Trang chủ Phật học Quan niệm về "Hiếu" trong giáo lý Phật giáo

Quan niệm về "Hiếu" trong giáo lý Phật giáo

139
0

"Công cha như núi ngất trời,
Nghĩa mẹ như nước ngời ngời biển Đông".

Trong văn học dân gian Việt Nam, luận về chữ Hiếu thì có muôn vạn hình dạng phong phú khác nhau, song chung quy cũng chỉ toát lên được đôi phần của chữ Hiếu mà thôi.

Trong các tôn giáo, chữ "Hiếu" cũng đã được hệ thống khá cụ thể, song vẫn chưa vượt thoát lên trên quan niệm thường tình của nhân sinh. Bởi lẽ, đã là phận người làm con thì điều chắc chắn phải phụng dưỡng cha mẹ. Điều này gần như là một quy luật tự nhiên trong cuộc sống vậy. Tuy nhiên, không phải là không có quan niệm tư tưởng nào thoát lên trên quan niệm thường tình đó.

Thật vậy, đối với chữ Hiếu, thì quan niệm tư tưởng của Phật giáo đã khai triển và phát huy, đưa chữ Hiếu đến chỗ hoàn bị nhất của nó. Bởi lẽ, theo tư tưởng Phật giáo, thì chữ Hiếu không chỉ đứng trong phạm vi chật hẹp của tình mẫu tử ở trong cuộc đời này, mà chữ Hiếu còn liên quan đến cả vấn đề nhân loại, liên hệ đến cả vũ trụ nhân sinh. Tại sao vậy? Chúng ta hãy trao đổi cùng nhau một vài ý kiến về vấn đề này.

Trong kinh Phạm võng, phẩm hạ có đoạn Phật dạy rằng: "Sự hiếu thuận đối với cha mẹ, đại sư, sư tăng, đối với Tam bảo, sự hiếu thuận đối với Chánh pháp chí thượng. Sự hiếu thuận ấy là giới, cũng là năng lực chế ngự và đình chỉ mọi tội lỗi". (Hiếu thuận phụ mẫu, sư tăng, Tam bảo, hiếu thuận chí đạo chi pháp. Hiếu danh vi giới, diệc danh chế chỉ). Qua đoạn kinh này cho ta thấy: đứng trên tổng quát thì chỉ một vấn đề; song xét trên tướng riêng thì có hai vấn đề chính, đó là: Cha mẹ và Tam bảo. Nay ta xét phần tướng riêng trước.

Đối với cha mẹ, trong kinh Báo ân cha mẹ, đức Phật dạy ân đức cha mẹ có mười điều chủ yếu:

1. Ân thai mang gìn giữ;
2. Sinh sản khổ sở;
3. Sinh rồi quên lo (bản thân);
4. Nuốt đắng nhổ ngọt;
5. Nhường khô nằm ướt;
6. Bú mớm nuôi nấng;
7. Tắm rửa săn sóc;
8. Xa cách thương nhớ;
9. Vì con làm ác;
10. Thương mến trọn đời.

Đồng thời trong Kinh cũng đưa ra những tội lỗi bất hiếu của người con một cách chi tiết và đưa ra một số phương tiện báo ân thường tình mà chúng ta thường bắt gặp như: phụng dưỡng cha mẹ khi già yếu ốm đau; giúp cha mẹ đỡ đần những công việc lúc khó khăn… Nhưng có một điểm đặc biệt ở đây, Phật dạy: đối với ân sâu của cha mẹ, báo đáp như vậy chưa thể được gọi là hiếu thảo. Mà muốn báo đáp thâm ân cha mẹ, thì tự mình thực hành tịnh giới, tu tập các hạnh lợi tha; đồng thời khuyến hoá cha mẹ thực hành theo Chánh pháp. Với mục đích như vậy, trong kinh Thiện Sanh, Phật đã vì Thiện Sanh và hết thảy những người con hiếu thảo mà thuyết giáo báo ân. Lại trong truyện Túc Sanh kể về tiền thân đức Phật khi làm loài chim kên kên, cũng đề cập đến vấn đề hiếu hạnh. Song điều muốn nói ở đây là vấn đề dứt trừ tham luyến ái nhiễm. Tại sao vậy? Như chúng ta đã biết, thì Tham ai là cội gốc của sinh tử. Vậy nên, còn Tham ái thì còn sinh tử, mà còn sinh tử thì còn chịu khổ đau. Cho nên chữ Hiếu ở đây đã được đạo Phật triển khai đến cùng tột nghĩa lý, không còn hệ lụy ở trong vòng dục ái. Mà đã không còn ái nhiễm, tất không còn bị khổ đau. Bây giờ ta chuyển sang vấn đề Tam bảo.

Tam bảo là gì? Như đã biết, Tam bảo là ba ngôi báu: Phật, Pháp và Tăng. Nhưng vì sao ta phải hiếu thuận? Muốn rõ được vấn đề này, trước tiên ta cần nói sơ qua ý nghĩa thế nào là Phật, Pháp, Tăng.

Trước hết, Phật là gì? Đứng về thể mà nói, thì đây là một danh từ dùng để chỉ chân lý, chỉ cảnh giới siêu việt. Đứng về tướng và dụng, thì Phật là danh từ dùng để chỉ cho con người nói riêng và chúng sinh nói chung đã phát triển nhân cách đến chỗ hoàn thiện, hoàn mỹ về mọi phương diện.

Pháp là gì? Pháp ở đây chỉ cho giáo lý mà có công năng giúp đỡ, hướng dẫn chúng ta dần dần đi đến chân lý, đi đến nhân cách hoàn thiện hoàn mỹ.

Tăng là chỉ cho Tăng sĩ nói riêng và Tăng già nói chung xuất gia theo giáo pháp đức Phật, đã thọ cụ túc giới, sống trong tinh thần lục hoà, mong đi đến giác ngộ giải thoát, đạt đến nhân cách siêu việt như đức Phật.

Như vậy, Tam bảo là ba địa vị quý báu nhất đáng để cho ta tôn kính và nương theo. Tam bảo có công năng siêu việt như vậy, há chẳng phải để cho ta hiếu thuận đó sao?

Trên đây, ta chỉ mới xét tóm tắt về tướng riêng, nay qua phần tổng quát. Kinh dạy "Hiếu danh vi Giới", nay ta lật ngược lại nguyên lý này thì có thể nói rằng "Giới danh vi Hiếu" hay "Giới diệc danh vi Hiếu".

Như vậy, theo Phật pháp trình bày, thì hết thảy chúng sinh đều là quyến thuộc của nhau. Đúng vậy. Ba cõi (Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới) chính là một ngôi nhà mà trong đó chứa đầy dẫy những khổ đau (Kinh nói là ngũ trược ác thế) nhưng đồng thời trong đó cũng chứa đựng các pháp thanh tịnh khác. Song le, tất cả đều thuộc ba cõi thì phải chịu sự chi phối của vô thường biến hoại (nghiệp lực). Chúng sinh trong ba cõi đều là thân quyến của nhau, bởi vì đã chung nhau trong một hoàn cảnh, chịu chung sự chi phối của hoàn cảnh đó, như vậy há chẳng phải là thân quyến đó ư?

Lại nữa, vì bị sự chi phối của vô thường biến hoại trong ba cõi, do vậy mà bị luân hồi trong ba cõi; tuỳ theo nghiệp lực hấp dẫn mà chịu nhận sự thọ báo, mặt khác do ái dục tham luyến nhiễm ô. Vậy nên chúng sinh luân hồi trong ba cõi, khi thì làm cha, khi thì làm mẹ, làm anh em, ông bà của nhau… Do đó, trong văn Khuyến phát Bồ-đề tâm, Đại sư Tỉnh Am nói: "Thị cố Bồ-tát quán ư lâu nghị, giai thị quá khứ phụ mẫu, vị lai chư Phật; thường tư lợi ích, niệm báo kỳ ân" cũng là điều dễ biết vậy. Cho nên, khi chúng ta nhớ nghĩ đến hết thảy quyến thuộc của ta trong ba cõi để báo ân chính là ta đã giữ giới vậy.

Nhưng Giới là gì?

Giới ở đây được hiểu là năng lực ngăn ngừa tội lỗi và tà kiến của phàm phu, đồng thời làm cho tâm hồn của người giữ gìn nó được hạnh phúc, an lạc.

Giới có rất nhiều loại, tuỳ theo từng cấp độ thọ trì của mỗi người mà Giới được chia ra gồm: ngũ giới, Thập thiện giới, Sa-di giới, Tỳ-kheo giới, Tỳ-kheo-ni giới, Bồ-tát giới, Tam tụ tịnh giới (không làm điều ác, làm hết thảy điều thiện và rộng độ hết thảy chúng sinh)… Song điểm căn bản được dựa trên nền tảng của năm giới là: 1. Không giết hại; 2. Không trộm cắp; 3. Không dâm dục; 4. Không nói lời hư vọng; và 5. Không say sưa rượu chè.

Trên căn bản của năm giới này, nếu ai đủ khả năng chế ngự, không xâm phạm, đoạn tận gốc rễ căn lành thì người đó đã và đang đạt đến nhân cách hoàn bị. Ngược lại, nếu ai không chế ngự, làm tăng trưởng nghiệp ác và buông lung, thì tuỳ theo nghiệp lực mà thọ nhận quả báo đau khổ. Và như trên đã nói, chúng sinh trong ba cõi đều là cha mẹ, quyến thuộc thuộc của ta, nên nếu ta thực hành tịnh giới, tức đình chỉ mọi tội lỗi cho mình và người, ấy là Hiếu vậy. Ngược lại là bất hiếu.

Ngoài hai vấn đề trên, trong Kinh còn dạy sự sống còn của một con người còn liên hệ đến quốc gia, thế giới, nhân sinh, vũ trụ. Do vậy, hiếu thuận không chỉ thiết lập cho mình lâu dài tình cảm thâm sâu phụ tử hay mẫu tử, mà phải trước mắt thiết lập và phát triển bản thân mình trở thành con người có nhân cách hoàn bị, có phẩm chất đạo lý. Dựa trên căn bản của nhân cách mà các vấn đề xã hội, vũ trụ, nhân sinh được thiết lập một nền đạo lý tốt đẹp với tinh thần hướng thượng vượt thoát lên trên quan niệm chấp ngã, chấp pháp chật hẹp của thế gian.

Vì vậy, hiếu thuận là thật thế giới, là thực hành Chánh pháp. Cho nên chúng ta phải nghiêm trì tịnh giới và thực hành các hạnh lợi tha; đồng thời khuyến hoá tha nhân đồng thực hành. Thế giới có thanh bình không, xã hội, đất nước, con người có hạnh phúc không, hết thảy đều xuất phát từ hiếu thuận. Mong rằng chúng ta không ai quên hiếu thuận, không quên tịnh giới. Rất mong lắm thay!

T.D

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here