Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Quốc Chúa Nguyễn Phước Chu (1675-1725)

Quốc Chúa Nguyễn Phước Chu (1675-1725)

233
0

Nguyễn Phước Chu được triều thần tôn lên kế nghiệp phụ vương vào năm Tân Mùi (1691) làm chúa thứ sáu ở Nam Hà (Đàng Trong) lúc mới 17 tuổi. Tuy tuổi trẻ nhưng Nguyễn Phước Chu rất chăm lo việc trị nước an dân, biết trọng dụng hiền tài như Trần Đình An giữ việc nội chính, Nguyễn Hữu Cảnh mở mang biên cương. Quốc chúa rất sùng mộ Phật giáo, quy y với Hòa thượng Thạch Liêm Thích Đại Sán2, phát tâm thọ giới Bồ tát tại gia vào ngày lễ Phật đản năm Ất Hợi (1695) tại Giác vương nội viện (chùa thờ Phật ở vương phủ). Ông được Hòa thượng bổn sư đặt pháp danh là Hưng Long, hiệu Thiên Túng đạo nhân và khai thị: “Đạo nhà vua ở nơi việc trị nước an dân. Đạo chỉ có một nhưng địa vị mỗi người khác nhau. Nếu kẻ cai trị quốc gia hủy bỏ tất cả pháp lệnh, kỷ cương để cưỡng cầu thanh tịnh, ấy là chẳng biết thanh tịnh vậy”.

Bàn về trai giới, Hòa thượng khuyến cáo: “Việc trai giới của người làm vua cần phải đem việc nước nhà trên dưới giải quyết ổn thỏa. Không một người dân nào chưa được yên ổn, không một việc nào chưa được thỏa đáng, như vậy mới gọi trọn vẹn. Nay trước hết phải lo làm sạch chuyện oan ức tù tội thể thả bớt người bị giam cầm, cứu trợ kẻ nghèo đói. Củ dùng người tài bị chèn ép, trù dập. Bãi bỏ những điều cấm đoán khắc nghiệt, vô lý, thông cảm khuyến khích người buôn bán, nâng đỡ đời sống của thợ thuyền. Nói tóm lại, nên đem tất cả công việc giúp người, lợi vật châm chước thi hành đó chính là trai giới của người nắm quyền trị nước vậy”.

Tâm đắc lời chỉ dạy của bổn sư, Quốc chúa phát huy truyền thống của tổ tiên, chủ trương “cư Nho một Thích” kết hợp với lý tưởng Bồ tát tại gia, cư trần lạc đạo. Suốt 34 năm cầm quyền lãnh đạo, ông làm tròn nhiệm vụ đối với nhân dân, đất nước. Tận lực hộ trì Tam bảo, hoằng dương Phật pháp. Nhờ đó Nam Hà được sống trong cảnh thanh bình, phát triển nhanh chóng, văn trị võ công rực rỡ:

– Năm Mậu Dần (1698) thành lập phủ Gia Định, chúa cử Thống suất Nguyển Hữu Cảnh kinh lược đất Đông Phổ, chọn đất Đồng Nai lập huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên (Biên Hòa). Lấy xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn (Gia Định). Chiêu mộ dân nghèo vùng Ngũ Quảng vào khai phá đất đai thành lập thôn xã trù phú ở miền Nam.

– Riêng người Hoa ở Trấn Biên cho lập xã Thanh Hà, ở Phiên Trấn quy tụ thành xã Minh Hương để dễ quản lý.

Chúa ra lệnh: Phàm dân ly tán mới trở về thì chia cấp ruộng đất cho cày cấy, tha các thứ binh dao tô thuế trong 3 năm, Nhờ đó nhân dân an cứ lạc nghiệp, mở rộng đất đai về phương Nam hàng ngàn dặm, sinh sống trên 4 vạn hộ dân.

– Đối với các lực lượng chống phá trong nước do bọn Hoa thương A Ban, Chân lạp Nặc Thu cầm đầu, Quốc chúa cương quyết trấn áp nhằm ổn định chính quyền, phát triển kinh tế, xã hội.

– Năm Nhâm Ngọ (1702), bọn phiêu lưu người Anh gồm 200 người trên 8 chiếc thuyền do Allen Catchpole chỉ huy đến cướp phá chiếm cứ đảo Côn Lôn, xây dựng pháo đài kiên cố. Chúa sai Chưởng dinh Trấn Biên Trương Phức Phan đem quân đốt tan sào huyệt giặc, tịch thu rất nhiều chiến lợi phẩm.

– Sau biến cố trên, Quốc chúa nhìn thấy tầm quan trọng đặc biệt của quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trong việc quốc phòng lâu dài. Do đó năm Tân Mão (1711), chúa ra lệnh cai đội Thuyên Đức Hầu đem lính ra đo đạc Trường Sa rộng, dài bao nhiêu, để xác lập chủ quyền, khai thác hải sản. Như vậy trong lịch sử nhà nước Việt Nam, chính Nguyễn Phước Chu là vị lãnh đạo đầu tiên có quyết định sáng suốt này từ 300 năm trước.

– Về mặt văn hóa, mỹ thuật, Nguyễn Phước Chu là một tác gia lớn của văn học Việt Nam, tác phẩm thơ văn của ông còn tồn tại khá nhiều. Chính ông chỉ đạo công trình kiến trúc chùa Thiên Mụ nổi tiếng đẹp nhất ở Nam Hà. Một số văn vật như đại hồng chung, vân khánh đá, bia đá, hoành ohi, câu đối… của thời này minh chứng cho đỉnh cao của kỷ thuật, nghệ thuật chạm khắc tạo hình và thư pháp của người Việt thế kỷ XVII-XVIII.

Một loại họa và thơ đề vịnh phong cảnh vùng Thuận Quảng của Thiên Túng đạo nhân (Nguyễn Phước Chu) hiện còn bảo lưu trên đồ sứ ký hiệu “Thanh Ngoạn” mà chúng tôi đã sưu tầm, công bố như:Thuận Hóa văn thị (chợ chiều ở Huế)-Thiên Mụ hiểu chung(chuông sớm chùa Thiên Mụ)- Ải lĩnh xuân vân (mây xuân đèo Hải Vân)- Tam Thai thính triều (nghe sóng vỗ ở chủa Tam Thai). Nhân Xuân Mậu Tý (2008), chúng tôi xin công bố một thi phẩm mới phát hiện của bậc vương giả này:

Hà Trung yên vũ 3

Hải khí sơn phong táp kinh

Tiệm khan yên thấp tán thiên thanh

Ngư đăng kỷ điểm tri giang ngạn

Lữ khách lạc tiêu thính vũ thanh

Thiền tụng bất văn u khánh vận

Hương tư nan xích cố nhân tình

Việt Nam4 diệc hữu Tiêu Tương cảnh

Dục thiến đan thanh tả vị thành.

Đạo Nhân thư

Nghĩa:

Mưa khói đầm Hà Trung

Khí biển gió núi thổi vù vù đáng sợ

Sương mù dần tan thấy bầu trời trong xanh

Vài chấm đèn chài biết bờ sông

Suốt đêm lữ khách nghe mưa rơi

Không nghe tụng kinh, âm vang tiếng khánh

Khó lường nỗi nhớ quê, tình cảm người xưa

Miền Nam nước Việt Cũng có cảnh đẹp như Tiêu Tương

Muốn dùng màu sắc vẽ lại nhưng không thành

Đạo Nhân viết

Dịch thơ:

Mù tỏa Hà Trung

Sóng trào gió rít nghĩ mà kinh
Mù tỏa dần tan mây trắng xanh
Bến cũ đèn chài thấp thoáng điểm
Mưa buồn lữ khách lắng thâu canh
Phật kinh không vẳng dư âm khánh
Quê cũ ai hay nỗi nhớ mình
Việt Nam cũng có Tiêu Tương cảnh
Muốn vẽ mà sao vẽ chẳng thành.

 Quốc chúa Nguyễn Phước Chu là vị lãnh đạo đất nước nhìn thấy tầm quan trọng đặc biệt của quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trong việc quốc phòng lâu dài. Do đó năm Tân Mão (1711), ông ra lệnh cai đội Thuyên Đức Hầu đem lính ra đo đạc Trường Sa nhằm xác lập chủ quyền, khai thác hải sản. Như vậy trong lịch sử nhà nước ta, chinh Nguyễn Phước Chu là vị lãnh đạo đầu tiên có quyết định sáng suốt này từ 300 năm trước.

 Ghi chú:

1 Xem Đại nam thực lục tiền biên, Q.6,7,8

2 HT. Thạch Liêm người ở Giang Tây, trú trì chùa Trường Thọ-Quảng Đông, Trung Quốc. Được Quốc Chúa mời qua Phú Xuân năm 1695 để mở Đại Giới Đàn.

3   Hà Trung: đầm nước lớn xưa thuộc huyện Phú Vang, đến đời Minh Mạng mới đổi thuộc về địa phận huyện Phú Lộc. Đây là một thắng cảnh nỏi tiếng của Thừa Thiên-Huế. Các vua chúa thời Nguyễn, tao nhân mặc khách thường dong thuyền về ngắm cảnh làm thơ.

4 Quốc chúa Nguyễn Phước Chu thường dùng từ Việt Nam để chi vùng đất phương Nam của nước Việt dưới quyền ông cai trị. Như trong bia ký chùa Thiên Mụ, Trong bài thơ Ái Linh xuân văn

5 Tiêu Tương: nơi phân nhánh của hai con sông Tiêu và Tương ở địa phận huyện Kim Lăng, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, cảnh trí rất đẹp thường được các nhà văn, thơ xưa ca ngợi.

Tham khảo:

– Đại Nam Thực lục tiền biên ( Quốc sử quán Triều Nguyễn)

– Hải ngoại ký sự ( Thích Đại Sán)

– Phú Yên tạp lục ( Lê Quý Đôn)

 Trần Đình Sơn: Tạp Chí Văn hóa Phật Giáo số 52 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here