Tương quan phân cách giữa người chủ động và kẻ nhận sự quảng bá văn hóa được hình thành: một bên là lãnh đạo văn hóa, còn một bên được hướng dẫn văn hóa, một bên nhận lãnh chức vụ đưa ra ý kiến, sáng kiến về văn hóa, một bên thụ động chấp nhận, hoặc hưởng thụ hay bị ảnh hưởng.
Nhưng chính từ đây, sự quảng bá văn hóa có nguy cơ tự mâu thuẫn với chính đối tượng và mục đích của hành động quảng bá. Trong bản chất, văn hóa là tiềm năng chuyển hóa không ngừng của mỗi cá nhân và tập thể vượt lên trên những nhu cầu cơ bản, chuyển hướng đến vẻ đẹp, đến trật tự văn minh, thoát khỏi hoàn cảnh vật lý và tâm lý còn thô sơ, chưa được “vun xới”. Trong khi chữ “culture” theo tiếng Latinh có nghĩa nuôi dưỡng, chăm sóc (cultura), khái niệm “văn hóa” của phương Đông nhấn mạnh thế động của văn hóa trong biến đổi chuyển hóa, mà A. Schweizer cũng đồng quan niệm khi cho rằng “văn hóa là sự tiến bộ về vật chất và tinh thần của mỗi người và của tập thể” trong cuộc mưu sinh, chung sống.
Văn hóa chỉ được nảy nở toàn diện trong tổng hợp năng động của 4 yếu tố: no ấm (kinh tế), an dân (điều kiện chính trị), truyền thống đạo đức và khát vọng nghệ thuật, khoa học. Văn hóa khởi đầu sau khi mọi hỗn loạn, tranh chấp bất ổn giữa con người với con người chấm dứt.
Thi hào Goethe cho rằng khái niệm văn hóa phải được hiểu rộng hơn, phải kể đến “cả y phục lẫn ẩm thực, cả lịch sử lẫn triết học, cả nghệ thuật lẫn khoa học, cả trò chơi trẻ con lẫn tục ngữ, cả khí hậu lẫn phong cảnh, cả kinh tế lẫn văn học, cả chính trị lẫn tư riêng…” và ngay cả hướng dẫn về những tai hại đốn rừng phá núi cũng phải được nêu ra khi đề cập đến khái niệm văn hóa.
Giản lược nó vào một trong những yếu tố kinh tế hay chính trị, vào quan niệm đạo đức khô khan hay tham vọng nghệ thuật khoa học, có nghĩa làm chết văn hóa, thay vì gây dựng nuôi nấng nó. Trồng cây sai thời tiết có thể chỉ làm thiệt một vụ mùa, nhưng làm văn hóa sai có thể hại nhiều thế hệ nếu không nói là muôn đời như người xưa đã dặn.
Bởi vì mục đích cuối cùng của văn hóa chính là sự hoàn thiện về tinh thần và đạo đức của mỗi cá nhân, mỗi tập thể trong quá trình mà triết gia Ðức I. Kant gọi là quá trình tiến đến hoàn thiện nhân bản của toàn thể nhân loại.Ngày nay tiến trình ấy đang xảy ra song song với tiến trình hội nhập toàn cầu, nhưng sự “hoàn thiện nhân bản” có đạt được hay không vẫn còn là câu hỏi lớn.
Điều rõ rệt là xu hướng nhấn mạnh bản sắc văn hóa đang trở nên thời sự cho mỗi quốc gia. Chính Việt Nam cũng đang nỗ lực khơi dậy ý thức văn hóa dân tộc để tự nhận diện mình trên thế giới. Những hoạt động quảng bá văn hóa, bảo tồn văn hóa dân tộc đang được khuyến khích trong và ngoài nước, nhất là trên phương diện kịch nghệ, nghệ thuật, âm nhạc, nghệ thuật thứ bảy, thời trang…
Tuy nhiên, việc đem một gánh hát tuồng hát chèo sang Đức, đưa một đoàn hợp xướng sang Pháp, biểu diễn thời trang áo dài xưa ở Hà Nội, Thành phố HCM, hoặc mở tiệm phở ở New York hay quán bún bò ở Sydney trước hết chỉ là những sáng kiến cá nhân hay của một nhóm người trong cảm nghĩ văn hóa riêng tư. Dù cho những hành động ấy đánh động được sự chú ý, chừng nào cuộc trao đổi hay đối thoại chưa xảy ra trên bình diện chuyển hóa ý thức văn hóa từ truyền thống đến hiện đại, từ điều kiện xã hội hiện tại sang viễn cảnh tương lai, trong đó con người có thể phát huy tính nhân bản của mình, thì những hoạt động ấy tuy tích cực nhưng chưa hoàn thành nhiệm vụ quảng bá văn hóa.
Quảng bá văn hóa trước hết là một hành động văn hóa trong nghĩa đích thực của “văn hóa” nhằm khai phóng và chuyển hóa con người, hướng dẫn con người tự ý thức về khả năng sáng tạo của chính mình, ngay cả con người đang làm văn hóa hay “lãnh đạo văn hóa”. Quan điểm của Goethe cho thấy, con người là một thực thể văn hóa. Bên cạnh bản năng tự nhiên với nhiều tuỳ thuộc nhu cầu, con người có tự do trong việc sử dụng chính năng lực của mình để chuyển hóa và nâng cao đời sống hiện tại. Năng lực chuyển hóa trong sáng tạo là khả năng văn hóa nằm sẵn trong con người, theo triết gia I. Kant, nó là khả năng của lý trí bên cạnh bản năng tự nhiên.
Nó chính là biểu hiện tự do. Không phải là thứ tự do muốn làm gì thì làm, buông thả theo những lệ thuộc bản năng thô lậu. Ngược lại nó là sự tự do thực hiện giải phóng – ở điểm này tư tưởng phương Tây gần với quan điểm của Phật học – ý nghĩa tự do nằm trong khả năng giải phóng những ràng buộc vị kỷ, chế ngự những nhu cầu thấp kém để vươn lên trong cách thế “làm đẹp mình”, đưa đến hoà nhập và hoà đồng với tập thể bằng những bước đi kỷ cương qua phương pháp huấn luyện cơ thể và tinh thần. Tương tự như phương pháp rèn luyện thiền sinh trong buổi học thư pháp vẽ vòng “KHÔNG”, nhất cử nhất động, mỗi đường nét vẽ ra đều có sự thẩm xét của thiền sư cho đến lúc chín muồi, sự quan sát nghiêm khắc được giải thể, thiền sinh phóng bút trong tự do, sáng tạo nên tác phẩm.
Cũng thế, quảng bá văn hóa cần được thực hiện trên truyền thống về kỷ cương thân xác và trau dồi tinh thần của một nhóm người hay của một dân tộc. Kỷ cương thân xác đem đến vẻ đẹp nghệ thuật, trau dồi tinh thần đem đến vẻ đẹp giải thoát, thong dong. Hiện trạng xã hội Việt Nam ngày hôm nay đang báo động phá sản về văn hóa từ cung cách ăn ở, ứng xử ngay trên đường phố, mà nhiều thức giả đã lên tiếng về nguy cơ vong thân bản sắc văn hóa nằm trong 4 yếu tố nói trên.
Có thể nói như triết gia I. Kant, mục đích cao nhất của văn hóa được thể hiện trong một hiến chương dân sự toàn hảo, trong đó tính đồng nhất văn hóa hay bản sắc văn hóa được đúc kết từ những trao đổi ôn hoà hay đấu tranh cam go giữa cá nhân và thiên nhiên, giữa cá nhân và tập thể như một văn kiện hoà bình. Văn hóa cao nhất là sản phẩm của một bản hiến chương quốc gia được soạn thảo căn cứ vào những khái niệm về quyền lợi và nghĩa vụ của người dân, mà Nguyễn Trãi gọi là một “nền văn hiến lâu đời”, khi xác định nền văn minh đất Việt.
Trong sự hình thành bản văn hiến ấy, vấn đề giáo dục con người đóng một vai trò quan trọng: chính qua sự uốn nắn giáo dục từ tình trạng thô thiển vụng về trong cách ứng xử, từ những nhu cầu có tính bản năng ích kỷ, con người đạt đến trình độ văn hóa. Con người vừa là tác nhân văn hóa vừa là kẻ tham dự vào văn hóa tập thể. Văn hóa nhào nặn con người nhập cuộc trong xã hội và con người có năng khiếu thực tiễn về văn minh nhờ vào văn hóa.
Mỗi người mang trong mình bản sắc văn hóa của nơi chốn nó được sinh ra, lớn lên và trưởng thành, đó là tấm gương phản chiếu bản lai diện mục hay tính đồng nhất văn hóa của mỗi cá nhân. Con người mang trong mình dòng sông và núi rừng văn hóa mà nó đã lặn lội trải qua. Vượt biển khơi hay băng rừng đến nơi khác, con người tự nhận diện mình nơi tấm thẻ căn cước văn hóa mà nó đem theo trong khi đối diện với một nền văn hóa khác. Chính trên đường phố lạ, cung cách ứng xử văn hóa được nhận rõ và đánh giá. Trong quá trình hội nhập vào thế giới, nó là tấm bảng quảng cáo lớn nhất về một nền văn hóa mang những yếu tố khả dĩ được thừa nhận vào trong gia sản văn minh nhân loại.
Những yếu tố này không thể là bạo động, trộm cắp, giết người, bất chấp pháp luật, tập quán, phong tục bản địa, mà ngược lại phải là những dấu hiệu “thiện mỹ” tích cực cho sự an lạc của thế giới.
Phải chăng tư tưởng của Ðức Phật và I. Kant có điểm tương đồng khi cho rằng ÐẸP là biểu tượng của hành động đạo đức trong nghĩa tu thân và tâm, chính vẻ đẹp thể xác và tinh thần thoát ra từ mỗi con người – cũng là vẻ ngoài “mai cốt cách”, vẻ trong “tuyết tinh thần” mà Nguyễn Du tâm đắc cho vóc dáng Việt Nam – có thể đem hào quang tô điểm cho một thế giới an bình và hạnh lạc? Từ đó mỗi người chính là sứ giả của nền văn hóa mình!
T.K.L
Theo Tia Sáng