1. Sự phân phái – Một tất yếu khách quan lịch sử.
“Một tôn giáo không luận là cao siêu hay thâm thúy đến đâu, cũng vẫn là sản phẩm của xã hội. Là sản phẩm của xã hội, tất nhiên ảnh hưởng đến xã hội đồng thời cũng chịu ảnh hưởng của xã hội. Đó là điều không thể tránh khỏi”. (Phật học tinh yếu, Thích Thiền Tâm, Nxb. Tôn Giáo). Đạo Phật ra đời trong lòng Ấn Độ, là con đẻ của Ấn Độ. Tất nhiên, đạo Phật ảnh hưởng sâu sắc bối cảnh lịch sử Ấn Độ đương thời. Ấn Độ thời bấy giờ, do đáp ứng nhu cầu hiện đại, xã hội đã phát sinh nhiều dòng tư tưởng khác nhau gồm hơn 60 học phái triết lý. Để tồn tại được trong xã hội phức tạp rối ren của Ấn Độ đương thời, trong hoàn cảnh tăng đoàn không còn nguyên vẹn như thời gian Thế tôn còn tại thế. Thiết nghĩ Phật giáo không thể không chuyển mình, chuyển mình để tồn tại, để phù phợp với nhu cầu con người, xã hội.
Trong Ngũ phần luật, Thế Tôn dạy, Tỳ-kheo làm gì nên tùy theo căn cơ, trình độ, hoàn cảnh, tức “tùy duyên bất biến”. Vì vậy muốn chánh pháp tồn tại lâu dài và truyền bá rộng rãi, các sứ giả Như Lai phải “tùy duyên” để áp dụng giới luật một cách uyển chuyển, linh động miễn sao không hại đến mục đích giải thoát: “bất biến”.
Nhìn thấy được sự phân phái sẽ xảy ra, Thế Tôn đã dạy: “Sau này, đệ tử của Như Lai có hai mươi bộ phái. Sự kiện này giúp cho sự tồn tại cua pháp. Tất cả hai mươi bộ phái cũng được bốn đạo quả, ba tạng của họ bình đẳng, không ai hơn kém, như nước biển cả toàn một mùi vị, như người có hai mươi đứa con. Đó là sự thật mà Như Lai nói trước”. (Dị Bộ Tông luận, HT. Trí Quang dịch).
Qua các điểm trên, có thể nói sự phân phái như một tất yếu khách quan của lịch sử.
Ở đây, một vấn đề cần được đặt ra, trong thời gian phân phái ở Ấn Độ, khái niệm Hymàyàna (Tiểu thừa) và Mahàyàna chưa xuất hiện. Thế nhưng ngày nay, danh từ Tiểu thừa và Đại thừa trở thành một khái niệm hằn sâu trong tư duy của người học Phật. Đại thừa phê phán Tiểu thừa thiển cận, nhỏ hẹp, nông nổi. Ngược lại, Tiểu thừa cho Đại thừa là ngoại đạo, chỉ có Tiểu thừa là chính thống. Thực tế, Đại thừa và Tiểu thừa không hề choogs đối mà bổ sung cho nhau. Không thể hiểu Đại thừa nếu bỏ qua Tiểu thừa. Vì thế, không nên duy trì sự sai lầm đáng tiếc này, nếu không, Phật tử tự hủy diệt chánh pháp, hoàn thành mục tiêu của ngoại đạo.
2. Nên nhận định như nào về Ngài Đại Thiên?
Sử ghi rằng việc Ngài Đại Thiên đã cùng với 1000 Tỳ-kheo kết tập kinh điển là sự kiện chính thức đầu tiên đánh dấu việc phân phái. Thực sự Mahàdeva là người như thế nào? Lịch sử không ghi rõ nên ở đây người viết không dám khẳng định. Có thuyết nói rằng Ngài Đại Thiên lôi kéo được chúng lớn Tỳ-kheo vì Ngài được sự ủng hộ của đức vua lúc bấy giờ. Có thuyết nói rằng Ngài là một người trẻ tuổi nhưng tu học tinh tấn và có sở đắc. Nhớ rằng, thời kỳ này chỉ cách Thế Tôn diệt độ hơn một thế kỷ, chúng sanh thời chánh pháp đạo tâm kiên cố, chúng Tỳ-kheo dẫu có sự tha hóa nhưng đại đa số vẫn giữ được bản chất của một Tỳ-kheo. Khó có thể chấp nhận nếu nói số đông 1000 Tỳ-kheo ấy vì danh lợi hay vì phóng túng mà chấp nhận thập pháp của nhóm Tỳ-kheo Bạt Kỳ và La-hán ngũ sự của Ngài Đại Thiên, trừ khi thuyết đó không có sự sai lệch nghiêm trọng, chấp nhận được. Mặt khác, phủ nhận Ngài Đại Thiên tức phủ nhận bộ phái Mahàsanghika – tiền thân của Mahàyàna sau này.
Hơn nữa, chính ngay trong Tuyết Sơn Bộ (thuộc Theravàda), nói A-la-hán bất hoàn hơn cả năm sự của Đại Thiên. Vì vậy, nên dừng lại ở ghi nhận lịch sử, không nên khuếch đại về Ngài Đại Thiên để bóp méo sự thật.
3. Phân phái Phật giáo: Công hay tội?
Không có sự phân phái thì không có Phật giáo như ngày nay. Thật vậy, không có phân phái tất không có một Phật giáo Bắc truyền (Mahàyàna) phát triển rực rỡ như ngày nay ở các nước Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản… vì chúng xuất phát từ bộ phái Mahàsanghika. Bên cạnh đó cũng không có sự phát triển bền vững của Phật giáo Nam truyền ở các nước Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Srilanka, Campuchia, Lào…
Công lớn như thế nhưng không tránh khỏi gây ra nhiều lỗ hỏng tạo ra sự mâu thuẩn, chia rẽ sâu sắc trong Tăng đoàn. Hiện tượng lịch sử đó đang được tái diễn trong hoàn cảnh hiện tại. Bởi chủ trương không có lãnh đạo tối cao, từ đó sự khu biệt về các trường phái ảnh hưởng từ Trung Hoa ngày càng rõ rệt. Hoặc do chịu ảnh hưởng từ những vị thầy danh tiếng…, các tông phái dần dần hình thành. Sự phân phái phân công rất lớn, tội cũng rất nhiều. Vì vậy, dù dưới hình thức nào, lợi dụng Tăng đoàn để chia rẽ nội bộ, phân biệt tông phái đều là vấn đề cần trăn trở. Thực ra, phân phái không phải là vấn đề. Quan trọng ở chổ việc làm đó không nhằm phá hòa hợp tăng. Chỉ cần Tăng chúng hòa hợp một lòng thì không lo ngoại đạo thừa cơ phá hoại, hủy diệt Phật giáo.
Kết luận
Lịch sử không phải là môn học cung cấp cho chúng ta những kiến thức từ trong quá khứ mà lịch sử dạy con người biết phải làm gì từ kinh nghiệm có được từ quá khứ đó. Chúng ta sẽ làm gì để đạo Phật không bị ngoại đạo dìm vào quên lãng ngay trên xứ sở Phật giáo được sinh ra? Phải làm gì để sự phân phái không đi đến chổ chống báng, tác hại lẫn nhau có thể xảy ra? Nhất là phải làm gì để duy trì bản chất hòa hợp của Tăng già, làm cho chúng Tăng lớn mạnh? Cách tốt nhất, nên quay về với lời Phật dạy: “Này các Tỳ-kheo, khi nào chúng Tỳ-kheo tụ họp trong niệm đoàn kết…, không ban hành những luật lện không được ban hành, sống đúng với những học giới được ban hành…, tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các bậc Tỳ-kheo Thượng tọa… không bị chi phối bởi tham ái…, thích nghi những chỗ nhàn tịnh…, tự thân an trú chánh niệm khiến các bạn đồng tu thiện chí chưa đến muốn đến ở, các bạn đồng tu thiện chí đã đến ở được sống an lạc, thời này các Tỳ-kheo, chúng Tỳ-kheo sẽ được lớn mạnh, không bị suy giảm:. (Tương Ưng Bộ Kinh).
N.K
Kỳ I: Tổng quan lịch sử phân giáo
Kỳ II: Quan niệm của Theravàda và Mahàsanghika về Phật thân luận, Bồ tát luận và A-la-hán luận