Trang chủ Phật giáo khắp nơi "Sống chậm" ở Luông Pha Băng

"Sống chậm" ở Luông Pha Băng

160
0

Tôi từng có hơn ba năm gắn bó với mảnh đất Luông Pha Băng, di sản văn hóa thế giới, cố đô của đất nước Triệu Voi xinh đẹp. Có lẽ tôi đã “phải lòng” mảnh đất này ngay từ lần đầu gặp mặt. Vì thế mà từ khi còn làm việc tại Luông Pha Băng, tôi đã biết chắc rằng khi rời xa, tôi sẽ phải sống những tháng ngày nhung nhớ quãng thời gian tươi đẹp đó.

Tôi sẽ cho bạn 10 lý do để mùa hè này bạn “xách ba lô lên và đi”, tạm lánh những nhiệt náo phố phường và tận hưởng những ngày giờ “sống chậm” ở Luông Pha Băng, như tôi đã từng sống.

1. Những mái chùa kiêu hãnh

Luông Pha Băng là miền đất Phật, nơi đây có rất nhiều chùa chiền (khoảng 36 ngôi chùa) với kiến trúc đặc trưng. Ngôi chùa nổi tiếng nhất chính là Xiêng Thoong, được xây dựng dưới triều vua Sệt-thả-thi-lạt năm 1559-1560.

Chùa Xiêng Thoong là một địa chỉ tâm linh rất đặc biệt cho những ai có tâm nguyện và tín ngưỡng. Mái chùa cong vút kiêu hãnh vươn lên nền trời xanh ngắt khi Luông Pha Băng bước vào mùa khô.

Và khi nhìn kỹ những bức bích họa cũng như phù điêu dát màu vàng kim lộng lẫy, chúng sẽ kể cho bạn nghe những huyền tích xa xưa. Từ cây nhân sinh màu đỏ trên bức tường chính điện đến bức phù điêu chạm cảnh nàng Sita bước chân vào đống lửa cháy rực để ngọn lửa minh chứng cho tấm thân trinh bạch, hóa giải những ghen tuông cũng đang ngùn ngụt trong lòng Ramayana. Có thể bạn chỉ ghé qua Luông Pha Băng trong một khoảng thời gian ngắn ngủi, nhưng hãy đi chậm, quan sát kỹ để lắng nghe lời thì thầm của quá khứ ngàn năm đang cất lên từ những rêu phong.

2. Những ngõ nhỏ trầm tư

Luông Pha Băng là một thành phố với đặc trưng “ngõ nhỏ phố nhỏ” được quy hoạch hợp lý. Nếu bạn yêu thích du lịch bụi và đi bộ, chắc chắn những con ngõ nhỏ nơi này sẽ níu chân bạn. Hấp dẫn nhất chính là những ngõ nhỏ trổ hoa, dốc thoai thoải đổ ra bờ sông.

Thành phố nằm uốn khúc theo hai con sông, vì thế có đến vài chục ngõ nhỏ như thế. Ngõ hẹp trầm tư với những quán cà phê, những quán bar cũng nhẹ nhàng, tinh tế và không phô trương. Càng khám phá, bạn sẽ cảm thấy Luông Pha Băng không còn là một thành phố nhỏ nữa.

3. Những khu chợ không hối hả

Nếu muốn đi chợ sớm bạn đến chợ đầu mối Phu Sỉ và chợ bờ sông. Tại đây có ba đặc sản của Luông Pha Băng mà bạn không nên bỏ qua, đó là cá lăng sông Mekong, xúc xích mang đậm phong vị cố đô và món rêu đá suối (tiếng Lào gọi là khay-phen).

Chợ bờ sông là khu chợ nằm trong khu vực phố cổ và cũng gần kề sông Mekong. Nếu may mắn, bạn sẽ được chiêm ngưỡng những con cá lăng nặng đến vài chục ký, một đặc sản của sông Mekong.

Nếu muốn đi chợ chiều, bạn đến chợ Na Viêng Khăm, khu chợ này có đầy đủ các mặt hàng từ thực phẩm cho đến quần áo, đồ gia dụng. Lào không có biển, nhưng đôi khi hải sản vẫn được bà con Việt kiều đưa sang qua cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh) hoặc cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị).

Và nếu muốn đi chợ đêm thì bạn sẽ đến khu chợ bán đồ lưu niệm cho khách du lịch ở khu “phố Tây”. Các món đồ thổ cẩm nhiều màu sắc, những đồ trang sức bằng bạc được chạm trổ tinh xảo, những bức tranh lấy cảm hứng từ Phật giáo…, tất cả đều khiến bạn tò mò và thích thú.

4. Kiến trúc thuộc địa độc đáo

Theo quy định của UNESCO, tất cả các ngôi nhà ở Luông Pha Băng không được phép xây quá hai tầng. Kiến trúc nhà cửa ở Luông Pha Băng có sự kết hợp giữa hai phong cách Lào và Pháp.

Sự có mặt của người Pháp tại các nước Đông Dương đã để lại dấu ấn trên mọi phương diện đời sống trong đó có kiến trúc. Những mái nhà cổ kính ấy vừa có nét tinh tế, hiện đại của kiến trúc Pháp vừa có nét mềm mại với mái đổ xuôi và những nét uốn cong vút như tạo hình bàn tay trong điệu múa Lăm vông.

5. Những bình minh khất thực

Luông Pha Băng là miền đất Phật, nơi đây có hàng chục ngôi chùa lớn nhỏ với kiến trúc mái cong rủ sát mặt đất quen thuộc mà bạn đã gặp ở Thái Lan, Campuchia, Myanmar hay miền Trung Việt Nam.

Có thể nói, Phật giáo ở Lào là Phật giáo dòng tiểu thừa nguyên thủy và vì thế, khất thực là một phương thức tu hành không thể thiếu của các nhà sư ở nhiều độ tuổi tại Luông Pha Băng. Khất thực vừa mang ý nghĩa nuôi sống bản thân vừa mang hàm ý di dưỡng tinh thần.

Nếu đến Luông Pha Băng vào mùa khô tháng 10, bạn nên thức dậy từ khi trời còn tờ mờ sáng để chiêm bái một trong những cảnh tượng mà theo tôi là điển hình nhất của nơi đất Phật. Từng đoàn các nhà sư mặc cà sa trầm mặc nối gót nhau thong thả đi trong sương sớm. Những buổi sáng thanh khiết mang âm vọng của cõi vô thường ấy sẽ mang đến cho bạn những trải nghiệm khác biệt.


(*) Chuyên viên Vụ Đông Nam Á-Nam Á-Nam Thái Bình Dương, Bộ Ngoại giao

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here