Từ Việt Nam sang Lào giờ đây có thể đi được bằng nhiều đường. Tây Bắc có Cửa khẩu Tây Trang, Lóng Sập, Thanh Hóa có Cửa khẩu Na Mèo, Nghệ An có Nậm Cắn… Nhưng con đường thông thương quốc tế để sang "Xứ sở Triệu Voi" mà người ta hay đi nhất là qua Cửa khẩu Cầu Treo của Hà Tĩnh. Từ cửa khẩu này đi thêm 335km trên con đường nhựa phẳng lì, hai làn xe chạy khoảng 7-8 giờ là đến Thủ đô Viêng Chăn.
Theo đường 13, đến đúng thị trấn Thà Khẹc, xe ngược hướng Bắc đi lên. Từ đây đường như bám sát sông Mekong. Bên này là nước Lào, bên kia là Thái Lan, đầu Hạ, gió từ sông thổi lên, đem theo hơi nước, nhanh chóng xua đi không khí oi nồng và kiệm ẩm vốn dĩ của khí hậu nước Lào.
Nếu được đem Viêng Chăn so sánh với vẻ đẹp của người phụ nữ thì có cảm giác như có ba người phụ nữ ở ba lứa tuổi khác nhau hội tụ ở Thủ đô này. Đó là một Viêng Chăn dè dặt và kín đáo hết sức thiếu nữ, một Viêng Chăn dìu dặt và lo toan của người phụ nữ đã thành gia thất và một Viêng Chăn khiêm nhường, hơi an phận của người đàn bà đã luống tuổi. Sự hòa trộn ấy làm nên một Viêng Chăn để lại cho mỗi du khách một nỗi nhớ, một kỷ niệm riêng.
Viêng Chăn đến năm nay mới được 452 tuổi. Trước, Thủ đô hay có thể gọi là Cố đô của các bộ tộc Lào nằm trên Luông Pha Băng, thuộc khu vực Thượng Lào. Vào thế kỷ XVI, chính thức vào năm 1560 khi nước Lào thống nhất, Đức vua Xệt Thả Thi Lệt đã quyết định dời kinh đô từ Luông Pha Băng về đây. Viêng Chăn – Thành phố trăng đã hình thành với tầm nhìn xa trông rộng của vị vua anh minh này.
Trong các thành phố khu vực Đông Nam Á mà tôi đã đi qua và đã từng đọc để biết thì có lẽ Viêng Chăn là một trong những thủ đô lành lặn và ít bị ảnh hưởng của chiến tranh nhất. Thời chiến tranh, trong 10 năm, Xiêng Khoảng – vùng kế cận với Cố đô Luông Pha Băng đã phải hứng chịu 580.344 phi vụ ném bom của không quân Mỹ (trung bình 8 phút/1 phi vụ, mỗi người dân và vùng phụ cận gánh chịu 350kg bom) thì Viêng Chăn vẫn không hề hấn gì. Chính vì vậy, Viêng Chăn vẫn lưu giữ được những không gian kiến trúc cổ nhất. Tôi không nắm rõ số đình chùa ở Viêng Chăn có tầm cỡ và quy mô thế nào nhưng người ta nói các chùa ở đây đủ cho mỗi tháng có một lễ hội lớn được tổ chức.
Không rõ có phải do Phật giáo đã thấm sâu vào lòng dân tộc, tạo thành nếp nghĩ thể hiện qua cách ứng xử và biểu hiện trong sinh hoạt hằng ngày hay không, nhưng đến Viêng Chăn bất kỳ ai đều có thể cảm nhận được sự bình yên. Viêng Chăn bình yên, chịu đựng và nhường nhịn đến một cách rất khó diễn tả. Viêng Chăn cũng đang hội nhập như thủ đô của nhiều nước trong khu vực. Nhưng sự hội nhập của Viêng Chăn có một không gian rất khác.
Những nhà xây theo kiểu mới, kết cấu hiện đại bắt đầu có ở Viêng Chăn. Nhưng có cái rất thích thú là những kiến trúc mới này không có cơ hội để "đè" lên các kiến trúc cũ và lấn át không gian cổ kính của kiến trúc Phật giáo. Thủ đô Viêng Chăn giờ đã nhiều xe và đông người nhưng rất ít khi thấy có hiện tượng ùn tắc. Có thể đó là kết quả của một quy hoạch, đó là ý thức về giao thông nhưng theo nhận xét của tôi thì việc Viêng Chăn không ùn tắc giao thông có lẽ bởi sự nhường nhịn từ mỗi con người đã trở thành tính cách, nét văn hóa của dân tộc Lào anh em.
Trên Đại lộ Lan Xang dẫn vào trung tâm thành phố, người ta rất ít thấy cảnh chen lấn hoặc mạnh ai nấy chạy. Những ngày này, Viêng Chăn đã vào Hạ rồi, đường phố bắt đầu bị nung nóng bởi nắng và gió Lào nhưng khi tham gia giao thông, mọi người đều kiên nhẫn. Đại lộ Lan Xang rộng đến cả vài chục thước nhưng mỗi làn đường xe ô tô chỉ sắp hai hàng là cùng. Dù cho bên phải, bên trái có rộng rãi, thoáng đãng thế nào thì cũng không có xe nào vượt lên tranh đường. Những đoàn xe dài dặc, kiên nhẫn dưới nắng nóng để chờ đến lượt mình di chuyển cũng để lại ấn tượng đẹp cho không ít người.
Viêng Chăn không còi xe cũng là một trong những ấn tượng đối với du khách khi đến đây. Người Lào nói chung và người Viêng Chăn nói riêng rất ghét tiếng còi xe. Họ chỉ dùng khi cần kíp lắm. Ngay cả cảnh sát giao thông cũng chỉ dùng còi khi điều hành giao thông. Việc kiểm tra và điều hành phương tiện trên các nẻo đường cũng vậy thường không gây bức xúc cho người dân.
Viêng Chăn là một trong những thủ đô ngủ sớm và thức muộn. Thông thường, người Viêng Chăn đi ngủ lúc 22 giờ đêm và thức dậy vào 8 giờ sáng hôm sau. Các quán ăn hay điểm vui chơi giải trí ở đây cũng tuân theo thói quen này. Tại các quán bar và nơi ăn uống, cứ sắp đến 22 giờ là có nhân viên đến nhắc giờ nghỉ. Có cái lạ là muốn kéo dài cuộc nhậu hay cuộc vui như trả thêm tiền, gọi thêm món ăn và đồ uống thì cũng đều bị từ chối. Có lẽ cũng do vậy mà Viêng Chăn ít người say và ít người "quậy" dẫn tới các cuộc đánh lộn xảy ra vào đêm.
Người Viêng Chăn quan niệm về cuộc sống tương đối đơn giản, người ta rất ít khi ý thức về chuyện giàu nghèo hay địa vị trong xã hội. Sống tốt và thật thà hình như là một trong những tiêu chí cao nhất để đánh giá đối với mỗi người.
Tôi nhớ nhất là những hàng xe ô tô xếp dài trên những đường phố của Thủ đô Viêng Chăn. Nhiều xe mang thương hiệu khá nổi tiếng như "Lơ Xúc" hay "Au Đì" lâu ngày không được chủ nhân sử dụng, để hớ hênh trên các đường phố nhưng vẫn "vô tư". Đem những tò mò này ra hỏi thì nhiều người cho tôi biết, nước Lào không có hay hình như chưa bao giờ có khái niệm về sự trộm cắp. Và nếu như có chuyện đó xảy ra thì thú thực những đồ lấy được đó cũng chả biết bán cho ai và cũng chả ai cần và dám mua thứ đó.
Hiện tại, trong cộng đồng người nước ngoài tại Lào thì người Việt chiếm số lượng đông nhất. Theo Hội Người Việt Nam tại Lào, người Việt đã đến Lào từ nhiều năm trước và đông đảo nhất phải kể đến giai đoạn 1938-1945. Người Việt sang đây ngoài chuyện sinh nhai, buôn bán thì nhiều nhất phải kể đến số lượng bộ đội Việt Nam thời sát cánh với Pa Thét Lào chống Pháp và chống Mỹ. Vì sự bình yên của hai nước và hai dân tộc, lại thêm sự mến mộ và tình duyên nảy sinh nên khi nước Lào im tiếng súng thì họ đã quyết định lấy miền đất này làm quê hương thứ hai, lấy vợ sinh con đẻ cái.
Cũng theo Hội Người Việt Nam tại Lào, tới nay, từ quan hệ anh em hữu nghị, từ mối lương duyên này mà tại Lào cũng như Thủ đô Viêng Chăn đã có nhiều gia đình Việt đến thế hệ thứ 5 ở Lào. Hiện tại trong tổng số khoảng 20.000 người Việt đang định cư tại Lào đã có tới 20% người Việt có thu nhập cao. Những gia đình này chủ yếu sống ở Viêng Chăn, Champasac, Savannakhet, Khammuon, Attapeu… Riêng làng Tân An có tên Lào là Bun U Đum với khoảng 1.000 người sinh sống đã được mệnh danh là làng tiến sĩ Việt Nam tại Lào bởi có nhiều người con thành đạt về đường học vấn.
Tôi không có may mắn đặt chân lên nước Lào vào mùa trăng đẹp nhất – tháng 11 hằng năm. Nhưng có mặt tại Lào và có những đêm chiêm ngưỡng trăng nước bạn vào những ngày đầu năm mới (năm mới của người Lào bắt đầu từ 13 – 15 tháng Tư dương lịch hằng năm) tôi thấy như vậy là đã quá đủ với mình.
(Theo Hà Nội Mới)