Trang chủ Phật giáo với Tuổi trẻ Sinh viên Huế với "Tuần văn hóa Phật giáo"

Sinh viên Huế với "Tuần văn hóa Phật giáo"

161
0

Tuần văn hóa Phật giáo được tổ chức tại chùa Từ Đàm (số 1 Sư Liễu Quán, phường Trường An, Tp Huế) từ ngày 01 đến ngày 7/3/2008 (24-30/1/Mậu Tý) do Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Thừa Thiên Huế và Tạp chí Văn hóa Phật giáo tổ chức.



Hoạt động


Các hoạt động chính như triển lãm ảnh “Tây-Đông Tuyết và Hoa”, thuyết trình “Văn hóa Phật giáo Việt Nam” của Hòa Thượng Thích Chân Thiện, “Xung đột văn minh” của Gs. Cao Huy Thuần, “Phật giáo trong bối cảnh văn hóa đa cực” của Gs. Thái Kim Lan, “Tính cách Ấn Độ” của nhà văn Hồ Anh Thái, “Tính cách Huế trong dòng văn hóa Việt” của Gs. Bửu Ý. Các buổi gặp gỡ giao lưu với nhà văn Nguyên Ngọc, chia sẻ kinh nghiệm trở thành doanh nhân lớn của doanh nhân Tạ Thị Ngọc Thảo, buổi nói chuyện “Thiền với sức khỏe” của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc đặc biệt là buổi chiếu và thảo luận về phim “Hương vị hồng đào” (Taste of chery) giải “Cành cọ vàng” tại LHP Cannes 1997 của đạo diễn Abbas Kiarostami (Iran) và nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ khác.


Đối tượng của Tuần văn hóa phật giáo hướng tới là tất cả mọi người dân. Tuy nhiên ngoài các tăng ni và tín đồ phật tử, nhận thấy có rất nhiều nhà văn hóa, nhà nghiên cứu và một số lượng lớn sinh viên của các trường đại học trên địa bàn thành phố Huế. Có những bạn không thể vào được bên trong hội trường phải ở ngoài sân nghe thông qua máy chiếu trực tiếp. Nội dung của tuần văn hóa Phật giáo chủ yếu là liên quan tới các vấn đề văn hóa, lịch sử, sức khỏe và đời sống nên đây là điểm cuốn hút lớn đối với sinh viên đặc biệt là các sinh viên thuộc các ngành xã hội nhân văn. Sinh viên đến với tuần văn hóa với mong mỏi trước hết là mở rộng tầm kiến thức, được gặp gỡ giao lưu với các học giả uyên bác đồng thời nơi đây cũng là diễn đàn cho sinh viên cùng trao đổi kiến thức về các vấn đề được đề cập. Các buổi giao lưu, thuyết trình diễn ra rất sôi nổi, hấp dẫn và đầy cuốn hút, các bạn sinh viên như những chủ thể của buổi nói chuyện, được bày tỏ và thảo luận những vấn đề còn băn khoăn về văn hóa, suy nghĩ tìm tòi, về khát vọng cống hiến và con đường cống hiến nhiệt huyết của tuổi trẻ.


 


Nuối tiếc….


Các buổi nói chuyện được tiến hành vào cuối giờ chiều cho đến khoảng hơn 20g nên thuận tiện cho các bạn sinh viên tới tham gia. Số lượng sinh viên chiếm hơn một nửa ở tất cả các ngày của tuần văn hóa, đặc biệt là ở các buổi diễn thuyết của Gs. Cao Huy Thuần, Gs. Bửu Ý, Hòa thượng Thích Chân Thiện… Có nhiều bạn nghỉ học thêm buổi tối để tới nghe giảng như Trần văn Đường (ĐHDL Phú Xuân), Nguyễn Thị Thu Hiền (ĐH Sư Phạm), Nguyễn Thị Vân (ĐH Khoa Học)… Một tâm trạng chung của các bạn sau mỗi buổi là vẫn cảm thấy nuối tiếc vì vấn đề còn đang dang dở mà thời gian thì ít, cảm giác “thòm thèm”, “hụt hơi”… bạn Nguyễn Thị Thanh Thủy lớp Hán Nôm K29 ĐH Khoa Học sau buổi nói chuyện của nhà văn Nguyên Ngọc tiếc nuối nói: “giá mà thời gian còn nhiều thì hay biết mấy, nhà văn nói hay quá mình cứ như bị hút vào từng câu chữ vậy, mình định trao đổi với nhà văn về vấn đề sinh viên với buổi giao thời thông qua các tác phẩm văn học thì chưa đến lượt đã hết giờ, tiếc thật”.



Mong ước….


Đến với tuần văn hóa Phật giáo, quả thật sinh viên được mở mang rất nhiều về kiến thức văn hóa, sức khỏe, tư tưởng. Những lời trao đổi chân thành của các nhà diễn thuyết như đi vào tâm khảm của người nghe, được tới những chân trời hiểu biết mới. Nhiều bạn thấy mình trưởng thành lên rất nhiều, cùng một tâm trạng là cần học nhiều, cố gắng nhiều và cống hiến sức trẻ nhiều hơn nữa.


Những hoạt động văn hóa như thế này rất ít được được tổ chức, hoặc các buổi tọa đàm, hội thảo thì sinh viên ít khi có điều kiện để tiếp cận. Từ nền tảng của Tuần văn hóa Phật giáo mong rằng sẽ có nhiều hoạt động như thế này được tổ chức hơn nữa. Bạn Dương Công Thọ lớp Báo Chí K29 ĐH Khoa Học ước mong: “mình rất ấn tượng về những hoạt động của tuần văn hóa, hy vọng có nhiều hoạt động tương tự được tổ chức như Tuần văn hóa Huế, Tuần văn hóa ẩm thực Huế chẳng hạn”.




  • Trần Văn Quyến

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here