Bản sắc dân tộc trong tư tưởng Phật giáo Việt Nam còn thể hiện tinh thần nhân ái khoan dung trong pháp luật
Trước triều Lý, Việt Nam chưa có pháp luật thành văn, triều Đinh, Tiền Lê thường nuôi hổ, đặt vạc dầu, lấy cỏ quấn quanh người để đốt… để ngăn đe, xử phạt những ai vị phạm quy định của nhà nước: “Vua tính thích giết người, phàm người bị hành hình, hoặc sai lấy cỏ gianh quấn vào người mà đốt để cho lữa cháy gần chết…lấy dao cùn xẻo từng mảnh, để cho không được chết chóng, bắt trèo lên ngọn cây cao, rồi chặt gốc cho cây đổ, người rơi xuống chết”, và thậm chí: “Từng róc mía trên đầu sư Quách Ngang…” (1).
Triều Lý được thành lập, kinh tế, văn hóa xã hội có sự biến đổi mạnh mẽ hơn trước, nhiều vấn đề xã hội nảy sinh để quản lý đất nước, điều chỉnh hành vi của dân chúng củng cố hơn nữa chế độ quân chủ Trung ương năm 1042 vua Lý Thánh Tông cho ban hành bộ Hình thư, bộ luật thành văn đầu tiên trong lịch sử Việt Nam.
Nếu như triều đình Đinh, triều Tiền Lê luật pháp có phần dã man người nào trái phép sẽ bị chịu tội bỏ vạc dầu nấu hay cho hổ ăn… thì pháp luạt triều Lý lại chứa đựng tinh thần nhân ái khoan dung mang dấu ấn của tư tưởng “từ bi, hỷ xả” của đạo Phật. Sách Đại Việt Sử ký toàn thư chép: “Trước kia, trong nước việc kiện tụng phiền nhiễu, quan giữ việc hành câu nệ luật văn, cách làm khắc nghiệt, thậm chí bị oan uổng. Vua lấy làm thương xót, sai Trung thư sửa định luật lệnh, châm chước cho thích dụng với thời bấy giờ, chia ra môn loại, biên ra điều khoản, làm sách Hình luật của một triều đại” (2). Chính lòng thương xót của vua Lý đối với dân chúng đã chi phối nội dung luật pháp của nhà nước, lòng thương xót ấy là sự dung hợp giữa truyền thống của dân tộc Việt Nam với tư tưởng nhân ái, cứu khổ của đạo Phật.
Đối với những người vi phạm các quy định của nhà nước vua Lý thường lấy lòng khoan dung mà tha thứ. Năm 1028, Lý Thái Tông lên ngôi vua đã tha tội làm phản cho Đông Chính Vương, Dực Thanh Vương và Vũ Đức Vương, năm 1043 Nùng Trí Cao ở Châu Quảng nguyên làm phản. Sau bắt được Trí Cao vua không những tha tội mà còn ban cho đô ấn phong làm Thái Bảo và ban cho mấy Châu, Quận. Đối với tội giết người, pháp luật triều Lý quy định: Tranh nhau ruộng đất mà lấy đồ khí nhọn sắc đánh chết hoặc làm bị thương người khác thì bị đánh 80 trượng và chịu đày. Giết người làm phản là những trọng tội, các triều đại sau này lieeth nó vào những tội “thập ác” thế nhưng với tinh thần thương dân, lòng nhân ái, khoan dung các vua Lý đã xử phạt rất nhẹ.
Luật pháp triều Lý đặc biệt chú ý tới người già, trẻ nhỏ, coi trọng công tác giáo dục, ngăn ngừa, pháp luật triều Lý quy định những người trong độ tuổi từ 70 đến 80, trẻ nhở từ 10 đến 15 tuổi nếu phạm tội thì phép dùng tiền để chuộc tội. Trong xét xử các vua Lý thường khoan dung lấy giáo dục làm chính, có lần khi đang xét xử vua Lý Thánh Tông chỉ vào công chúa Động Thiên mà nói: “Ta yêu con ta, cũng như lòng làm cha mẹ dân, nhân dân không biết mà mắc vào hình pháp, ta rất lấy làm thương. Từ năm nay về sau không cứ gì tội nặng nhẹ, đều nhất luật khoan giảm” (3).
Thương dân không chỉ bằng việc khoan dung đối với những người phạm tội, luật pháp triều Lý còn có những quy định rất cụ thể để bảo vệ sức kéo trọng nông nghiệp, bảo vệ người lao động như việc cấm giết mổ trâu, bò, cấm không được buôn bán hoằng nam làm gia nô, hay thiến, hoạn nam giới…
Trong khuôn khổ một xã hội trọng nông, nhà làm luật triều Lý đã chăm sóc đến sự thịnh vượng của nghề chân lấm tay bùn, làm giảm bớt nỗi khổ cực của giai cấp nông dân (hằng ngày vẫn phải chịu bao nỗi đắng cay đè nén, hăm dọa từ mọi phái). Khác hẳn với luật Trung Quốc, đồng thời, dưới đời Lý Nhân Tông (1072 -1127), các vụ trộm trâu bò thường xảy ra rất nhiều ở các làng mạc, khiến người dân quê làm ăn không được yên ổn. Hơn nữa, nhiều kẻ chỉ chuyên môn trộm cướp trâu bò của dân gian khiến việc cày bừa phải đình trệ, có khi bốn, năm gia đình phải chung nhau một con trâu hay một con bò.
Vốn sinh trưởng ở nơi dân giả, Linh Nhân Hoàng Thái Hậu (tức Ỷ Lan Nguyên Phi, vợ vua Lý Thánh Tông) thấu rõ nỗi thống khổ của dân quê trong tình trạng ấy, nên đã khuyên nhà vua ra tay trừng trị các kẻ gian làm hại dân lành.
Năm Hội Tưởng Đại Thánh thứ 8 (1117), vua Lý ban hành một đạo luật về việc trộm và thịt trâu bò: “Những kẻ trộm trâu của công thì xử 100 trượng, một con phạt thành hai” (4). Hay “kẻ nào mổ trộm trâu thì xử 80 trượng đồ làm khao giáp, vợ xử 80 trượng đồ làm tang thất phụ và đền trâu. Nhà láng giềng không tố cáo thì xử 80 trượng” (5).
Có lẽ, trong sử không ghi chép điều luật này được đầy đủ. Theo sử, trong luật trù liệu tội đồ là “Tang thất phu”, nhưng đây chỉ là một hình phạt đối với đàn bà (đàn bà phải làm việc tại sở nuôi tằm). Vậy chắc chắn là sử đã bỏ sót không ghi hình phạt đối với người đàn ông ăn trộm trâu, bò.
Song, sự che chở dân cày không phải chỉ tóm tắt giới hạn trong việc trừng phạt các sự đạo thiết trâu bò là đủ. Đối với dân Việt, câu ca dao “tấc đất tấc vàng” từ ngàn xưa đã phản chiếu một sự kiện kinh tế căn bản. Tất cả các cơ nghiệp của người dân quê đời xưa chỉ vỏn vẹn gồm vài thửa ruộng, thửa vườn. Cuộc sinh nhai hàng ngày, các thuế má, ma chay và mọi việc đóng góp trong làng, trong xóm thảy đều trông mong vào mối lợi độc nhất ấy.
Trong trường hợp phải cần tiền, nếu không sẵn của dư của để, họ chỉ còn cách đem cầm, bán cái bất động sản ấy. Vì vậy, trong đời sống chất phác của dân quê, các cuộc cầm bán ruộng đất có tính cách quan trọng đặc biệt. Ta có thể nói là hầu hết các việc dính líu đến pháp luật ở sau lũy tre xanh đều do các việc mua bán, cầm cố ruộng đất gây nên. Hiểu được trình trạng ấy, vua Lý Anh Tông (1138 – 1175), năm Đại Định thứ 3 (Nhâm Tuất, 1142) đã ban hành điều luật về việc kiện tụng và chuộc lại ruộng đất. “Những người cầm đợ ruộng thục trong vòng 20 năm thì cho phép chuộc lại; tranh nhau ruộng đất, trong vòng 5 năm hay 10 năm còn được tâu kiện; ai có ruộng vườn hoang bị người khác cấy cày trồng trọt, trong vòng 1 năm cho kiện mà nhận; quá các hạn ấy thì cấm. Làm trái thì xử 80 trượng. Nếu tranh nhau ruộng ao mà lấy đồ binh khí nhọn sắc đánh chết hay làm bị thương người thì xử 80 trượng, tội đồ, đem ruộng ao ấy trả lại cho người chết hay bị thương” (6). Đây là điều luật Việt Nam cổ nhất mà ngày nay ta còn thấy ghi rõ ràng trong sử về quy chế các điền thổ. Đạo luật ấy đã bênh vực quyền lợi của nông dân về hai phương diện: xã hội và pháp lý.
Sắc thái dân tộc Phật giáo Việt Nam còn thấm nhuần trong tư tưởng nhân đạo của các vua triều Lý và là đạo trị nước của triều Lý.
Tư tưởng nhân ái từ bi của đạo Phật hòa quyện với truyền thống “thương người như thể thương thân” của dân tộc Việt Nam tạo nên cái tâm trị nước của triều Lý, với phương châm “yêu dân như con”.
Các vua Lý có quan hệ gần gũi với dân tộc, với trăm họ trong bốn biển như con đỏ, chăm lo tới cuộc sống của dân, xót xa khi thấy dân khổ, vỗ về khi lòng dân không yên, các vua Lý đều có lệ thân chinh đi làm lễ cày ruộng Tịch điền. Xem dân chúng sản xuất, kinh lý nắm bắt tình hình cuộc sống của dân. Trong những năm lũ lụt, hạn hán mất mùa nhà nước đều thực hiện cấp thóc gạo tiền, lụa, giảm xóa thiếu cho dân chúng năm 1010. Sau khi lên ngôi, Lý Thái Tổ đại xá thuế khóa cho thiên hạ trong ba năm những người già, yếu, mồ côi, góa chồng thì được xóa thuế nợ.
Dường như lòng nhân ái của các vua quan triều Lý đã vượt qua khỏi ranh giới giai cấp, địa vị xã hội, vượt qua không gian, xuyên suốt thời gian tồn tại của vương triều. Thật cảm động khi Lý Thánh Tông thương xót và đồng cảm với nỗi khổ của tù nhân trong mùa đông lạnh giá. Mùa đông năm Ất Mùi 1055 trời rét, Lý Thánh Tông nói với các quan rằng: “Trẫm ở trong cung nào là lò sưởi ngự, nào áo lót cầu còn rét như thế này, nghĩ đến người tù giam trong ngục, khổ sở về gông cùm, chưa biết rõ ngay gian, mà ăn không no bụng, áo không kín mình, gió rét khổ thân, hoặc có kẻ chết không đáng tội, trẫm rất thương xót. Vậy hạ lệnh cho Hữu ti phát chăn chiếu và mỗi ngày hai lần phát cơm” (7). Vua Lý Nhân Tông thường hay mở hội Phật và tha cho những người có tội. Còn Lý Nhân Tông thì không có việc gì cũng tha bổng cho những người mắc tội. Lòng nhân ái, thương người của các vua Lý không chỉ đối với nhân dân Đại Việt mà còn cả với những tù binh Chiêm Thành. Năm 1010, Lý Thái Tổ đã tha cho 28 người Chiêm Thành bị Lê Ngọa Triều bắt trước đó. Không thế vua Lý còn sai người cấp thuốc men, áo quần, lương thực để họ trở về quê hương.
Tư tưởng “yêu dân như con” trong đạo trị nước của triều Lý là sự biểu hiện lòng từ bi của Phật giáo.
Để bênh vực người dân quê bị kẻ cường hào hà hiếp; như một người muốn chuộc ruộng bị người chủ nợ đánh, nhà làm luật cảm thấy là phải đi xa hơn là các sự trừng phạt về hình sự. Thực là một vinh dự, ấy đã hiểu rằng: duy trì trật tự công cộng trong xã hội hình luật chưa đủ, mà còn cần phải hòa mình vào đời sống của dân chúng, hiểu thấu nỗi đau khổ oan ức của họ, phải nâng đỡ họ và làm êm dịu những sự bất công mà họ đã phải chịu đựng. Vì lẽ đó, những kẻ cầm dao đánh người, ngoài các hình phạt, còn phải mất ruộng ao tương tranh để đền cho kẻ bị đánh, bị giết…
Sắc thái dân tộc trong Phật giáo Việt Nam thời Lý còn là sự mềm dẻo, linh hoạt và nhân văn trong chính sách đối ngoại.
Đối với Chiêm Thành, triều Lý luôn giữ mối quan hệ hào hiếu. Tuy nhiên, do nhiều lần Chiêm Thành đem quân quấy rối biên giới phía Nam, cướp của, bức hãm nhân dân, cho nên nhiều lần vua Lý đã thân chinh cầm quân đi đánh dẹp. Năm 1044 Lý Thái Tông cầm quân đánh Chiêm Thành bắt được 5000 tù binh, vua không những không giết mà còn cho họ nhận hộ thuộc làm ăn sinh sống ở Vĩnh Khang (Nghệ An ngày nay). Năm 1069, Lý Thánh Tông đã bắt được vua Chiêm Thành là Chế Củ cùng năm vạn dân Chiêm Thành vua không giết một ai.
Đối với nhà Tống. Triều Lý có quan hệ hòa hiếu ân cần nhân sắc phong đồng thời thực hiện lễ sinh và triều cống đều đặng. Sau khi đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của nhà Tống, triều Lý giao trả cho nhà Tống những dân khu. Quân lính bị bắt tại Khâm Châu, Ung Châu năm 1075.
Chính sách ngoại giao khôn khéo của triều Lý đối với Chiêm Thành và nhà Tống trước hết nhằm bảo vệ củng cố chính quyền của giai cấp phong kiến nó tưởng chừng như không có liên quan gì đến tôn giáo, Song việc triều Lý đối xử nhân ái với những tù binh bị bắt trong chiến tranh xuất phát từ cái tâm của người cầm quyền. Cái tâm ấy được tắm mình trong truyền thống nhân ái của người Việt hòa quyện với tư tưởng từ bi, cứu khổ cứu nạn của đạo Phật.
Đạo Phật – một tôn giáo ngoại sinh nhanh chóng ăn sâu bám rễ vào đời sống tinh thần của người dân và ảnh hưởng sâu sắc tới mọi mặt đời sống xã hội Việt Nam. Đặc biệt là triều Lý (1010-1225) tư tưởng từ bi, bác ái, cứu khổ, cứu nạn của đạo Phật cùng truyền thống thương yêu đồng loại của dân tộc Việt Nam đã tạo nên sắc thái dân tộc cho Phật giáo Việt Nam. Phật giáo Việt Nam thời Lý đã phát huy vai trò tích cực tiến bộ của đạo Phật để phuc vụ cho công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, chăm lo tới đời sống nhân dân. Vượt qua khuôn khổ cổ điển, những học thuyết Nhân trị và Pháp trị của Trung Quốc, tư tưởng trị nước triều Lý đã bắt nguồn từ tinh thần Từ Bi và Trí Tuệ và Bình Đẳng của đạo Phật, để xây dựng xã hội Việt Nam mang đậm sắc thái dân tộc Việt.
V.V.C
Chú thích:
(1) Đại Việt sử ký toàn thư (2006), tập I, NXB Văn hóa thông tin, Hà nội, tr.232-233
(2) Sđd, tr.280;
(3) Sđd, tr.296;
(4) Sđd, tr.279;
(5) Sđd, tr.316-317;
(6) Sđd, tr.355;
(7) Sđd, tr.294