Trang chủ Phật học Sanh tử khổ qua văn Khuyến Phát Bồ Đề Tâm (tiếp theo...

Sanh tử khổ qua văn Khuyến Phát Bồ Đề Tâm (tiếp theo và hết)

126
0

Sinh tử luân hồi có là do con người mê mờ  không thấy rõ thật pháp vô ngã pháp mà  sinh ra chấp thủ ngã, pháp và tham ái. Do chấp thủ  ngã, tham ái mà tạo ra các nghiệp thiện ác khiến  đi vào đường sanh tử không thấy rõ lối ra. Lối đi vào sanh tử của chúng sanh trải qua thời gian không kể xiết vẽ thành vòng  luân hồi quay mãi. Trong kinh Đại Duyên (Trường bộ kinh III) Thế Tôn dạy rõ chơn diệu pháp ấy là Duyên khởi.

 “Này A Nan, chính vì không giác ngộ, không thâm hiểu giáo pháp Duyên khởi này mà chúng sanh hiện tại bị rối loạn như một ổ kén, rối ren như ống chỉ…không thế nào ra khỏi khổ xứ, ác thú, đọa xứ, sanh tử” (trang 56)

Như  thế nói đến luân hồi chính là nói đến vòng quay của mười hai chi phần nhân duyên của Duyên khởi pháp trải qua ba đời quá khứ , hiện tại và tương lai. Cho đến khi nào mười hai nhân duyên đoạn diệt, cho đến khi ấy vòng quay của luân hồi mới chấm dứt. Nói cụ thể hơn, cho đến khi nào vô minh diệt, tham ái hết hay chấp thủ không còn, cho đến khi ấy chúng ta mới đi ra khỏi vòng quay của luân hồi. Nhưng cho đến khi nào vô minh chấp thủ hay tham ái còn thì vòng luân hồi tiếp tục quay vô cùng tận.

Chúng ta có thể hình dung con đường luân hồi như  những đường rây xe lửa nhiều chiều chạy qua lại, lên xuống, vòng quanh từ các cõi Địa ngục , Ngạ quỷ, Súc sanh cho đến Người, A tu la, năm cảnh trời dục giới, bốn cảnh trời sắc giới và bốn cảnh trời vô sắc giới mà nghiệp lực hay nghiệp thức của chúng sanh thì như những con tàu; và nhiên liệu , động cơ quay chuyển con tàu đó chính là tham ái chấp thủ. Tùy theo nghiệp lực của chúng ta tạo ra trong đời sống hiện tại, và tùy theo cận tử nghiệp của chúng ta mà con tàu sinh tử của chúng ta sẽ chuyển bánh, sau khi chết đi từ ga cuộc đời này đến ga tiếp theo tương ứng với nghiệp ấy. Nếu ngay trong đời sống hiện tại, tất cả nhiên liệu tham ái và chấp thủ đã được công phu tu tập của chúng ta đốt cháy sạch, thì con tàu sinh tử của chúng ta sẽ thôi không còn chuyển bánh. Điều này không có nghĩa là con tàu vẫn ở lại ga đời này mà có nghĩa là tất cả mọi nhà ga sinh tử đều không còn liên hệ đến con người giải thoát nữa. Ở đây sinh tử chính là tham ái , chấp thủ – cũng chính là con tàu và các nhà ga. Cái gọi là luân hồi thực ra đấy chính là sự quay chuyển của vô minh. Khi vô minh được đoạn tận thì tất cả con tàu, đường sắt và các nhà ga đều được đốt cháy sạch. Nhưng không phải vì thế mà trở thành rỗng không mà là để lộ thực tại toàn bích. Giải thoát không còn để lại một dấu vết nào của sanh tử. Bấy giờ con người giải thoát , hay thật ngã chính là thực tại.

Cùng với hướng này, Đại sư Huyền Giác trong Chứng Đạo ca dạy: “Chứng thực tướng, vô nhân pháp. Sát na diệt khước A tỳ Nghiệp”. Thực tướng (Tathata) tức là tánh thật của muôn sự muôn vật. khi hành giả dự chân vào chỗ thực tướng ấy thì trong khoảng sát  na là rũ sạch vô số nghiệp,  mọi nhân tố luân hồi đều được cắt bỏ. 

Ngài còn dạy thêm: 

                  “Đốn giác liễu Như lai thiền,
                  Lục  độ vạn hạnh thể trung viên.
                  Mộng lý  minh minh hữu lục thú,
                  Giác hậu không không vô  Đại thiên.”

Nghĩa là:

                 “Thoắt thấy trọn Như lai thiền,
                  Sáu  độ muôn hạnh được tròn nguyên.
                  Trong mộng mơ  màng còn sáu nẻo,
                  Tỉnh bằng bặt chẳng còn gì.”

                                     (Trần Đình Nhân và Ngô Đình Cáo dịch)

Đức Thế Tôn sau khi chứng đạt chân lý tối hậu Ngài đã dạy:

                 “Lang thang bao kiếp luân hồi,
                  Tìm không gặp kẻ  xây ngôi nhà này!
                  Ôi! Đời sống thật buồn thay!
                  Bèo mây bến cũ  vẫn xoay lối về.
                  Hỡi này anh thợ  nhà kia,
                  Rui mè  kèo cột gãy lìa nát tan.
                  Bao tham ái thảy tiêu tan,
                  Tâm Ta thắng đạt, Niết Bàn thảnh thơi.”

                                       (Pháp cú- kệ 153-154, Tâm Cao dịch)

Lời dạy  ấy như là khúc ca khải hoàn của buổi  bình minh giáo pháp.

Tổ Quy sơn trong phần “thị pháp” ở văn Cảnh Sách, Ngài cũng đã nhấn mạnh pháp Thiền học (tức học Tâm) đích thị là chánh nhân giải thoát: “Thử tắc phá tam giới nhị thập ngũ hữu, nội ngoại chư pháp tận tri bất thật, tùng tâm biến khởi, tất thị giả danh. Bất dụng tương tâm tấu bạc, đãn tình bất phụ vật, vật khởi ngại nhân, nhậm tha pháp tánh châu lưu, mạc đoạn mạc tục” – “Và như thế là (chính pháp thiền học) phá hủy nhân tố hai mươi lăm hữu trong lĩnh vực ba cõi. Các pháp thân tâm vũ trụ đều biết không thật, duy tâm biến hiện, toàn thị gỉa danh. Đừng nên đem tâm neo đậu. Tâm không neo đậu với cảnh thì cảnh đâu chướng ngại cho tâm. Mặc cho pháp tánh lưu lộ toàn diện , đừng cắt dứt mà cũng đừng nối tiếp”.

Vạn pháp thảy đều do tâm tạo, ngay đến cả sanh tử  luân hồi cũng thế – đều nơi tâm này. Nếu chứng được thực tướng, “bất dụng tương tâm tấu bạc”, biết “phản quang” hay “trực chỉ” thì ngay đấy sanh tử luân hồi đều được thoát ly.

Hẳn có người còn nghi ngại rằng pháp này khó. Ấy là pháp đốn ngộ tâm làm sao hành trì. Thực là thế, pháp trực chỉ, chứng thực tướng không phải dễ. nhưng phật pháp có đến tám vạn bốn ngàn pháp môn (hay con đường), các pháp trên tuy đã thâu tóm cả thảy song cũng vẫn còn nhiều con đường khác, dễ hơn, tiện hơn, cũng phù hợp với hoàn cảnh hay bản chất tự thân hơn. Chẳng hạn con đường Bát chánh, giáo lý Tứ đế, phương pháp ly dục đã được Đức Thế Tôn nêu rất cao trong các bài kệ 273, 374, 275, 276 của kinh Pháp cú:

(273) – Bát Chánh Đạo là Đạo thù thắng hơn các Đạo; Tứ đế là lý thù thắng hơn các lý; ly dục là pháp thù thắng hơn các pháp; cụ nhãn là bậc thù thắng hơn các bậc Thánh hiền.

(274) – Chỉ có con đường chánh pháp này, chẳng còn con đường nào khác có thể làm cho tri kiến các ngươi thanh tịnh; Các ngươi thuận làm theo thì bọn ma bị rối loạn.

(275) – Các ngươi thuận tu theo Chánh đạo trên đây, thì khổ não sẽ dứt hết; Biết rằng đạo ta nói có sức trừ diệt chông gai.

(276) – Các ngươi hãy nỗ lực lên! Như Lai chỉ dạy cho con đường giác ngộ; Sự trói buộc của ma vương sẽ tùy sức Thiền định của các ngươi mà được giải thoát.

(Bản dịch của Hòa Thượng Thích Thiện Siêu- Trang 61)

Chưa hết Ngài cũng đã nhấn mạnh hiệu quả của việc quán chiếu Tam pháp ấn nếu những người nào phù  hợp theo pháp môn ấy:

“Khi tuệ quán chiếu tỏ tường,
Các hành vốn dĩ vô thường xưa nay.
Thoát ly khổ não đọa đày,
Là  thanh tịnh đạo ai rày chớ  quên!
Khi tuệ  quán chiếu tỏ tường,
Các hành vốn dĩ đau thương, khổ  nàn.
Thoát ly phiền não chán nhàm,
Là  Thanh tịnh đạo Niết bàn tìm  đâu!
Khi tuệ  quán chiếu tỏ tường,
Các pháp vô ngã chẳng thường là  ta.
Thoát ly phiền não ác ma,
Là  Thanh tịnh đạo chẳng xa lối về”.
(Kinh pháp cú – kệ 277, 278, 279 – bản dịch thơ của sư  Giới Đức)

Nhắc lại con đường tu tập về quán khổ, vô thường, vô ngã như trên, kinh Bát Đại Nhân Giác  – một bản kinh rất cơ bản, thâu tóm gần như  toàn bộ lý tưởng tu tập thì dạy:

                 “Thế gian vô thường,
                  Quốc  độ nguy thúy.
                  Tứ  đại khổ không,
                  Ngũ  ấm vô ngã.
                  Sanh diệt biến dị,
                  Hư  ngụy vô chủ.
                  Tâm thị  ác nguyên,
                  Hình vi tội tẩu.
                  Như  thị quán sát,
                  Tiệm ly sanh tử.”

Hòa Thượng Trí Quang dịch:

                 “Nhân sinh vô thường,
                  Vũ  trụ nguy biến.
                  Bốn  đại khổ không,
                  Năm uẩn vô  ngã.
                  Sinh diệt biến  ảo,
                  Không  có chủ thể.
                  Tâm là  nguồn ác,
                  Thân là  rừng tội.
                  Quán sát như  vậy,
                  Thoát dần sinh tử”.

Và  Hòa thượng cũng chú rằng: “Nói tổng quát, điều giác ngộ một này chính là Chánh niệm. Chánh niệm đặt trước hết có nghĩa muốn thoát dần sanh tử thì kí ức và tư duy phải được tập trung vào sự chiêm nghiệm thực trạng của bản thân và ngoại vật”.

Và  chúng ta cũng không quên con đường Giới học. Giới học là một trong ba môn học vô lậu Giới, Định và Tuệ.

Chữ  Giới trong giới bổn Ba La Đề Mộc Xoa (Sk: Pratimoksa) có nghĩa là Biệt giải thoát, hay Xứ xứ giải thoát, Tùy thuận giải thoát. Theo cách phân tích từ ngữ: Pratimoksa có nghĩa là trói buộc các hành động, giữ gìn thúc liễm các hành động của thân và khẩu không để rơi vào đường ác, sai lầm tổn hại người và mình.

Giới học giúp cho hành giả đạt được hai mục tiêu: không làm điều ác (chư ác mạc tác), làm các việc lành (chúng thiện phụng hành). Mục tiêu thứ ba của Phật giáo là giữ tâm ý thanh tịnh, loại bỏ hết các lậu hoặc (tự tịnh kỳ ý). Và đây cũng là mục tiêu cứu cánh thoát ly sanh tử. Diễn đạt ý này kinh Pháp cú kệ 21- 22 Đức Thế Tôn dạy: “Không buông lung đưa tới cõi bất tử, buông lung đưa tới cõi tử vong; người không buông lung thì không chết, kẻ buông lung thì sống như thây ma. Kẻ trí biết chắc điều ấy nên gắng làm theo sự không buông lung; Không buông lung thì đặng an vui trong các cõi thánh”.

Từ  trên đến đây, mãi bước đi, bước thì nhiều với những bước cao như vậy, nhưng nếu không qua bước đầu tiên thì mọi bước ấy dễ hỏng. Bước đầu tiên ấy là trở lại với chánh văn của Ngài Thật Hiền. Khi trở lại với chánh văn  chúng ta sẽ bắt gặp cái lý mà Ngài đã dạy là: “Thường niệm sanh tử khổ tức dần thoát ly  khổ sanh tử”.  Bởi ở chánh văn Ngài có đề cập “khoáng kiếp thù huân tại thử nhất cử”- (hết thảy công việc phi thường trong bao đời kiếp sắp đến đều ở trong cử động này đây).

Có  thể nói tôn thú của việc học và tu Phật  là liễu sanh thoát tử. Sự việc phi thường ấy là thực hiện cho kỳ được tôn chỉ này. Song để thực hiện được tôn chỉ không phải là suốt ngày luận bàn thị phi vô ích. Suốt buổi chỉ ngồi than đói mà chẳng chịu vo gạo nấu cơm. “Sanh tử khổ đáng chán, đáng rời bỏ”, nghe thế rồi cho qua trong sự “yến nhiên không quá” là vô ích. Tưởng nghe qua là mình đã biết đã sáng. Tưởng có đèn trong tay là mình có ánh sáng để rọi đường về mà nào có nhớ mắt mình vốn đã mù, đèn mình cầm đã tắt bóng từ lâu. Phải bắt đầu ngay đây – trong niệm này – với cái chánh tri như thật là “sanh tử khổ”. Chúng ta phải thực sự biết, thực sự thấy, thực sự hằng duy trì cái thấy biết ấy trong chánh niệm. Phải niệm, phải thấy cho đến lúc mà ta ý thức được cần phải thoát ly nó mới khả dĩ. Chứ còn để rơi vào tình trạng “kỳ hoặc y tiền tham luyến nhưng cựu si mê” thì chỉ làm lầm lỡ cho cơ hội ngàn năm có một là được làm thân người mà thôi. Phải bắt đầu từ sự quán niệm này. Dù cho không giải thoát được hiện đời song nó cũng sẽ tạo được nhân tố chánh kiến, chánh trí cho đời vị lai. Bởi “khởi khả nhân thiển  vật chủng nhậm kỳ tự khô, nhân độn phất ma trí chi vô dụng” – đời này mà chưa có ý niệm sanh tử khổ, chưa khởi tâm thoát ly thì biết đời nào nữa mới dự vào dòng Phật pháp. Một phen “nhất thác” tức “bách thác”. Như thật tri, như thật chứng về sanh tử khổ, tự bản thân nó sẽ thúc giục hành giả Phát Bồ Đề Tâm. Sanh tử là khổ, hành giả chánh tri như vậy, nó sẽ giúp hành giả nới rộng hơn trong tầm suy niệm. Cái khổ ấy mình đang chịu và mọi loài chúng sanh đang chịu. Mình ý thức được rằng mình cần phải thoát ly thì mọi người cũng thế – họ cũng cần có người khơi mở – hướng dẫn – có người đồng hành, và mình nguyện sẽ “ thiên sanh vạn kiếp đồng vi pháp lữ”. Cùng một lúc mà Bi tâm lẫn Trí tâm  xuất hiện. Nó làm động lực thúc đẩy hành giả đi mau hơn, chuẩn xác hơn trong sự hành trì. Có thể nói trong sự tu tập mà không biết được tôn chỉ của việc tu thì mọi thiện pháp đều không đúng tinh thần Phật pháp, do vậy đều hỏng hết. Tôn chỉ thì cần phải biết. Và cái thiện pháp đầu tiên mà mọi hành giả cần phải có ấy là   “biết”,  “học”, và “thường niệm” cái tôn chỉ đó. Nói khác hơn, mục đích sự tu tập theo giáo lý nhà Phật là “ly khổ đắc lạc” thì việc đầu tiên của sự việc tu tập ấy đích thị là phải biết khổ, ý thức được khổ, đồng thời thường niệm cái khổ ấy để tạo động lực cho tư tưởng thoát ly. Đấy là bước quan trọng đầu tiên. Nếu không đi qua ngưỡng cửa này, mọi luận bàn dường như chỉ là vô ích. Lắm lúc chỉ tăng thêm Ngã chấp, Pháp chấp mà thôi.

Như  vậy cái khổ sanh tử và phương cách giải thoát sanh tử đã tạm trình bày. Nó cho thấy rằng quan niệm về sự sống chết như phần mở bài nêu và chấp nhận như vậy ấy là một sự sai lầm. Người mà quan niệm và chấp nhận như vậy là người vô phước, vô duyên. Bằng như người mà tự cảm thấy buốt dạ (hàn tâm) khi nghe mô tả vậy, ấy là người đã nhiều đời gieo trồng căn lành; phải cố nỗ lực mà vun xới – chăm bón cho tới ngày đơm hoa kết nhụy.

(Hết)

H.T
 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here