Trang chủ Phật học Sân hận-sự nguy hiểm đáng sợ

Sân hận-sự nguy hiểm đáng sợ

272
0

Chúng ta đều biết sân hận là không tốt, là mang đến nhiều hệ lụy vô cùng cho bản thân, cho gia đình, cho mọi người xung quanh. Tuy nhiên để chế ngự, kiểm soát được nó lại không phải dễ dàng gì!

Trước tiên ta nên hiểu sân hận từ đâu mà ra?

Để hiểu từ đâu có sân hận trước nhất phải rõ những hình thái biểu hiện của nó: Đó là (ấm ức, bực tức, giận dữ, thù ghét)

Vậy vì sao ta ấm ức? Bực tức? Giận dữ và thù ghét? Cài này thì do rất nhiều nguyên nhân khác nhau, có khi là do bị hiểu lầm, giải thích mà người ta không chịu nghe, có khi là người ta làm điều lầm lỗi với mình mà cứ khăng khăng không chịu nhận lỗi, nói chung là có trăm ngàn hoàn cảnh đưa đến trạng thái này của sân hận, nhưng cái căn bản nhất vẫn là không phải do người mà do chính bản thân ta. Vì ta chấp ngã nên ta sân hận! Vì ta chấp ngã nên ta muốn cái của ta, cái tôi của ta, cái thuộc sở hữu của ta phải là hơn của người khác. Trong tất cả mọi cuộc tranh luận, cãi vã người nói luôn luôn nghĩ mình hiểu đúng và tìm mọi dẫn chứng, mọi luận điểm để bảo vệ ý nghĩ đó, người còn lại cũng vậy, đến một lúc khi biện pháp này tỏ ra kém hiệu quả thì họ sẽ tìm cách chỉ trích, phê phán lập luận hay quan điểm của người kia, nặng hơn nữa là thóa mạ, hạ nhục vì khi không ai tự bắt ghế leo cao hơn được nữa trong luận chứng của mình rồi thì họ sẽ tìm cách hạ người kia xuống thấp nhất có thể, khi người đó thấp hơn thì có nghĩa là mình đã cao hơn rồi! Lúc ấy những tranh luận, mục đích ban đầu để hiểu rõ vấn đề lại làm cho vấn đề trở nên phức tạp hơn, trầm trọng hơn nữa là sự xúc phạm, tổn hại nhau bằng lời nói, cử chỉ, hành động. Đến mức không thể cứu vãn. 

Ngày nay, xã hội càng phát triển, càng tiện nghi thì con người lại càng dễ sân hận, mất kiểm soát, khó kiềm chế. Chính vì sự tiện nghi của xã hội ngày càng nhiều nên con người càng chịu nhiều áp lực để sở hữu được nó. Áp lực càng lớn thì thời gian càng như ngắn lại, sự kiên nhẫn dần mất đi, sự khoan dung, độ lượng càng hẹp dần. Vì vậy chỉ cần một chút chuyện bâng quơ, một vài điều nhỏ nhặt cũng làm cho người ta sân hận đến điên cuồng. Đôi lúc chỉ vì một mâu thuẫn nhỏ cũng dẫn đến cãi vã, gia đình tan nát, bạn bè hiềm khích, anh em bất hòa, đánh nhau, giết người … chỉ từ những mâu thuẫn vụn vặt trong đời sống hàng ngày mà khi bình tĩnh lại ta giật mình thản thốt nhận ra thì mọi chuyện đã không còn vãn hồi kịp nữa rồi, trong gia đình cũng vậy nên ngoài xã hội cũng chẳng khác được. Ngày nào trên các phương tiện đại chúng cũng đưa tin chém lộn, giết người chỉ vì một câu nói hơn thua, một cái nhìn ẩn ý! Ôi!!! Thật là đáng thương hại cho những người vô minh. 

Mâu thuẫn không thể không xảy ra, ngay chính bản thân mỗi người đôi lúc ngày hôm nay ta đã mâu thuẫn với chính mình của ngày hôm qua, ngay lúc này ta có thể cũng mâu thuẫn với chính mình lúc sáng rồi. Ví dụ hôm qua ta nghĩ ăn thịt có sức khỏe tốt, hôm nay đọc được một tờ báo có vị bác sĩ khuyên nên ăn rau củ thôi vì thịt có rất nhiều chất độc hại, vậy là ta lại lúi húi đi chợ mua rau về ăn, đấy! Ta của hôm nay đã mâu thuẫn với chính ta của ngày hôm nay rồi còn gì, thì đối với một gia đình, một cơ quan tập thể, một xã hội rộng lớn làm sao không tồn tại mâu thuẫn cho được. Điều cốt yếu là ta biết chế ngự, kiểm soát được nó một cách khéo léo, 

Nhẫn nhịn trước tiên là một cách để chế ngự mâu thuẫn và sân hận. Cổ nhân có dạy rằng (Nhẫn một lúc sóng yên, gió lặng! Lùi một bước biển rộng, trời cao). Hay ông cha ta cũng có câu: (Một câu nhịn, chín câu lành. Tránh voi chẳng xấu mặt nào … ). Nhưng với quan niệm của giáo lý nhà Phật cách tốt nhất để giảm bớt sân hận đó là TỪ BI, BUÔNG XẢ.

TỪ BI giúp tâm ta luôn luôn cảm thấy an lạc, bởi khi người ta nói xấu mình, lòng mình từ bi không chấp chuyện đó bỏ qua cho người ta đi thì tự mình đã có được an lạc rồi, thì làm sao tâm mình sân hận cho được? Mình không sân hận thì người kia dù có sân hận cũng chỉ một lát thôi, bởi nó như một cái quả nổ chẳng còn ngòi nổ, nó bị cắt đức cái duyên của nhân ác thì làm sao có chuyện xấu ác xảy ra? Trong gia đình nếu người vợ giận dữ nặng lời mà người chồng nhẫn nhịn im lặng thì có cãi được nữa đâu? Hay khi người chồng lớn tiếng sân hận mà người vợ mềm dẻo khuyên ngăn thì có xảy ra chuyện được nữa hay sao? Muốn vậy ta hãy tập dần hàng ngày, hàng giờ chứ không phải ngẫu nhiên mà làm được! 

Ta tập từ sự buông xả không chấp chước, không trách tội, không hờn giận những chuyện nhặt nhạnh, từ sự hỷ xả này ta khởi tâm từ bi bỏ qua lỗi lầm người khác mắc phải trong quá khứ. Ví dụ ta thấy một ông ăn mày nghèo khổ ta không cho tiền ông ấy bởi vì ngày xưa ông ấy giàu có nhất xóm lại keo kiệt bủn xỉn, do ăn chơi hết tiền giờ mới ra nông nỗi này! Đáng đời ông ấy! Ta khởi tâm như vậy là không nên rồi! Không nên chứ tôi không nói là quý vị suy nghĩ không đúng về ông ấy! Quý vị nghĩ thế là có hại cho tâm quý vị lắm, có hại do tâm quý vị còn chấp chuyện quá khứ, cái chấp sẽ là cái dẫn đến hẹp lòng (vì chấp nên quý vị không cho) hẹp lòng lại dẫn ra ích kỹ mà đó là nguồn gốc sân hận rồi. Vậy cho là tốt chứ không có hại gì cả! 

Trong cuộc sống hàng ngày quả báo của sân hận có ở khắp mọi nơi, khắp mọi sự việc có nói đến hết cả trang pages này e cũng không nói hết được nữa! Nhưng cái tốt của người biết chế ngự sân hận, làm chủ sân hận và diệt đoạn được sân hận cũng không thể nghĩ bàn cho tận được. Nhưng từ xưa đến nay quý vị có thấy một vĩ nhân nào mà tính tình nóng nảy, sân hận, bộp chộp à thành đại nghiệp hay chưa? Chứ tôi chỉ thấy như vua Việt biết nếm mật nằm gai, nhẫn nhịn chờ cơ hội phục quốc, hay Tư Mã Ý biết nhẫn nhịn chờ thời cơ mà nắm lấy Ngụy Quốc, đó thôi! Đó là khía cạnh cuộc đời. Còn trong đạo pháp nhẫn nhịn và khiêm nhường là điều đầu tiên cần tu học, rèn dũa mới có thể tu hành được. Bởi con đường đạo pháp dài tận trăm ức kiếp lại có vô vàng ma chướng bủa vây! Không chế ngự được sân hận thì làm sao tu cho được? 

Trong kinh nhân quả có dạy người đời nay mặt mày xấu xí, méo mó, thân hình lệch lạc không đồng đều là do nghiệp sân hận mà ra, quý vị thử nhờ một ai đó chụp lại cho ta một bức hình lúc ta sân hận mà xem? Ta sẽ kinh ngạc với chính mình vì khi ấy ta thật chẳng có điểm nào là ta nữa! Gương mặt ấy nếu theo ta vĩnh viễn sẽ trông như thế nào?!

Năm mới, mọi người ai có điều gì còn chấp, còn giận hờn thì hãy buông xả cho nhẹ nhàng tâm trí, thanh tâm thường lạc mà đón nhận năm mới để khởi đầu lại cho thuận xuôi, đừng quên nuôi dưỡng từ bi trong lòng bằng những thiện nghiệp bố thí, phóng sanh để cho sự sân hận không còn cơ hội khởi lên trong lòng mình! 

N.N

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here