Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Quốc mẫu Tây Thiên: Hiện tượng tích hợp văn hoá tiếp tục...

Quốc mẫu Tây Thiên: Hiện tượng tích hợp văn hoá tiếp tục được giải mã

118
0

Tích hợp văn hoá

Đó là việc làm rõ quá trình hình thành và định hình biểu tượng Quốc mẫu Tây Thiên. Từ một vị thần núi trong bối cảnh địa – lịch sử – văn hoá quốc gia cổ Văn Lang – Âu Lạc và sau đó là quốc gia Đại Việt, đã dần nhân thần hoá, nữ tính hoá rồi mẫu hoá thành Quốc mẫu Tây Thiên, một vị tối linh thượng đẳng thần được thờ ở 72 điểm ở huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc) và các vùng phụ cận.

Giá trị văn hoá của Quốc mẫu Tây Thiên được GS – TS Ngô Đức Thịnh – GĐ Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn tín ngưỡng VN nêu rõ: “Đó là giá trị về thế giới quan, mẫu là vị thần sáng tạo ra vũ trụ, che chở, bao bọc con người, hoá thân vào thế giới tự nhiên thành Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Địa, Mẫu Thoải, Mẫu Thượng ngàn. Giá trị về môi trường, ứng xử với mẹ thiên nhiên. Là giá trị nhân sinh, quan tâm đến đời sống hiện tại (sức khoẻ, tài lộc…) và giá trị về mặt di sản văn hoá nghệ thuật với nghi lễ lên đồng, diễn xướng hát chầu văn…”.

Phần trọng tâm được các đại biểu chú ý là quá trình hội nhập văn hoá, tích hợp văn hoá của Quốc mẫu Tây Thiên với tín ngưỡng dân gian đạo Mẫu bản địa và Phật giáo du nhập từ bên ngoài. TS Nguyễn Thị Yên cho rằng, thờ Quốc mẫu Tây Thiên song hành với thờ Phật là thể hiện sức sống mạnh mẽ và uyển chuyển của văn hoá dân tộc, mang đậm dấu ấn văn hoá bản địa. Các ý kiến về dấu ấn Phật giáo có trước hay dấu ấn Mẫu có trước ở Tây Thiên được đưa ra và theo GS Lê Kim Thuyên thì Mẫu có trước. Một số ý kiến cho rằng Tây Thiên còn là nơi phát tích của Phật giáo VN cùng với luy lâu, thậm chí còn sớm hơn.

Đạo Mẫu – “quyền lực mềm”

Ông Nguyễn Hữu Oanh – Phó Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ cho biết, hiện Nhà nước đã công nhận 13 tôn giáo ở nước ta, nhưng đạo Mẫu vẫn chưa được Nhà nước chính thức công nhận là một tôn giáo, dù đạo Mẫu đã đồng hành cùng dân tộc hàng ngàn năm, là nhu cầu tín ngưỡng của một bộ phận nhân dân. Vì tuy ra đời sớm, nhưng đạo Mẫu không có một hệ thống tổ chức, với những vị có phẩm hàm.

Không có hệ thống quản lý để thực hành có hệ thống; có luật lệ, giáo lý được đúc kết để phổ biến rộng rãi và không có cơ sở truyền đạo. Việc lập đền mẫu, phủ mẫu gần đây tràn lan, không phân biệt rõ chính đạo, tà đạo làm người hành đạo chân chính phiền lòng. Cần thành lập một trung tâm hay hiệp hội để phát huy nét đẹp – văn hóa tín ngưỡng này hơn nữa.

GS-TS Đỗ Quang Hưng – nguyên Viện trưởng Viện Tôn giáo – đưa ra ý kiến: Trong hệ thống mẫu ở VN đã định hình một địa chỉ Quốc mẫu Tây Thiên làm phong phú, sâu sắc hơn đạo Mẫu. Tuy nhiên, cần phân biệt rõ loại hình của Quốc mẫu Tây Thiên, nhất là khi nó gặp gỡ với Phật giáo và hệ thống văn hóa Hùng Vương, ở đây đặc biệt chú ý thêm vai trò của Đạo giáo VN thông qua cộng đồng người Sán Dìu thờ Quốc mẫu Tây Thiên.

Và sinh hoạt đạo Mẫu ở VN nên hiểu như một thứ quyền lực mềm như chữ dùng của một học giả nước ngoài nói về đạo Lão ở VN, mang tính dân gian rất khó chuẩn hóa, nếu cho một hiệp hội, một tổ chức quản lý dễ gây xung đột.

Trong phần kết luận hội thảo, GS – TS Ngô Đức Thịnh khẳng định: Tính hội nhập, tích hợp văn hóa của Quốc mẫu Tây Thiên cần tiếp tục được nghiên cứu thêm, trong đó có sự tương tác giữa đạo Phật và đạo Mẫu và yếu tố văn hóa tộc người (Sán Dìu) với tục thờ mẫu.

Tục thờ mẫu là một di sản văn hoá dân tộc, nhưng nó có nguy cơ bị biến dạng, ngôi nhà mẫu đang bị lợi dụng, thậm chí vấy bẩn của một số người hành đạo không chân chính. Quốc mẫu Tây Thiên phát huy những giá trị văn hoá độc đáo với tâm thức “đến với Phật về với Mẫu” là di sản, tiềm năng phát triển du lịch, xây dựng và phát triển văn hoá của Vĩnh Phúc.

Việt Văn (Lao Động)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here