Trang chủ Phật học Sanh tử khổ qua văn Khuyến Phát Bồ Đề Tâm

Sanh tử khổ qua văn Khuyến Phát Bồ Đề Tâm

147
0

Nhưng liệu cái sống- sự chết có dừng ngang thế; có  dễ dàng thế để con người chịu không? Liệu cuộc đời có chỉ là bắt đầu từ tiếng khóc đầu nôi và kết thúc dưới thảm cỏ xanh rì của nấm nhà mồ? Giáo lý nhà Phật dạy: “dòng luân luân lưu sanh tử là khổ, cần phải thoát khỏi” (Thị cố nghi ưng đoạn sanh tử lưu, xuất ái dục hải). Liệu có mấy ai thấy, chấp nhận và đoạn diệt dòng luân lưu ấy?

Cái sống sự chết ấy là một lẽ thực, “thường tình” có thể thấy và nếm trải. nhưng nói “sanh tử khổ” (hay sống chết khổ) thì hầu như người thế gian không có quan niệm ấy. khổ ở đời có trăm duyên vạn mối, họ chịu, họ cảm biết và có thể nhận chân được nó. Song khi nói “sanh tử khổ”, thì danh từ ấy trở nên trừu tượng, khó hiểu, khó tin; mà dường như nó cũng ít xuất hiện trên đầu môi của mỗi con người. Trong văn khuyên phát tâm Bồ đề, Ngài Thật Hiền dạy: “hướng sử bất văn Phật ngữ, thử sự thùy kiến thùy văn; vị đổ Phật kinh, thử lý yên tri yên giác”. Nghĩa là “giả như không nghe lời Phật thì việc ấy ai thấy ai nghe; chưa được đọc kinh văn thì lẽ này nào hay  nào biết”. Thực sự vậy, nội ba chữ “sinh tử khổ” người nào được nghe, ấy là người có đại Nhân – đại Duyên; mà người nào thấy được, ấy là người đại Đức – đại Phước, điều ấy hẳn không ngoa. Nếu không nghe lời Phật, không đọc kinh văn chắc một điều là lẽ ấy không ai biết. Được sanh ra và sống trong khoảng trời đất này,  vậy mà tâm trí mờ ám, u mê với việc này thì quả thật luống qua một đời trong sự vô ích. Nghiệm lại thì thấy cái nhân để  được thân người, để nghe – học – và đọc Phật pháp đâu phải dễ, “thiên nan vạn nan”. Tích rùa mù giữa biển cả mênh mông cho ta thấy rất rõ lý này. Thấm thía hơn khi nghe Ngài Thật Hiền dạy: “…chỉ khủng bách kiếp thiên sanh, nhất thác bách thác, nhân thân nan đắc nhi dị thất, lương thời dị vãng nhi nan truy…” – “…thì chỉ e rằng, muôn kiếp ngàn đời mới được làm thân người, nhưng một lần lầm lỡ là lầm lỡ đến cả trăm kiếp, thân thể con người khó được mà dễ mất, thì giờ quý báu dễ trôi qua mà khó kéo…”

Qua đây mới thấy được, cái biết- cái thấy về  sanh tử khổ mới đáng trân trọng biết ngần nào. Bởi lẽ nếu không thấy nó thì không ai biết quý, biết tận dụng khoảng thời gian làm người. Nhưng, làm thế nào để có thể biết được, thấy được  cái gọi là “sanh tử khổ”  sau khi đã được túc duyên nghe qua ba chữ ấy. Điều này đòi hỏi tự thân của mỗi người phải tự quán chiếu – suy nghiệm, ngoài ra không phương cách hay hình thức nào khác.

Trong giáo lý nhà Phật khi nhắc tới sanh tử tức là nói đến Luân hồi – Nghiệp báo – Nhân quả. Cho nên, để suy nghiệm cái khổ sanh tử thì mỗi hành giả phải vận dụng thêm các giáo lý đó.

Nay nói sanh tử khổ, có thể nhìn nhận trên ba phương diện: Một  là nói đến cái khổ lúc sanh cùng lúc tử; Hai là nói đến cái khổ một đời người phải gánh chịu khi hiện hữu trong “cõi người ta”; Ba là nói đến cái khổ khi bị đùn đẩy luân lưu trong vòng quay không tận của sự luân hồi.

Chia ra  ba phương diện thế ấy là dựa trên chữ nghĩa văn tự từ chữ “sanh tử”. Thực sự thì có thể gộp thành hai, mà một cũng được. Hai thì đặt phương diện một và hai làm một; mà một thì chỉ cần phương diện ba là đã thâu tóm tất cả rồi.

Nhưng ở đây tạm phân tích thanh hai. Thứ nhất là để dễ thấy, là theo tuần tự của sự quán chiếu (thấy trong một đời với một thân rồi mới suy ra nhiều đời với nhiều thân), là thuận theo chiều hướng mà Đức Thế tôn đã tác ý khi còn là Thái tử. thứ hai, khi phân tích thành hai như thế, nó sẽ mang cái mạch phân tích mà Ngài Thật Hiền nêu ra trong Văn Khuyến Phát khi dạy về “sanh tử khổ”.

Trước là nói đến cái khổ một đời người phải gánh chịu khi hiện hữu trong “cõi người ta”.

Một  đời người, trong mắt người thế gian nó được bắt đầu từ lúc cha mẹ hợp giao, có  hợp tử, rồi phôi thai, rồi bào thai, rồi thai nhi…Đời người bắt đầu ngang đấy. Tuy mới bắt đầu mà cũng lắm thứ khổ. Khổ mẹ mang thai chín tháng mười ngày chịu nắng chịu sương, “nặng nhọc như đội núi, đi đứng sợ gió mưa, quần áo không sửa soạn, trang điểm còn kể chi”. Khổ của thai nhi chín tháng mười ngày như gông cùm kìm kẹp, tù túng bó buộc; đã dài dằng dặc mà rất hãi hùng – “Trong lùm dơ bẩn mà mười tháng bị gói lại  thì thật khó chịu, ở chỗ máu huyết mà một lần bị dốc xuống quả thật đáng thương” – ( phẩn uế tùng trung, thập nguyệt bao tang nan quá, nùng huyết đạo lý nhất thời đảo hạ khả lân – theo bản dịch của HT Trí Quang). Khi thì nghe nóng như đang ở giữa sa mạc nắng cháy, khi thì nghe như đang ở giữa tuyết lạnh sương đêm. Thức ăn và những biến chuyển vật lý, tâm lý của người mẹ đều có ảnh hưởng mạnh vào thai nhi . Khi thì bị chèn ép như hai trái núi áp vào hay như bồng bột bị đè nén dưới thớt cối; lúc thì lỏng bỏng như bong bóng phập phều. Chưa hết, đến kỳ sinh sản, do sức ép và sự thay  đổi lớn về môi trường, trẻ phải chịu nhiều sự đau đớn. Thảo nào Nguyễn Công Trứ viết: 

                  “Thoạt sanh ra miệng đã khóc chóe,

                  Trần có  vui sao chẳng cười khì? ”

Hay Ôn Như Hầu v iết trong  Cung Oán Ngâm Khúc:

                  “Thảo nào lúc mới chôn nhau

                  Đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra.

                  Khóc vì  nỗi thiết tha sự thế,

                  Ai bày trò  bãi bể nương dâu.”

Cái cảnh sanh ra trông có vẻ vui mà bà mẹ  và đứa trẻ lại tựa như cực hình quằn quại đau thương, tê rát cực cùng.

Sinh ra rồi sống. Trải cả một chặng đường dài với bao thăng trầm vinh nhục. Bắt đầu với sự ngây ngô thơ dại của  buổi thiếu thời, cái buổi mà Ngài Thật Hiền dạy là:  “Thiếu dã hà truy, Đông Tây mạc biện”. Hòa Thượng Trí Quang dịch: “Nhỏ thì ngây ngô, trước mặt sau lưng cũng chẳng rõ” và chú rằng “ấy là cái  khổ vì ngu của lúc nhỏ”.

Quãng thời gian ấy không bao lâu lại được thay thế  bởi một nếp sống khác – một nếp sống mà con người ta bị đốt cháy (đến tàn rụi) bởi bao dục vọng đảo điên. “Trưởng nhi hữu thức, tham dục tiện sanh” là vậy. Con người ta tham, phân nửa là do thói quen hôi hám (tức tập khí) huân tập đã đành; phân nửa khác lại vì thân thể vật lý, sinh  lý bức bách – câu thúc. Thế là con người ta phải chịu đủ thứ cơ cực, nhọc nhằn khổ đau để thỏa mãn thân, thỏa mãn tâm. Cũng có lúc nhẹ nhõm – nhàn nhã; mà cũng lắm khi tưởng chừng đâu chân đang bước tới chốn đường cùng- thân đang đứng ở nơi núi hiểm dẫy đầy vực sâu. Chạy vạy, bôn ba, tất bật “lật đật” một đời vì cuộc mưu sinh tồn vong. Mừng giận thương ghét thay chân nhau bít lấp tâm hồn. có khi mừng đến cực cùng vì gặp những  điều thuận ý xuôi lòng. Nhưng cũng lắm lúc lại mệt mỏi cùng cực, khổ đau tột độ vì phải lìa xa những gì thân thích, yêu chuộng hay đối diện với cảnh trái ý nghịch lòng, người tị hiềm “cấn mục”. Mong ước nhiều lắm, mộng mơ dữ lắm; vẽ ra đủ cảnh, đủ trò, đủ mọi phương diện, vậy mà có mấy ai bước chân đến được cái cõi  mông lung huyền ảo mà tâm trí đã bao lần vất vưởng đặt chân.

Cảnh già nua – tật bệnh  vì thế mà đến sớm hơn: “nhưng thoáng cái là già bệnh truy tầm” (tu du nhi lão bệnh tương tầm). Gối mỏi lưng chùng, mắt mờ tai lãng nào ai tránh khỏi. Thật khác gì:

“Cò già  ủ rũ bên ao,

Cá  tôm chẳng có xanh xao chết mòn”

                              (Kinh Pháp cú  – Phẩm Già – kệ 151 – bản dịch Tỷ kheo Giới Đức)

Đẫu có trau tria chải chuốt bao nhiêu, đến lúc thân cũng phải già phải hoại:

“Xe vua đẹp đẽ dường bao,

Trang hoàng lộng lẫy hư hao đến kỳ

Thân này  đến lúc lão suy”.

      (Kinh Pháp cú – Phẩm Già  – kệ 15 – bản dịch Tỷ  kheo Giới Đức)

Thế  rồi bệnh, thế rồi đau. Sống với cái nhân tâm độc địa, tàn bạo, tổn hại, si ám… vì vậy mà lắm thứ bệnh quái gở thi nhau nung nấu, thúc bách thân người. Có bệnh dễ lành dễ chữa, có bệnh khó lành khó chữa; nhưng thứ bệnh nào cũng quằn quại đau thương. Có bệnh một mình mình chị đựng, cũng có bệnh mọi người thân thuộc quanh mình cũng chịu khổ lây. Nhưng một khi đã bệnh thì thứ bệnh nào – ở đâu, nó cũng làm cho con người ta mường tượng những thảm cảnh khốc liệt trong giờ phút cuối của ngày sinh ly tử biệt. Và ngày ấy không lâu, đã đến ắt phải đến. Chánh văn ghi là “ tấn tốc nhi vô thường hựu chí”,  nghĩa là “phút chốc mà chết chóc hiện đến”. Nơi đây “ Vô thường” chính là một cái tên khác dùng  để diễn tả sự chết. Cái chết nó đến bất thần không hẹn với  bất cứ ai. Cảnh sách văn dạy: “Vô thường lão bệnh bất dữ nhân kỳ” là ý này vậy.

Cái  chết nó đến đột ngột mà thảm cảnh nó tạo ra cũng thật khốc liệt hãi hùng. “Phong hỏa giao tiên, thần thức ư trung hội loạn. Tinh huyết ký kiệt, bì nhục tự ngoại càng khô. Vô nhất mao nhi bất bị châm toản, hựu nhất khiếu nhi giai tùng đao cát” – “Lúc bấy giờ gió với lửa cùng nung nấu, nên Nghiệp thức bấn loạn trong đó. Khí với huyết đều ráo cạn, nên da thịt teo khô từ ngoài. Không một lỗ chân lông nào mà không như bị kim xoáy, không một lỗ huyệt nào mà lại không như bị dao cắt”. Một đời người mãi chạy theo những khoái lạc, cảm giác do thân mang lại, quay cuồng đảo điên theo nó. Không luận  bằng phương cách nào, không từ một thủ đoạn gì, không bỏ sót một cơ hội nào – dù nhỏ, mọi thời  mọi lúc cố công dốc lực mà lục lọi,  tìm kiếm- phanh phui- thưởng thức- sống với khoái cảm ấy. Ấy thế mà giây phút ra đi lại trái hẳn. Kinh mô tả là vậy, sách ghi chép là vậy, song làm sao nói cho hết được cái thảm trạng lúc ấy; nói cho cùng được nỗi cơ cực – bi đát của lúc bấy giờ. Nhưng đâu hết, cái Nghiệp thức bị “bấn loạn” mênh mang, không nẻo hướng đến – ấy  mới là đau khổ. Cảnh sách dạy: “ Lâm hành huy hoắc, phạ bố chương hoàng” – “ giờ phút lâm chung năm uẩn và tứ đại đang tan rã mau chóng, trong lòng dẫy đầy những nỗi khủng khiếp, lo sợ hãi hùng”. Luật giải thì dạy rằng: “Nhất tiền tam độc bất trừ, niên vãn tích tội như sơn. Lâm chung chi tế, Nghiệp cảnh hiện tiền, túng nhiễm cưỡng tác chủ trương, nan nhiễm phạ bố chương hoàng. Chánh thị nhật tiền, túc căn bất  ổn, lâm hành thủ mang khước loạn”. Hòa thượng Hành Trụ dịch là: “Bởi ngày trước ba độc chẳng trừ, nên tuổi già chứa tội như núi. Khi hấp hối cảnh Nghiệp hiện bày trước mặt, dù gắng gượng làm chủ trương khó mà tránh khỏi sự hãi hùng sợ sệt. Chính thực ngày trước gót chân không vững đến chết tay bấu chân đạp”.

Khổ  đau thế ấy, một mình mình mang, một mình mình chịu, nào ai thấy được, nào ai thế được!

Vậy là dưới con mắt thế tục, một đời người đã kết thúc – với bao thăng trầm vinh nhục, hận thù thương ghét, buồn vui lẫn lộn. Con người ta bắt đầu cuộc đời bằng tiếng khóc đầu nôi, bằng nước mắt giàn giụa và bằng nụ cười ái luyến của người thân kẻ thuộc; khi kết thúc một đời nó cũng bằng tiếng khóc, bằng nước mắt giàn giụa, và bằng tiếng than ai oán của thân gia.  Khởi đầu trong sự khổ đau, kết thúc  cũng trong sự đau khổ thì ai dám bảo trong khoảng thời gian hiện hữu “trong cái bầu khum khum” này là hạnh phúc an vui. Nó chẳng qua là một hình thức khổ chồng thêm khổ đó thôi. Hạnh phúc an vui chăng cũng chỉ là trá hình của dục vọng – của tham luyến – tham ái – si mê mà bản chất của những thứ ấy là khổ, là bi thương sầu muộn. Có người bảo nhìn cuộc đời thế ấy là bi quan yếm thế, là cực đoan. Song đâu phải, bởi vốn dĩ nhận thức sống nó khác thái độ sống. Bi quan- lạc quan, yếm thế hay ái thế là thái độ sống mà không phải là nhận thức sống. Nhìn nhận cuộc đời là khổ, cuộc tử sinh là khổ, ấy là một hình thái nhận thức. Có nhận thức đúng mới sống đúng, sống có hạnh phúc an vui thật. Bản chất của đời sống là khổ (bởi nó do dục vọng phát sinh đồng thời là chỗ phát sinh dục vọng) nhưng nếu không có nhận thức ấy mà tạo đủ thứ lạc quan – ái thế thì thái độ ấy chỉ là ngụy tạo.

Nhận thức về cuộc sanh tử khổ, nó không dừng ngang thế.  Nếu dừng lại ở đây thì con người không thoát nổi. Lắm lúc lại còn  rơi cả vào “Đoạn kiến”; rồi từ đó dục vọng lại càng lẫy lừng, khổ đau lại còn nhân lên gấp bội.

Như  trước đã có đề cập, trong giáo lý Phật  đà, nói đến sanh tử tức là nói đến Luân Hồi – Nghiệp Báo – Nhân Quả. Nay nói sanh tử khổ, quán chiếu sanh tử khổ thì không thể không quán chiếu tiếp nỗi khổ của  Luân Hồi.

Luân hồi- tiếng Phạn là Samsara – có nghĩa là bánh xe mãi trôi lăn quay vòng. Sự trôi lăn luẩn quẩn của một chúng sanh trong chuỗi dài sanh tử – tử sanh cũng được Đức Thế tôn ví như bánh xe ấy. Chánh văn Ngài Thật Hiền dạy: “Vị ngã dữ chúng sanh, tùng khoáng kiếp lai, thường tại sanh tử, vị đắc giải thoát”. Sanh tử ở đây nếu chỉ hiểu trong khoảng thời gian sanh ra  rồi chết đi là không phải. Bởi sanh tử “tùng khoáng kiếp” mà vẫn “thường tại” ở trong ấy là chỉ cho chuỗi dài sanh tử liên miên bất tận. Một đời người với trong một lần sanh tử, ấy  vậy mà đã “lệ tuôn đầy mặt, lạy trời khóc than”. Huống nữa phải trải qua nhiều đời kiếp như thế, khổ đau bút mực nào tả xuể. Thân thể đã thọ nhận trong đường sanh tử quá hơn cát bụi trong cả tam thiên đại thiên thế giới ( đại thiên trần điểm nan cùng vãng phản chi thân).  Xương cốt trong cuộc luân hồi giả như chất lại thì cao còn quá hơn núi cao (sung sơn). Thân thể đã phơi trải dẫy đầy khắp cả đại địa. Đến độ, có chỗ Đức Phật đã dạy giả như lấy mũi  kim nhỏ mà đâm trên mặt đất khắp cả đại địa thì không đâu mà không trúng xác thân trong cuộc Luân hồi của ta đã bỏ. Thế đủ thấy sự Luân hồi  mới thật triền miên, đằng đẵn. Chỉ với một thân – tâm và môi trường trong hiện tại nó đã làm khổ, đã thúc bách, đã tạo đủ thứ ngõ hẻm ngặt nghèo cho cuộc tồn vong. Huống hồ là số thân như “đại địa trần điểm”. nếu không thấy cái khổ trong một một đời sanh tử như trên thì chắc hẳn cái khổ nhiều đời này mấy ai để tâm quán chiếu, thật bi thống lắm thay! Có mắt như mù, có tai như điếc. Sự Luân hồi đau khổ như thế mà nào có ai hay biết. Tiếng than khổ mãi vang vọng như thế mà nào có ai nghe!.

Vậy mà đã hết đâu. Sự Luân hồi đâu chỉ đơn giản là sự quay lăn trong vòng sanh tử tử sanh đâu mà nó còn một đặc điểm khác, đó là tùy theo Nghiệp báo mà luân chuyển qua sáu nẻo đường. Kinh mô tả sáu cảnh ấy là: Trời, A tu la, Người, Địa ngục, Ngạ quỷ và Súc sanh. Trong sáu nẻo này thì chỉ có cảnh giới người và súc sanh là mắt thịt của chúng ta có thể thấy, tai có thể nghe. Còn các cảnh giới kia phải có mức thâm chứng ta mới tiếp xúc được. Cũng trong sáu nẻo ấy, duy chỉ có ba nẻo là tốt và tương đối tốt là Trời, Người và A tu la. Ba cảnh giới này do Nghiệp thiện thuần hoặc có xen lẫn mà tạo nên. Ngoài ra ba cảnh giới còn lại là Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh toàn do ác Nghiệp nặng hoặc nhẹ mà chiêu cảm thành. Đã còn trong  phạm vi sanh tử Luân hồi thì sáu nẻo, nẻo nào cũng khổ, dù thuần thiện như trời hay xen lẫn như người – Tu la. Cái khổ chung là nẻo nào cũng đang còn trầm luân bởi mê muội vọng chấp. Còn như khổ riêng thì mỗi cảnh giới đều có sự khác nhau.

Khổ  ở cảnh người thì trên đã tạm phân tích. Cảnh trời, mặc dầu do thiện Nghiệp tạo ra nên cũng có lầu đài điện các nguy nga tráng lệ; thân thể đẹp đẽ, dáng vóc yêu kiều; có đử thứ giải trí ca ngâm; ăn chỉ cần tưởng, suốt ngày đằng vân “du hí”…Song khi hưởng hết phúc lạc vẫn đọa như thường. Sống ở cảnh trời, theo các bản kinh A Hàm mô tả thì vẫn có nơi không được nghe Phật Pháp, không có duyên với Phật pháp. Có cảnh giới thì thuần hưởng lạc mà quên đi sự tu.

Bằng như cảnh giới Tu la, mặc dầu có thiện pháp song sự thực hành thiện pháp đó lại bị vấy nhiễm bởi các tâm lý cáu bợn tham sân. Do vậy họ có phước, có nơi bằng trời mà cũng có nơi hơn trời. Con gái ở cõi họ rất đẹp mà đàn ông thì cực xấu.  Ngặt nỗi họ rất nóng, đặc biệt đàn ông. Hằng ngày thường dấy binh đánh trời, bởi trời có thúc ăn ngon mà họ có mỹ nhân “kỳ tú”. Đôi bên thường xâm chiếm lẫn nhau, tranh giành của nhau. Cảnh giới Tu la có nơi có duyên với Phật pháp thì tiếp tục  con đường nghe – học – đọc Phật pháp y  như tiền nhân đã tạo. Song cái khổ chi phối phần lớn khiến họ rời bỏ con đường tu đạo ấy là tâm sân. Kinh mô tả thì hầu như không có giờ nào mà họ không nổi tâm sân bụng oán- dầu chỉ với một việc nhỏ nhặt.

Khổ  nhất vẫn là ba ác thú. Ba cảnh trời, người, tu la do thiện Nghiệp thuần hoặc có xen lẫn tạo nên mà đã khổ vậy, huống nữa ba ác thú chỉ toàn là ác Nghiệp hoặc nặng  hoặc nhẹ. Khi nói về sanh tử khổ – Ngài Thật hiền cũng đã đặc biệt mô tả các  cảnh giới này nhiều hơn cả.

Địa Ngục là phiên âm Hán Phạn, nghĩa là “Bất ái”, Khả yếm, Khổ cụ, Khổ khí, Vô hữu… chỉ cho  nơi chẳng vui, đáng chán, đủ mọi cảnh khổ, chốn khổ cực, chốn vô hữu… Vì nơi ấy nương tựa vào cõi đất nên gọi là Địa Ngục. Có ba loại Địa ngục: một là căn bản Địa ngục, Bát nhiệt Địa ngục, Bát hàn Địa ngục; hai là Cận Biên Điạ Ngục, Thập Lục Du Tăng Địa Ngục; ba là Cô Độc Địa Ngục, ở trên không trung, trong chốn rừng sâu hoang dã, dưới bong cây to… (theo Câu Xá Luận).

Ở  đây phần chánh văn Ngài Thật Hiền đã không kể hết tên và hành trạng của cảnh giới Địa Ngục. Song với dung lượng mà Ngài Thật Hiền nêu ra cũng đã đủ và quá  đủ để giúp chúng ta thấy được nỗi khổ sở đáng chán của chốn U đồ. Chẳng hạn để diễn tả cảnh khổ ở Đôi Áp Địa Ngục (tức Chúng hợp Địa Ngục) thuộc Bát Nhiệt Địa Ngục – Ngài dạy: “đăng đao sơn dã tắc cử thể vô hoàn phu”, nghĩa là “lên núi đao thì cả mình không còn mảng da nguyên vẹn”. Chốn địa ngục này có núi đá lởm chởm (tựa như đao nhọn), kẻ mắc tội bị núi đá đè lên thân thể nên gọi là Đôi áp (chồng chất, đè lên).

Hay đẻ diễn tả cảnh khổ của Đẳng Hoạt  Địa Ngục và Hắc Thằng Địa Ngục ở bát Nhiệt Địa Ngục, Ngài dạy: “…phan kiếm thọ  giả, tắc phương thốn giai cát liệt… lợi cứ  giải chi tắc đoạn nhi phục tục, xảo phong xuy chi, tắc tử dĩ hoàn sanh…”. Hòa thượng Trí Quang dịch là: “…víu cây kiếm thì một vuông tấc cũng bị cắt xả… cưa sắt mà xả thì xả ra là liền lại. Gió quái mà thổi thì chết rồi lại sống ngay…”. Luận Câu xá mô tả cảnh ở Đẳng Hoạt Địa Ngục rằng: “ở đó có chúng sanh phạm tội bị gươm đao đâm chém, gậy gộc đánh đập, cối xay nghiền giã. Khi có gió mát thổi tới thì lại tỉnh như cũ, như lúc còn sống”; và ở Hắc Thằng Địa Ngục thì “kẻ phạm tội bị dây thừng đen cang tứ chi ra rồi cưa, chém tứ chi và thân thể”. Luật Hiển Tông dạy: “Tưởng Địa Ngục- tức Đẳng Hoạt Địa Ngục, kẻ mắc tội luôn có những ý nghĩ ác về nhau, mưu hại lẫn nhau, dùng móng vuốt cấu xé lẫn nhau. Những kẻ này chịu hình phạt đâm chém, cối xay, nghiền giã đến chết ngất. Xong khi có cơn gió lạnh thổi đến, da thịt lại phục hồi, lát sau sống lại…”

Và  Đại Ngục Viêm Nhiệt, Đại viêm Nhiệt cũng hiện ra rõ  hơn dưới lời Ngài dạy: “ nhiệt thiết bất trừ cơ, thôn chi tắc can trường tận lạn, dương đông nan liệu khát, ẩm chi tắc cốt nhục đô mi”, nghĩa là: “ viên sắt nóng không hết đói, mà nuốt vào thì gan ruột nát cả. Đồng sôi đâu khỏi khát mà uống vào thì xương thịt nhừ hết”.

Lại nữa: “trong thành lửa chỉ nghe cái thảm thét gào, trên bàn ram nướng toàn nghe cái tiếng thống thiết”, (mãnh hỏa thành trung nhẫn thính khiếu hào chi thảm, tiễn ngao bàn lý đãn văn khổ thống chi thanh). Ấy là nỗi đau đớn cực cùng không sao chịu được ở Khiếu Hào Địa Ngục và Đại Khiếu Hào Địa Ngục mà Ngài Thật hiền đã mô tả.

Ở đây có thể thấy đối  với Bát Nhiệt Địa Ngục, Ngài Thật Hiền nêu ra gần như toàn bộ. Tiếp theo, khi mô tả cảnh khổ ở Bát Hàn Địa Ngục thì Ngài chỉ đơn cử hai Địa Ngục là Âu Ba La (Utpada) và Ba Đặc Ma (Padma) mà thôi. “Băng đống thủy ngưng tắc trạng tợ thanh liên nhị kết. Huyết nhục lý kiệt tắc thân như hồng ngẫu hoa khai”, nghĩa là: “băng giá đọng lại thì thân như sen xanh kết nhụy; máu thịt rã ra thì mình như sen đỏ nở hoa”. Trí Độ luận q.16 thì mô tả cảnh khổ ở hai địa ngục này như sau: “Âu ba La (Utpada) – tường ngoài của Địa Ngục này có hình nổi gai lên như cọng sen, ý muốn nói nơi này phải chịu rét nứt, lở ra như cọng sen. Ba Đặc Ma (Padma) – địa ngục này tường ngoài có màu như Hoa Sen Hồng, biểu trưng tội nhân phải chịu rét thịt đỏ tấy lên như màu hoa sen”.

Chốn  “Cửa Đen” (hắc môn), “Hang Sắt” (thiết quất) khổ đau dường như thế, ấy vậy mà chúng ta lại phải sớm ra chiều vào (triêu xuất nhi mộ hoàn) – vừa thoát lại sa (tạm ly nhi hựu nhập). Bởi một phen thọ khổ báo, dẫu biết khổ hối hận song nào đau kịp nữa. Lúc được thoát ra thì lại quên bẵng đi cái khoảng thời gian đày đọa đó, để rồi mãi bôn ba theo ngoại duyên trần cảnh và sự tạo Nghiệp vẫn y như thói cũ. Cột thêm biết bao sự hệ lụy triền phược kéo trở lại chốn U đồ, “làm cho Ngục tốt mệt nhọc mãi hoài, Diêm Vương bị phụ lời khuyên bảo”.

Tội nhân địa ngục dẫu có được duyên thoát khỏi vẫn phải đọa lạc vào chốn súc sanh si ám. Nơi đây cảnh khổ của súc sanh cũng được Ngài Thật Hiền hiển thị khá rõ nét.

Khổ lớn nhất của loài súc sanh là mê muội, không có tri thức, bởi tiền nhân đã gây tạo vậy. Đã thọ nhận thân súc sanh thì mỗi loài lại phải chịu nhiều khổ đau kìm kẹp. Bằng mắt thường chúng ta cũng dễ nhận thấy. Có loại phải chở nặng, cày kéo để trả nợ cũ. Có loại sống để rồi bị lấy lông, lột da, róc thịt. Có loại phục vụ bếp núc của hàng thịt, hàng ăn. Có loại vô bổ suốt ngày bị đôi bị ném. Có loại sống bị bó buộc, bị nhốt bị giam để làm món đồ thưởng thức khuây khỏa cho người. Có loại sống chui rúc ở chốn bùn nhơ nước độc. Có loại mình nhiều lông vảy , bị đủ loại trùng nhỏ trùng to thay nhau xúm lại mà rúc mà rỉa. Cái khổ súc sanh quả thật vô lượng, tùy loại thọ sanh, nói không thể cùng. Nhưng đặc biệt hơn, sự mê cách đời khiến cho mỗi loài không biết lẫn nhau, không chấp nhận nhau. Để rồi trong cuộc mưu sinh tồn tại, tàn sát lẫn nhau, ăn thịt của nhau, đâu biết xưa kia từng là thân thích, từng là bà con, cha mẹ anh em của nhau nhiều đời. Đọc chánh văn mà Ngài Thật Hiền dạy mới thật thấy hổ thẹn lắm thay: “tiên lư xuất huyết, thùy tri ngô mẫu chi bi. Khiên thỉ tựu đồ, yên thức nãi ông chi thống. Thực kỳ tử nhi bất tri, Văn Vương thượng nhĩ. Đạm kỳ thân nhi vị thức phàm loại giai nhiên. Đương niên ân ái, kim tác oan gia, tích nhật khấu cừu, kim thành cốt nhục. Tích vi mẫu nhi kim vi phụ, cựu thị ông nhi tân tác phu”. Hòa thượng Trí Quang dịch là: “đánh con lừa đến đổ máu, đâu biết đó là cái thảm của mẹ mình. Lôi con lừa đến lò thịt nào hay đích thị cái đau của cha ta. Ăn thịt con ruột mà không biết, Văn Vương còn như thế, ăn thịt cha mẹ mà không hay phàm phu đều như vậy. Đời trước ân nghĩa mà đời nay thành oán thù,  ngày xưa oán thù mà nay thành ruột thịt. Quá khứ là cha mẹ mà hiện tại là vợ, túc thế là cha mà hiện tiền là chồng”. Khổ đau thế ấy, si mê dường ấy, thác loạn như vậy, trông thật đáng cười – cười thật to mà thật đáng thương – thương đến ngậm ngùi.

Cảnh giới súc sanh khổ đau là vậy. Tiếp là nói về cái khổ của loài Ngạ quỷ. Mặc dầu ở chánh văn Ngài Thật Hiền không hề mô tả cảnh giới Ngạ quỷ, song Ngài đã đề cập đến từ đầu trong câu “thoáng cái làm người, thoáng cái làm trời, thoáng cái làm Địa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sanh” (Nga yên nhi nhân, nga yên nhi thiên, nga yên nhi địa ngục súc sanh ngạ quỷ).

Ngạ  quỷ âm Phạn là Tiết Lệ Đa dịch là  Ngạ quỷ. Cõi Ngạ quỷ thường chịu nỗi khổ bị đói khát. Do chịu quả báo khác nhau mà thành ra  có hơn kém  khác nhau. Người có phúc đức thì làm thần ở chốn núi rừng mã miếu, dưới nữa thì ở nơi hoang vắng không được ăn uống. Ngạ quỷ có rất nhiều loại, tùy Nghiệp đã tạo mà cảm vời ra. Chính lý luận q.31 đề cập có ba loài với chín loại. Kinh Chánh Pháp Niệm Phật thì kể có đến ba mươi sáu loại quỷ. Ở đây chỉ cần nêu ra một số loài như Kinh Thủy Sám mô tả cũng đủ để cảm được cái sự thống khổ đau thương mà loài Ngạ quỷ phải chịu. Kinh thủy sám dạy có loài ngạ quỷ phải chịu cái sự khổ báo trường kỳ đói khát, cái tên nước uống ngàn vạn năm tháng cũng không được nghe; có loài phải chịu khổ báo ghê tởm nuốt máu nuốt mủ, hoặc giả có khi phải ăn phân giơ; có loài chịu khổ khi thân cử động tất cả tay chân và các đốt xương bốc lửa mà cháy. Có loài thì chịu nỗi khổ bi ai bụng lớn cổ nhỏ, bụng luôn thấy đói nhưng không được ăn, cổ thường nổi lửa; mỗi khi nhai nuốt đồ ăn thức uống,đồ đó đều bị biến thành viên lửa nước đồng.

Thật trong lục đạokhông một cảnh giới nào mà không khỏi khổ. Khổ chung, khổ riêng, mỗi mỗi chẳng đồng. Khổ bởi nhân ác, mà từ khổ đó cũng là nguyên nhân tạo lại tội ác để rồi thọ khổ. Xoay vần luẩn quẩn thế ấy. Sự đùn đẩy mãi hoài như vậy, toàn là do nhân si ám.

Kinh Pháp cú, kệ 60 dạy:

“Người mất ngủ thấy đêm dài,

Đường xa mệt mỏi đôi vai lữ hành.

Ngu nhân không thấy pháp lành,

Luân hồi nào biết mối manh nẻo về.”

      (Bản dịch thơ của Sư Giới  Đức)

Cái khổ sanh tử phải được hiểu như vậy và quán sát như vậy. Không dừng lại sanh tử một đời mà bỏ mất sanh tử tùng khoáng kiếp lai. Cũng không thể đột nhiên quán sát cái sanh tử tùng khoáng kiếp mà không xem xét kỹ lưỡng nỗi khổ của sanh tử hiện đời. Nhưng hiểu và quán sát được như thế để rồi bước tiếp theo làm  gì? Không lẽ thấy khổ như vậy rồi than khóc bi lụy kể lể nhiều lời? Đạo Phật không dạy thế. Đức Thế Tôn ra đời không phải với mục đích như thế. Ngài dạy rõ: “Như lai ra đời là để thuyết minh về khổ và con đường diệt khổ”. Giả như Đạo Phật thuyết minh về khổ rồi dừng đấy thì rõ Đạo Phật là chán đời. Nhưng thức sự Đạo Phật luôn hướng thượng, luôn tìm cách phát kiến để giải phóng con người. Đạo Phật rất nhân bản – rất người.  Con người sống là phải sống cho có hạnh phúc – thứ hạnh phúc thật sự do Chánh trí, Chánh giải thoát đem lại (chánh trí- chánh giải thoát là kết quả do quá trình thực tập tám Thánh Đạo. Ở Tương Ưng bộ kinh Đức Thế Tôn không dừng ngang Tám Thánh Đạo mà đã dạy mười Thánh Đạo) chứ không dạy con người sống hạnh phúc mà hạnh phúc đó lại do dục vọng trá hình. Hạnh phúc chơn thật là hạnh phúc  sau khi đã  thoát khỏi được ngôi nhà Tam giới, cắt bỏ được sự triền phược của vòng quay Luân hồi sanh tử. Do vậy sau khi biết khổ hiểu khổ và thấy được khổ sanh tử luân hồi do sự quán chiếu như trên, chúng ta phải học con đường thoát ly (Đạo).

(Còn tiếp)

H.T

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here