hưng Nhân, phủ Tiên Hưng, đạo Sơn Nam. Năm Giáp Thìn 1664, niên hiệu Cảnh Trị thứ 2, sang núi Phượng Hoàng, Hồ Châu, Trung Quốc học đạo với Thiền sư Tri Giao Nhất Cú. Được 6 năm, sư được thầy truyền y bát và ban pháp danh Thông Giác cùng kệ phái 28 chữ mang về truyền tại nước ta. Sư hành đạo tại chùa Non Đông, Nhẫm Dương. Sau sư thác tại động phía sau chùa Nhẫm Dương, đồ chúng lập tháp bảy tầng phía trước động và một tháp ở chùa Non Đông.
  7. Thiền sư Chân Dung Tông Diễn: thế danh Tưởng Đình Khoa, quê ở xã Hương Ngãi, huyện Chân Định, trấn Sơn Nam Hạ. Sư xuất gia với Thiền sư Thủy Nguyệt Thông Giác và kế thừa dòng pháp từ vị này. Sư trụ trì chùa Đông Sơn, Thánh Quang (Nhẫm Dương) và kiêm quản chùa Hồng Phúc. Sư viên tịch năm Kỷ Sửu niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 5 (Kỷ Sửu 1709), đồ chúng lập tháp đá thờ ở hai chùa Non Đông và Thánh
  8. Chùa Thánh Quang ở Nhẫm Dương, huyện Kinh Môn, Hải Dương. Chùa được lập khi nào chưa rõ. Đến thời Hậu Lê, chùa là đạo tràng của thiền phái Tào Động. Sư Chân Dung kế nhiệm Thiền sư Thủy Nguyệt trụ trì bổn tự. Các đời sau, tư liệu phiêu tán nên không khảo được gì.
  9. Thiền sư Tính Chúc, chúng tôi sẽ sưu tầm tư liệu để viết về ngài kỹ hơn.
  10. Đồng Dưỡng, “Có phải chùa Liên Hoa chính là chùa Liên Phái ?”, tạp chí Văn Hóa Phật Giáo, số 112, 6-9.
  11. Bản lưu tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu AC.
  12. Thiền môn tu trì kinh chú luật nghi, phần Bản quốc chư tổ kế đăng, tờ
  13. Phúc Điền Hòa thượng, Thiền uyển truyền đăng lục, quyển hạ, tờ
  14. Tham khảo bản dịch cũng như bài nghiên cứu Văn bia tháp Viên Minh trong Văn Hóa Phật Giáo, số 142, 18-20
  15. Vườn tháp phía sau tòa Tam bảo chùa Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh có ngôi tháp đá, biển đề“Viên Minh tháp” khá giống với tháp chùa Vạn Đức huyện Kinh Môn. Trong lòng tháp có tấm bia đá xác định đây là tháp của Thiền sư Hành Nhất được tặng phong Tịnh Giác hòa thượng. Cứ liệu Mục Liên kinh cho Như Sơn ở chùa Phật Tích từng dặn dò đệ tử Tính Chúc chùa Hồng Phúc đốc khán việc khắc in Sự kiện đó xảy ra vào tháng 2 năm Vĩnh Hựu 3 (Đinh Tỵ 1737). Cứ liệu đó cho ta thêm sự khẳng định Như Sơn chính là Từ Sơn. Vì bia tháp cho Từ Sơn viên tịch vào tháng 11 năm Đinh Tỵ, nên có thể Từ Sơn viên tịch tại chùa Phật Tích, rồi khi hỏa táng được phân làm hai, lập hai ngôi tháp ở chùa Phật Tích và Vạn Đức như văn bia có nói đến.
  1. Khoa Cúng tổ chùa Hòe Nhai cho biết đệ tử tục gia của Thiền sư Chân Dung Tông Diễn được đặt với chữ đầu là chữ “Như”. Có thể lúc tại gia, Thiền sư Tông Diễn đặt cho ông pháp danh là Như Sơn, sau xuất gia được dịch danh là Từ Sơn theo đúng chữ trong kệ phái. Ta còn biết, Chân Dung với Như Sơn có quan hệ tông tộc và cùng quê quán mà bia trùng tu chùa Hồng Phúc đã chép ■

su-lieu-thien-su-Nhu-Son

Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 189

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here