Trang chủ Phật giáo khắp nơi Sám hối với “thiên thần”

Sám hối với “thiên thần”

139
0

11g trưa 1-10 tại chùa Từ Quang (quốc lộ 1A, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TP.HCM), rất đông phật tử từ nhiều tỉnh lân cận TP.HCM tới dự lễ cầu siêu cho các thai nhi đã từng bị chối bỏ. Vuốt những giọt mồ hôi lăn dài trên má, một phụ nữ chừng 40 tuổi, khuôn mặt sáng và sang trọng lại rụt rè bước tới bàn đăng ký dự tràng cầu siêu tại chùa. Đó là bà N.T.A., chủ một doanh nghiệp khá lớn ở Q.10, TP.HCM.

Bà A. ghi con số tám vào cột số lần phá thai trong bảng đăng ký địa chỉ các phật tử. Nhưng đó chưa phải là con số lớn nhất trong những người tới dự lễ cầu siêu.

Nỗi đau không chỉ một ngày…

“Một sự đồng cảm lớn lao giữa những phật tử tới dự lễ cầu siêu là tâm trạng ray rứt, bất ổn trong nhiều năm trời vì đã từng chối bỏ giọt máu của mình!” – cô Thanh Lai, một phật tử, bộc bạch.

Hầu hết những người tới dự lễ cầu siêu khi kể lại câu chuyện từng phá bỏ thai đều chia sẻ những tâm sự mà giờ đây ray rứt. Một bà mẹ thẫn thờ khi kể lại câu chuyện của mình 20 năm trước: “Thời bao cấp, vợ chồng làm cả tháng lương được gần 100.000 đồng, nuôi hai đứa con đã khổ, đẻ thêm thì mất việc nên đành nhắm mắt đưa chân tới bốn lần…!”. Năm nay bà mẹ này đã hơn 60 tuổi và bảo rằng mình bị nghiệp báo nên đã mắc bệnh ung thư dạ con suốt mấy năm nay. Rất nhiều trong số đó là những phụ nữ lầm lỡ, bị phụ tình.

“Cứ sau mỗi lần “bỏ đi” như vậy, tôi thấy mình trống trải lắm. Mệt mỏi và ngủ không ngon giấc nữa. Có lúc suy nghĩ lại tôi ngồi khóc một mình, chứ chia sẻ với ai đó thì khó lắm” – chị T.K. tâm sự. May mắn cho chị K. là sau bốn lần “giải quyết nhanh”, chị vẫn có thể sinh nở bình thường và hiện có hai con trai kháu khỉnh, nhưng những di chứng về tinh thần vẫn cứ âm thầm theo chị hằng ngày. Chị K. nói cũng như một số cô gái bây giờ, lúc đi làm những chuyện ấy chị còn trẻ và thấy cũng “dễ dàng thôi”, nhưng càng ngày chị càng dằn vặt về điều đó. “Tôi nghĩ người phụ nữ khi trải qua chuyện này sớm hay muộn cũng đều bị ảnh hưởng về đời sống tinh thần. Có dịp để nói với mọi người và hối lỗi với bản thân sẽ giúp họ sống nhẹ nhàng hơn” – chị K. thổ lộ.

Có hàng ngàn lý do mà những ông bố, bà mẹ tương lai đã từ bỏ con mình từ khi thai nhi chưa thành hình. Chúng tôi cảm nhận nỗi xót xa xen lẫn sợ hãi của một phụ nữ hiện đang giữ “kỷ lục” phá thai tại lễ cầu siêu. Đó là chị P.Q.A. ở Hải Phòng với 20 lần bỏ thai nhi vì nhiều lý do. Và chị đã vĩnh viễn mất cơ hội làm mẹ sau nhiều lần bỏ thai như thế.

Thầy Huỳnh Văn Chính (pháp danh Giác Thiện – trụ trì chùa Từ Quang) chia sẻ: “Hàng ngàn người đến chùa cầu siêu với hàng ngàn lý do khác nhau. Mỗi phật tử đều mang nhiều tâm sự mà đến giờ vẫn khiến họ không tịnh tâm được!”.

Mặc cảm tội lỗi

Hai vợ chồng anh N.H.V. và chị L.T.Đ.T. khi nghĩ đến chuyện từng bỏ đi đứa con đang thành hình trong bụng mẹ thì thấy mình mang cảm giác có lỗi. “Lúc đó hai chúng tôi còn trẻ, chưa đủ điều kiện để xây dựng cuộc sống gia đình, đi đến quyết định như vậy cũng khó lắm. Tôi không thật hiểu những cảm giác mà vợ tôi phải mang sau chuyện đó, nhưng thật sự chúng tôi đã có những khoảng thời gian sống khó khăn về tinh thần” – anh N.H.V. nói. Chị L.T.Đ.T. sau lần bỏ thai duy nhất trong đời ấy đã gặp một số vấn đề về sức khỏe. Làm đám cưới rồi, vợ chồng anh V. và chị T. hạnh phúc vỡ òa khi một khoảng thời gian lâu sau, họ mới biết mình vẫn có thể cùng nhau sinh một đứa con.

1g30 chiều 1-10, trai đàn cầu siêu của chùa Từ Quang đông nghẹt người. Con số phật tử tham dự lễ cầu siêu ước tính khoảng 1.000 người. Trong khi đó, theo thống kê của phòng vi tính chùa Từ Quang, đã có hơn 4.000 phật tử đăng ký cầu siêu cho 6.000 thai nhi trong suốt một tháng kể từ ngày chùa thông báo về đại lễ cầu siêu tới trưa 1-10. Ở một góc ghế đá trong sân chùa, có hai vợ chồng đang ngồi lẩm nhẩm đọc qua “Văn nguyện sám hối” mà chùa soạn sẵn cho lễ cầu siêu. Không biết tâm sự người vợ đó thế nào mà chúng tôi thấy chị ngồi quay mặt về phía chồng, cố giấu những giọt nước mắt lăn dài khi đọc lời sám hối.

Theo TTO 

 Nhiều công nhân tự sám hối

Ở gần chùa Từ Quang là hàng loạt khu công nghiệp, khu chế xuất với hàng ngàn công nhân sinh sống. Trụ trì Huỳnh Văn Chính cho biết có khá nhiều công nhân đăng ký làm lễ cầu siêu từ ngày 1 tới 3-10 tại chùa. Không chỉ trong ngày thường, cứ buổi tối đi làm về là lại có rất nhiều công nhân tới tự sám hối trước tượng Phật và tâm sự với các sư thầy về những lần phải từ bỏ giọt máu của mình vì điều kiện kinh tế. Đó cũng là lý do mà các sư thầy chùa Từ Quang tổ chức buổi lễ cầu siêu cho những phật tử mang nhiều ray rứt trong cuộc sống.
 

 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here