Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Rong ruổi xứ sở Triệu Voi: truyền thuyết cánh đồng Chum

Rong ruổi xứ sở Triệu Voi: truyền thuyết cánh đồng Chum

137
0

Ngoài những cánh đồng phù sa ven Mekong và các chi lưu thì những vùng đất bằng phẳng của Lào chính là các cao nguyên. Phía nam có cao nguyên Boloven đất đỏ bazan màu mỡ thích hợp với các nông trường cao su, café, hồ tiêu, cây ăn trái, rau màu…

Lớn nhất là cao nguyên Xiêng Khoảng ở phía bắc với điệp trùng những đồi cỏ xanh bất tận trên độ cao trung bình 1.295 mét. Những thảm “cỏ non xanh rợn chân trời” của cao nguyên Xiêng Khoảng không làm giàu cho người dân sở tại bằng những đàn ngựa, đàn dê, đàn cừu như người  Mông Cổ mà bằng du lịch với Cánh đồng Chum có một không hai, một di sản văn hóa nổi tiếng của Lào và của cả vùng Đông Nam Á. Đó là những chiếc chum bằng sa thạch, chiều cao và đường kính mỗi chiếc từ 1-3 mét, nặng từ vài trăm cân đến hơn 1.000 cân. Những chiếc chum này khu trú trong 50 địa điểm như 50 cánh đồng nhỏ tạo thành một cánh đồng lớn. Bản Ang, Lắt Sén và Bản Sua là ba địa điểm chính, ba “cánh đồng nhỏ” được đưa vào khai thác du lịch, phục vụ du khách tham quan. Riêng  cánh đồng Bản Ang có khoảng 300 chum. Bên cạnh chum đá người ta đã từng phát hiện được nhiều mảnh vỡ của những đĩa đá lớn có hoa văn trang trí mà rất có thể đó là những chiếc nắp chum?

Chum có nắp. Ảnh: Thanh Tùng

Chúng tôi đến tham quan Cánh đồng Chum Bản Ang ở trên hai quả đồi nhỏ gần thị xã Phonsavan. Bao quanh cánh đồng chum này là sân bay Xiêng Khoảng, những đồi cỏ lác đác những hàng cây xanh, dưới chân đồi có hai hồ nước nhỏ nên trông từ xa cánh đồng chum Bản Ang giống như một sân gol lớn.  Một cánh đồng toàn là chum lô nhô giữa thảm cỏ xanh. Thỉnh thoảng lại gặp một hố bom, những đoạn giao thông hào và hầm trú ẩn của quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu ở Cánh đồng Chum trong những năm chống Mỹ. Một hang đá nằm giữa hai chân đồi có lỗ thông gió giống như động Huyền Không ở Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng). Đây có lẽ là mỏ đá lộ thiên mà người xưa đã lấy làm nguyên vật liệu chế tác những chiếc chum trên cánh đồng Bản Ang. Chum to chum nhỏ quây quần thành từng cụm. Đa số đã bị sứt mẻ. Duy nhất một chiếc còn nắp đậy. Một số chum có mảnh vỡ của nắp ở ngay bên cạnh.

Có nhiều giả thuyết về mục đích sử dụng, niên đại, tác giả của những chiếc chum đá này. Giả thuyết thứ nhất cho rằng đó là vật dụng đựng lương thực, thực phẩm? Tôi nghiêng về những ý kiến bác bỏ bởi không phù hợp với đời sống du canh du cư và sản lượng nông nghiệp của người dân Lào từ xưa tới nay chưa bao giờ của ăn của để dư dã đến thế. Mặt khác bên cạnh những cánh đồng chum này không có dấu tích của những khu dân cư. Phần nhiều các nhà khảo cổ học đồng ý với giả thuyết đây là di chỉ mộ táng, mỗi chiếc chum là một chiếc quách và có chủ nhân riêng. Theo giả thuyết này thì Cánh đồng Chum là một nghĩa trang cực lớn. Nhưng vì sao mà những chiếc chum đá khổng lồ này lại tồn tại chỉ ở một nơi duy nhất trên thế giới là cao nguyên Xiêng Khoảng; chủ nhân của nó là ai, gắn với thời đại cụ thể nào, bộ tộc nào thì vẫn chưa có ai giải mã chính xác. Bí  ẩn này vẫn đang là một thách thức lớn đối với các nhà sử học và khảo cổ học. Cũng hay, khi thời đại và chủ nhân của Cánh đồng Chum đang là món nợ của các nhà khoa học thì những bí ẩn của nó càng hấp dẫn hơn, thu hút nhiều hơn lượng du khách đến Xiêng Khoảng, đến với đất nước Lào đang thiếu ngoại tệ.

Tác giả bên những chiếc chum lớn nhất ở Ban Ang.

Để khỏi rắc rối với những cuộc tranh luận chưa có đáp án cuối cùng đa số dân Lào thiên về truyền thuyết kể rằng đây là những chiếc bình của vua Khun Cheung dùng ủ rượu để khao quân, ca khúc khải hoàn sau ngày giết được chậu mường Eng Ka, chiếm được vùng đất Mường Dạ Căn (Xiêng Khoảng ngày nay). Đây là niềm tin và cũng là một niềm tự hào cho nên vào những ngày lễ tết người Lào thường tề tựu về đây vui chơi. Nhưng truyền thuyết vị vua cổ đại Khun Cheung ủ rượu khao quân không thuyết phục về niên đại. Trrước đây người ta ước tính những chiếc chum này xuất hiện trong khoảng từ năm 500 trước Công nguyên đến năm 500 sau Công nguyên.
 Khi tiếp cận hiện vật, với những nét chạm khắc thô sơ và liên tưởng đến Kim tự tháp Ki ốp tôi tán đồng với ý kiến cho rằng thời kỳ ấy ở cao nguyên Xiêng Khoảng có thể đã có một hình thái nhà nước sơ kỳ của người Lào Thơng nhóm Khmu. Người Khmu sống ở khu vực phía bắc bán đảo Đông Dương, bao gồm cả Lào và tây bắc Việt Nam, là tộc người sống lâu nhất trên đất Lào. Khác với người Lào Lum cư trú ở đồng bằng, người Lào Thơng sinh sống dựa vào nương rẫy ở vùng núi có độ cao từ 500 đến 1.000 mét (vùng núi cao hơn nữa ở Thượng Lào là địa bàn sinh sống của tộc người Hmong). Truyền thuyết và sự tích vua Khun Cheung cho nấu nhiều rượu để ăn mừng thắng trận liên tục trong bảy tháng trời xuất hiện từ khoảng thế kỷ thứ VI đến thế kỷ thứ VIII. Còn những chum đá ở Cánh đồng Chum chắc chắn xuất hiện sớm hơn rất nhiều.

Những di tích đá ở Xiêng Khoảng được nhà khảo cổ người Pháp Co la ni khảo sát, nghiên cứu từ năm 1931 đến năm 1933. Quá trình đào thám sát Co la ni phát hiện được một số hiện vật trong một hang đá vôi ở Bản Ang như  tro và xương người bị cháy, vòng đá, rìu sắt, mũi giáo sắt, vòng đồng, lục lạc đồng, chuỗi hạt thuỷ tinh. v.v… Co la ni cho rằng tro và xương là của người chết được hoả thiêu trước khi đem chôn vào chum đá. Những hiện vật khác có thể là đồ tuỳ táng.


Trẻ em nô đùa bên cánh đồng chum trong ngày tết. Ảnh: Thanh Tùng

Về sau còn có nhiều nhóm nghiên cứu đã đến đây nhưng công việc gặp rất nhiều trở ngại bởi khắp nơi trên Cánh đồng Chum đều còn bom mìn do một thời gian dài nơi đây là vùng chiến sự ác liệt ở Lào. Là trung tâm đồn trú của quân đội các bên nên nhiều khu vực trên Cánh đồng Chum vẫn còn cắm biển báo nguy hiểm – có mìn. Phế liệu chiến tranh trên đất Lào thì không có nơi nào nhiều như  ở Xiêng Khoảng.

Tạm biệt Cánh đồng Chum, tạm biệt Xiêng Khoảng, chúng tôi theo Quốc lộ 07 núi non trùng điệp, qua cửa khẩu Nậm Cắn xuôi về thủ phủ Hoan Châu xưa rồi mỗi người mỗi ngã. Số đông lên máy bay vào TP.HCM. Những ai chưa đã thèm thì tranh thủ dạo thành phố Vinh về đêm và sáng hôm sau còn kịp làm một chuyến hành hương lên làng Sen, làng Chùa dâng hương Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi theo xe trở lại Huế sau bữa ăn trưa và “dã bạn” ở sân bay Vinh, thêm một chặng đường 360 km dọc theo Trường Sơn đông và Đông Hải. Đất nước Triệu Voi để lại trong tôi nhiều ấn tượng đẹp về văn hoá bản địa và cảnh vật thiên nhiên, về con người hiền hoà và cuộc sống bình yên với những cô gái dịu dàng, tình tứ trong điệu lăm vông quyến rủ, trong những ánh mắt long lanh và nụ cười thân thiện

T.T.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here