Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh cho biết việc tôn trọng tín ngưỡng, tôn trọng Phật cũng được xem là thuần phong mỹ tục.
Đường Thảo Điền (quận 2, TP.HCM) có quán ăn, quán rượu mang tên Buddha (tiếng Việt nghĩa là Phật, Đức Phật). Quán đã hoạt động hơn sáu năm. Gần đây, một số Phật tử có ý kiến rằng quán ăn, quán rượu mà đặt tên Buddha, trưng bày hình ảnh, tượng Phật trong quán là lạm dụng, thiếu tôn kính, không được đặt như vậy.
Nhiều DN đặt tên liên quan đến Đức Phật thì không sao
Ngày 21-10, bà Trần Thị Duy Thư (chủ quán) cho biết: “Bản thân tôi theo đạo Phật. Tôi là họa sĩ, vì sự yêu mến, sùng kính Đức Phật mà tôi quan tâm đến tranh ảnh, tượng… mang hình ảnh Đức Phật. Tôi đưa sự yêu mến đó vào nghệ thuật, vào tranh của tôi và vào cả công việc kinh doanh của mình, không hề thiếu sự tôn kính”.
Được biết quận 2 đã có cuộc họp bàn về tên quán Buddha. Bà Thư cũng đã làm việc với các cơ quan quản lý. Bà cũng cho biết trong đăng ký kinh doanh hộ cá thể thì tên quán là An Thái. “Trong quá trình quản lý quán ăn, tôi có sơ sót, tôi sẽ sửa lại cho phù hợp. Tôi sẽ dùng lại tên An Thái cho quán. Tôi cũng đã hạ bảng tên xuống và đưa hình ảnh, tượng Phật về nhà”.
Trong thực tế, việc đặt tên Phật ở lĩnh vực hoạt động khác có khi lại được chấp nhận, không xung đột gì với thuần phong mỹ tục. Hiện nay vẫn có một số doanh nghiệp (DN) mang chữ Phật trong tên, ví dụ Công ty Phật Ngọc, Công ty Phật Sơn, Công ty Đạo Phật Ngày Nay… Tuy nhiên, những tên này không bị Phật tử phản ứng, có lẽ do lĩnh vực hoạt động của DN phù hợp với tên gọi. Ví dụ, Công ty Đạo Phật Ngày Nay chuyên phát hành lịch, phim, sách, báo, băng đĩa… có nội dung tuyên truyền về Phật giáo, thuyết giảng kinh, nghiên cứu giáo lý đạo Phật.
Trước sự phản đối của Phật tử, chủ quán đã cho hạ bảng hiệu chiều 21-10. Ảnh: QUỲNH NHƯ
Không cấm tên DN vi phạm “tôn giáo”
Nghị định 43/2010 về đăng ký DN có hướng dẫn cụ thể về đặt tên DN. Trong đó, Điều 14 về tên DN (DN tư nhân, công ty TNHH, công ty hợp danh, công ty cổ phần) có quy định “không được sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc, tên danh nhân để đặt tên riêng cho DN”. Việc đăng ký DN thực hiện ở Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, thành.
Tương tự, về đặt tên của hộ kinh doanh quy định ở Điều 56 thì “không được sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc để đặt tên riêng cho hộ kinh doanh”. Đăng ký hộ kinh doanh thực hiện ở cấp quận, huyện. Tuy nhiên, cả hai quy định trên đều không nhắc đến tôn giáo.
Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh cho biết tuy quy định không có từ “tôn giáo” nhưng việc tôn trọng tín ngưỡng tôn giáo, tôn trọng Phật cũng được xem là thuần phong mỹ tục của dân tộc ta từ xưa đến nay. Vì vậy mà đặt tên Phật ở một quán ăn, quán rượu có thể bị xem là không hợp thuần phong mỹ tục, vi phạm điều cấm nói trên.
Khó có quy định cụ thể
Quy định cấm vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục, tên danh nhân lâu nay vẫn bị xem là chung chung, trừu tượng, dễ xảy ra xung đột khi DN muốn đặt tên nhưng cơ quan quản lý lại cho rằng vi phạm.
Ví dụ Trần Hưng Đạo là vị tướng nổi danh trong lịch sử, có lẽ không ai phản đối “Trần Hưng Đạo” là tên danh nhân. Thế nhưng DN đòi đặt tên là “Hưng Đạo Vương”, cho rằng đây là chức danh, danh hiệu chứ đâu phải tên đâu mà cấm.
Tại TP.HCM từng xảy ra trường hợp đăng ký tên Nguyễn Trãi cho dịch vụ… rửa xe. Người đăng ký giải thích rằng mở cửa hàng ở đường Nguyễn Trãi thì đặt tên Nguyễn Trãi cho người ta biết đường mà tìm đến chứ sao lại cấm. Phòng Đăng ký kinh doanh phải thuyết phục người này thêm số nhà vào tên, xem như đặt tên bằng địa chỉ kinh doanh.
Trước đây, từng có quán cà phê đặt tên An Nam, bị dư luận phản ứng vì tên này mang tính miệt thị, sau đó quán đã đổi tên thành Ân Nam.
Xây dựng quy định cụ thể cho các lĩnh vực văn hóa, mỹ tục… khá trừu tượng này xem ra không dễ. Thậm chí cũng sẽ xảy ra xung đột, như đã nói trên, tên Phật dùng trong lĩnh vực này thì không phù hợp nhưng dùng trong lĩnh vực khác lại được chấp nhận.
Do đó, lâu nay xảy ra trường hợp nào thì cơ quan chức năng xem xét giải quyết trường hợp đó, dựa trên việc lắng nghe nhiều luồng quan điểm. Như bà Thư cũng nói, nhiều năm qua khách đến quán thấy thích phong cách của quán, bà không hề nhận được phản ứng bất bình của ai. Nhưng, nay một số người có ý kiến khác thì bà Thư sẽ đổi tên quán.
Chín Tầng Mây Có DN đặt tên “Chín Tầng Mây” nhưng Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho rằng tên này vi phạm thuần phong mỹ tục. Bởi, có một trang web sex khá nổi tiếng mang tên này, nói tới “Chín Tầng Mây” là gợi ý chuyện tình dục. Vì vậy, DN hoạt động lĩnh vực phim ảnh, phát hành phim mà mang tên này thì càng không hợp thuần phong mỹ tục. Cuối cùng, DN trên phải đặt tên là Chín Vầng Mây!
|