Trang chủ Thiền môn xứ Huế Danh Tăng-Ni, Nhân sĩ Sơ lược cuộc đời nữ cư sĩ Tâm Liên Đặng Tống Tịnh...

Sơ lược cuộc đời nữ cư sĩ Tâm Liên Đặng Tống Tịnh Nhơn

158
0

Đặng Tống Tịnh Nhơn gốc người Thường Tín (Hà Tây nay nhập vào Hà Nội). Từ cuối thế kỷ XIX, nội tổ của bà là cụ Đặng Như Bá vào Huế làm quan triều Nguyễn, chức “Hàn Lâm Viện Thị Giảng (Tòng Tứ phẩm).

Ở Huế, cụ Bá cưới bà Nguyễn Thị Tâm và sinh được 8 người con là: Đặng Ngọc Thụ (thân sinh Bác sĩ Đặng Ngọc Khuê, cụ nội của bác sĩ Liệt sĩ Đặng Thùy Trâm sau nầy),  Đặng Ngọc Phát;  Đặng Ngọc Chương,  Đặng Ngọc Vinh (thân sinh bà Đặng Thị Diệu Thanh hiện còn sống ở TP HCM), Đặng Thị Sâm (không lập gia đình, nấu cơm chay bán tại nhà, mất năm 1985); Đặng Thị Nhung (lấy nhiếp ảnh gia Phan Anh, có con trai là Kỷ sư Phan Ngọc Cơ); Đặng Ngọc Ngô, Đặng Thị Còi.

Năm 1902, cụ Đặng Như Bá mua ngôi nhà tranh (thuộc P.Vĩnh An, Huế) của Cửu phẩm Đặng Quang Thị (ở Tả ty bộ Lễ) giá 70 đồng. Đến năm Khải Định thứ 8 (1923) cụ xin phép làm lại thành một cụm nhà gồm một cái ba gian hai chái, một cái ba gian, một phố ngói 2 gian và một bếp tranh. Cụm nhà mang số 90 đường Đông Ba (nay là 120 Mai Thúc Loan), mặt trước hướng ra đường Đông Ba, mặt phía tây giáp đường Âm Hồn (nay là Lê Thánh Tôn), phía bắc cận nhà ông Thị Độc Nguyễn Duy Thiệu, phía đông kề nhà ông Tú Tài Trần Ngạc.

Đặng Tống Tịnh Nhơn sinh năm 1931, cháu nội cụ Đặng Như Bá, con gái độc nhất của Tham tá Lục bộ Đặng Ngọc Chương và cô giáo Tống Thị Viện (1908-1934) – (hậu duệ của Thừa Thiên Cao Hoàng hậu Tống Thị Lan).

 H.1.Tâm Liên ĐTTN – Huynh trưởng của Gía đình Phật tử Gia Thiện (1948)

Buổi thiếu thời Tịnh Nhơn theo gia đình vào Ninh Thuận, thân sinh làm Tham tá ở Tòa sứ, thân mẫu đi dạy học. Không may, thân mẫu mất ở tuổi 27 (17-8-1934), thân sinh phải đem con (mới 4 tuổi) về Huế  nhờ hai cô em gái là Đặng Thị Sâm, Đặng Thị Nhung và gia đình ông anh vợ là Tống Viết Toại nuôi dạy. Vợ mất sớm, ông Chương tu tại gia, ăn chay trường rồi cũng mất vì bệnh phổi.

Dù lâm vào cảnh mồ côi sớm, Tịnh Nhơn được cô Sâm, cô Nhung và cậu Tống Viết Toại rất thương yêu nên bà không đến nỗi cô đơn và không bị gián đoạn việc học hành. Để vượt qua hoàn cảnh mồ côi, Tịnh Nhơn có ý chí tự lập rất sớm. Bà dựa vào truyền thống gia đình theo Đạo Phật, vào sự đùm bọc của các cô, cậu và bạn bè mặc áo lam, không ngừng học tập và hoật động xã hội để trưởng thành.   

Sau ngày Cách mạng Tháng tám 1945 thành công và rồi hơn một năm sau đó Toàn quốc kháng chiến (19-12-1946), nhiều Cư sĩ-Phật tử ưu tú thoát ly tham gia việc nước, Phật giáo thiếu nhân sự, nhiều Phật sự ở Huế bị đình trệ. Từ cuối năm 1947, một số gia đình Phật tử ra đời, thu hút được nhiều thầy cô giáo, nam nữ học sinh ưu tú của hai ngôi trường nổi tiếng ở Huế là Đồng Khánh và Khải Định. Dưới các mái chùa, sân vườn Khuôn hội, trong tinh thần huynh đệ tỷ muội, tuổi trẻ được học Phật, vui chơi sinh hoạt văn nghệ, hoạt động xã hội, giúp nhau trau giồi đao đức, văn hóa rất hữu ích. Một trong các Gia đình Phật tử nổi tiếng lúc ấy là Gia đình Gia Thiện thuộc Khuôn Thuận Hóa tại chùa Quan Công (Chùa Ông) đường Bạch Đằng, phường Phú Cát Huế do đạo hữu trẻ Tâm Liên Đặng Tống Tịnh Nhơn làm Huynh trưởng (1948).

Hoạt động trong các Gia đình Phật tử, sau một thời gian xuất hiện nhiều Phật tử có khả năng hoạt động giáo dục xã hội theo tinh thần Phật giáo. Nhiều đoàn thể nam, nữ Phật tử ra đời. Về phía nữ, năm 1952, có hai đoàn Nữ Phật tử Hương Trang và Liên Hương hoạt động rất có uy tín với các đoàn viên nổi tiếng như cô Hoàng Thị Kim Cúc (giáo viên dạy Gia chánh ở trường Đồng Khánh), cô Lương Thị Đào (Thư ký ở trường Đồng Khánh, sau là bà Nguyễn Khoa Dánh), Tâm Liên Nguyễn Thị Đoàn (sau là bà Châu Trọng Ngô), và nhất là Tâm Liên Đặng Tống Tịnh Nhơn – (sau lập gia đình với thầy giáo Văn Đình Hy) –  một huynh trưởng Gia đình Phật tử thông minh, yêu đạo và nhiệt tình yêu nước.

H.2.Bà Đặng Tống Tịnh Nhơn — Hiệu trưởng tường Đồng Khánh Huế (1960-1964).

Năm 1956, Tâm Liên Đặng Tống Tịnh Nhơn được tổ chức xếp vào hàng Huynh trưởng cấp Tín thuộc Tổng hội Phật giáo Trung phần do Đại đức Thích Trí Quang (nay là Hòa thượng Thích Trí Quang) làm Chánh Hội trưởng. Thời điểm nầy toàn Hội chỉ có 34 Huynh trưởng cấp Tín.     

Tâm Liên Đặng Tống Tịnh Nhơn có một sức hút đối với các đoàn viên, không những vì cô thấm nhuần Đạo Phật phổ biến giáo lý rất hấp dẫn mà còn vì sự thông minh, năng khiếu tổ chức – điều khiển và học vấn xuất sắc của bà. Bà giỏi ngoại ngữ, giỏi văn và giỏi cả toán. Những năm sau Ngày toàn quốc kháng chiến, các trường học chưa được mở lại, bà sang An Cựu ở lại nhà bạn Nguyễn Thị Đoàn để đi học Toán với thầy Châu Trọng Ngô ở gần đó. Đến khi trường Khải Đinh mở lại, bà tiếp tục học và thường đứng đầu lớp. Tịnh Nhơn là một nữ sinh đặc biệt. Ông Nguyễn Hữu Thứ – Hiệu trưởng trường Quốc Học (lúc đó còn mang tên Khải Định) rất ngạc nhiên về phong cách của bà. Lần đầu tiên ông gặp một cô nữ sinh mới học lớp Đệ nhị (lớp 11 bây giờ) dám lên gặp Hiệu trưởng để góp ý về việc điều hành học sinh nhà trường. Điều đáng ngạc nhiên hơn nữa là những góp ý đó rất sát thực tế, rất đúng. Lúc sắp từ giả cuộc đời, ông Nguyễn Hữu Thứ viết cuốn “Một thời Quốc Học” đã dành 4 trang (tr,87 đến tr.91) cho kỷ niệm tiếp cô nữ sinh Đặng Tống Tịnh Nhơn ở Văn phòng trường Khải Định năm ấy.

Học xong Tú Tài, Đặng Tống Tịnh Nhơn được bổ dạy học tại chính ngôi trường bà đã học là trường Đồng Khánh. Dù đã lập gia đình (1954), vừa lo Phật sự, vừa đi dạy học, bà vẫn tự học để cập nhật kiến thức hiện đại của mình. Bà thường trao đổi với thầy giáo và bạn bè (trong đó có thầy Nguyễn Văn Trung, bạn Hoàng Văn Giàu, bạn Hoàng Phủ Ngọc Tường.v.v.) về những tiểu thuyết, sách mới, những tư tưởng mới từ Âu Mỹ mới du nhập đến miền Nam Việt Nam. Bà ghi danh học các Chứng chỉ ở Đại học Văn khoa Huế. Khi bà sắp học xong Cử nhân Văn chương thì được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng trường Đồng Khánh. Làm hiệu trưởng bốn niên khóa (từ 1960 đến 1964), niên khóa nào bà cũng tổ chức lễ Hai Bà Trưng vừa để tôn vinh người Phụ nữ Việt Nam yêu nước vừa tuyển chọn những nữ sinh đẹp, học giỏi, hạnh kiểm tốt tiêu biểu của nữ sinh Huế.  

Đầu năm 1963, khi nghe tin các bạn của vợ chồng bà là Tiến sĩ Trần Quang Thuận vừa du học Anh quốc về và bác sĩ Tôn Thất Chiểu đứng ra thành lập Đoàn Sinh viên Phật tử Sài Gòn, vợ chồng bà mời thêm một số bạn bè lên chùa Từ Đàm xin ý kiến của Thượng tọa Thích Trí Quang – Chánh Hội trưởng Hội Phật giáo Trung phần, xin thành lập Đoàn Sinh viên Phật tử Huế đẻ tạo điều kiện cho giới Sinh viên Đại học Huế học Phật. Được thượng tọa Thích Trí Quang – (người đã chứng minh cho đám cưới của vợ chồng bà tại chùa Báo Quốc năm 1954) – đồng ý. Đến tháng 3-1963 Đoàn Sinh viên Phật tử Huê ra đời do Hoàng Văn Giàu – Phụ khảo triết học Đại học văn khoa Huế, một người bạn thân của gia đình bà làm Đoàn trưởng. Đoàn Sinh viên Phật tử ra đời được mấy tháng thì xảy ra cuộc Vận động của Phật giáo chống chính sách  kỳ thị tôn giáo, kỳ thị Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm. Với nhiệt huyết của tuổi trẻ có ăn học, thấm nhuần tinh thần bi trí dũng, các đoàn viên Sinh viên Phật tử  Huế đã đóng góp cho cuộc vận động của Phật giáo nhiều hoạt động nổi trội trong các cuộc tuyệt thực, mít-tin, biểu tình, phát thanh, báo chí chống chế độ Ngô Đình Diệm. Đến tối ngày 20 rạng ngày 21-8-1963, chính quyền Ngô Đình Diêm thực hiện “Kế hoạch Nước lũ” tấn công các chùa chiền đã có những hoạt động cho cuộc vận động của Phật giáo trên toàn miền Nam Việt Nam, bắt hết các sư sãi, sinh viên, học sinh và đồng bào Phật tử đã lãnh đạo và tham gia các hoạt động chống chính quyền kỳ thị tôn giáo. Hầu hết các đoàn viên Sinh viên Phật tử đều bị bắt. Bà Tâm Liên Đặng Tống Tịnh Nhơn không tham gia Đoàn Sinh viên Phật tử nhưng cũng bị bắt với tội danh đứng sau lưng các hoạt động  tranh đấu của Sinh viên Phật tử và trí thức Huế. Lúc đầu bà bị giam chung với Phật tử và Sinh viên tranh đấu ở Hội trường Nha Công An (đường Nguyễn Thị Giang), ít lâu sau bà bị đưa lên giam riêng ở Chin Hầm vì tội bà là Hiệu trưởng trường Đồng Khánh và là Chủ tịch Hội Phụ nữ Liên đới Thành phố Huế mà bí mật tham gia các hoạt động chống chế độ Ngô Đình Diệm[1]. Mãi cho đến sau ngày chế đổ Ngô Đình Diệm sụp đỏ (1-11-1963) bà mới được thả ra và trở về với chức vụ Hiệu trưởng trường Đồng Khánh của bà. Thời gian bị biệt giam ở Chín Hầm, để lại nhiều di chứng cho sức khỏe của bà.

H.3.Cuộc họp thành lầp Đoàn SVPT Huế tại chùa Từ Đàm, tháng 3-1963. Ảnh TL do NĐX st

Đoàn Sinh viên Phật tử do vợ chồng bà và bạn bè của ông bà đề xướng buổi đầu đã thu hút được nhiều trí thức trẻ ở Huế và miền Trung. Nhiều đoàn viên Sinh viên Phật tử Huế về sau vào  đời dù phải đi vào nhiều lĩnh vực, nhiều hoàn cảnh khác nhau, nhưng vẫn thành danh với tinh thần bi trí dũng cố hữu của người theo Đạo Phật. Hoàng Văn Giàu – một cư sĩ cầm bút ở Úc; Võ Văn Thơ – môt Tiến sĩ Toán ở Canada; Thái Thị Kim Lan – Một Giáo sư Tiến sĩ ở Đức, dạy Triết học  phương Đông cho người phương Tây Phương, một nhà vận động từ thiện quốc tế giúp Việt Nam, một cây bút nổi tiếng của Văn hóa Phật giáo; Phạm Thị Xuân Quế-một bác sĩ hy sinh cả cuộc đời cho các hoạt động xã hội từ thiện, nuôi già, dưỡng trẻ; Bửu Hồ xuất gia đi theo bước chân Phật với Pháp hiệu Phụng Sơn đứng đầu một tu viện ở Hoa Kỳ, Trần Xuân Kiêm – Giáo sư Đại học; Trần Anh Tuấn – Tiến sĩ Luật ở Hoa Kỳ, đứng đầu ngành hành chính công ở Việt Nam và nhiều trí thức khác. Ngày nay, những ai còn tự hào mình từng xuất thân Đoàn Sinh viên Phật tử Huế đều không thể quên ơn ông Văn Đình Hy và bà Tâm Liên Đặng Tống Tịnh Nhơn năm xưa.

Năm 1964, ông bà Văn Đình Hy-Đặng Tống Tịnh Nhơn chuyển vào làm việc ở Sài Gòn. Ông Văn Đình Hy làm việc ở Bộ Giáo Dục, bà Tịnh Nhơn dạy học tại trường Gia Long (nay là trường Nguyễn Thị Minh Khai). Ông bà vào Sài Gòn đúng vào thời gian thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất. Tâm Liên Đặng Tống Tịnh Nhơn tiếp tục sinh hoạt với Ban Hướng dẫn Gia Đình Phật Tử Việt |Nam. Bà được cử giữ chức Ủy viên Thiếu nữ Trung ương qua nhiều nhiệm kỳ.
Bà là người chị trưởng tận tụy, hy sinh, yêu thương các em như ruột thịt. Cho đên nay, các đoàn viên cũ của bà vẫn còn giữ bài thơ “Lá thư cho em”  nói lên nỗi lòng của bà khi các đoàn viên phải xa đoàn thể Thiếu nữ của bà.    

“ Em về bên đó không em

 H4.Trích thư viết ngày 6-9-1975 của bà Tâm Liên ĐTTN gởi cho bà Nguyễn Thị Đoàn nói lên nỗi vui mừng quê hương Việt Nam được thống nhất. TL do gia đình bà Đoàn  cung cấp.  

Làm ơn cho chị nhắn thêm vài lời
Từ đây cho hết ngọn đồi
Hỏi nhà em chị cách hai cánh làng
Trước sân có một gốc bàn
Và quanh vườn dậu hai hàng xoan tây
Rằng: Từ em trở sang đây.
Có người chị trưởng ngày ngày nhớ thương
Mỗi chiều nắng ngã hơi sương
Bùi ngùi chị lại ra đường ngóng em
Dặm dài hun hút hơn tin.
Buồn vương gió lạnh cánh chim lìa đàn,
Nỏ thà sông nước cho cam,
Cách nhau chỉ để mấy hàng dậu tre ?
Mỗi chiều em ngóng chị nghe
Chuông chiều chị gióng có về bên em?
Đêm nay nữa, trắng bao đêm,
Thương em chị khóc con chim lìa đàn.

Tâm Liên Đặng Tống Tịnh Nhơn còn một  nỗi niềm thầm kín khác mà chỉ những người rất thân với bà mới biết. Bà là một Phật tử luôn khát vọng hòa bình  thống nhất đất nước, nhưng do hoàn cảnh là một nhà giáo ăn lương của chính quyền đang hăng say chiến tranh bà không thể để lộ khát vọng ấy. Sau ngày đất nước được thống nhất, vào đầu  tháng 9-1975, từ Sài Gòn bà viết thư nhờ cô giáo Hoàng Thị Kim Cúc chuyển cho bà Nguyễn Thị Đoàn – người bạn tâm giao của bà, trong thư có đoạn viết:

“…Mới hôm nào mình kể cho Đoàn nghe giác mơ hai đứa kéo nhau cùng với đồng bào qua sân vận động đón người miền bắc vào làm lễ mừng nước nhà thống nhất , cờ đỏ sao vàng bay rợp cả trời …Mới ngày nào đứng bên nầy sông Bến hai, nhìn qua bên kia sông âm thầm khóc cho đất nước và cho chính thân phận, mà chừ đây tất cả đều thành sự thực. Sau một biến cố thế nào cũng có những chuyện không như ý, làm động chạm đến mỗi cá nhân hay một giai cấp , một thành phần nào đó, nhưng mình vẫn thiết tha tin ở tương lai vì đó chỉ là những hiện tượng nhất thời chứ bản chất không có chi thay đổi”. 
   
Bà mừng đất nước thông nhất chưa được bao lâu thì không ngờ bà ngã bệnh hiểm nghèo và không hy vọng vượt qua được. (Một phần bệnh tật do di chứng thời

H.5.Trích di thư có hai đièu ước của Tâm Liên ĐTTN             

gian bị biệt giam ở Chín Hầm). Thấm nhuần lời Phật dạy, bà rất tinh táo chuẩn bị vĩnh biệt cuộc đời. Bà viết lá thư cuối cùng với nét chữ bình thường như hồi còn làm cô giáo, gởi cho bà Nguyễn Thị Đoàn. Trong thư bà muốn được thiêu và đem về Huế. Bà ước hai việc: “hoặc được chôn bên chân mẹ, hoặc cả cha mẹ được hiệp táng ở chùa để bà được nép bên chân 2 ông bà ngày ngày kinh kệ vui biết mấy”.                              

Bà mất vào ngày 15-9-1982 (nhằm ngày 28-7 Nhâm Tuất) tại TP HCM. Thi hài của bà được quàng tai trường Nguyễn Thị Minh Khai và được hỏa thiêu. Đến ngày 22-10-1982 , một người bạn là bà Phó Thị Hoa đưa tro cốt của bà về Huế giao cho các ông bà Châu Trọng Ngô, ông bà Nguyễn Đức Đồng tổ chức mai táng. Với sự vận động của Sư bà Thích nữ Diệu Không và Thượng tọa Thích Đức Tâm, Hòa thượng Thích Mật Hiển đồng ý dành một khoảnh đất phía sau chùa Trúc Lâm để thực hiên ước mong trước khi bà qua đời. Ước mong của bà đã được các Tôn đức Phật giáo và bạn bè của bà biến thành sự thực: Một khu mộ dành cho gia đình họ Đặng hình thành. Hài cốt thân sinh, thân mẫu và người cô của bà ở các nơi được cải táng về đây. Mộ phần của bà được ở bên cạnh mộ phần của cha mẹ và người cô đã nuôi nấng suốt tuổi thơ của bà.              

H.6.Mộ phần bà Tâm Liên Đặng Tống Tịnh Nhơn (1931-1982) (bìa trái, dấu X) trong khuôn viên lăng mộ gia đình họ Đặng ngay phía sau chùa Trúc Lâm do hai người con Văn Đình Hữu và Văn Đặng Từ Nguyên phụng lập năm Nhâm Tuất (1982) . Ảnh NĐX

Bài vị của bà được thờ ở chùa Trúc Lâm. Từ đó, hằng năm cứ vào ngày 27 tháng 7 âm lích, bằng hữu Đồng Khánh chủ trì xin phép quý thầy chùa Trúc Lâm cho đến dâng hương tưởng niệm người đã mất. Trong cuộc lễ có nhiều Phật tử thân tín và vài người bà con đến dự. Đến năm 2005, người cháu của bà là Bác sĩ Đặng Thùy Trâm – tác giả Nhật Ký Đặng Thùy Trâm được thế giới ngưỡng mộ – được công nhận Liệt sĩ, khu nhà của nội tổ của bà để lại trở thành nhà Lưu niệm của Bác sĩ Liệt sĩ Đặng Thùy Trâm. Trong ngôi nhà lưu niệm ấy, bên cạnh bàn thờ nội tổ, bàn thò các bác, các cô chú của bà và bàn thờ Đặng Thùy Trâm có bàn thò thân sinh, thân mẫu và chính của bà. Suốt đời bà sống cho Phật giáo, sâu nặng tình người nên công đức của bà sẽ sống mãi với Phật giáo và người dân xứ Huế. 

                Gác Thọ Lộc, 11-2010
              Tâm Hằng N.Đ.X.

 

 

Tài liệu tham khảo
– Đồng Khánh Mái Trường Xưa, (Chào mừng kỷ niệm 90 năm thành lập trường)
– Một thời Quốc Học, Nguyễn Hữu Thứ, Toronto 2002
– Ngôi nhà họ Đặng-nơi sinh ra bác sĩ liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Đắc Xuân, báo Thể Thao, số 188, Thứ hai 22-8-2005
– Tài liệu của Cư sĩ Nguyễn Thắng Nhu- Huynh trưởng cấp Dũng GĐPT Việt Nam
– Tài liệu hình anh, thư từ của Tâm Liên Đặng Tống Tịnh Nhơn  gởi cho bà Nguyễn Thị Đoàn do ông Châu Trọng Ngô cung cấp.
– Tài liệu của Tống Viết Cầu cháu được bà nuôi trong nhà thời gian trước và sau năm 1963
– Điền dã khu vực sau chùa Trúc Lâm

 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here