Trang chủ Phật giáo khắp nơi Phật giáo thế giới Siêu việt nghệ thuật xứ tuyết Himalaya

Siêu việt nghệ thuật xứ tuyết Himalaya

131
0
 
Himalaya hùng vĩ có thể rất xa về địa lý nhưng danh tiếng của rặng núi này không xa lạ ở Việt Nam. Khí hậu ở đây có ý nghĩa giống như cái tên của nó trong tiếng Phạn, “hima” nghĩa là “tuyết”, còn “alaya” là “nơi ở”. Vùng núi tuyết hay nóc nhà thế giới từ lâu được xem là chốn linh liêng bậc nhất với di sản văn hóa truyền thống đặc sắc được bảo trì nguyên vẹn. Phật giáo Mật tông cũng là một bộ phận của truyền thống đó.
 
Cũng nhờ bộ phận đó mà Himalaya lại rất gần người Việt về mặt tâm linh. Theo nhà nghiên cứu văn hóa Chămpa Trần Kỳ Phương, ở thời kỳ rực rỡ nhất của Phật giáo nước ta – thời Lý, Phật giáo nước ta mang dấu ấn của dòng tu Mật tông. Dấu ấn này giảm dần và tới thời Trần, Phật giáo Việt chịu ảnh hưởng mạnh hơn của Thiền tông. Điều này có nghĩa là chúng ta có thể tìm thấy một số ảnh hưởng của Mật pháp – một phần của văn hóa Himalaya trong lịch sử văn hóa, lịch sử Phật giáo Việt Nam. Câu chú “Úm ma ni bát minh hồng” của Mật tông đã trở nên gần gũi trong hoàn cảnh như vậy.
 
Tượng Đức Phật
 
Với sự khắc nghiệt của một vùng đất tuyết, giá trị văn hóa Himalaya nằm trong khả năng siêu việt của con người để có sự giải thoát. Trong bối cảnh này, nghệ thuật, dù qua âm nhạc, điêu khắc, nghi lễ hay hội họa đều giúp con người tu tập giác ngộ trên nền giáo lý của kinh Kim Cương Thừa. Nghệ thuật Himalaya do đó, không vịn vào sự gần gũi theo văn hóa làng xã như nghệ thuật Phật giáo Việt Nam mà đặt trên nền tảng sự phi thường của các vị Phật đã thành chính quả. 
 
Điều này khiến khi chiêm ngưỡng các tác phẩm điêu khắc, mỹ thuật vùng Himalaya, người ta có cảm giác chúng vi phạm những quy tắc về giải phẫu học, không gian. Chẳng hạn bộ ngực quá tròn, vòng eo quá nhỏ, màu sắc của làn da, thân hình thay đổi theo các tướng của Phật… Chúng khiến nghệ thuật vùng này có xu hướng ấn tượng nhiều hơn tả thực. 
 
Hiện vật được trưng bày trong triển lãm này bao gồm 14 pho tượng Phật khảm đồng, thếp vàng gắn đá quý, 7 bức tranh cuộn thangka đặc trưng của văn hóa du mục Himalaya, 5 tác phẩm mạn đà la (các bức khảm đồng, vàng nhiều hình khối vốn là biểu tượng chấm dứt đau khổ, giác ngộ), 5 bảo tháp, 3 quyền trượng kim cương và 12 hiện vật khác có liên quan đến ban thờ Phật. Đây là lần đầu tiên chúng được trưng bày tại Việt Nam. 
 
Những hiện vật này không chỉ là đồ trang trí để người xem ngưỡng mộ, khâm phục. Hơn thế, hình ảnh tác phẩm sẽ được nội tâm hóa, bất ngờ tạo niềm cảm hứng an lạc sâu xa, để người chiêm ngưỡng khám phá ra rằng sự thanh tịnh thuần khiết là cội nguồn của tất cả sáng tạo nghệ thuật!
 
Ngữ Yên (VH-TT)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here