Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Sống theo tinh thần trí tuệ Phật giáo

Sống theo tinh thần trí tuệ Phật giáo

214
0

Dĩ nhiên, ý tưởng này trong những năm tháng đầu thế kỷ XXI tới đây con người cần nỗ lực để thực hiện. Người ta đã đưa vấn đề đầu tư chất xám hay đầu tư trí tuệ lên tầm chiến lược hàng đầu cho mỗi quốc gia, cho từng xã hội, gia đình, cá thể. Công nghệ thông tin, nhất là mạng Internet đã góp phần minh chứng cho sự thành tựu này. Đó là người ta cảm giác nhân loại xích lại gần nhau, hiểu nhau hơn qua làng địa cầu như thu nhỏ lại. Nguồn tinh hoa trí thức và thông tin không biên giới này trở thành cơ sở, động lực, địa hạt để thúc đẩy mỗi con người tự hoàn thiện chính mình trước một đời sống phát triển trên các lĩnh vực văn hoá, giáo dục, kinh tế, xã hội, kể cả đời sống tâm linh ngày một thăng hoá v.v… Chính Peter Druker nhà quản lý kinh tế Mỹ cũng thừa nhận vai trò tất yếu của trí thức như là nhân tố quyết định sự tăng trưởng của nền kinh tế. Ông tuyên bố: “Chức  năng chủ yếu của nền kinh tế hiện đại là sự sản xuất và phân phối “tri thức và thông tin” chứ không phải là sự “sản xuất và phân phối” vật chất. Tri thức là nguồn động lực của sự tăng trưởng kinh tế, những cống hiến của tri thức và kĩ thuật ngày càng lớn đối với sự tăng trưởng kinh tế”. Xem ra, đầu tư chất xám hay còn gọi đầu tư trí tuệ người ta thường nói nơi cửa miệng (thực chất là đầu tư tri thức) đã trở thành vai trò quyết định cho sự thành tựu xây dựng của một đời sống thăng hoa vật chất lẫn tinh thần của mỗi cá thể hiện hữu trên cõi đời này. Trong viễn cảnh đó, đất nước ta đã thực thi lời dạy của cha ông “Nhân tài là nguyên khí của quốc gia” để xây dựng những con người có trí tuệ nhằm thực hiện ý tưởng. “Dân giàu, nước mạnh, xã hội văn minh”. Phật giáo với tôn chỉ “Duy tuệ thị nghiệp” lấy trí tuệ làm sự nghiệp để xây dựng thế giới hạnh phúc thật sự đã được xác lập cách đây 2500 năm. Đây chính là tiến trình tu tập trí tuệ mà mỗi chúng ta đang trông chờ để chứng đạt chân lí, thành tựu chánh trí.

I. Khái niệm trí tuệ theo quan điểm Phật giáo.

Phật giáo thiết lập khái niệm “trí tuệ” bằng tiến trình “tuệ tri” về sự thật khổ đau. Đây là một quá trình công phu tu tập hành trì của mỗi cá thể  mới có khả năng chứng đạt được. Có nhiều bản kinh Nikàya đã xác chứng như thế nào gọi là “trí tuệ” khi hành giả tiến sâu vào con đường tuệ giác vô thượng. Kinh Trường Bộ thì xác chứng: “Tuệ nảy sinh do suy luận, do những gì nghe được, do trau dồi tâm thức”. Kinh Đại Phương Quảng, đức Phật lại trình bày sự sai khác giữa liệt tuệ và trí tuệ để hành giả phân biệt cụ thể:

“Này Hiền giả, liệt tuệ, liệt tuệ (Duppanna) được gọi là như vậy. Này Hiền giả, vì không tuệ tri, không tuệ tri (Najànàti) này Hiền giả nên được gọi là liệt tuệ. Không tuệ tri gì? Không tuệ tri đây khổ, không tuệ tri đây là khổ tập, không tuệ tri đây là khổ diệt, không tuệ tri đây là con đường đưa đến khổ diệt.”

“Này Hiền giả, như thế nào được gọi là trí tuệ? Vì có tuệ tri, có tuệ tri, này Hiền giả nên được gọi là trí tuệ. Có tuệ tri gì? Có tuệ tri đây là khổ tập, có tuệ tri đây là khổ diệt, có tuệ tri đây là con đường đưa đến khổ diệt. Vì có tuệ tri, có tuệ tri, này Hiền giả, nên được gọi là trí tuệ”.

Như vậy, trí tuệ được có mặt bắt đầu từ sự vận hành khởi lên cái nhìn tuệ quán với bất cứ một pháp nào cũng phải tuệ tri. Sự hiện hữu, sự đoạn diệt, con đường đưa đến sự đoạn diệt, tuệ tri cả vị ngọt, tuệ tri sự nguy hiểm, tuệ tri sự xuất ly của pháp đó. Trong Tăng Chi Bộ Kinh II, trí tuệ được đề cập đến như là sự thiết lập của tuệ lực: “Thế nào là tuệ lực? Ở đây có vị Thánh đệ tử có trí tuệ, thành tựu sự trí tuệ về sự sanh diệt, với sự thể nhập bậc Thánh vào con đường đoạn tận khổ đau”. Do đó, ngoài công phu tuệ quán sự sanh diệt các pháp như đã trình bày ở trên, hành giả còn có khả năng phá vỡ bức tường vọng kiến bao bọc bởi dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu để thẳng tiến vào con đường đoạn tận khổ đau. Đây chính là sự thể nhập chân lý về các pháp để hành giả bứt phá ra ngoài vùng tâm lý tham sân si hay vây hãm con người. Trong ý nghĩa công năng và hiệu dụng của trí tuệ (Paíía) được Thế Tôn xác lập thêm: “Trí tuệ có nghĩa là thắng tri (Abhinnattha) có nghĩa là liễu tri (Parinnattha) có nghĩa là đoạn tận (Phanatha). Với khả năng thắng tri, hành giả an trú sâu trong thế giới thiền định. Băng qua cái thấy biết do  tưởng tri (Saíjànàti), thức tri (Vijànàti), ý tri (Jànàti) đưa đến, hành giả còn chứng đạt thêm cấp độ thắng tri, tuệ tri, hiểu biết ngang qua công phu thiền định để thành tựu sự hiểu biết các pháp một cách toàn diện như là sự thể nhập chân lý tối hậu. Từ đây, nguồn mạch tuệ giác giúp hành giả khởi tâm nhàm chán, ly tham nên giải thoát. Trong sự giải thoát trí tuệ khởi lên biết rằng: “Do nhàm chán nên ly tham, do ly tham nên giả thoát”. Trong sự giải thoát trí tuệ khởi lên biết rằng: “Ta đã giải thoát”. Vị hành giả biết rằng: “Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm. Nay không còn trở lui trạng thái này nữa”. (Tương Ưng IV).

II. Những đóng góp khái niệm Trí tuệ theo quan điểm Phật giáo.

1. Xây dựng con người trí tuệ:

Trong tất cả mọi giá trị được thiết lập ở giữa đời này thì giá trị  xây dựng con người có trí tuệ là trên hết. Mọi giá trị khác có được định hình thì cũng bắt nguồn từ giá trị này mà ra. Việc tiếp thu kể cả kinh điển sẽ là phương tiện cứu cánh để con người bước ra khỏi vùng tư hữu ngã bằng tiến trình tuệ quán, tuệ tri “cái này không phải là tôi, cái này không phải của tôi, cái này không phải tự ngã của tôi”. Tại đây, con người có trí tuệ khởi lên cái nhìn chánh kiến sẽ hiểu rõ sự thật con người chính mình và con người xã hội theo sự vận hành của Duyên khởi. Với tâm lý vô tham, vô sân, vô si được thiết lập trong mỗi cá thể sẽ giải quyết tất cả các vấn đề nan giải cuộc sống được bắt nguồn từ sự khủng hoảng tư duy. Con người có trí tuệ sẽ nhận ra: tư duy hữu ngã trống rỗng, thế giới các ngã tướng là rỗng, mọi dục vọng được sanh khởi sẽ vắng mặt khi tư duy vô ngã xuất hiện. Từ đó con người chính nó, cũng như con người xã hội trở thành một thực thể thống nhất để giải thoát tất cả mọi ràng buộc khổ đau đè nặng lên thân phận con người được vận hành từ nguồn tuệ giác, tự thân xoá tan sự mê mờ như đức Phật tuyên bố: “Trong tâm chúng ta có một đấng giác ngộ thoát ra ánh sáng có năng lực soi tỏ sáu cảm quan bên ngoài và làm trong sạch chúng”.

2. Xây dựng nếp sống hướng thượng theo tinh thần trí tuệ Phật giáo:

Theo Phật giáo, trí tuệ được thiết lập như đã trình bày trên thì con người sẽ định hình được một nếp sống hướng thượng đem lại sự hạnh phúc an lạc cho mọi người dưới ánh sáng tuệ giác. Tại đây, tiến trình “văn-tư-tu” phải được diễn ra trong thực thể thống nhất và liên tục trong mỗi cá thể để tuệ sanh khởi và vận hành. Từ đó, tự thân mỗi con người phải thực thi quá trình tuệ quán này như là một giai trình thực nghiệm tâm linh. Người có trí tuệ sẽ thường xuyên giác tỉnh, quán chiếu với đôi mắt trí tuệ khi tiếp cận với bất kỳ một pháp nào. Chính đức Phật đã khuyến cáo các vị Tỳ-kheo:

“Này các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo, khi mắt thấy sắc, biết rõ rằng: “Nội tâm ta không có tham, sân, si”. Nội tâm có tham, sân, si biết rõ rằng: “Nội tâm ta có tham, sân, si”, hoặc biết rõ nội tâm không có tham, sân, si. Nội tâm ta không có tham, sân, si”. Này các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo khi mắt thấy sắc, hoặc nội tâm có tham, sân, si biết rõ: “Nội tâm ta có tham, sân, si”, nội tâm không có tham, sân, si biết rõ: “nội tâm ta không có tham, sân, si”. Này các Tỳ-kheo, biết rõ chúng có mặt hay không có mặt trong tâm vị ấy, có phải chúng là những pháp do lòng tin được hiểu biết, hay do ưa thích được hiểu biết, hay do lắng nghe được hiểu biết, hay do suy tư về phương pháp được hiểu biết, hay do kham nhẫn, thích thú về biện luận được hiểu biết?”. “Thưa không, bạch Thế Tôn”. “Có phải các pháp này do thấy chúng với trí tuệ, nên được hiểu biết?”. “Thưa phải bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo tiếp tục quán sanh diệt trong nhãn căn vị ấy nhàm chán đối với nhãn căn… Trong thiệt căn… Trong thân căn… Nếu Tỳ-kheo quán sanh diệt trong ý căn, vị ấy nhàm chán đối với ý căn. Do nhàm chán vị ấy ly tham. Do ly tham vị ấy giải thoát”.

“Trong sự giải thoát khởi lên, trí biết rằng: “Ta đã được giải thoát”. Vị ấy biết rõ rằng: “Sanh đã tận. Phạm hạnh đã thành. Những gì nên làm đã làm. Không còn trở lại trạng thái này nữa”.

Nếp sống hướng thượng cũng được đức Phật thực chứng và diễn giải bằng cuộc hành trình tuệ quán mà bước chân đầu tiên hành giả phải loại trừ năm tâm lý phiền não thường xuyên có mặt vây hãm ở mỗi tự thân con người đang hiện hữu, đó là trạo cử, hôn trầm, dục, sân, nghi thay vào đó là sự thành tựu năm thiền chi: tầm, tứ, hỷ, lạc, nhất tâm. Từ đó, hành giả tiếp tục quán chiếu với công phu thiền định lần lượt chứng và an trú bốn cấp thiền định. Trong thời gian hành trì này, hành giả thực sự sống an trú trong bầu không khí tươi mát của tâm thức đem lại từ kết quả của sự vận hành trí tuệ (Wisdom-panịnịnà). Xem ra, nếp sống hướng thượng này có công năg đốt cháy các phiền não làm trong sáng tâm thức để khai mở nguồn sáng tạo vô biên con người, dẫn đến sự thành tựu nội tâm mỗi con người. Tại đây con người sẽ hiểu rõ sự thật về chính mình và vạn hữu các pháp để giải thoát mọi khổ đau ràng buộc con người. Chính đức phật thường khuyến cáo hàng đệ tử về tầm quan trọng tu tập thiền định:

Ai sống một trăm năm
Ác giới không thiền định
Không bằng sống một ngày
Trì giới tu thiền định.
                                     (PC. 110)

Đến đây, mọi công phu tu tập của hành giả đều phải hướng về sự thành tựu của trí tuệ. Quán chiếu đối tượng để hiểu rõ sự thật các pháp để có cuộc sống chân hạnh phúc cho chính mình và cho mọi người.

Cuối cùng điều đáng nói ở đây, với một cách nhìn của con người có trí tuệ như thế, sống với nếp sống hướng thượng theo tinh thần trí tuệ Phật giáo như vậy, chắc rằng một nền văn hoá giáo dục vô ngã khi được vận hành sẽ dập tắt mọi khủng hoảng mà con người đang trông chờ giải quyết. Đó là sự khủng hoảng tâm linh, sự băng hoại các giá trị truyền thống, sự khủng hoảng môi sinh đe dọa đời sống con người. Hẳn nhiên con người sẽ thực hiện thành công ý nguyện như vậy khi và chỉ khi ánh sáng “tuệ giác vô thượng” được soi rọi vào rừng tâm thức mỗi người trong ngôi nhà chung biết yêu thương và hiểu biết của những năm tháng đầu thế kỷ XXI.

T.N.Đ

* Các đoạn trích dẫn trên được trích từ các kinh điển Nikaya do HT. Thích Minh Châu dịch thuộc Đại Tạng Kinh VN.
 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here