Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Rong ruổi xứ sở Triệu Voi: Hang động ngàn tượng Phật

Rong ruổi xứ sở Triệu Voi: Hang động ngàn tượng Phật

145
0

Ngày đầu tiên ở Luang Prabang chúng tôi du thuyền dọc Mekong trên thuỷ trình 20 km. Hết hai giờ ngược dòng mới đến được bản Pak Ou, nơi dòng Nam Ou trong xanh đổ vào Mekong. Nam Ou dài 236 km, bắt nguồn từ Phongsali, vùng biên giới Lào – Trung Quốc, chảy theo hướng bắc – nam, hợp lưu với Mekong về phía đông bắc. Nam Ou tiếng Lào có nghĩa là "sông bát cơm", một trong những con sông quan trọng nhất của Lào, là thủy lộ tự nhiên phù hợp với các loại ca nô lớn, thuyền vừa phải. Đối diện cửa Nam Ou đổ ra Mekong là động Pak Ou nổi tiếng với hàng ngàn tượng Phật. Bây giờ du khách cũng có thể đến Pak Ou bằng đường bộ, qua bản Shang Hay nổi tiếng về làm gốm, chưng cất rượu gạo, dệt thổ cẩm. Trước khi đến Pak Ou chúng tôi đã dừng thuyền ở đây tham quan, nếm rượu Lào chính gốc và mua hàng lưu niệm do người địa phương sản xuất.

Pak Ou là hai hang Phật nổi tiếng linh thiêng vì ngày xưa người Lào tin rằng đây là nơi ở của các vị thần bảo hộ. Một thời trong hang động có các nhà sư cư ngụ. Hang Tham Thing ở ngay sát bờ sông, hang Tham Phun lên cao 200 bậc cấp. Ai chưa đến đây khó có thể tin được rằng ở đó có hơn 2.000 tượng Phật cổ đủ các chất liệu, kích cỡ. Tượng thấp nhất khoảng 10 cm, tượng cao nhất khoảng 2 mét. Nhiều pho tượng được tạc theo phong cách cổ điển – như pho tượng “Phật cầu mưa”. Truyền thuyết và lịch sử Lào kể rằng, từ thế kỷ XVI khi kinh đô Luang Prabang bị ngoại bang xâm chiếm đêm đêm người dân chèo thuyền đem tượng Phật đến đây cất dấu. Cũng từ đó cứ vào dịp tết Pi mai (tết năm mới) người dân Luang Prabang theo dòng sông mẹ hành hương tới hang Pak Ou với hoa và nước thơm tắm rửa cho những bức tượng Phật. Ngày trước, theo truyền thống, hàng năm vào ngày tết Pi mai nhà vua đều tới hang Phật Pak Ou lễ bái, cầu nguyện.

Tượng Phật ở hang Tham Thing, Ảnh: Thanh Tùng

Tôi bám sát Khăn Keo, hướng dẫn viên, leo lên hang Tham Thing theo những bậc cấp dốc đứng. Không khí mát dịu bỗng ngột ngạt bởi lượng du khách quá đông. Đúng ngày lễ Pi mai nên ai cũng thắp nén hương và mua một chai nước thơm tưới lên những bức tượng Phật rồi thì thầm cầu nguyện. Hàng trăm tượng Phật trên các bệ đá tự nhiên hướng nét mặt từ bi ra Mekong như một dàn hợp xướng đang cầu nguyện cho cho con người và vạn vật hạnh phúc trên đất nước yên vui, thế giới hoà bình. Khăn Keo bảo những bức tượng còn mới là do ngư dân, các chủ phương tiện hành nghề trên Mekong dâng cúng. Tôi thắp hương và tưới nước thơm lên tượng Phật rồi nguyện cầu cho Mekong mãi mãi là dòng sông mẹ che chở cuộc sống của cư dân đôi bờ, từ thượng nguồn cho đến đầu cửa bể ở đất chín rồng.

Những nhà thám hiểm đầu tiên

Nửa cuối thế kỷ XIX, vào năm 1866-1868, đoàn thám hiểm người Pháp do Doudart de Lagrée và Francis Garnier dẫn đầu đã thực hiện một hành trình 2 năm 24 ngày dọc Mekong. Họ khởi hành từ Sài Gòn ngược dòng Mekong để đi tìm một thủy lộ nối liền với Trung Quốc nhằm phục vụ cho việc tổ chức vận chuyển tài nguyên khoáng sản từ các nước Đông Dương và Vân Nam về chính quốc thông qua cảng Sài Gòn. Trong tường trình về thám hiểm Mekong của Francis Garnier có những bức ký họa về hang Phật Pak Ou. Trước đó, một người Pháp khác là Mouhot đã đến với Mekong.

Henri Mouhot chính là người đã phát hiện ra kỳ quan Angkor Wat giữa hoang vu của rừng núi Siêm Riệp. Ông sinh năm 1826 tại Montbéliard, miền đông nước Pháp. Với niềm đam mê khám phá của một chàng trai theo học ngành sinh vật Mouhot luôn luôn ước ao đi tới những chân trời xa lạ. Đánh giá đúng năng lực, sở trường, khát vọng của Mouhot, Hiệp hội Địa dư Hoàng gia Anh đã hỗ trợ chuyến viễn du thám hiểm vùng Đông Nam Á của chàng thanh niên Pháp trẻ tuổi này. Ở tuổi 32, Mouhot ra đi từ Luân Đôn tháng 04-1858 bằng đường thủy, đến Bangkok sau đó 5 tháng. Mouhot đã trãi 4 năm đầy gian khổ và thử thách trên những vùng đất xa lạ, ba cùng với các thổ dân khác tập quán, ngôn ngữ, đi qua những khu rừng mưa, những vùng khí hậu nóng ẩm nhiệt đới đầy muỗi độc, vắt, và cả thú dữ…

Sau khi phát hiện ra Angkor Wat Mouhot trở lại Bangkok rồi khởi hành  chuyến du khảo khác, băng qua vùng đông bắc Thái, sang Thượng Lào, nơi chưa hề có dấu chân người phương tây. Mouhot vừa đi vừa tìm kiếm các loài côn trùng lạ. Trong ngành Côn trùng học, Mouhotia gloriora là tên khoa học của một loại bọ cánh cam rực rỡ được mang tên ông. Sau hơn 7 tháng trời Mouhot đã đặt chân đến kinh đô Luang Prabang. Trong nhật ký Mouhot miêu tả đây là một thị trấn quyến rũ như Genève của châu Âu. Ở đây ông đã được tiếp kiến vua Lào.

Từ Luang Prabang trong 3 tháng trời Mouhot đã thực hiện nhiều chuyến thám hiểm dọc theo đôi bờ Mekong. Mouhot không hề ảo tưởng về một chuyến đi có hậu. Trong nhật ký ông đã tiên liệu đến những điều chẳng lành: “Nếu tôi phải chết ở đây, nơi mà bao kẻ phiêu lưu đã gửi nấm xương tàn, tôi sẵn sàng cho cái giờ phút sẽ tới ấy!”. Không ngờ, hai tuần lễ sau đó giờ phút định mệnh ấy đã đến. Ngày 19-10-1861 Mouhot bị những cơn sốt rét hành hạ. 10 ngày sau, trên cuốn nhật ký của ông để lại dòng chữ cuối cùng viết rời rạc, nguệc ngoạc do đã kiệt sức: "Thương cho tôi, Chúa ôi!" 

Động Pak Ou, Ảnh: Thanh Tùng

Mouhot được hai người địa phương dẫn đường chôn cất sơ sài bên bờ Nam Khan hoang vắng. 6 năm sau, năm 1867, đoàn thám hiểm Doudart De Lagrée – Francis Garnier từ Viên Chăn đến Luang Prabang đã tìm được mộ phần của Mouhot. Doudart de Lagrée đã xây cho Mouhot ngôi mộ khang trang. Rồi 2 trong số 6 người tìm ra mộ Mouhot hôm ấy cũng đã tử vong trong vài năm sau đó. Doudart de Lagré, trưởng đoàn thám hiểm, bỏ mạng trên đường đi lên Vân Nam vì bị ap-xe gan. Doudart là sĩ quan hải quân, trước đó là đại diện của Pháp ở triều đình Campuchia. Phó đoàn là Francis Garnier  lúc lên đường mới 24 tuổi, đang giữ chức vụ đô trưởng Chợ Lớn. Là một sĩ quan hải quân trẻ tuổi, đầy tham vọng, Garnier đam mê với các cuộc phiêu lưu tới “những vùng chưa biết không thể cưỡng lại được” và có niềm tin rằng “một quốc gia như nước Pháp, mà không có thuộc địa là một quốc gia chết.” Năm 1865, ước muốn khám phá sông Mekong hầu như được chấp nhận rộng rãi từ giới quan chức thuộc địa Nam Kỳ lẫn phía bên mẫu quốc đã dẫn tới sự hình thành một đoàn thám hiểm gồm sáu người tuổi đời còn rất trẻ. Họ có chung tham vọng về mở mang thêm thuộc địa, tranh giành sự ảnh hưởng với người Anh ở châu Á. Trở về sau cuộc thám hiểm Mekong nhưng Garnier đã không trở lại với quê hương, gia đình khi chỉ huy quân viễn chinh Pháp đánh vào Hà Nội. Garnier đã bị quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc giết chết ở Cầu Giấy. 

Ngôi mộ của Mouhot được Auguste Pavie, lãnh sự Pháp tại Luang Prabang, trùng tu năm 1887. Cuối thế kỷ XX người Pháp lại trùng tu ngôi mộ lần thứ ba. Mộ Mouhot được gắn thêm một bảng lưu niệm bằng đá trắng gửi từ Montbéliard quê hương ông với dòng chữ khắc đơn giản nhưng rất có ý nghĩa: La Ville de Montbéliard fière de son enfant 1990 (Thị trấn Montbéliard hãnh diện về đứa con của họ). Người Pháp đánh giá cao những người tiên phong đến với Mekong: Henri Mouhot, sau đó là Doudart De Lagré – Francis Garnier, biểu tượng cho thế hệ thanh niên Pháp tuổi trẻ rạng rỡ, có học thức sống giữa thế kỷ 19 – thế kỷ của chịu đựng và khắc kỷ. Họ không chỉ dũng cảm và đam mê với viễn tượng các cuộc phiêu lưu tới những vùng đất mới.

T.T.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here