Trang chủ Phật học Quét tâm

Quét tâm

255
0

 

 “Bạch Phật! Con chậm hiểu. Con đã xuất gia với anh con và anh con đã dạy con một bài kệ vào ngày trước. Vì con không nhớ nổi bài kệ, anh con bảo con hết hy vọng tu tập. Anh bảo con trở về nhà và đuổi con đi. Đó là lý do khiến con khóc. Con cầu xin Phật nhân từ giúp con!

Nghe như vậy, Phật ôn tồn khuyên: “Con đừng lo, đến đây! Ai tự biết mình ngu đần thì thực sự là người khôn. Người đần chính là người cứ nghĩ mình khôn.”

Ngay khi vừa trở về, Phật chỉ định Ananda dạy Ksudrapanthaka. Không lâu sau đó, Ananda thưa với Phật không cách gì dạy được. Vì vậy, Phật dạy riêng một mình anh. Phật dạy anh học thuộc câu “quét bụi và tẩy bẩn”. Dẫu dày công vất vả, anh không thể nhớ câu đó. Mọi người nghĩ rằng anh ta hoàn toàn vô vọng, trừ Phật, Người không bao giờ chối bỏ bất cứ loài hữu tình nào.

Phật bảo sudrapanthaka: “Bây giờ, công việc của con là quét nhà với cái chổi, và đánh bụi quần áo và giày cho các vị tăng khác. Khi làm, cứ đọc đi đọc lại câu đó.”

Theo lời dạy của Phật, sudrapanthaka sẵn sàng phục vụ các vị tăng khác, mặc dầu anh gây phiền toái cho mọi người. Nhưng Phật nhắc nhở mọi người cứ để anh làm công việc đó, theo ý của Phật. Dần dần, mọi người thương cảm Ksudrapanthaka khi anh quét nhà, và họ giúp anh nhớ câu nói. Làm việc tận tuỵ, Ksudrapanthaka rốt cuộc nhớ câu “quét bụi và tẩy bẩn”. Và cuối cùng, anh lãnh hội ý nghĩa của câu đó. Anh nghĩ rằng:

“Ta có thể nhìn bụi và dơ từ hai phía khác nhau. Một bên trong, một bên ngoài. Bụi và dơ bên ngoài gồm có tro và cát thì ta dễ dàng làm sạch, còn bụi và dơ bên trong của tham lam, giận dữ, ngu dốt là những ô uế thì đòi hỏi tuệ giác mới dứt bỏ.”

Từ đó, trí tuệ của sudrapanthaka ngày càng sáng. Những gì trước đây anh không hiểu thì giờ đây là rõ ràng. Anh suy nghĩ tiếp: “Lòng tham của con người là bụi và dơ. Người khôn vứt bỏ lòng tham một cách dứt khoát vì nếu không thì lòng tham không bao giờ bị bứt ra. Chính lòng tham khơi dậy nguyên nhân làm vẩn đục tâm và đưa đến tai hoạ. Không có nó, ta không còn nô lệ mà được giải thoát. Chỉ khi đó, tâm ta được thanh lọc và chân lý mới sáng tỏ.”

Khi thiền, Ksudrapanthaka lắng đọng tâm ra khỏi hậu quả của ba thứ thuốc độc. Thiền đem lại trạng thái thanh thản, không chút khuấy động của yêu hay ghét, tốt hay xấu. Ta ra khỏi cái vỏ của ngu dốt, và cái tâm trở ngại trước đây giờ đã khai mở.

Ksudrapanthaka giác ngộ hân hoan đến trước Phật, cung kính thưa: “Bạch Phật! Con đã ngộ, và con đã quét bụi và dơ ra khỏi tâm.”

Phật vui vẻ bày tỏ nhận xét về anh trước mọi người: “Làm sao một người có được lợi ích này nếu không ngộ ý nghĩa của nhiều kinh mà người đó đã thuộc và thực tập? Một người có thể học một câu kinh và thực tập thật tốt có thể đảm bảo con đường giải thoát. Hãy trông vào Ksudrapanthaka như một điển hình!”

Ksudrapanthaka trở thành vị tăng danh tiếng và đáng kính của Jetvana Vihara. Ngài không thay đổi lối sống, và vẫn cứ quét nhà hằng ngày trong khi đọc câu: “Quét bụi và tẩy bẩn”.

Đức Phật luôn luôn dạy một cách thiết thực để đạt kết quả tốt nhất. Ngài không bao giờ từ bỏ một đệ tử nào. Theo Ngài, người học chậm giống như con bệnh nặng. Cứ trì chí và kiên nhẫn, chắc chắn họ sẽ tiến bộ. Đức Phật quả thật là một nhà giáo dục cao cả của thế giới và người thầy của mọi chúng sinh.

Trên đây là bài dịch từ nguyên tác Sweeping the mind, lấy từ Buddhist Stories (Những câu chuyện Phật), trên website Buddhist Education Foundation (UK). (Viện Giáo dục Phật giáo Anh).

Trong những bài giảng pháp, Hòa thượng Thanh Từ cũng dẫn    chuyện Ngài Ksudrapanthaka với cái tên Châu-Lợi-Bàn-Đặc (Suddhipanthaka). Ngài xuất gia theo Phật, nhưng vốn căn cơ ám độn, được Phật dạy hai chữ Tảo Tuệ, Ngài học đi học lại, thuộc được hai chữ đó, xin Đức Phật dạy ý nghĩa. Đức Phật giải thích: “Tuệ là chổi, Tảo là quét. Con hãy dùng chổi trí tuệ quét sạch phiền não nơi tự tâm đi”. Bắt đầu từ ngày đó, ngài chăm chăm làm theo lời Phật dạy. Chín chắn quán xét tự tâm, gạn lọc những phiền não cấu uế, tẩy trừ những ý niệm xấu xa, gìn giữ tâm hồn thanh tịnh. Ngài đã giác ngộ!

Phải chăng ngài được thiện duyên gặp thời Đức Phật, ngay từ đầu quyết tâm theo Phật, được Phật dạy dỗ, lại được sống trong môi trường lục hòa với tăng chúng, dầu căn cơ ám độn, vẫn trì chí, tự nảy nở năng lượng vô biên, cuối cùng tìm ra con đường giác ngộ? Vậy thì, trong thời đại ngày nay, một người với căn cơ không đến nổi ám độn, không những thế, lại còn thông thái, biết bao nhiêu thứ trên trời dưới đất, liệu theo Phật bằng con đường nào? Ta có thể học thuộc không chỉ mấy chữ “Quét bụi và tẩy bẩn” hoặc “Tảo tuệ” mà thuộc nhiều kinh, đọc nhiều sách, hành nhiều nghi lễ, nhưng điều mà ta thiếu, mà thiếu thứ quyết định, là thực tập, là nỗ lực tinh cần sống theo kinh, là quét được tâm. Những vị hành giả, thiện trí thức, vốn có trí tuệ cao, lại được hạnh ngộ đạo Phật, đã hành thiền như ngài Ksudrapanthaka, trở thành những ngọn đuốc tuệ soi sáng con đường giải thoát của Đức Phật. Ta có thể lấy một điển hình sống động ngày nay, bên trời Tây: Matthieu Ricard (1).

Nghĩ thân phù thế mà đau

Bọt trong bể khổ, bèo đầu bến mê

 
(Cung oán ngâm khúc)
 

Làm sao phòng thủ được mình, làm sao để được an lạc? – “Con hãy dùng chổi trí tuệ quét sạch phiền não nơi tự tâm đi”, Đức Phật đã dạy như thế, cho ngài Ksudrapanthaka, cho tất cả mọi người, với giáo pháp vi diệu là chân lý giải thoát. Trước hết ta soi rọi bản thân mình, rồi có lòng tin nơi chánh pháp của Đức Phật, từ đó chuyên cần thực hành chánh pháp. Dầu sao mình đừng thu về vỏ cá nhân, về cái ngã của mình với đầy chướng ngại: lẻ loi, buồn chán, nghĩ vẩn vơ, tự kỷ, ngã mạn…; và dầu có đọc biết bao nhiêu kinh sách thì cũng cần trợ duyên: nơi chốn thích hợp, cần thầy, cần bạn, nhất là bước đầu. Điểm xuất phát là chậm hiểu như ngài Ksudrapanthakahay thông thái như Matthieu Ricard thì cũng như thế.

 

Cao Huy Hóa
Tháng 3/2009


[1] Matthieu Ricard, người Pháp, là một nhà khoa học và nhiều năm nghiên cứu tại Viện Pasteur, Khoa Di truyền tế bào của Giáo sư François Jacob, người đã được giải Nobel về y học. Năm 1967, ông đến Ấn Độ để gặp các nhà tư tưởng lớn của Tây Tạng, và đã xuất gia, trở thành đệ tử của một trong số họ, đó là Kanguiour Rintpoche. Từ năm 1972, sau khi hoàn thành luận án tiến sĩ, ông đã quyết định sống ở Ấn Độ, sau đó ở Bhutan và Nepal, và đã sống 12 năm với người thầy thứ hai là Khyentse Rintpoche. Hiện nay, ông sống ở thảo am Shechen, gần Katmandu. Ông cũng là một tác giả nổi tiếng với tác phẩm Le Moine et le philosophe (Matthieu Ricard/Jean-François Revel , nxb NiL 1997) và nhiều tác phẩm khác. (Theo Wikipedia)

 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here