Trang chủ Phật giáo với Tuổi trẻ Quê hương trong ký ức

Quê hương trong ký ức

132
0

Tiếng í ới kêu gọi nhau không ngơi. Những em bé ôm cặp táp, tóc bím thành lọn, ríu rít bên nhau cười khúc khích, và ê a bài đọc vỡ lòng. Một đoàn thanh niên nam nữ vai mang cuốc xẻng, cười nói ngã ngớt tiến về phía cuối thôn. Đứng ở mép đê, con bé đứng ngẩn ngơ nhìn trời mây nước. Nó quan sát hết vật này đến vật khác cho đến chán, nó ngẩng lên nhìn bầu trời trong xanh. Mây bàng bạc kết tụ từng chùm rồi tan, tạo thành những hình hài khiến nó thích thú. Vài con chim chao lượn trên cánh ruộng. Tiếng ếch nhái hòa cùng tiếng côn trùng rền vang âm thanh xa gần. Bóng chiều loáng thoáng rồi dần tan. Trời bắt đầu chạng vạng tối. Lác đác vài con đom đóm loé lên những tia sáng rồi tắt lịm. Xa xa, ánh đèn dầu lần lượt thắp sáng lên từ những mái nhà tranh. Con đê thưa thớt bóng người và cảnh vật trở nên im lìm. Con bé chợt giật mình khi nghe tiếng mẹ kêu về để sửa soạn cho buổi cơm chiều…

….Thời gian thấm thoát thoi đưa. Cô ngồi miên man thả dòng suy tư về với quá khứ. Quê hương-một khái niệm khá mông lung nhưng cũng rất gần gũi đối với cô. Đó là hình ảnh bờ đê, cụm hoa cúc, nồi cá cơm kho nghệ nóng hổi năm nào đã in sâu vào tiềm thức. Bao nhiêu năm lưu lạc xứ người, đôi khi cô thấy thấm thía nỗi lòng. Kỷ niệm ẩn hiện như bóng ma. Hôm nay nó lại lũ lượt hiện về. Những ngày ấu thơ chắt chiu trong cảnh đồng quê thôn dã: lũy tre xanh, cụm cúc vàng hoe, và cánh đồng bao la. Hương hoa sắc màu của khóm cúc mà ba cô trồng trước sân nhà dường như tỏa thơm thoang thỏang đâu đây. Mùi bánh tét tỏa khắp mái nhà tranh lúc xuân về. Ba cô năm nào cũng gói bánh. Ông ngồi trước cái lò đất và một cái nồi thật cao, tay cầm một que củi thỉnh thỏang hất qua hất lại đống than đỏ hồng cho lửa cháy đều. Hai cha con ngồi bên ánh lửa bập bùng. Cô quan sát từng động tác, lòng rạo rực chờ tiếng pháo nổ và phong lì xì. Những đêm trăng sáng vằng vặc, anh cô đệm đàn cho mấy chị em ngồi chụm đầu dưới ngọn đèn dầu, hát nghêu ngao cho nhau nghe. Tiếng đàn guitar vang vọng giữa đêm khuya thanh vắng tạo nên những cung bậc lắng đọng, thiết tha.

Quê hương là tiếng chuông chùa trầm bổng ngân vang vào những buổi chiều tà. Năm mười tuổi, mẹ dắt tay cô đến thiền viện vào dịp Vu Lan và cho quy y. Đó là lần đầu tiên cô được nghe pháp, ngắm cảnh chùa thanh tịnh. Từ đó, cô thích đến thiền viện để được nghe tiếng tụng kinh, gỏ mỏ, gần gũi bao thanh sắc hiền hoà. Đặc biệt, cô thương tiếng chuông chùa. Tiếng chuông chạm vào khoảng không, bật lên âm thanh cao vút như hớp hồn người. Rồi những buổi tối, mấy anh chị em cô lấy tấm hình từ bó nhang làm tượng Phật, dựng bên ngọn đèn dầu, chấp tay tập tành tụng những lời kinh. Những buổi trưa hè oi ả, cô lạc bước vào những tàng cây, chìm vào phút tĩnh lặng của ngôi thiền viện, giữa cỏ cây, giữa sắc nước hương trời, ngắm nhìn những tàng cây răm rắp đứng mặc niệm, thỉnh thoảng rung mình đung đưa theo gió khiến những chiếc lá nhẹ rơi. Thiền viện như một ngôi nhà của đại chúng, luôn mở rộng cánh cửa từ bi, tiếp đón bao mảnh đời khốn khổ. Những ngày làm công quả ở đó, cô chứng kiến bao kẻ ăn mày ngồi lê la đầy rẫy cổng vào, để chờ sự bố thí, lòng từ tâm từ khách thập phương. Cảnh tượng đó trĩu nặng hồn cô. Dù nhỏ tuổi, cô đã biết buồn từ những cảm nhận xung quanh.

Quê hương là những muộn phiền, lo toan đọng trên giọt mô hôi nóng hổi. Mẹ oằn gánh với phiên chợ chiều, tất bật ngày đêm nhưng vẫn quanh năm thiếu thốn. Bữa cơm gia đình triền miên khoai lang và sắn độn. Ba quặng vai với cuộc xẻng, ruộng đồng. Nhà nhà khốn đốn. Người người khốn khổ. Cuộc sống bấp bênh với bao nổi phập phồng lo sợ. Những rập rình bủa vây. Những cơn đau nghẹn lời. Những uất ức lặng câm. Tất cả cướp đi sự thơ ngây, trong trắng của một đứa trẻ thơ. Tiếng cầu kinh râm ran hoà trong tiếng khóc của những bóng ma chập chờn từ những nấm mồ hoang lạnh. Không một lý giải – những điều cô quan sát đọng thành nổi buồn sâu lắng trong tâm hồn cô, một đứa bé sinh ra giữa nổi khốn cùng của đất nước.    

Cảnh cũ giờ còn đâu. Tất cả chỉ là những hình ảnh và dư âm nhạt nhoà trong ký ức. Chiều buông gợi nỗi sầu cố hương ngây ngất. Cuộc sống quần quật xoay cuồng đến chóng mặt. Mọi người chạy đua theo thời gian. Sáng đi, chiều về, tối ngủ. Ngày nọ qua ngày kia cứ lặng lẽ trôi. Trong cuộc sống nửa Tây nửa Đông này, có mấy ai rảnh rỗi để ngậm ngùi, để tưởng nhớ, để xót xa. Tuy nhiên, nước không thể xa nguồn…Bây giờ, cô chỉ có thể khẽ gọi trong lòng: Việt Nam ơi! Quê hương ơi!

Thôn Vỹ Dạ

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here