Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Sống thời đại và tinh thần Đức Phật: Kỳ II, Con đường...

Sống thời đại và tinh thần Đức Phật: Kỳ II, Con đường Như Lai

126
0

 

 

MỘT GIÁO LÝ NHÂN BẢN, MỘT QUAN ĐIỂM "ĐỘNG" TRONG NHÂN ĐỊNH:

Đức Phật còn có danh hiệu Như Lai nghĩa là sự việc ra sao thì thấy y như vậy, không bị lăng kính ảo tưởng làm méo mó. Đối tượng của lời Như Lai dạy không ai khác là con người, trần trụi với thân phận làm người.

Người ấy không khỏi có lúc trầm ngâm trước dòng sông, nước luân lưu chảy: mọi việc biến chuyển không ngừng, điều mà ai cũng nhận ra dễ dàng. Nhưng thường không suy xét xa hơn, và nếu có thì cũng ngừng ở nhận định: ta nhìn, ta tư duy vậy ta hiện hữu (je pense, donc je suis). Cách nhìn chỉ theo đức Phật không phủ định tính hiện hữu của “ cái ta”, của “chủ thể” trong giây phút quan sát dòng sông “khách thể”. Chỉ nhắc nhở rằng, nếu khách thể biến chuyển không ngừng thì chủ thể nào có khác chi, cũng không ngừng biến đổi. Trầm ngâm giây phút trước dòng sông đã chẳng là một biến chuyển nơi chủ thể rồi hay sao?

Nói rộng ra, quan hệ con người chủ thể với thế giới khách thể là một quan hệ động, trong đó khách, chủ đều động. Không hề có một chủ thể tĩnh trước khách thể biến động. Điều đó thuật ngữ nhà Phật gọi là “vô ngã”, “vạn pháp vô ngã” mọi sự việc đều vô ngã và dùng thuật ngữ “không” để chỉ bản tính không ngừng chuyển biến của sự vật, “vạn pháp giai không”. Đem nghĩa thông thường của từ “không” gán cho thuật ngữ đồng âm là làm sai lạc ý nghĩa quan điểm nhà Phật. Hiện thực luôn luôn biến động, nhưng nào phải vì vậy mà hư không!

Phật giáo quan niệm sự vật không biến chuyển do ngẫu nhiên. Nó có nguyên nhân và điều kiện. Hạt là “nhân”, gieo xuống đất, gặp đủ điều kiện nhiệt độ, ẩm ướt sẽ nảy mầm thành cây. Thuật ngữ đó gọi là “nhân duyên”.

MỘT GIÁO LÝ HÀNH ĐỘNG, NƠI ĐÂY VÀ NGAY BÂY GIỜ

Chủ thể, khách thể liên hệ nhân duyên với nhau, chằng chịt rối răm chẳng khác mớ bòng bong. Trong môi trường dao động như nước chảy dòng sông, chủ thể ngồi im hay cử động cũng đều tác động vào môi trường, nghĩa là đã hành động. Đặc điểm của hành động là chủ thể biết và quyết định, nghĩa là có phần tự do làm chủ được khởi điểm. Nhưng khi đã phát động rồi, hành động tác động vào môi trường, phản hồi lại chủ thể ra sao là những việc phần lớn vượt ngoài ý chí. Con người trong giây phút hiện thực là một điểm động, là hệ quả của hành động bản thân, của tác động môi trường bao quanh, của các thế hệ sinh trước. Ngược lại, với hành động do mình khởi xướng, cá nhân ấy cũng tác động vào thế giới này, vào thế hệ mai sau… Thuật ngữ “nghiệp” của nhà Phật dùng để chỉ tác động và hệ quả của hành động. Con người cá nhân tạo ra “biệt nghiệp” riêng của chính mình, nhưng cũng tác động vào và chịu ảnh hưởng “cộng nghiệp” chung của cả xã hội. Khái niệm “nghiệp” đặt vai trò vào vai trò và vị trí của mỗi cá nhân trong vũ trụ, trong dòng tiến hóa của sinh vật, trong nhân loại hôm qua, ngày nay và mai sau. Qua hành động, mà không ai tránh né được, cái “ nghiệp” ràng buộc nhân duyên mỗi cá nhân với toàn thể loài người, toàn thể sinh vật. Mối liên đới đó, hệ giáo lý Bắc tông triển khai ra khái niệm “Bồ tát nguyện”, còn sinh vật trôi nổi trong vòng khổ đau thì Bồ tát nguyện theo nâng đỡ. Vì nghĩ cho cùng, liên đới nhân duyên ràng buộc với nhau, làm sao quan niệm một mình một chốn thảnh thơi được.

Quan niệm quan hệ trong cuộc sống đã không ngừng biến đổi lại ràng buộc với nhau do hành động của các tác nhân, giáo lý nhà Phật có thể là gì khác ngoài một giáo lý cho hành động, trong cuộc sống nơi đây và ngay bây giờ. Và chính nhờ căn cứ vào hành động, vào “nghiệp”, đạo Phật mới đưa con người từ tối tăm, trật duột mò mẫm nắm bắt ảo ảnh, thuật ngã gọi là “vô minh”, đến trí tuej hòa hợp hồn nhiên chủ thể với khách thể được. Cho rằng đạo Phật yếm thế, trốn đời là lầm to. Vì hành động là tất yếu trong quan hệ không ngừng biến động giữa con người và thế giới xung quanh.

Vấn đề đặt ra là chủ thể với khách thể có thích ứng hài hòa với nhau hay không.

MỘT CON ĐƯỜNG GIẢI PHÓNG TRÍ TUỆ SOI SÁNG HÀNH ĐỘNG:

Bản tính động chất chứa tiềm năng làm cho quan hệ chủ và khách khó ăn khớp, hài hòa với nhau. Nhà thơ than:

Yêu là chết trong lòng một ít
Cho rất nhiều nhưng nhận chẳng bao nhiêu…

Yêu nhau thắm thiết là niềm vui lớn. Nhưng chính vì yêu mà cho, cả hai người yêu nhau không bao giờ được hoàn toàn vừa lòng. Nhà Phật không phủ nhận những niềm vui trong cuộc sống chỉ nhắc nhở rằng bên cái vui, trong quan hệ chủ thể với khách thể luôn luôn có những điều làm cho mình không được thỏa mãn. Thuật ngữ nhà Phật gọi những khổ đau, những tiềm lực làm cho con người bất mãn trong cuộc sống là “khổ”. Chỉ là một nhận định duy thực.

Nhận định thế, để khẳng định ngay rằng có con đường vượt “khổ”, đem lại an lành. Con đường bỏ rơi ảo tưởng, sự vật ra sao thì nhìn thấy như vậy, hài hòa quan niệm chủ thể và khách thể trong biến động không ngừng của nó, đó chính là “đạo” mà đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã bản thân thể nghiệm; và cũng khẳng định rằng đã là người, thì không phân biệt trai gái, sang hèn, màu da sắc tộc, bất cứ ai ai cũng đều tiềm tàng đầy đủ khả năng của đức Phật, con người đã trọn vẹn thể hiện “đạo” ấy.

Phật chỉ nhắn nhủ mỗi người chúng ta chính mình thể nghiệm. Không một ai có thể làm thay mình được, đức Phật cũng chỉ là người chỉ đường.

Mỗi cá nhân là một trường hợp duy nhất, con đường cũng phải thích nghi với tính duy nhất của mỗi người. Nhà Phật có hằng hà phương tiện.

Nguyên tắc chung, chúng ta gặp ngay trong câu Phật tử thường chúc nhau được “thân tâm an lạc”. Phương pháp nhà Phật chú trọng cả thể xác lẫn tâm thần, đến tác động qua lại vòng tròn của  chúng. Thân an lặng thì lòng cũng yên, tâm yên tĩnh thì thân tâm liên tục ảnh hưởng lẫn nhau đưa đến trạng thái tĩnh lặng, thuận lợi để quán xét, ý thức tinh tường những gì đang xảy ra trong mình, xung quanh mình, chính sự ý thức rõ rệt những gò bó trong thân xác, những thể thức dục vọng nổi lên rồi tan đi trong thâm tâm là cơ sở để chủ động thư giản toàn thân, để cho dục vọng không bị đè nén mà nhạt thưa dần. Lửa lụi tàn vì củi không còn. Cứ như thế mà các nhân tố tạo các thiên kiến, thành kiến rơi rụng. Mâu thuẫn tan dần, tự do nội tâm phát triển. Thân và tâm ung dung tự tại sẵn sàng tập trung vào hiện tượng bên trong, bên ngoài, để tiếp nhận và phản ứng hồn nhiên, thích nghi, không lệch lạc, thái quá hay bất cập.

Khi ảo tưởng hoàn toàn rơi rụng hết, sự việc thế nào nhận thức y như thế, chủ thể và khách thể hòa hợp thích ứng với nhau. Một trạng thái siêu việt các cặp đối lập ta – người, chủ – khách, tri thức – hành động, thiện – ác, luân hồi – niết bàn… Thời gian trong đó là hiện tại vĩnh hằng.

Đó là ý nghĩa lời Long Thọ Bồ-tát (150? – 250?) khẳng định “Niết-bàn là luân hồi, luân hồi là Niết-bàn” (Nagarjuna, Madhyamika Karika XXV, 19). Đó là lý do nhà Nho thấm nhuần tinh thần Thiền tông Vương Dương Minh (1472 – 1529) xướng thuyết “Tri hành hợp nhất”. Chỉ có bậc hoàn toàn giác ngộ mới hợp nhất được tri và hành, siêu việt được đối lập biết và làm. Nhưng, cuộc sống luôn luôn đặt chúng ta trước một chọn lựa để hành động. Thế nào cho phải, đó là vấn đề. Giáo lý nhà Phật đề nghị các phương thức giúp ta sáng suốt nhận thức và hành động. Mấy câu kinh Pháp Cú mà rất nhiều người thuộc nằm lòng nhắc nhở điều ấy:

Chư tác mạc ác
Chúng thiện phụng hành
Tự tịnh kỳ ý
Thị chư Phật ngôn

(Không làm điều ác
Làm mọi việc lành,
Thanh tịnh tâm ý,
Ấy lời chư Phật).

Phân biệt phải, quấy, đạo Phật không đặt nơi một uy quyền ngoài con người. Lúc chọn lựa hành động bao giờ chẳng chỉ có mình với mình. Cái “lương tri” của tâm ý thanh tịnh trong sáng là bảo đảm duy nhất cho tính đúng đắn của chọn lựa ấy. Tất cả giáo lý nhà Phật, lý thuyết và thực hành chỉ nhằm dạy con người hành đạo đang lặn hụp trong bất cứ điều kiện nào, tâm ý vẫn tĩnh lặng trong sáng.

Con người thời đại đã đạt tri thức vô cùng cao xa, nhưng lương tri không tương xứng. Đào tạo một “lương tri khác” là tiềm năng quý báu mà giáo lý nhà Phật có khả năng góp vào công cuộc xây dựng nền văn hóa một thời đại khắc khoải đi tìm lương tri cho chính mình. Với cái vốn tích lủy trên 20 thế kỷ tri thức lý thuyết và thực hành của mình.

Kỳ III: Chí khí ngất trời xanh

Kỳ I: Thời đại con người trơ vơ thân phận làm người

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here