Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Sen – loài hoa cao quý

Sen – loài hoa cao quý

140
0

“Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng.
Nhị vàng vông trắng lá xanh,
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.

Bài ca dao này ca ngợi hoa sen từ bao giờ và có lẽ không người Việt nào không biết.

Sen trong đầm này chỉ có màu trắng. Thật ra, sen có rất nhiều màu.

Tại cõi Tịnh độ, sen có xanh, vàng, đỏ, trắng, đủ màu sắc và ánh sáng toả chiếu theo sắc hương thanh khiết lung linh diệu kì (Thanh sắc thanh quang, huỳnh sắc huỳnh quang, xích sắc xích quang, bạch sắc bạch quang, vi diệu hương khiết – Kinh A Di Đà)

Trở về với cõi Ta bà này, sen là một loài đặc biệt, có ở nhiều nước; tại Việt Nam, ba miền đều có mặt sen. Riêng ở miền Trung, sen nở đúng dịp mùa kiết hạ của chư Tăng. Nhìn bình sen nở đều trên bàn Phật, tâm tư chúng ta như lắng đọng êm tĩnh nương theo sắc hương lan toả trong khung cảnh trang nghiêm. Có lẽ do sen là biểu tượng của Phật giáo từ khi Thái tử Tất Đạt Đa đản sinh bước đi bảy bước trên hoa sen. Từ đó sen gắn liền với giáo pháp của đức Phật và trở thành biểu tượng của Phật giáo.

Chẳng hạn, sau khi Đức Phật thành đạo, trong khi Ngài còn đang do dự không biết nên truyền bá chân lý mà  Ngài chứng ngộ được như thế nào, thì thần Brahma Sahampati liền ra thỉnh cầu Ngài thuyết pháp để giúp chúng sinh giải thoát. Lúc ấy Phật quán sát đầm sen trước mặt, có những bông hoa còn nằm dưới đáy bùn, có những bông hoa ẩn dưới mặt nước, có hoa Sen đã vươn lên tới mặt nước, cũng có những hoa đã vươn lên khỏi mặt nước, toả ngát hương cho đời. Cũng vậy, trên thế gian, chúng sanh cũng có nhiều hạng người, có kẻ trí, người ngu, có kẻ trung căn… Ngài bèn nói “Chân lý mở rộng cho tất cả mọi người. Như Lai sẽ thuyết pháp. Những ai có tai hãy lắng nghe”.

Sen được đánh giá là loài hoa cao quý nhất. Nó không phục vụ cho loài bướm, không dành cho sự trang điểm của phụ nữ, không đãi ngộ loài sâu bọ; sen là loại hoa hiển tử (thấy quả khi hoa nở) chứ không “ẩn tử” như các loại hoa khác. Hoa kết thành quả nhưng không phân biệt hoa đực hoa cái, không cần ong bướm thụ phấn để tạo quả.

Sen sinh ra và lớn lên trong nước được thấm nhiều nước mát từ đầu đến gốc rễ mà đức Phật đã so sánh với trạng thái “xả niệm lạc trú” thấm nhuần thân tâm con người đạt Tam thiền (Theo HT. Thích Minh Châu).

Với đời thường, sen được kiểu thức hoá trong các tác phẩm nghệ thuật hội hoạ, trang trí, điêu khắc với đủ các chất liệu giấy, vải, gỗ, gốm, đá, ngọc, kim loại, kim loại quý trong mọi sinh hoạt tôn giáo, văn hoá, nghệ thuật, kinh tế thị trường… trên khắp thế giới.

Tên của sen ứng với các bộ phận hoa, lá, tua, phong phú ý nghĩa được dùng đặt pháp hiệu hoặc tên chùa thường nghe như: Liên Trì, Liên Hoa, Liên Đài, Liên Diệp, Liên Chi… êm dịu và thanh thoát!
Tất cả các chi phần của sen đều đắc dụng, vừa là thức ăn, thức uống, vừa là dược liệu quý trong các bài thuốc Đông y.

Hoa sen ngoài việc dâng cúng, trang trí còn là vị thuốc giải nhiệt vào mùa hạ nóng bức. Người xưa còn dùng lá và cánh hoa phơi khô bóp nhỏ độn gối cho trẻ em và người già kê mát và thơm. Tim sen làm trà trị mất ngủ rất được ưa chuộng trên thị trường. Tua sen ướp trà xanh tạo hương thơm thanh khiết nhẹ nhàng, uống vào có hương vị thơm ngọt; nước trà trong xanh, màu sắc đậm đà. Hột sen trong thuốc Bắc gọi là liên tử hay liên nhục, là một dược liệu quý được phối hợp với các loại thuốc khác cho liều thuốc bổ. Củ sen dùng làm thuốc, mứt, nấu phay với nếp đậu độn bên trong, cắt lát chấm đường dẻo dai đậm đà hương quê, thơm bùi… khó quên với ai đã từng một lần nếm! Nó còn được dùng làm món canh, hầm công phu với nhiều giờ trên lửa mới mềm, ngon. Ngó sen trắng tinh dòn tan thường ngự trị trong các dĩa khai vị hoặc dĩa gỏi thập cẩm đủ sắc màu. Lá sen non ăn ghẻm hoặc dùng gói cơm, giữ hương vị và độ nhiệt phục vụ thực khách trong các món cơm sen độc đáo của ẩm thực cung đình.

Nhưng giá trị nhất là hạt sen, một nguyên liệu dùng để chế biến nhiều món ăn cao lương mỹ vị dưới bàn tay khéo léo của người phụ nữ Huế xưa.

Đơn giản, nhanh, gọn và toàn diện nhất là hột sen rang hay nấu phay nguyên vỏ cứng (hột tươi nấu ngon hơn hột để lâu ngày), ăn nguyên vỏ với số lượng rất ít hằng ngày theo phương pháp dưỡng sinh rất tốt, hoặc lột vỏ cứng dùng cả tim có vị khổ, hương chất thanh khiết mà mộc mạc.

Hiện tại trên thị trường, để đáp ứng nhu cầu cho thực khách, một công ty chế biến thực phẩm ở Huế đã hấp sấy hột sen dòn tan phục vụ Tết, tuy giá thành còn cao nhưng đã làm hài lòng mọi giới.

Đề cập đến các món ăn trong cỗ bàn, hạt sen được pha phối với nhiều loại đạm động vật, thực vật và các phụ gia sẽ tạo nhiều món ngon: nào tần, hấp, nào chưng, nấu xúp, nấu canh… vừa ngon vừa sang và lại bổ dưỡng. Với xã hội hiện tại, hột sen là một nguyên liệu thực phẩm an toàn và vệ sinh thuộc vào hàng tuyệt phẩm.

Bên cạnh các món ăn thường nhật này, hột sen được người Huế xưa làm bánh sen tán, sen chấy và hột sen. Đây là món bánh cung đình đặc trưng của Huế xưa. (Ngày nay, cần phục vụ số đông với lượng tiêu dùng lớn, hột sen không đủ cung cấp nên người ta đã thay bằng đậu quyên, đậu xanh), món bánh này không thể thiếu trên bàn thờ vào các dịp cúng, giỗ, tết, lễ… Ngoài món bánh, hột sen được làm mứt rất khổ công, đòi hỏi sự trầm tĩnh không nôn nóng của người nội trợ mới có mứt đẹp và ngon. Mứt sen ngày xuân bên tách trà nóng biểu trưng cho chuỗi liên châu cát tường đầu năm, vì thế các đại gia quý tộc thời xưa luôn mua sắm để dọn khách ngày Tết.

Tuy thế, có một món dễ thực hiện và thiết yếu trong các lễ cúng hoặc bữa ăn thường vẫn là món chè sen trần hay bọc nhãn, là hương vị tôi muốn gửi đến quý vị trong bài này.

Ngày rằm nấu chè hạt sen cúng Phật, không món chè nào qua mặt được. Những hạt sen Tịnh Tâm màu cánh gián được lột vỏ cứng, vỏ lụa, xoi tim trở thành những hạt ngọc màu ngà hấp dẫn sóng sánh trong làn nước sôi lăn tăn nhè nhẹ trên ngọn lửa riu riu, đậy kín nắp soong. Hãy tịnh tâm, đừng vội vàng, sen nở đều mềm tận bên trong, hoà nước đường phèn xên sạch trong vị ngọt thanh, nấu sôi lại bảo đảm vô trùng. Múc vào tiềm nhỏ dâng cúng Phật, cúng tổ tiên. Muốn có chén chè nước trong, hạt nở nguyên lành, khi múc hãy phân lượng nước đều vào các chén rồi dùng muỗng cạn múc những hạt sen hoặc hạt đậu nhẹ tay đưa vào chén. Chén chè trong ngần và các hạt toàn vẹn như ý không bị bể từ chén đầu đến chén cuối. Nếu múc ngang nước hạt một lần, soong chè bị quấy động, nước sẽ đục và hạt bị chạm sứt, bể thì những chén múc sau hạt không được đẹp đều đặn nữa.

Nấu chăm chút, múc nhẹ nhàng khéo léo, tay bưng chén chè dâng cúng Phật, nhìn những hạt liên châu lắng trong tịnh thuỷ, lòng tràn ngập niềm hoan hỷ. Phải chăng đây cũng là một pháp lạc trú trong hiện tại có ý nghĩa !

Vâng, sen từ bùn đen vươn dần thẳng lên khỏi mặt nước, toả hương sắc trong không gian dịu hiền. Là Phật tử, chúng ta học hạnh của sen, không mặc cảm hạ tiện, hãy chuyển hoá tâm mình theo ánh tuệ quang của đức Từ phụ để trở nên hạt giống lành tự lợi lợi tha suốt hết quãng đời ở cảnh giới kham nhẫn này.

T.H
 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here