Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Sông Hương – Bao giờ tới biển. Kỳ 3: Dòng sông di...

Sông Hương – Bao giờ tới biển. Kỳ 3: Dòng sông di sản

175
0

Cho nên chẳng có gì ngạc nhiên khi mới đây, UNESCO khuyến nghị chính quyền TT-Huế và Việt Nam nên lập hồ sơ để trình xét công nhận sông Hương và cảnh quan đôi bờ là Di sản văn hoá thế giới (lần thứ hai), với tư cách là nhân tố không thể thiếu trong quá trình hình thành và phát triển của quần thể di tích cố đô Huế. Xung quanh chuyện này, người Huế, những người yêu Huế, yêu sông Hương đã mừng, đã thất vọng và rồi lại chờ đợi với những tia hi vọng le lói bởi kiểu hành xử “dùng dằng” của "một số người Huế". Sự chậm rãi khó hiểu này khiến người ta liên tưởng đến điều tâm đắc của nhà nghiên cứu văn hoá Hồ Tấn Phan: “Sông Hương đã có ảnh hưởng rất lớn đến tính cách và hành xử của người Huế… ”.

Lang thang thăm di tích Huế trên những chuyến đò dọc khi hoàng hôn phủ xuống dòng Hương một màu vàng tan để thực địa tìm tư liệu cho một tiểu luận về Huế, về sông Hương, Tâm – một người nữ sinh viên cao học chuyên ngành Văn hoá còn rất trẻ, đã làm tôi giật mình khi nhận xét rất… giống các nhà nghiên cứu: “Nếu không có dòng sông này làm phông, chắc chắn các lăng mộ và công trình văn hoá dọc hai bờ sông mà mấy hôm nay chúng ta đã đi qua như: lăng Minh Mạng, Thiệu Trị, điện Hòn Chén, Văn Miếu, Võ Miếu, chùa Linh Mụ, kinh thành Huế, hệ thống phủ đệ… sẽ mất đi một phần giá trị văn hoá”. “Tang tóc mỉm cười, vui tươi thổn thức” – Tôi cười một mình khi trong đầu chợt hiện dòng nhận xét của một người Pháp khi ông đứng trước Khiêm Lăng (lăng Tự Đức) trong một bài du ký mà tôi tình cờ đọc được. Chỉ có những “người dưng”, hoặc xa xứ mới có được những nhận xét tinh tường về Huế như thế. Trên đường đi, thỉnh thoảng chúng tôi gặp một vài chiếc thuyền nhỏ của người dân vạn đò neo đậu giữa dòng để lặn tìm cổ vật – đồ gốm, đồng được lưu giữ dưới dòng sông qua hàng ngàn năm. “Đây mới là di sản ác liệt nhất mà sông Hương có được” – ông bạn già Hồ Tấn Phan của tôi tay run run nói khi cầm trên tay một bình gốm thời văn hoá Sa Huỳnh còn nguyên vẹn mới được vớt lên. “Ngoài đồ Chăm phổ biến, dưới lòng sông Hương người ta còn tìm thấy các hiện vật mang dấu ấn văn hoá thời Sa Huỳnh và cả tiền Sa Huỳnh, đồ Đại Việt, đồ Tàu (Tống, Nguyên, Minh, Thanh), Nhật… Mỗi hiện vật là một thông điệp, chìa khoá để giải mã các nền văn hoá khác nhau đã từng hiện diện trên vùng đất này”. Nhìn những hiện vật bị sức mẻ vì người dân trục vớt một cách tuỳ tiện, tôi thấy đau lòng khi bao nhiêu năm nay, ngành Văn hoá TT-Huế, giới khảo cổ học, đã không nghĩ đến việc tổ chức những đợt khai quật khảo cổ học dưới nước có quy mô để tổ chức trưng bày, nghiên cứu. Giờ có nghĩ đến thì hiện vật dưới lòng sông cũng đã cạn, số trục vớt được bao nhiêu năm nay cũng chẳng ai biết được đã đi đâu, về đâu.

 Dù không phải là “con” của đức mẹ Thiên Y A Na, nhưng năm nào đến dịp “tháng 7 vía cha, tháng 3 vía mẹ”, tôi đều có mặt trên một chiếc thuyền để qua ngày, qua đêm ở điện Huệ Nam, dưới chân núi Ngọc Trản, để xem “chúng sinh” đi tìm sự an ủi, vỗ về ở một thế giới khác, để sướng cùng với những người dân lao động chân lấm, tay bùn, bỗng chốc hoá mình thành một ông hoàng, bà tiên uy nghi, phi phàm… Tục truyền rằng, nơi đây một năm hai lần, đức thánh mẫu Thiên Y A Na giáng trần để ban phước cho chúng sinh. Cũng một năm hai lần, dòng Hương lững lờ thường ngày bỗng nhiên “dậy sóng” bởi tiếng trống, kèn, đàn, hát dậy vang, cờ hoa rợp trời từ những con thuyền “khoác áo” ngũ sắc, trang hoàng lộng lẫy, nối đuôi nhau tưởng chừng như bất tận. Nơi Thiên Y A Na giáng trần, từ thời vua Hàm Nghi trở về trước chỉ là một ngôi điện… cấp bốn! Phải đến khi Đồng Khánh lên ngôi vua, tự xưng mình là một vị thần trong nhiều vị thần khác dưới trướng của Thánh Mẫu, điện Huệ Nam mới trở thành Quốc điện. Năm nay trên thuyền tôi ngoài “những người muôn năm cũ” còn có thêm Tâm. Cô cho biết bạn  cô, một sinh viên trường nhạc người Mỹ, đã đến đây, đã tìm thấy sự tương đồng giữa âm nhạc, vũ điệu của hầu đồng với nhạc Rock của người phương Tây ngay từ lần đầu tiên, nhưng sau đó mất gần 6 tháng, sự khác biệt là gì, bạn cô không tài nào lý giải được. Rồi sau một ngày đêm lang thang Tâm cũng tìm được câu trả lời thay cho bạn mình: “Hình như ở đây không phải ai cũng sôi động, ai nhảy cũng vui. Hình như đó là những giây phút lênh đênh hiếm hoi của phận người…”

Vì không “đặt chỗ” trước, và cũng vì quá ồn ào nên thuyền chúng tôi buộc phải thả về phía hạ lưu vắng vẻ thay vì qua đêm dưới chân điện. Đang chiêm bao, bỗng giật mình vì tiếng chuông chùa Linh Mụ từng hồi vang vọng. Trên đầu là trăng, dưới mạn thuyền là sông nước mang mang, xa xa là lớp lớp sương mờ, buồn như đêm 30 xa xứ. Thế mà cách đây mấy chục năm, nhạc sĩ Văn Cao trong một lần qua đêm trên dòng sông này, đã gọi không gian ấy là cõi “Thiên Thai”. Chợt nhớ cũng ở khúc sông này, dưới chân chùa Linh Mụ, lần đầu tiên trong đời tôi được tham dự một lễ Phóng đăng nhân ngày Phật đản. Thú thật là tôi đã báng bổ thần thánh, đã bụm miệng cười khúc khích một mình khi vị trụ trì chùa Từ Hiếu làm lễ quy y cho các thuỷ tộc sắp được phóng sinh, để khi mãn kiếp được hoá thân làm người, mong nhờ nhân duyên mà biết được Phật pháp. Nhưng đó cũng lần đầu tiên trong đời, không hiểu sao tôi lại hân hoan khi được tận tay giải thoát một thùng cá tôm, như chính mình được giải thoát.

Chừng không ngủ được, dù tiếng chuông đã dứt từ lâu, ông bạn già Hồ Tấn Phan rủ rỉ: “Việt Nam và thế giới ít có con sông nào lại có một đời sống văn hoá, tâm linh phong phú, đa dạng và đậm chất cung đình như dòng Hương. Chính sử gần như không chép, những bài du ký của các học giả trong, ngoài nước thì miêu tả cũng có hạn. Nhưng qua hai kỳ festival Huế vừa rồi, nhìn đoàn Ngự đạo xuất cung và hồi cung – lên, về tế trời ở đàn Nam Giao, cứ hình dung cách đây mấy trăm năm, dưới thời Gia Long, Minh Mạng, khi mấy con voi cùng lúc bơi qua sông Hương từ bến Tượng, cùng đoàn Ngự đạo xuất cung qua sông trên một chiếc cầu nổi bằng hàng chục chiếc thuyền ghép lại để lên Trai Cung, chắc chắn đó sẽ là một sự kiện, một cơ hội thụ hưởng văn hoá lớn đối với hàng vạn dân chúng và quan viên, chức sắc sống dọc hai bên bờ sông và cả kinh thành. Ngoài đại lễ Nam Giao hàng năm, dòng Hương còn là chứng nhân, từng lưu dấu hình ảnh các đoàn Ngự đạo của vua tuần hạnh, hoặc những cuộc tập của Thuỷ sư với quy mô lớn… nhưng tất cả đều không lớn và quan trọng bằng đám tang của các vị Hoàng đế. Những đoàn thuyền ninh lăng nối đuôi nhau lên sơn lăng là một trong những đại lễ quan trọng nhất của triều đình. Nó có ảnh hưởng đến không những cuộc sống của người dân kinh thành Huế mà còn với cả nước”.

Trong những sinh hoạt, lễ hội dưới thời các vua Nguyễn có liên quan đến sông Hương, có lẽ những sinh hoạt trên cồn Dã Viên là một trong những dấu tích hiếm hoi còn sót lại. Ngoài danh phận “hổ phục” của kinh thành theo thuật phong thuỷ, dưới thời Tự Đức, cồn Dã Viên là một vườn ngự – nơi vua nghỉ ngơi, vui chơi giải trí, thậm chí cả tổ chức… đấu hổ! Mới đây, khi một doanh nghiệp trình dự án lên UBND tỉnh TT-Huế đề xuất đầu tư xây dựng ở đây một cụm khách sạn 5 sao, và bị báo chí, người dân kịch liệt phản đối, tôi mới có dịp đặt chân lên “Dữ Dã Viên”. Và phải mất gần một ngày trời để tìm ra những di tích hiện còn trên khu đất hoang gồm: Một tấm đá thanh có khắc 3 chữ “Dữ Dã Viên”, (dựng tháng 7.1868), và nền móng một toà  hành cung cổ đã bị hư hỏng hoàn toàn. Khi cồn Dã Viên sắp bị biến thành khách sạn, mới thấy được cái tâm và tầm nhìn xa của KTS Nguyễn Trọng Huấn, cách đây hơn chục năm, ông đã đề xuất chính quyền địa phương nên cải tạo cồn Dã Viên thành một khu vườn và dựng tượng Huyền Trân công chúa ở để đón khách tham quan. Rồi Huyền Trân công chúa cũng đã được dựng tượng, nhưng dự án lãng mạn của ông sẽ chẳng bao giờ trở thành hiện thực. Bởi người ta đã “nhốt” công chúa vào “rừng sâu”, nơi có di tích lịch sử cách mạng Chín Hầm, gợi nhớ về một thời đau thương của đất nước.  

Cách thuyền chúng tôi đậu lên chừng 200m, dưới chân điện Huệ Nam hình như đang có chuyện gì đó mà vẳng nghe tiếng í ới gọi đò. Tâm nói vu vơ: “Em chưa bao giờ nghe được một câu mái nhì, mái đẩy từ một cô chèo thuyền nào trên sông Hương ngoài nghe kể và trên ti vi. Có lần đi nghe ca Huế, em thấy người ta hò gượng gạo như như kiểu bị… quan trên thúc ép. Giờ mà nghe được một câu kiểu “đò về Đông Ba, đò qua đập Đá…” thì khắc khoải, tâm trạng phải biết!”. Tôi cũng chẳng khác gì Tâm bởi thời của tôi, trên sông Hương đã có đến 7 cây cầu nên những bến đò ngang nổi tiếng một thời như Thừa Phủ, Thương Bạc, Toà Khâm… chỉ còn là hoài niệm. Còn chăng là những chuyến đò dọc, nhưng bây giờ còn ai chèo tay nữa. Sức lao động đã được giải phóng, thời buổi kinh tế thị trường cũng chẳng cô gái nào có thời gian và hứng thú để tức cảnh sinh tình, ngân nga tỏ lòng trên sông nước. Ông bạn già của tôi thở dài: “Ngó rứa thôi những chuyến đò dọc, đò ngang, những câu mái chèo, mái đẩy một thời đã tạo ra không biết bao nhiêu cuộc tình thơ mộng của những lữ khách trên bến và các cô chèo đò dưới thuyền. Đời tui đã nhiều lần chứng kiến cảnh chàng trai đi dọc trên bờ sông Hương, lần theo con đò của cô gái dưới sông để hò đối đáp, tỏ tình, hờn dỗi, sung sướng… từ bến Toà Khâm cho đến Ngã ba Sình. Rồi cũng chỉ là bèo nước gặp nhau, nhưng kỷ niệm, có khi là vết thương lòng còn mãi cho đến tận bây giờ…”. Ông lại thở dài. Cũng lạ, chuyện người, chuyện sông mà ông kể cứ như là chuyện của mình.

Chuyện vãn lại nằm thao thức. Ông chủ thuyền im lặng từ đầu đêm bây giờ mới lên tiếng: “Khi chừ tui nghe các anh toàn bàn chuyện cung đình, múa hát, lễ lượt, răng không thấy bàn đến chuyện hàng ngàn hộ dân vạn đò đang sống trên sông Hương như tui? Bầy tui đây là dân đen, nhưng cũng là một phần của lịch sử sông Hương đó nghe !”. Đúng rồi, dân vạn đò có lịch sử khai sinh, có ngôn ngữ, miếu thờ Thành hoàng và một đời sống văn hoá, tín ngưỡng riêng, mang đậm dấu ấn sông nước. Dân vạn đò trên sông Hương sống theo vạn (cụm dân cư), mỗi vạn làm một nghề khác nhau khác nhau như đánh cá, khai thác cát sạn, làm thê, lặn cổ vật, xe ôm, xích lô…Có lẽ gia đình ông Thao – chủ đò tôi thuê cùng với hơn 2000 hộ vạn đò khác trên sông Hương là những cư dân duy nhất trên thế gian này khi được hỏi về tổ tiên của mình đều có chung câu trả lời là “không biết từ mô tới”. “Sinh ra từ sông, úp mặt vào sông” – một nhà thơ vạn đò chính hiệu bạn tôi đã viết về dòng tộc mình như thế. Họ là một phần làm nên lịch sử và văn hoá của sông Hương, nhưng cũng chính họ là một vết thương lòng, là nhân tố góp phần vào việc “phá” sông sông Hương bởi sự nghèo túng, rách nát, thất học và khai thác cát sạn trái phép trước sự bất lực của chính quyền địa phương. Không ai dám hình dung sông Hương một ngày không còn vạn đò sẽ như thế nào, và cũng không ai dám hình dung cứ kéo dài đời sống vạn đò như hiện nay thì sông Hương sẽ như thế nào!

Tờ mờ sớm, trời bỗng dưng đổ mưa. Bé Thương – con ông chủ đò, 13 tuổi, đang là học sinh của một lớp xoá mù, vùng dậy bưng chậu xoài còi cọc để trước mui chiếc thuyền vào trong trú mưa: “Tự tay em trồng đấy. Nếu được lên bờ, chắc chắn nó sẽ lớn nhanh hơn” – Thương nói. Mẹ em ngồi ở sau bếp đang đun nước, mắt ngước nhìn lên tấm giấy khen của Thương dán trân trọng trên trần thuyền, bỗng hát một câu không thể nào buồn hơn, rằng: “Cha mẹ chài lưới bên sông. Đứa con thi đậu làm ông trên bờ”.

Hoàng Văn Minh (Báo Lao Động)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here