Trang chủ Phật giáo với Tuổi trẻ Sống chậm lại, nghĩ khác đi để yêu thương nhiều hơn

Sống chậm lại, nghĩ khác đi để yêu thương nhiều hơn

120
0

Tìm lại niềm tin cho cuộc sống

“Cách đây 3 năm, khi đang là SV Khoa Sử năm cuối, tôi đã từng chìm đắm trong u uất, buồn chán, tuyệt vọng. Kết quả học tập không như ý muốn, áp lực tìm kiếm việc làm và những điều thất vọng trong cuộc sống cứ đập vào mắt khiến tôi hoàn toàn mất phương hướng. Tôi sống như một cái bóng giữa bạn bè, gặm nhấm những nỗi buồn của mình, và gần như vô cảm với mọi cố gắng giúp đỡ của bạn bè thân thiết” – chị Thu Huyền, một GV Sử ở Hà Nội kể về mình.

Mối “duyên”với Phật Pháp trong một lần chị đi vào chùa Quán Sứ đã thay đổi tất cả. Chị tham gia những buổi thuyết pháp tại đây và trải lòng mình với các thầy để rồi nhận được những lời khuyên, trở thành động lực để chị thay đổ bản thân mình.

“Ban đầu tôi rất hoài nghi, nhưng những giáo lý của nhà Phật khi ấy đã giúp tôi phần nào lý giải những câu hỏi lớn trong đầu. Tôi không còn tự đày đọa mình bằng cảm giác thất bại, tự ti nữa.

Khi tiếp xúc với những giáo lý nhà Phật, tôi hiểu rằng mình nên chấp nhận “khuyết” đi một chút, để sống chậm lại, bình thản hơn, nhưng hạnh phúc hơn, trân trọng những gì mình đang có” – chị Huyền chia sẻ.

Chị Thùy Chi trong một khóa thiền tập tại chùa Từ Hiếu – Huế

Không cho rằng chỉ những ai trải qua những sóng gió, trắc trở mới tìm đến đạo Phật để được chở che, an tịnh tâm hồn, nhưng chị Thùy Chi (nhân viên Phát triển cộng đồng MMI, Hoàng Cầu, Hà Nội) cũng tâm sự, đạo Phật đã thay đổi cuộc sống vốn nhiều thăng trầm của chị.

“Nhìn lại cách đây 2 năm, khi đó cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Những gian nan vất vả trong công việc, gia đình, bạn bè… cùng một lúc ập đến… khiến tôi cảm thấy vô cùng mệt mỏi. Như một cái “duyên”, tôi được một đồng nghiệp cùng công ty giới thiệu khóa tập tu trong hai ngày tại chùa.

Tôi tham gia phần vì tò mò, phần vì cũng muốn tìm cho mình một khoảng lặng. Nhưng như một điều kỳ diệu, những điều Phật dạy giáo lý mà lần đầu được tiếp xúc đã giúp tôi soi sáng được rất nhiều điều. Sau hai ngày, tôi quyết định quy y cửa Phật” – chị tâm sự.

Chị Chi cho biết, một trong những thay đổi lớn nhất khi đến với đạo Phật là chị có thêm niềm tin vào bản thân, vào cuộc sống. Đặc biệt, chị còn có thêm đam mê làm từ thiện – một nguồn vui sống của chị.

Về điều này, chị chia sẻ: “Tôi hiểu thêm giá trị của việc Cho đi. Dù cuộc sống còn nhiều vất vả, nhưng mỗi chuyến đi, mỗi việc thiện làm được lại thêm động lực cho tôi làm việc và cống hiến”.

Từng gặp phải nhiều khó khăn trên con đường đi tìm hạnh phúc, anh Thanh – hiện là một doanh nhân thành đạt cho hay, anh đã may mắn đến với đạo Phật khi gặp được một phật tử tại gia giúp đỡ anh hiểu được những triết lý cơ bản của đạo Phật.

Với triết lý nhà Phật, thành công trên con đường kinh doanh của anh cũng mang những ý nghĩa khác: “Dù chông gai, khó khăn nhưng không nản. Dù có nhiều của cải, chức quyền nhưng không bị nhiễm ô tâm hồn mình. Trong kinh doanh cũng không có ý tranh giành mà làm tùy vào duyên, tạo ra duyên lành, chân thật để ra quan hệ thân thiện bền vững”.

Sống để yêu thương

Đạo Phật khá gần gũi trong xã hội Việt nhưng nhiều người vẫn còn xa lạ với những suy nghĩ “Quy y cửa Phật là phải lên chùa cạo tóc, ăn chay, niệm phật, tránh xa sắc giới”… Kỳ thực, đó không phải là những thử thách lớn nhất của Phật tử. “Phật ở tại Tâm”, thực hành những giáo lý nhà Phật ngay trong đời sống hằng ngày mới là điều khó, đòi hỏi sự quyết tâm rất lớn của mỗi người.

Quỳnh Ngọc (thứ 2 từ trái sang) trong chuyến hành hương qua 15 tỉnh miền Tây và Đông Nam bộ

Hoàng Quỳnh Ngọc, SV ĐH FPT cho biết: “Khi quy y cửa Phật, tôi thường phải tự đấu tranh trong những việc rất nhỏ như: Nói dối hay trung thực trong học tập, sát sinh hay yêu thương những loài vật dù bé nhỏ như con muỗi, con kiến. Ghen tị, chấp nhặt hay bao dung với lỗi lầm của bạn bè. Thờ ơ hay quan tâm đến những éo le trong cuộc sống bày ra trước mắt. Khó vì nó diễn ra hằng ngày, hằng giờ.

Ví dụ như, Phật dạy: "Mỗi con người chúng ta khi mới sinh ra đều là Phật, mang tâm của Phật. Nhưng do chúng ta lớn lên, không đứng vững trước những sự xô bồ của cuộc sống mà dần mất đi giá trị của riêng mình". Ai trong chúng ta cũng hiểu được điều đó, nhưng không phải ai cũng làm được!”

Ngọc chia sẻ một “chuyện nhỏ” cảm động. Đó là một lần ra ngoài cùng mẹ, Ngọc nhìn thấy một người đàn ông già nua, lôi thôi đang ôm mặt ngồi gục vào cạnh cửa.

“Tôi hiểu được chắc phải có chuyện gì khiến ông đau lòng lắm mới vậy! Trái tim tôi tự nhủ: "Mày hãy ra và hỏi thăm xem ông gặp chuyện gì đi, có thể mày không giúp được ông nhiều nhưng ít ra mày có thể chia sẻ cơ mà”… Cuối cùng, dù nghĩ như vậy, tôi vẫn bước đi….”

Vì điều đó, Ngọc đã day dứt, dằn vặt rất nhiều khi thấy mình không khác gì một trong số rất nhiều người vô cảm với nỗi đau của người khác đang đầy rẫy ngoài xã hội.

“Đối với các bạn cùng trang lứa, có thể tôi có một cách nhìn về cuộc sống hơi khác so với họ. Song nơi cửa Phật cũng là nơi giúp tôi tìm được chính con người mình. Phật đã dậy cho tôi học cách yêu thương, thanh thản và nhẹ nhàng trước những vấp ngã trong cuộc sống” – Ngọc chia sẻ.

 

(Theo Vietnamnet)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here