Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi "Sư ăn thịt chó!"

"Sư ăn thịt chó!"

151
0

Không có giới luật nào cấm các nhà tu đạo Phật ăn mặn và buộc phải ăn chay. Tuy nhiên, ở Việt Nam, truyền thống ăn chay vẫn phổ biến hơn. Có bốn hay nhiều hơn các cách ăn chay, tức vừa ăn các loài thực vật, vừa ăn trứng, vừa uống sữa (hiện có quan niệm là ăn trứng không có trống). Trong một số kinh, Đức Phật cũng nói đến việc được phép ăn “tam tịnh nhục”, tức ba loại thịt mà nếu nghe tiếng con vật bị giết, thấy con vật bị giết hoặc nghi con vật đó bị giết để thết đãi mình thì không được ăn. Ngoài ra cũng không được ăn 10 loại thịt: thịt người, voi, ngựa, chó, rắn, sư tử, cọp, báo, gấu và linh cẩu, cho dù là không nghe, không thấy, không nghi. Chủ yếu nhắm đến việc hạn chế tối đa sự sát hại loài vật chúng sinh, thậm chí xem tội giết người còn phải bị đọa vào địa ngục. 

Câu nói: “Sư ăn thịt chó” nhằm chỉ sự vi phạm giới luật Phật chế, hơn là chỉ cho một hành động ăn uống cụ thể, vì thực tế các nhà sư không ăn thịt chó, cho dù truyền thống Nam tông cho phép ăn “tam tịnh nhục” như đã nêu trên. Nhưng nếu vị tỳ kheo có phạm vào việc ăn thịt chó, hay các loại thịt khác thì nó cũng không nằm trong phạm vi của giới cấm. Điều này phụ thuộc nhiều vào ý thức giữ gìn trong ăn uống của những thầy tu Phật giáo để tăng trưởng lòng từ bi. Như vậy cách nói “Sư ăn thịt chó”, hay “Sư hổ mang” đều liên quan đến sự phá giới của nhà sư. Nhưng phá giới ở mức độ nào, dù chưa rõ, thì câu nói “Sư ăn thịt chó” cũng làm cho một số Phật tử cảm thấy buồn phiền. Tuy nhiên, không cần phải buồn phiền, vì ăn uống, xét theo giới luật, tuỳ thuộc vào tâm tham đắm là chủ yếu, hơn là ở những thức ăn cụ thể. Nếu ăn chay mà tham ăn những đồ bổ dưỡng, thì cũng chẳng khác nào ăn mặn.
 
Trở lại với câu nói cửa miệng “Sư ăn thịt chó” để thấy vì sao nhắc đến việc sư ăn thịt chó, người ta lại tỏ vẻ khó chịu. Xét về dược tính, thịt chó bổ dương…, nên đa phần được giới mày râu ưa thích. Còn những người tu hành mà ăn nó, tuỳ theo thể trạng cũng có thể dẫn đến bức bối tình dục. Do đó, việc ăn chay và thực hành các nghi thức lễ sám, tụng kinh hàng ngày đối với nhà tu hành không phải không có tác dụng thanh tâm, quả dục (giảm thiểu ham muốn). Bởi sự đầy đủ trong ăn uống càng nhiều, thì bức bối tình dục sẽ gia tăng, đương nhiên dễ đi đến hành vi phá giới, phạm vào dâm giới. 
 
Chỉ có điều truyền thống Phật giáo không ăn thịt chó, nhưng mỗi khi bực mình với một nhà tu hành nào đó, người ta sẽ thốt ngay ra câu “Sư ăn thịt chó”, “Sư hổ mang”, không cần phải xem xét mức độ phạm phải trong giới luật của nhà sư ấy. Ngôn ngữ theo thói quen sử dụng đã trở nên có tính võ đoán, và sự thú vị cũng nằm chính ở đó. Có nghĩa, khi được nhắc câu “Sư ăn thịt chó”, thầy tu nên nghĩ ngay mình có làm điều gì phá giới hay không, thấy không thì xem câu nói kia như một lời nhắc nhở để răn nhắc mình giữ giới. Nhà tu hành Phật giáo đầu tròn, áo vuông, nên mọi người trong xã hội dễ nhìn ra, dễ bày tỏ những điều thị phi chung quanh oai nghi của họ. Thân phàm có thể bộc lộ ra nhiều chuyện làm bực bội các giác quan, nhưng mật hạnh, mật nguyện mới là trợ lực căn bản để người tu giữ mình, vươn lên trước mọi thử thách. Cái bên ngoài dù có bày biện ra đủ thứ màu sắc thì cũng chỉ là “giả danh” mà thôi. 
 
Đêm dài với người thức, đường xa với kẻ mệt. Ở cõi thánh phàm đồng cư này, nếu hai lần vấp ngã thì cần phải ba lần đứng lên. Đường tuy ngắn, không đi, không bao giờ tới! Còn cứ mượn vào cơm áo đàn na tín thí mà buông tuồng chạy theo danh sắc, thì có khác nào một phường giá áo túi cơm!
 
T.T.T

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here