Trang chủ Văn hóa - Lịch sử "Bứng" hết sư tử đá kiểu Trung Quốc ra khỏi đình chùa

"Bứng" hết sư tử đá kiểu Trung Quốc ra khỏi đình chùa

131
0
Như chúng tôi đã phản ánh, mấy năm gần đây, tại một số đình chùa, công sở Việt Nam xuất hiện cặp sư tử đá kiểu Trung Quốc được đặt ở hai bên lối vào. Có người cho rằng những con sư tử đá này biểu trưng cho quyền lực, có người nói sư tử đá thể hiện sức mạnh của Phật giáo… 

Để tìm hiểu vấn đề này, phóng viên VOV đã ghi lại ý kiến của các chuyên gia.

Theo nghiên cứu của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện khảo cổ học: Sư tử đá xuất hiện khoảng 3.000 năm bắt nguồn từ người Ba Tư, thông qua việc các nước Tây Á cống nạp sư tử cho các triều đình phong kiến Trung Quốc. Từ đó, Trung Quốc du nhập sư tử đá vào lãnh thổ và biến nó thành linh vật để canh mộ.

Duy nhất đôi sư tử đá trước điện Thái Hòa là biểu tượng cho quyền uy của các vua chúa Minh – Thanh. Đặc điểm chung của sư tử đá canh mộ của Trung Quốc mang hình thức dữ dằn, gân guốc với dáng vẻ đe dọa.

Trong khi sư tử đá ở Việt Nam xuất hiện từ thời Lý, nó là một linh vật biểu trưng cho sức mạnh Phật giáo. Sư tử đá của Việt Nam có tạo hình rất nuột nà, mềm mại, trang trí cực kỳ tinh mỹ, mang nhiều nét dân gian, có phần gần giống hổ hoặc lân, là những con sư tử dạng cách điệu.

Sư tử đá ở chùa Vân Hồ – Hà Nội (ảnh: Vương Anh)

 

Lý giải về sự xuất hiện của sư tử đá kiểu Trung Quốc tại các đình chùa, công sở, cơ quan tại Việt Nam, ông Tống Trung Tín cho rằng đây là do sự thiếu hiểu biết của người dân tin vào những thông tin đồn thổi về sự linh thiêng của sử tử đá như: có sư tử đá án ngữ sẽ bảo vệ gia chủ, sử tử đá giúp phát tài phát lộc…

“Đây là những thông tin sai sự thật, không phải quan điểm chính thống, mà rõ ràng ở Trung Quốc, sư tử đá được dùng để canh mộ. Mọi người cứ đồn như thế, một đồn mười, mười đồn trăm dẫn đến sự nhầm lẫn tai hại. Nhiều quan chức, đại gia cũng không tiếc tiền mua sư tử đá tặng đình chùa, rồi các cơ quan công sở cũng mua về bày. Nếu thật sự sư tử đá có tác dụng phát tài phát lộc thì cho 5 tỷ người trên thế giới mỗi người một con đi để được giàu có hết.” – ông Tống Trung Tín bức xúc. 

Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định trong văn hóa truyền thống của mình, người Việt không có lệ đặt sư tử đá trong chùa.

“Sư tử vào chùa thứ nhất là do sính ngoại nhưng mà không phải sính ngoại vô ý thức mà do các thí chủ mong điều tốt lành. Họ muốn đặt vào nơi linh thiêng để đạt được mong cầu của họ. Nhưng tại nơi linh thiêng như ở ngôi chùa thì các nhà sư cũng không ý thức được.

Họ nghĩ sư tử tạc bằng đá, thậm chí, bằng đá quý thì rất đẹp, nên chiều lòng thí chủ rồi cho đặt trong ngôi chùa mà không ý thức được tác hại phản cảm của nó.”– Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cho biết.

Về một số ý kiến cho rằng cho sư tử đá kiểu Trung Quốc vào chùa là bởi vì sư tử có liên quan đến Phật giáo, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm khẳng định đây là một sự nhầm lẫn. Hòa thượng giải thích rằng, nơi các nhà sư thuyết pháp được gọi là tòa sư tử – một tên gọi chứ không hề có một con sư tử bằng đá cụ thể nào ở đó cả. Trong kinh Phật dạy rằng các vị sư thuyết pháp như tiếng rống sư tử. Tức là nói các điều mạnh để làm điều xấu bị át đi, mang những điều lành đến cho mọi người.

Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cho biết về phía Phật giáo sẽ có ý kiến với các bộ, ban, ngành chức năng và Ban Phật giáo các tỉnh về hiện tượng này. Ở đâu chùa nào có đặt tượng sư tử đá thì sẽ có ý kiến với các vị sư ở chùa đó. “Chùa triền là nơi thờ tự tôn nghiêm, ngoài bốn con vật linh là Long, Ly, Quy, Phượng thì không nên xuất hiện những linh vật khác không phù hợp với văn hóa truyền thống. Phải giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc.” – Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm nói.

Trước vấn đề này, ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết: Ủy ban sẽ có văn bản kiến nghị với các cơ quan chức năng kiểm tra, thanh tra và khuyến nghị những cơ sở, đơn vị thờ tự hay chùa chiền… mà có những con sư tử đá ấy thì nên bỏ, thay vào đó là những linh vật Việt Nam.

“Những nghiên cứu của các nhà khoa học, phản ánh tử các cơ quan ngôn luận… sẽ là những kênh thông tin để Ủy ban xem xét. Nếu qua kiểm tra thấy đúng có hiện tượng này chúng tôi sẽ có văn bản kiến nghị. Đây sẽ là cơ sở pháp lý để những cơ quan chịu sự kiểm soát của Ủy ban thực hiện.” – ông Lê Như Tiến khăng định.

Bên cạnh đó, ông Tiến cũng cho rằng cần có hướng dẫn, định hướng cụ thể cho các nghệ nhân, thợ thủ công, những người đang trực tiếp sản xuất những sản phẩm sư tử đá ngoại lai hiểu và phân biệt được đâu là sư tử đá Trung Quốc linh vật canh mộ và đâu là sư tử đá Việt Nam biểu trưng cho sức mạnh Phật giáo.

Còn tại các công sở, khách sạn hay nhà dân việc sử dụng tượng sư tử đá trước một cách tùy tiện tưởng như không mấy ảnh hưởng nhưng đó lại tiềm tàng một nguy cơ xấu do sự thiếu kiến thức văn hóa.

Người Việt cần chung tay giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình, văn hóa nước Việt. Trước khi sử dụng một biểu tượng gì, nên chăng hãy tìm hiểu kỹ lưỡng để tránh vừa mất tiền vừa nhận về những tác dụng không như ý lại ảnh hưởng không tốt đến văn hóa truyền thống dân tộc./.

(VOV-Trung tâm Tin)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here