“Tôi ngước mặt lên bầu trời, hít thật sâu làn gió mùa hạ, mỉm cười và thầm cám ơn cuộc đời đã ưu ái cho tôi quá nhiều điều tốt đẹp trong cuộc sống. Cảm ơn duyên phận đã cho tôi được gặp và trò chuyện với những người như chú, để tự dặn mình phải sống sao cho tốt và hướng thiện hơn. Cảm ơn chú – người đàn ông ngồi trên xe lăn mà tôi cảm phục nhất trên đời!”
Tôi biết tới chú lần đầu tiên cách đây chừng ba năm qua lời kể của mẹ nuôi khi bà tình cờ xem một phóng sự về chú trên Đài truyền hình Đức, nhưng lúc đó tôi còn quá trẻ và nghĩ rằng mình còn nhiều việc khác phải quan tâm hơn là tìm hiểu về một người mà mình chưa từng gặp và quen trong quá khứ. Một năm sau đó, trong lúc lang thang trên mạng, tôi được biết cuốn sách viết về cuộc đời chú đã được phát hành và bán rộng rãi ở trên toàn nước Đức nhưng tôi cũng chỉ lướt qua rồi sau đó cũng quên luôn. Nhưng mẹ nuôi của tôi thì vẫn còn rất nhớ. Trong những lần đi dạo cùng nhau, tôi vẫn thường kể cho mẹ nghe về Việt Nam, về sự khác biệt giữa hai nền văn hóa và cả cách hành xử giữa con người với con người, rằng ở Việt Nam những người tật nguyền sẽ không được ưu tiên như ở Đức. Tự nhiên tôi nhớ tới chú và tự hỏi, không biết bây giờ chú ở đâu. Tôi vào mạng và bắt đầu tìm đọc những thông tin về chú, một sự cảm phục nhen nhói ở trong lòng, nhưng tôi không chia sẻ cùng ai, kể cả mẹ. Và mọi việc có thể sẽ đi vào quên lãng nếu như tôi không tình cờ gặp chú trong một quán cafe trong một chiều tháng bảy nồng nàn mùi nắng…
Chúng tôi ngồi đối diện nhau trong Campus Suite và bắt đầu cuộc trò chuyện bằng những lời hỏi thăm thân mật. Nụ cười lạc quan và sự lạc quan của một người ngồi trên xe lăn nhưng vẫn có thể làm chủ cuộc sống đã để lại cho tôi một ấn tượng mạnh mẽ, bởi tôi biết không phải ai cũng có đủ nghị lực để làm được điều đó. Nhìn gương mặt của người đàn ông sắp đi qua năm mươi mùa xuân cuộc sống mà vẫn rạng ngời nhiệt huyết, không hiểu sao tôi lại tưởng tượng ra „cậu bé Điền“ ngày nào khi còn nguyên vẹn đôi chân và tự hỏi nếu chiến tranh không xảy ra thì Nguyễn Phong Điền của ngày hôm nay có hạnh phúc hơn không. Dường như đọc được một phần suy nghĩ của tôi, chú nhẹ nhàng nói: „Cuộc đời chú có khó khăn hơn một chút so với những người khác, nhưng không mất mát. Chú biết ơn cuộc đời này vẫn còn quá tốt đẹp với chú. Chú không thể làm được những việc như con, nhưng chú cũng vẫn có thể làm được những việc khác để giúp ích cho đời. Chú không lấy hạnh phúc của người khác để làm chuẩn mực hạnh phúc cho mình“. Rồi sau đó chủ bắt đầu kể cho tôi và N nghe những năm tháng từng sống dưới bầu trời nước Đức và kỉ niệm tuổi thơ ngọt ngào bên những người bạn mà giờ đây không còn nữa. Chiến tranh đã lấy đi của chú một người cha thân yêu và đôi chân lành lặn, sau bảy năm điều trị ở Đức, chú trở về Việt Nam năm 1974 khi đã là cậu bé mười hai tuổi và nhìn đất nước mình với đôi mắt lạ xa. Chú bắt đầu phải học lại mọi thứ từ đầu, kể cả tiếng Việt và sau này cũng không được tới trường như bao bạn bè cùng trang lứa khác. Trong đôi mắt còn chứa một phần nỗi buồn sâu thăm thẳm, chú nhìn tôi và nói: „ Chiến tranh đã qua rất lâu rồi, nhưng trong suy nghĩ của nhiều người, chỉ những ai ngã xuống dưới chiến trường mới là những người đã cống hiến cho sự hòa bình của đất nước. Điều đó không sai nhưng họ cũng lại quên mất một điều rằng những người như chú cũng đang phải chết từng ngày trong đau đớn và chiến tranh vẫn chưa thực sự kết thúc. Trong cuộc chiến, những nạn nhân là có thật!“.
Tôi lặng im và thả trôi những dòng suy nghĩ của mình về miền quá khứ, để rồi nhận ra rằng mình hạnh phúc biết bao khi được sinh ra trong cái nôi của hòa bình và được sống trong tình yêu thương của nhân loại – điều mà chú không có được trọn vẹn. Bởi cuộc sống của một người ngồi trên xe lăn đã khiến chú phải từ bỏ những ước mơ riêng tư của mình, vậy mà đôi khi vẫn không được xã hội thừa nhận. Hay đúng hơn, người ta xem chú là gánh nặng của cuộc sống. Không ít người hỏi chú sống như vậy sao không chết quách cho xong. Những lúc vậy chú chỉ cười và tôi hiểu ra được một điều rằng nếu đối diện với những khổ đau mà chỉ nghĩ đến cái chết thì cuộc đời của họ cũng sẽ kết thúc từ giây phút ấy. Nhưng chú thì khác, đằng sau những nỗi đau vẫn từng đêm cất giấu là một nghị lực sống phi thường, một nhân cách thật đáng để trân trọng. Chúng tôi trò chuyện với nhau về đủ mọi điều trong cuộc sống, về tình yêu, tình bạn, tình người. Chú đặt ra cho tôi những câu hỏi, những tình huống mà tôi không biết phải „xử lý“ ra sao rồi thỉnh thoảng chú lại quay sang trêu tôi. Tôi bắt đầu kể cho chú nghe về những trải nghiệm của bản thân, về những con đường tôi đã chọn và đi và những mối quan hệ giữa con người với con người trong cuộc sống. Rằng đôi khi tôi cảm thấy thật bất công khi cái mình trao đi là một tấm lòng nhưng tất cả những gì nhận về chỉ lại là những tổn thương. Ngày xưa, tôi hay khóc vì điều đó lắm. Nhưng bây giờ lớn lên, tôi chỉ cười và chọn cho mình cách tách bản thân mình ra khỏi cuộc sống của những con người đó để tránh đi những nỗi buồn mà họ có thể tiếp tục „gieo“ vào trái tim bé nhỏ của mình. Chú cười hiền, nhìn tôi thật lâu rồi bắt đầu kể về cái gọi là sự „công bằng“ trong xã hội giữa một người „bình thường“ và một người ngồi trên xe lăn. Có đôi khi những lời nói của người ngoài như một mũi dao vô hình cứa vào da thịt chú, nhưng vượt qua tất cả những điều đó, chú vẫn thấy mình may mắn vì được sống một cuộc đời „còn bình lặng hơn rất nhiều so với những mảnh đời khác“. Khi tôi hỏi chú có buồn không khi vẫn có những người dẫm đạp nên nỗi đau của chú, chú nói: „Chú vẫn yêu thương được những người đã làm tổn thương chú, vì chú biết những hiểu biết trong họ còn chưa đủ. Nếu chú không ngồi trên xe lăn, nếu chú có một cuộc sống bình thường như các con thì có lẽ chú cũng sẽ không có được những trải nghiệm như thế này!“.
Phố ngoài kia đã bắt đầu lên đèn, những bước chân cũng không còn hối hả. Chúng tôi vẫn ngồi đó và tiếp nối những câu chuyện của mình với những chủ đề về giới trẻ, chiến tranh , lòng yêu nước. Như chợt nhớ ra điều gì, tôi hỏi chú: „Tại sao chú nghĩ là chỉ có người Đức mới biết tới chú, khi mà chú thực sự là một niềm tự hào của Việt Nam đấy chứ!“. Vẫn nụ cười ấy, chú ân cần giải đáp tất cả những thắc mắc của tôi, rằng cuốn sách này viết dành cho người Đức nhiều hơn người Việt, rằng đó là tiếng của không chỉ của riêng chú mà còn là của những nạn nhân thời cuộc. Rằng chú vẫn mơ về nước Đức, nhưng tình yêu dành cho Việt Nam thì vẫn mãi vẹn nguyên bởi „nếu chú không yêu dân tộc mình thì chú sẽ không bao giờ phải khóc. Chú giữ trong lòng cho riêng chú và tìm cách giúp đỡ những người cùng chung dòng máu quê hương bằng những việc làm thiết thực, như dẫn người ta vào bênh viên, phiên dịch cho họ…Nếu chú không thương thì chú đã không làm. Lòng yêu nước, nếu chỉ nói không thôi thì cũng như thỏi son môi, tô lên hôm nay thì ngày hôm sau cũng sẽ nhạt…“. Sống mũi tôi cay xè, nhưng ơn trời giọt nước mắt không rơi. Tôi không muốn yếu đuối trước hai người đàn ông đang ngồi cạnh mình lúc này, nhưng cũng nhân cơ hội này để nói hết với chú những điều tôi từng nghĩ. Chú đã dạy tôi những bài học sâu sắc trong cuộc sống, tôi biết và hiểu nhiều hơn về cuộc sống của một người ngồi trên xe lăn và tôi biết thông cảm hơn với những người đã, đang là những nạn nhân của xã hội và quan trọng hơn cả, từ bây giờ tôi sẽ cố gắng đặt mình vào vị trí của người khác nhiều hơn, vì chỉ khi nào tôi làm được điều đó, tôi mới thấu hiểu được tất cả những gì mà khi còn trẻ, tôi đã vô tình quên để tâm…
Tôi ngước mặt lên bầu trời, hít thật sâu làn gió mùa hạ, mỉm cười và thầm cám ơn cuộc đời đã ưu ái cho tôi quá nhiều điều tốt đẹp trong cuộc sống. Cảm ơn duyên phận đã cho tôi được gặp & trò chuyện với những người như chú, để tự dặn mình phải sống sao cho tốt và hướng thiện hơn. Cảm ơn chú – người đàn ông ngồi trên xe lăn mà tôi cảm phục nhất trên đời!
H.Y.A