Trang chủ Phật giáo với Tuổi trẻ “Sang như trái ớt của thầy Pháp Trí”

“Sang như trái ớt của thầy Pháp Trí”

114
0

 

Trùng lặp nhưng… không bất ngờ!

Nói về Phật giáo tại Huế là một cái khó cho cả những người tổ chức và các diễn giả đăng đàn nêu ‎ý kiến riêng. Bởi Huế từ xưa đã nổi tiếng là nơi có phong trào Phật giáo rất mạnh, không chỉ những nhân sĩ trí thức mà dân xứ Huế đều "hiếu phật sự". Lường trước được điều này nên Tuần văn hóa Phật giáo 2010 hướng đến 1000 năm Thăng Long – Hà Nội đã lên một chương trình rất "thời sự", sát với thực tế và động đến "Phật tâm" của dân kinh thành Huế xưa. So với các Tuần văn hóa khác đã được tổ chức trên cả nước từ trước tới nay thì Tuần văn hóa Phật giáo 2010 có nhiều cái nhất rất đáng thèm muốn: Giản dị nhất, sang trọng nhất, thực chất nhất…

Sự hiện diện của đông đảo nhân sĩ, trí thức Huế bên cạnh các tăng ni, Phật tử trong các buổi thuyết trình, đến để nghe nhau, để trao đổi và chia sẻ, khiến những buổi thuyết trình thật sự là ngày hội của những người trăn trở với Phật giáo dân tộc, với văn hóa dân tộc. Vậy nhưng không hề có sự phân biệt cao thấp, một giáo sư cũng hoàn toàn bình đẳng với một sinh viên trẻ, tăng ni cũng như người ngoại đạo trong lúc trao đổi những băn khoăn. Sau một tuần gặp gỡ, từ người ngoài cũng thành người thân, đó đúng là tinh thần của Phật giáo.

Buổi thuyết trình đầu tiên của GS Phan Huy Lê, với chủ đề "Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long: phát lộ, giá trị và dấu ấn Phật giáo" và buổi thuyết trình cuối cùng "Thiền đời Trần, thiền Việt Nam" của GS Cao Huy Thuần đã có những trùng lặp thú vị nhưng … không bất ngờ.

Sự hiện diện của đông đảo nhân sĩ, trí thức Huế bên cạnh các tăng ni, Phật tử trong các buổi thuyết trình, đến để nghe nhau, để trao đổi và chia sẻ, khiến những buổi thuyết trình thật sự là ngày hội của những người trăn trở với Phật giáo dân tộc, với văn hóa dân tộc. Ảnh: KL
 

Sau khi GS Phan Huy Lê khẳng định những giá trị độc nhất vô nhị của Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long và dấu ấn rực rỡ của Phật giáo thời Lý, Trần thì TS Bùi Trân Phượng "chất vấn" vị Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam một câu hỏi hóc búa, tại sao quá khứ của ta rực rỡ thế mà hiện tại nếu nhìn quy hoạch các thành phố cũng như kiến trúc của đa số những công trình hiện tại, nhiều người không khỏi hoang mang, phải chăng người Việt ta không có tổ chức, không thể làm được những công trình giá trị, "hồ đồ từ trong bản chất"?

Còn sau khi GS Cao Huy Thuần tái xác nhận đã có một dòng thiền Việt Nam đậm bản sắc, góp phần làm nên những chiến công hiển hách đời Trần với nhà tư tưởng vĩ đại Trần Thái Tông và vị tổ – vua Phật Trần Nhân Tông thì các trí thức có mặt cùng đồng cảm trong niềm xót xa "vì sao giá trị huy hoàng ấy đã hoàn toàn đứt gãy sau đời Trần? làm sao phục hưng lại tinh thần sâu sắc của đạo Phật thời Trần?". Hỏi là để đi tìm bằng được câu trả lời, để xác định rõ ta là ai và ta đã là cái gì? Hỏi tìm về quá khứ là để hướng tới tương lai.

Nhất định phải sang, dù là sang trong cái nghèo

Trở thành điểm hẹn với nhiều người từ khi Tuần văn hóa bắt đầu nhưng không gian quê ấy luôn êm đềm thanh thản, những trái ớt luôn chín đỏ gọi mời mà chẳng thấy ai "nổi hứng" hái về làm của riêng. Ảnh: KL
 

Không gian quê và ẩm thực chay ngay bên bờ sông Hương thật sự là một điểm nhấn của Tuần văn hóa Phật giáo. Phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu mọi ngày bỗng chuyển mình thành một ngôi làng bên bờ sông Hương thơ mộng, với những mái nhà tranh, những vườn cây xum xuê trái. Mỗi chiều, khi gió sông Hương làm dịu đi cái nóng gay gắt thì người Huế lại tìm về "làng", để cùng thưởng thức những món ăn chay truyền thống của chùa cũng như món chay dân gian của xứ Huế.

Trở thành điểm hẹn với nhiều người từ khi Tuần văn hóa bắt đầu nhưng không gian quê ấy luôn êm đềm thanh thản, những trái ớt luôn chín đỏ gọi mời mà chẳng thấy ai "nổi hứng" hái về làm của riêng. Nói như GS Cao Huy Thuần, dù không có tiền nhưng nhất định phải tổ chức một Tuần văn hóa thật sang, "sang như trái ớt của thầy Pháp Trí, cả tuần không suy chuyển một trái". Đó là chưa kể, toàn bộ không gian làng đích thực ấy được làm bởi những tấm lòng tình nguyện, từ việc dựng nhà, trồng cây để tạo không gian đến nấu ăn, phục vụ trong suốt 2 tuần lễ.

Mệt toát mồ hôi nhưng các em đoàn sinh gia đình Phật tử vẫn hăng hái, tươi vui. Nhìn lớp trẻ Huế vừa phục vụ không mệt mỏi ở khu ẩm thực chay, lại vào ngồi say sưa ghi chép khi nghe thuyết trình, rồi tự tin tham gia tọa đàm, thấy hiểu hơn, tin hơn vào bề sâu của văn hóa – Phật giáo Huế. Được hít thở không khí trong lành của đạo Phật từ tấm bé, nhất định những thanh niên ấy trưởng thành sẽ phải là người thiện, phải sống có ích.

Mệt toát mồ hôi nhưng các em đoàn sinh gia đình Phật tử vẫn hăng hái, tươi vui.Ảnh: KL
 

Tuần văn hóa Phật giáo còn đủ các hoạt động văn hóa theo cách hiểu "thông thường": hai buổi chiếu phim, một đêm nhạc, một đêm thơ và lễ thắp sáng hoa sen trên sông Hương. Nhưng hai bộ phim được chọn đều của Nhật Bản, đều về cái chết, về tính "hồi quy vĩnh cửu" mang tư tưởng đạo Phật sâu sắc. Chỉ khác là một phim xưa, một phim nay nhưng đều là phim "khó xem", đòi hỏi phải suy tư, chiêm nghiệm. Ấy thế mà hội trường hai buổi đều chật kín, già trẻ lớn bé ngồi xem im phăng phắc, để đến kết phim "Người đưa tiễn" thì nhiều cặp mắt đỏ hoe.

Riêng đêm hòa nhạc đã được GS Cao Huy Thuần giới thiệu "là kết thúc sang cho một tuần văn hóa sang. Nhất định phải sang, dù là sang trong cái nghèo, giả có chưa thật sang lần này thì lần sau sang hơn". Đã là tuần văn hóa thì nhất định phải thấm đẫm chất văn hóa. Chất văn hóa ấy thể hiện trong việc chọn lựa cân nhắc từng hoạt động, trong cái tâm của những người tổ chức, trong sự đồng cảm của những người đến dự, thì đâu cần sân khấu xa hoa tốn kém?

Theo Tuần Việt Nam

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here