Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Quốc thái dân an

Quốc thái dân an

130
0

(LQ) Cầu cho gió mát phương Nam thổi khắp mọi nhà được hưởng ân mưa móc. Đất nước thịnh vượng, mọi nhà được yên vui là tinh anh của lễ cầu QUỐC THÁI DÂN AN.

Cơ duyên tri kiến mà bản thân chúng tôi đã một thời phụ việc với các bậc chân tu để rồi chứng kiến, tham dự lễ cầu Quốc Thái Dân An ở Quốc tự Diệu Đế trong những lễ lớn truyền thống dân tộc vào cuối thập kỷ 50 và đầu thập kỷ 60 của thế kỷ trước. Thuở ấy trẻ tuổi các cụ sai chi làm nấy, tâm trí còn thơ ngây chưa hiểu hết ý nghĩa của các buổi lễ cầu QUỐC THÁI DÂN AN tại ngôi phạm vũ nổi tiếng của cố đô Huế, đồng thời cũng diễn ra một cách long trọng, uy nghi ở những ngôi chùa lớn ở các tỉnh thành khác.

Thời gian đong đưa theo vòng quay năm tháng, thế mà đã hơn 50 năm rồi tính theo cánh én của mùa Xuân báo hiệu từng Tết về, Xuân đến. Nghĩ mình dại khờ thật, thuở ấy sẵn có duyên lành gần bên các bậc chân tu, các thiện tri thức có vai vế và uyên thâm cổ học mà không biết học tập. Nay nhớ lại, nghĩ lại mới thấy thấm thía hai cầu thơ của bậc cao minh:

Cổ học vô hành thành khổ học
Di luân bất lý trí thương luân

Dịch:

Học cổ không hành thành khổ học
Luân thường chẳng tỏ hóa vong thân

Ngày nay để vớt vát lại nỗi dại khờ ấy, chúng tôi thành tâm cầu thị học hỏi quý vị cao minh, tìm tòi sách vở để tìm về tình tự dân tộc: QUỐC THÁI DÂN AN gắn liền với văn hóa nhân bản và tâm linh qua các tứ tự thành ngữ TÔN MIẾU XÃ TẮC, AN CƯ LẠC NGHIỆP, PHONG ĐIỀU VŨ THUẬN, THIÊN HẠ THÁI BÌNH… An lạc là cốt lõi của văn hóa nông nghiệp, cầu mong sao đất nước thanh bình, nhân dân sống ngày an lành, đêm an lành. Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ là cái đạo, là con đường đẩy đưa đến chân, thiện, mỹ; mà chí thành là phần giao của không gian hình học chung cho phần giao thoa của 3 thành tố nói trên theo lối biểu trưng bằng 3 vòng tròn tương giao:
 
Có chí thành thì cầu “tất ứng”, có chí thành thì “không thánh” theo quan niệm “Thiên nhân tương dữ”. Con người có mối quan hệ vô hình, vô tướng, vô thanh với Trời, với Đất, với trăng sao và những tinh cầu khác trong vũ trụ nhiệm mầu và kỳ bí mà dẫu cho khoa học ngày nay có tiến bộ những bước dài lâu cũng chỉ mới khám phá bí mật của đất trời, thiên nhiên và vũ trụ với một tỷ lệ bé bỏng 6% mà thôi.

Trong gia đình thì bàn thờ uy nghi, trang trọng ở gian giữa là linh thiêng, ở làng xã là chốn Đình trung, với đất nước là Tôn miếu Xã Tắc mà thuật ngữ mới gọi là Tổ quốc.

Xuân nhật tảo khai gia cát hội
Hạ đình thông xướng thái bình âm (Hát Cửa Đình, Lê Đức Mao) 

Tạm dịch:

Ngày Xuân sớm mở hội tốt lành
Dưới sân cùng hát thái bình khúc.

Khoa nghi cầu an (kỳ yên) biểu hiện tâm chí thành của con dân làng xã, vua quan chốn cung đình, triều miếu theo đúng châm ngôn “Trên đối với trời, phụng sự tín thành ở miếu”. Tôn miếu xã tắc là thuật ngữ vừa biểu hiện văn hóa vật thể và phi vật thể đúng theo lối tư duy tổng hòa nhất nguyên.

Chim có tổ, người có tông. Rồng và Tiên là hai vật tổ linh thiêng nhiệm mầu. Nhà yêu nước Phan Bội Châu, vị thiên sứ, như lời tôn phong của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã luận bàn, thanh nghị về sự tính cách huyền nhiệm “Chim Việt đậu cành Nam”. Còn cái nghĩa nào lớn hơn “nghĩa đồng bào”, mẹ Âu cơ sinh ra 100 trứng. 50 con lên núi, 50 con xuống biển khai phá dựng thành làng xã, châu quận mà cao hơn hết là ĐẤT NƯỚC. Hồn của đất nước là TỔ QUỐC, XÃ TẮC TÔNG MIẾU. Biểu trưng tuyệt diệu, tuyệt hảo là quốc kỳ tung bay trên đỉnh núi rừng trùng trùng điệp điệp và rất chi là hùng vĩ; ngọn cờ vươn lên đỉnh cao áng ngữ cả Biển Đông trên toàn thể hải đảo xa khơi như quần thể Trường Sa, Hoàng Sa và các hải đảo khác như Bạch Long Vỹ, Thổ Chu…

Non sông, bể cả mênh mông gồm hơn 54 dân tộc anh em như chung một bào thai, sống nặng tình nặng nghĩa với chung một tấm lòng chung thủy, bất khuất, tự chủ, sáng tạo và nhân nghĩa: CƯ NHÂN DO NGHĨA.

Có nhân, có nghĩa thì có tất cả. Phi nhân phi nghĩa thì dần hồi mất hết. Ngày nay dễ dàng tìm thấy hình bóng lung linh, thiêng liêng của 4 chữ đúc ấy ở các tam quan tại sơn lăng, cung đình, nhà Thái học hoặc văn võ miếu của làng xã, chốn kinh đô thần kỳ qua các triều đại lịch sử mà công thần Nguyễn Trãi đã viết trong Quốc âm thi tập:

Trừ bạo, trừ gian, trừ bạo ngược,
Có nhân, có nghĩa, có anh hùng

Lịch sử dân tộc trải qua hơn 4 ngàn năm, thời nào cũng xuất hiện nhiều bậc anh hùng, nhiều bậc anh thư. Bình dị, chơn chất như phận gái liễu yếu đào tơ mà cũng chiến đấu theo phương châm “giặc đến nhà đàn bà phải đánh”.

Nhân nghĩa được tôn vinh và cầu khấn trong các lễ hội kỳ an của đất nước ở làng xã thường hằng tưởng nghĩ, tương nhớ đến hai vật tổ thiêng liêng của dân tộc Việt:

Ai đắp mối nhân
Chín khu ai đắp mối nhân
Giống Tiên bỗng lại kết thân giống Rồng
Anh tú sẵn sơn chung hải dục
Lạ lùng thay một học trăm trai
Bác mẹ chia hai
Cùng nhau bác mẹ chia hai,
Năm mươi trị bể, năm mươi trị rừng
Đời Hùng Vương cha truyền con nối
Mười tám đời một mối xa thư.  (Hát Sử ở chốn cửa Đình)

Tinh thần Minh triết Việt thể hiện rõ nét và thâm hậu trong sứ mệnh cao cả dựng nước và giữ nước ở trên bộ lẫn dưới Biển Đông mênh mông với nhiều quần thể hải đảo từ Bắc chí Nam. Chúng tôi xem đấy là Tuyên ngôn giữ nước vừa thành văn vừa bất thành văn mà khoán thư (sách Trời) đã định sẵn theo tinh nguyên, tình tự dân tộc: “Nam quốc sơn hà Nam Đế cư”. Ngày xưa Lý Thường Kiệt đã vẵng nghe ở bến sông Như Nguyệt, một khúc sông của Bạch Đằng giang. Thật đúng là:

Khoán thư ghi tạc lời son sắt,
Nhân trí vui vầy cảnh nước non. (Câu đối Hán Nôm cổ)

Người Việt đầy khí phách anh hùng, tinh thần ươm sẵn chính khí và nhân ái. Tiêu biểu như các sự kiện lịch sử:

Năm Trùng Hưng thứ 4 (1288) đời Trần Nhân Tông, khi quân ta đã thắng quân Nguyên, vua ban chiếu đại xá thiên hạ, mở tiệc ăn mừng 3 ngày gọi là “Thái bình diên yến”. Ở kinh đô Thăng Long và các thị trấn [các tỉnh] đều treo và kết hoa, bày các trò múa hát, đua thuyền và đốt pháo bông cho thần dân vui vẻ.

Đại Việt sử ký toàn thư, quyển II, trang 76 ghi: vua Thái Tổ lấy võ công bình định thiên hạ. Đến đời vua Thái Tông truy niệm công đức, đặt ra khúc nhạc “Bình Ngô phá trận” để kỷ niệm. Khi vua Nhân Tông ban yến quân thần, tấu nhạc ấy, các quan đều chảy nước mắt.

Năm Hồng Đức thứ 26 (1495), vua thấy thời tiết thuận hòa, nhân dân vui vẻ được mùa, trong nước thái bình mới làm ra 9 bài hát: Phong niên, Quân đạo, Thần tiết, Minh lương, Anh hiền, Kỳ khí, Thư thảo, Văn nhân và Mai hoa. Tất cả hòa hiệp vào điệu nhạc mà hát, gọi là Quỳnh uyển cửu ca. Chủ soái Tao đàn nước Việt, vua Lê Thánh Tông, đã ban lời truyền chuyển các khúc hát tuyệt diệu ấy thấm sâu vào lòng dân gian tận thôn cùng xóm vắng.
Nhờ sức cầu mong linh diệu ấy, một khi lễ đi cùng và hợp với nhạc thì cầu sẽ tất ứng. Còn có cảnh thanh bình nào của đất nước bằng cảnh:

Trời Nam vững đặt kim âu
Nước yên, binh khỏe, dân giàu, người no. (Kinh truyện – Ca trù)

Năm Minh Mạng thứ 21, tháng 4, Lễ ngũ tuần đại khánh, nhà vua ngự điện Thái Hòa, các hoàng tử, thân vương, các quan văn võ cùng sứ thần các thuộc quốc dâng biểu chúc mừng, rồi múa bát dật, hát bốn bài: Lý bình, Túc bình, Khánh bình, Hòa bình, dưới điện đều tung hô vạn tuế.

Hôm sau, vua ngự điện Cần Chánh, thết yến bách quan, tấu khúc nhạc Thượng thọ, hát 4 bài: Hi khánh, Hoằng khánh, Thuần khánh, Sùng khánh. Yến xong nhà vua ban thưởng vóc lụa cho các quan lại, ban thịt rượu cho phụ lão Thừa Thiên và mấy tỉnh lân cận ăn uống vui vẻ suốt 3 ngày.

Tập san Đô Thành Hiếu Cổ, số 2 năm 1925, trang 41 viết: Tháng 9 năm 1924, lễ Tứ tuần đại khánh vua Khải Định, khắp hai bên đường thành phố Huế làm những khải hoàn môn, kết lá xanh tươi, dán chữ Thọ và chữ Phúc bằng hoa rực rỡ. Ở trên Kỳ đài và những cột cờ vệ đường đều treo cờ rồng vàng lẫn với cờ ngũ hành, cờ đuôi nheo, cờ lồng nhật nguyệt.

Như vậy, cờ vàng có thêu rồng vàng là quốc kỳ Việt Nam trước ngày Nhật đảo chính Pháp, lập chính phủ Trần Trọng Kim. Chuyện gây tranh cải lâu nay của giới nghiên cứu Huế đã được tạp chí ấy làm sáng tỏ.

Tất cả các dẫn chứng minh họa theo dòng chảy lịch sử – văn hóa nói trên đều đồng quy, nhất thiết tỏ rõ ý nghĩa của cảnh quốc thái dân an; gió hòa mưa thuận, bể lặng sông trong…

Việc kỳ yên (cầu an) tại chốn triều chính, tôn miếu ở kinh sư là tiêu biểu như thế. Còn việc kỳ yên ở làng xã tức tại chốn tiểu triều đình mà cụ thể tại đình trú hoặc đình trung thì như thế nào?

Đình làng ngày xưa, nguyên là nơi các cô đầu được mời múa bài bông. Chỉ có đại lễ kỳ yên mới dùng đến, đào kép phải luyện tập công phu, tốn kém nhiều công sức và tiền của. Múa lấy nhạc làm chuẩn đích, tiến thoái nhanh chậm đều do nhạc điều khiển. Lúc múa chỉ quay một nửa người, nhất thiết không bao giờ quay lưng vào hương án cho khỏi thất lễ. Các vị thành hoàng được dùng nghi vệ triều đình; vì vậy ngày thần đản hoặc ngày mở hội cũng xem như ngày khánh đản của vua chúa. Ban gia lễ của làng trình lên hội đồng chức sắc mời các nghệ nhân ca múa về hát cửa đình và hát dâng hương:

Một nén hương thơm thấu chín lần
Kính trời kính đất kính linh thần
Chữ rằng nhất niệm không tam giới
Mừng vua muôn tuổi trị muôn dân

Và:

Một nén hương thơm thấu cửu thiên
Mây hồng năm thức nguyệt lồng in,
Kính thành những bén duyên hương lửa,
Rực rỡ vinh hoa sức vạn niên. (Dâng hương)

Bài tụng tứ dân thể hiện lời cầu mong thành đạt của 4 giới: sĩ, nông, công, thương của làng xã, chịu ảnh hưởng sâu đậm của nền văn hóa lúa nước lâu đời. Mừng cho dân làng yên vui và chúc cho vua chúa, trăm quan một lòng chăm lo chăn dân. Vua quan lo trước thiên hạ, vui sau muôn dân đúng với tinh thần nhân nghĩa; biết khoan thứ cho dân giảm bớt phiền toái do lệnh ít mà lạc nhiều. Còn gì sung sướng hơn khi thấy cảnh làng quê thanh bình:

Mừng làng phú quý nhân khang đời thịnh,
Đời Đường Ngu theo thói Đường Ngu.

Hoặc

Mừng trong triều chúa hiền vua thánh
Mừng năm quan thượng mục hạ hòa

Kỳ yên ở làng ăn thông với nước, kỳ yên ở nước tỏa chiếu đến tận làng. Làng nước gắn kết với nhau một cách hữu cơ và thiêng liêng biết nhường nào.

Điều đáng mừng, kể từ mùa Xuân năm Canh Dần, 2010 ánh dương chiếu rạng xuất phát từ Văn hóa Thăng Long, lan tỏa khắp 63 tỉnh thành trên toàn cõi đất nước Việt Nam, từ đỉnh cao Phăng Xi Păng của dãy Hoàng Liên Sơn cho đến tận các quần thể hải đảo ngoài Biển Đông náo nức phấn khởi đón mừng Lễ Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Liên Hiệp quốc đã đồng tình và đặc biệt quan tâm về ngày trọng đại của nước Việt Nam bất khuất, hùng cường. Lễ cầu QUỐC THÁI DÂN AN đã chính thống được phục hồi. Vẻ vang biết ngần nào cho con dân giòng giống Tiên Rồng ở quốc nội và khắp năm châu bốn biển. Trên thế giới chỉ có nước Việt hơn 4000 năm văn hiến có hai vật tổ TIÊN, RỒNG hòa quyện, xoắn vó thành những đường nét linh diệu và thiêng liêng: 

Trên núi hình chim bay thú chạy
Có rồng vàng quần quanh non nước

Năm Thiên Thành thứ hai (1029) đời vua Lý Thái Tông, kế nghiệp vua Lý Thái Tổ đời đô từ Hoa Lư về thành Đại La với địa thế thông thoáng như địa cuộc rồng cuộn hổ ngồi. Nhà vua sai triều thần thiết lập giả sơn ở ngoài cửa Quảng Đức (cửa Tây kinh đô Thăng Long) đặt tên VẠN THỌ NAM SƠN. Núi này gồm có 5 ngọn, ngọn giữa là TRƯỜNG THỌ, 4 ngọn xung quanh là BẠCH HẠC, một địa danh của Đất tổ Hùng Vương thuở dựng nước.

Thời cổ đại, định lễ Giao tự để tế thiên địa, Tôn miếu xã tắc và bách thần. Nhã nhạc cung đình xuất phát từ Nhạc phủ. Dùng nhã nhạc trong việc tế tự tỏ rõ nghi lễ uy nghi trọng đại, ngân vang bay tỏa đến tận các nước lân bang, khắp cùng thế giới và vào tận không trung. Trong khánh tiết, nhã nhạc được dùng hợp tấu theo khoa nghi của lễ như khẳng định: THIÊN HẠ THÁI BÌNH VÔ SỰ.

Thật đúng là:

Đình tấu nhạc, miếu dâng ca
Vẻ thanh múa phượng, khúc hòa bay loan
Ngày xuân, xuân tịch thừa hoan
Thọ trăm tiếng chúc, phúc ngàn câu ca. (Nhị nguyệt huyên hòa tiết, Lê Đức Mao)

Một khi, trời đất giúp người thì chẳng gì đất nước không hưng thịnh, đạt được chính điều “giống như” (cửu như) đã ghi chép trong Kinh Thi: như núi, như gò, như ngọn núi, như đống to, như sông vừa khắp chẳng đâu không thăng bằng; như mặt trăng kia giữ mực thường, như mặt trời mới lên, như núi Nam Sơn bền lâu, không mẻ không lỡ, như cây tùng cây bách tươi tốt, chẳng lúc nào không nối tiếp.

Cầu cho gió mát phương Nam thổi khắp mọi nhà được hưởng ân mưa móc. Đất nước thịnh vượng, mọi nhà được yên vui là tinh anh của lễ cầu QUỐC THÁI DÂN AN. 

L.Q.T

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here