Trang chủ Sáng tác - Nghệ thuật Quê hương trong nỗi nhớ đứa con xa

Quê hương trong nỗi nhớ đứa con xa

138
0

Một cái Tết nữa lại về trong không khí đưa tiễn năm cũ qua đi, chào đón một năm mới đang về, mùa xuân tới mang theo hơi ấm của yêu thương. Có lẽ ai xa xứ cũng có cảm giác như tôi lúc này, một cảm xúc mộc mạc thân thương chợt ùa về.

10 năm tôi xa quê hương sống và học tập ở trời Âu là 10 mùa xuân tôi khát thèm cái Tết quê hương. Nơi tôi ở, người Việt định cư không nhiều bởi thế nên những ngày Tết trôi qua đối với tôi cũng giống như bao nhiêu ngày khác. Tất cả những gì tôi nhận được chỉ là những lời chúc, những cuộc gọi, những cái ôm gió thân thương từ Việt Nam. Những ngày giáp Tết, tôi thường gọi điện về nhà hỏi mẹ đã sắm Tết đến đâu rồi và bao giờ cũng vậy, mẹ luôn thổn thức: “Nhìn con nhà người ta về ăn Tết, mẹ nhớ con biết bao!’’ Mẹ đâu biết rằng ở phương trời xa ấy, tôi cũng đã bao nhiêu lần nức nở, xót xa. Bất chợt nhận được tin nhắn của cậu em trai gửi sang: “Mẹ đang muối dưa hành đấy, chị có thèm hành muối nữa không?’’ Tôi bỗng thấy sống mũi mình cay cay. Kí ức về những ngày Tết xa xưa lại hiện về. những buổi chiều hai mẹ con xách làn ra chợ sắm đồ, những đêm cả nhà quây quần trong phòng khách để cùng gói bánh chưng. Những ngày bố thay ba mẹ con dọn dẹp nhà cửa, thổi vào căn phòng bao nhiêu hơi ấm yêu thương.

Tôi thường bất ngờ khi bạn bè nhắn tin sang than vãn: “Tết ở Việt Nam bây giờ buồn lắm!’’ Tôi không biết các bạn của tôi mong đợi điều gì ở những ngày Tết. Còn tôi, tôi chỉ ước giá như mình có thể gắn vào đôi vai bé nhỏ của mình một đôi cánh để có thể bay về sà vào lòng của những người mình yêu thương. Tết đối với tôi, có lẽ chỉ cần được xích lại với những người mình yêu thương, thế là đủ lắm rồi.

Một anh bạn đang sống ở Mĩ từng hỏi tôi sao mà giỏi chịu đựng thế, khi đi biền biệt một lúc tới gần bảy năm mới trở lại quê hương một lần. Tôi không thuộc tuýp người “có mới nới cũ”, càng không phải là người có thể dễ dàng rũ bỏ tất cả. Nhưng trong cuộc sống, có những điều không phải tôi muốn là đều có được. Nhiều người bạn của tôi vẫn nói tôi có một cuộc sống thật hạnh phúc giữa trời Âu, nhưng trong số họ, có mấy ai hiểu được rằng để có được cái mà mọi người đang gọi là “hạnh phúc’’ này, tôi đã phải đánh đổi nỗi nhớ của mình như thế nào. Làm sao họ có thể hiểu được tôi đã biết bao đêm tỉnh giấc, thèm một giọng nói tiếng Việt ở bên mình. Làm sao họ có thể biết được đôi khi tôi nhớ quay quắt một bữa cơm với bát nước mắm, dưa chua và đậu phụ sốt cà chua. Làm sao họ có thể biết được những khoảng trống trong lòng tôi dài và rộng đến thế nào trong những năm đằng đẵng trời Âu. Nhưng rồi dần dần, tôi đã tập bắt nhịp với cuộc sống mới và trôi theo dòng chảy đó, quê hương bỗng trở thành một nỗi nhớ, một cái gì đó mà tôi chỉ có thể nuôi dưỡng trong kí ức mình chứ không thể chạm tới được khi mình muốn. Và nỗi nhớ đó theo thời gian cũng êm ả hơn, nó không còn quay quắt và đớn đau như thuở mười mấy mà tôi cất bước ra đi nữa. Nhưng điều đó không có nghĩa là tình yêu trong tôi đã nguội lạnh.

Mười mấy năm trời sống ở xứ Thanh, rồi bắt đầu lưu lạc ở một miền đất mới, nơi được mệnh danh là một trong những đất nước giàu nhất châu Âu, được đi nhiều nơi, được ngắm những kì quan thế giới muôn màu, thế mà tôi lại vẫn ước được trở về sống vài ngày ở quê như thời còn học tiểu học mà mỗi lần nghỉ hè mẹ thường gửi tôi về quê nội. Nhớ những buổi sớm ban mai được đánh thức bởi tiếng gà gáy, tôi ra hiên ngồi ngắm những khoảng vườn rộng lớn, có hoa hồng, có táo, có ổi, có cây bồng bồng sừng sững đứng trước sân. Có tiếng gà lép nhép, có tiếng gọi nhau của những người đi chợ buổi ban mai…

Tôi nhớ cả những ngày ngồi bên bếp lửa, nấu cơm bằng trấu, bằng củi khô. Tôi nhớ khói lam chiều, nhớ mùi mắm tôm, mắm tép. Nhớ cả những món ăn đậm chất quê, nhớ mùi cơm nếp, nhớ những quả trứng gà mẹ luộc rồi dầm nước mắm để tôi ăn. Đơn giản thế thôi mà sao tôi vẫn thấy ngon đến vô cùng.

Tôi nhớ những đêm trăng nằm dưới mái hiên nghe bà kể chuyện ngày xửa ngày xưa, nhớ những ngày mẹ nấu cho nồi nước bồ kết để gội đầu, nhớ những buổi trưa nắng chói chang cùng em trai đi bắt bươm bướm, chuồn chuồn, nhớ tiếng mưa rơi lộp bộp trên mái nhà…

Những nỗi nhớ đó có bao giờ là tình yêu không?

Bao nhiêu năm xa nhà, lúc như được bay giữa bầu trời hạnh phúc, lúc thấy mình như không thể đứng dậy và bước đi được nữa nhưng tôi đã biết vượt qua những khốn khó đời thường ấy, đã biết xây cho mình những nền móng cho tương lai. 10 năm với biết bao nhiêu lần thổn thức trong đêm, quệt ngang dòng nước mắt trong những lúc nhớ nhà, nhớ quê hương, nhớ những kỉ niệm… nhưng 10 năm ấy chỉ duy có một lần tôi trở về. Vẫn là những gương mặt thân quen, vẫn là những con đường xưa đưa tôi về lối cũ. Nhưng có một điều gì dường như đã khác… dẫu lúc đó tôi vẫn ước chi mình là cô bé 15 thuở nào, được nép mình trong lòng ba mẹ, được ngồi ngắm trăng, được đi thả diều như thuở ngày xưa… Nhưng mọi thứ chỉ còn trong kí ức, tôi đã tự rời xa mình, rời xa những kí ức ngày ấy bằng những chuyến đi.

Bạn bè ở Việt Nam thường hay nhắn tin sang hỏi tôi rằng liệu có bao giờ quay trở lại hay cứ mãi là cánh chim trời phiêu bạt. Tôi cũng không biết nữa, tôi không biết mình phải trả lời như thế nào để không phải “vừa nói dối, vừa nói thật’’, thế nên tôi chỉ biết mỉm cười. Những người bạn Đức của tôi đôi khi không hiểu tại sao tôi vẫn như con sông đứng giữa hai dòng nước, khi mà tôi đã có đủ tất cả những lý do, đủ những niềm tin, đủ những yêu thương và đủ cả những ý chí để chọn đất nước này làm chốn bình yên cho quãng đời còn lại. Tôi chỉ biết mỉm cười. Có những điều tưởng chừng như đơn giản mà lại không hề đơn giản, hoặc có thể tôi đang tự “phức tạp hóa’’ vấn đề, nhưng tôi tin dù ở nơi nào thì quê hương vẫn luôn là nỗi nhớ thường trực ở trong tôi.

Tôi xa quê hương, bỏ lại phía sau rất nhiều thân thương quen thuộc. Tôi tin nơi ấy vẫn là khoảng trời bình yên, để rồi rất nhiều lần khi đã đi “mỏi gối mòn chân” đến với những mảnh đất đẹp giữa lòng châu Âu, tôi lại muốn được về quê, về với những yêu thương xưa cũ, dù tôi biết chốn ấy bây giờ tất cả đã khác xưa.

Châu Âu không phải là thiên đường, nhưng nó vẫn là nơi tôi tiếp tục gửi gắm phần đời tuổi trẻ của mình. Quê hương vẫn mãi sẽ là quê hương, là miền nhớ và khi nào nỗi nhớ đó vỡ tung trong lồng ngực nhỏ, là lúc đó tôi biết: Mình phải trở về!

Bạn bè thỉnh thoảng vẫn nhắn tin sang hỏi thăm: “Bao giờ về Việt Nam hả Yến Anh?” tôi lại thấy lòng mình ngổn ngang. Ừ, phải về chứ! Dẫu thế nào thì vẫn còn ánh mắt mẹ cha mong!

H.Y.A

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here