Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Sống không vướng nợ

Sống không vướng nợ

200
0

Nợ nói ở đây không phải là nợ về tiền bạc. Vướng nợ có thể thể hiện bằng nhiều cách, đầu tiên là nợ về danh mà lắm khi chỉ là một tình tiết nhỏ trong giao tiếp đời thường, không chú ý thì không thấy được.

Ưa nhận những lời khen quá đáng khi có người tâng bốc mình là vướng nợ nếu quả thật mình chưa xứng với những phẩm chất được nêu ra. Cậy thế cậy quyền để tạo ra sự kính nể, dĩ nhiên là nhất thời, cũng là vướng nợ vì đó chỉ là danh vay mượn thuộc loại “sáo mượn lông công” mà thôi. Kiếm một chức vụ quá sức mình, chạy cho được một mảnh bằng mà chính mình không đủ trình độ là vướng nợ.

Còn nợ về lợi thì mỗi chúng ta quá dễ gặp trong cuộc sống với nhiều sinh hoạt đa dạng mà lợi được đưa đến tận tay. Dù lợi đó đến do tình nghiã, mình cũng không nên nhận vì thường khi mối lợi đó vượt quá công lao mà mình đã cống hiến. Chênh lệch giữa sự đóng góp của mình và lợi đã được đưa tới chính là món nợ phải vướng.

Nếu lợi đó là một bì thư thường thấy do nhà thầu chuyển đến sau khi hoàn công xây dựng thì nhận mối lợi ấy ắt phải vướng nợ; và nợ càng nặng khi công trình xây dựng xảy ra sự cố như vụ cầu Văn Thánh ở Thành phố Hồ Chí Minh chẳng hạn. Đây cũng là trường hợp của những hành động ăn cắp của công, tham nhũng, nhận hối lộ, trốn thuế, bán hàng giả…

Cũng vướng nợ nếu ai đó đã ăn cắp thì giờ công vụ để làm việc riêng tư.

Thì ra có quá nhiều tình huống vướng nợ trong một đời người. Nhân đây tôi cũng xin thuật lại hai mẫu chuyện vướng nợ và trả nợ ngay trong kiếp này mà một người bà con đã chứng kiến trong một dịp chầu chực nhiều ngày để nhờ thầy Liên một nhà ngoại cảm ở Hải Dương giúp đỡ:

1.Một phụ nữ hơi già bị bệnh cứng các khớp xương từ chân rồi tới lưng, tới tay; khi được thầy Liên hỏi thì bắt đầu cứng cổ. Thầy Liên báo trước đây có nợ người ta nên nay phải trả. Để sự ngạc nhiên của bà ấy khỏi kéo dài, thầy Liên đã dùng nhiều câu hỏi để xác nhận sự việc: trước đây bà là một nhân viên cấp dưỡng tại một nhà an dưỡng bệnh nhân lao, hằng ngày bà ấy xén bớt khẩu phần bồi dưỡng của bệnh nhân, tạo ra tình trạng có bệnh nhân chết vì thiếu dinh dưỡng.

2. Một người đàn ông đến năn nỉ thầy Liên cứu giúp con trai đang bệnh ung thư. Ông ấy thương con quá đỗi và đau xót nhiều vì con bị bệnh nặng nên lời lẽ bộ điệu khi trình bày sự việc đã làm cho nhiều người hiện diện rất thương cảm. Qua nhiều câu vấn đáp giữa thầy Liên và ông ấy thì thầy Liên tỏ ra biết rất rõ ông ấy là một công nhân viên về hưu và đang hưởng lương hưu với 15 năm công vụ. Thầy Liên nói thêm “mà sao lại khai thêm 4 năm làm chi trong khi ông chỉ có đúng 11 năm thâm niên công vụ. Vì đã chạy vạy lập hồ sơ nghỉ hưu hòng hưởng không chính đáng, ông đã mắc nợ để ngày nay con ông phải trả”.

Cả hai mẫu chuyện đều minh họa rất rõ lý nhân quả và lại là nhân quả nhãn tiền, đồng thời cũng nói lên được hậu quả của lối sống vướng nợ mà hai người trong hai mẫu chuyện phải trả. Chuyện thứ hai còn minh hoạ thêm lối nói thông thường “cha ăn mặn, con khát nước”.

Sự hiểu biết của con người về lý nhân quả ngày nay còn tiến thêm một bước nữa nhờ khoa nhận diện nói về thân người được bảy lớp hào quang bảy màu bao quanh, mỗi lớp ứng với một khía cạnh khác nhau như tiêu hóa, tuần hoàn, tình cảm, trí tuệ… Khi người nào đó có một niệm ác thì tư tưởng đó làm biến đổi bảy lớp hào quang và sự thay đổi đó thuộc loại tác động xấu lên thân người, làm hại sức khoẻ. Trái lại nếu có niệm thiện phát khởi thì sẽ có tác động ngược lại và góp phần ảnh hưởng tốt cho sức khoẻ. Thế là nhân quả không đợi kiếp sau và còn hơn nhân quả nhãn tiền. Đó là nhân quả tức thời.

Châu Trọng Ngô

(kỳ tới: Thiểu dục tri túc)
 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here