Trang chủ Vấn đề hôm nay Sen nở giữa miền tục lụy

Sen nở giữa miền tục lụy

143
0

Chùa Liên Trì tọa lạc tại phường Trường An, TP. Huế, nằm xoay mặt về hướng Tây – Bắc cách đàn Nam Giao bởi con đường Minh Mạng. Chùa đã có từ lâu, do Ni trưởng thượng Trừng hạ Hạp, tự Diệu Không, hiệu Nhất Điểm Thanh khai sơn. Những năm gần đây, vì gió táp mưa xan nên chùa xuống cấp trầm trọng. Với nhiều nỗ lực của Ni sư Trú trì Thích Nữ Huệ Mãn và sự hỗ trợ của bà con Phật tử, nên chùa đã tiến hành đại trùng tu. Hiện tại, việc xây dựng chánh điện và các hạng mục công trình khác đã hoàn tất, trong đó có một ngôi nhà Tịnh niệm để dành tổ chức các khóa tu Phật thất rất lý tưởng.

Bắt đầu từ năm 2002, và chính thức thành lập vào ngày 25 tháng 3 năm 2003, đạo tràng niệm Phật chùa Liên Trì tồn tại và phát triển đến nay đã hơn 7 năm. Những năm đầu mới tổ chức, nhờ Thượng toạ Thích Ngộ Thông cùng các Phật tử tại Úc châu hỗ trợ một số tịnh tài, phụ thêm vào công việc xây dựng Tịnh đường, trang bị vật dụng sinh hoạt và ẩm thực cho đạo tràng trong những khoá tu. Đến nay, khi đạo tràng dần ổn định thì mọi sinh hoạt của các khoá tu đều do đạo tràng lo liệu.

“Con mở đạo tràng này là vâng theo lời dạy của Sư phụ con, với tâm nguyện kết duyên với Phật A-di-đà và mong muốn mọi người cũng kết duyên với Ngài để cầu vãng sanh Cực Lạc, nên dù vẫn còn  khó khăn nhiều mặt, nhưng con cũng vẫn quyết tâm tổ chức các khóa tu niệm Phật cho đồng bào Phật tử”. Ni sư Trú trì cho chúng tôi biết. 

                                                                                                                                             Trong giờ quá đường

Những ngày đầu vì phần lớn các Phật tử đến đây đều đã lớn tuổi, các tập khí của đời thường vẫn còn nhiều, không thể một thời gian ngắn mà có thể ổn định được. Nhưng nhờ sự động viên khích lệ của Chư tôn đức trong Ban trị sự, từ đó khóa tu đã mang lại nhiều sự lợi ích cho các Phật tử, nên đạo tràng vẫn được duy trì, hiện đã ổn định và dần đi vào nề nếp, sinh hoạt bình thường.

Vì số lượng đông, nên Đạo tràng được chia làm bốn chúng gồm: chúng Bồ đề, chúng Tín tâm, chúng Nguyện tâm và chúng Hạnh tâm. Mỗi chúng có một chúng trưởng và một chúng phó phụ trách, do Ni sư Trú trì làm Trưởng Ban điều hành. Mỗi tháng tổ chức một khoá tu, ban đầu tổ chức chỉ 2 ngày, và rất ít người tham dự, đến nay khoá tu Phật thất được tổ chức từ ngày 21 đến ngày 27 Âm Lịch hàng tháng, số lượng người đến tham dự tăng lên hơn 300 người. Chương trình tu học được vạch ra hoàn chỉnh cho khóa tu bảy ngày: Như kinh hành niệm Phật, tọa thiền, pháp đàm, và nghe giảng pháp hai lần trong tuần do HT. Thích Khế Chơn và TT. Thích Huệ Phước chủ giảng. Mỗi ngày của khóa tu trong 2 thời công phu sáng, chiều đều có lạy sám hối, tụng kinh A-di-đà và lạy 48 lời nguyện, sau đó kinh hành niệm Phật, ngồi tịnh niệm. Trong mỗi khoá tu có tụng bộ kinh Vô Lượng Thọ. Ngoài ra, Đạo tràng còn có các công tác từ thiện, phóng sanh và tổ chức thăm viếng khi có người ốm đau.

                                                                                                    Lắng nghe TT. Thích Huệ Phước thuyết pháp

Đạo tràng còn thành lập một ban hộ niệm, để trợ niệm cho những người sắp quá vãng, bất kể ai, người trong Đạo tràng hay người ngoài cũng đều đến khi có sự thỉnh cầu. Có quỹ Hộ niệm do các thành viên trong Đạo tràng đóng góp. “Có nhiều người khi sắp lâm chung, đạo tràng đến liền bị kháng cự không chịu cho hộ niệm. Có người tỏ ra đau đớn, hốt hoảng, mắt trợn không nhắm, nhưng khi nghe tiếng niệm Phật thì họ nhắm mắt nằm yên. Có người khi gần chết, sắc diện tái nhợt, tay chân cóng lạnh, sau một thời niệm Phật của đạo tràng thì gương mặt của họ trở nên tươi hồng, hơi da ấm lại và rất mền mại…”. Một Phật tử của đạo tràng cho chúng tôi biết. Thiết nghĩ, những dấu hiệu ấy là biểu hiện sự gia bị của chư Phật, hoặc là một sự ra đi thanh thoát nhẹ nhàng của người sắp mất.

      

                                                                                                                                                Trong giờ tụng kinh

Con người khi đối diện với cái chết, tâm trạng họ thường bồi hồi lo sợ, hoảng hốt, không biết mình sẽ đi về đâu trong cõi tam đồ lục đạo, nặng nhẹ đều do nghiệp lực dẫn dắt, nếu có người trợ niệm, cận tử nghiệp nhẹ đi, đó là yếu tố để người ấy thác sanh về thế giới an lành mà người ta thường gọi là "đới nghiệp vãng sanh". Đây là việc làm mang lại lợi ích thiết thực mà đạo tràng đã làm được cho rất nhiều người.

Trong khoá tu, chúng tôi đến gặp Phật tử Trần Thị Nhuận pháp danh Nguyên Lai, Phó Ban điều hành Đạo tràng, chị cho biết: “Con đến tu Phật thất là quyết làm sao để cố hạ thủ công phu niệm Phật A-di-đà đến nhất tâm bất loạn để cầu vãng sanh. Ước nguyện của con là  sau khi lâm chung sẽ được sanh về thế giới Cực Lạc của đức Phật A-di-đà. Bạch thầy! Khoá tu, đã mang lại cho con và mọi người nhiều niềm an lạc, thảnh thơi thực sự. ”

                                                                                                                                              Trong giờ thiền hành

Phải rồi, niệm Phật để lòng an tịnh, gạn đục khơi trong; niệm Phật để giải trừ tam độc tham-sân-si lằm tăng trưởng ba thiện căn vô tham-vô sân và vô si; niệm Phật để tăng trưởng từ bi và trí tuệ để con người hoàn thiện nhân cách, sống hiểu và thương cùng chia sẽ nỗi khổ niềm đau làm vơi bớt muộn phiền não hại; và niệm Phật là kết duyên với Phật A-di-đà để cầu được vãng sanh kia mà!

Nhìn những nét mặt tươi vui của các Phật tử khi tham gia đạo tràng, chúng tôi cảm nhận được, họ đang tràn đầy niềm an lạc từ khóa tu mang lại. Giờ đây, họ đã có lối về, nên không còn bồi hồi lo lắng gì nữa. Dường như những phiền muộn, lo âu ràng buộc của cuộc đời đã tan biến. Lòng họ thảnh thơi, tươi mới như những đóa sen nở tinh khôi nơi miền tục lụy này.

N.T

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here