Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Quan điểm hiếu hạnh trong “Mâu tử Lý hoặc luận”

Quan điểm hiếu hạnh trong “Mâu tử Lý hoặc luận”

154
0

Uống nước nhớ nguồn” vốn là truyền thống   đạo hiếu của người dân Việt Nam từ ngàn xưa. Đến khi nước ta bị giặc phương Bắc đô hộ, ảnh hưởng văn hóa của Nho giáo thì hạnh hiếu càng được xem trọng. Nếu cuộc sống và con người là thiêng liêng cao quý thì hiếu đạo là điều rất đáng lưu tâm. Hiếu hạnh cần được hiểu như là một đức tính cao đẹp trong hầu hết các nền văn hóa nhân loại. Đó là thái độ sống với lòng biết ơn, nhớ ơn và báo ơn công đức sinh thành dưỡng dục đối với cha mẹ.

Tuy nhiên, cuộc sống có muôn hình vạn trạng và nền văn hóa của mỗi quốc gia cũng khác nhau, cho nên quan niệm về chữ hiếu và hình thức báo hiếu cũng có đôi nét khác biệt. Điều này ta bắt gặp rất rõ trong tác phẩm Lý hoặc luận của Mâu Tử.

Khi xử lý những điều sai lầm, Mâu Tử đã hóa giải thắc mắc về quan điểm hiếu hạnh của Phật giáo và Nho giáo thể hiện rõ nét nhất trong điều 9 của tác phẩm này:

Hiếu kinh ghi: ‘Thân thể, tóc da nhận từ cha mẹ, không dám hủy hoại’. Lúc sắp mất, Tăng Tử bảo: ‘Mở tay ta ra, duỗi chân ta ra!’. Nay Sa-môn cắt tóc, phải chăng trái với lời của Thánh nhân, không hợp với đạo của người con hiếu?”.

Nho giáo cho rằng: Thân thể, tóc da là do cha mẹ ban cho, nhọc nhằn nuôi nấng, nên người con hiếu phải biết chăm sóc giữ gìn, không được hủy hoại hay để tổn thương. Thế nên, Tăng Tử biết mình sắp mất, bảo học trò: ‘Mở tay ta ra, duỗi chân ta ra!’, nghĩa là để lộ chân tay, biểu hiện cơ thể còn đầy đủ, nguyên vẹn, không trái với đạo hiếu. Vì vậy, thời đó ‘Sa-môn cắt tóc’, Nho giáo cho là vượt ngoài quy định lễ giáo của Thánh hiền, là trái với điều thiện.

Mâu Tử bác bỏ và quở trách: “Hủy báng Thánh hiền là bất nhân, bàn luận không đúng là bất trí. Bất nhân, bất trí thì lấy gì lập đức. Đức nếu không lập thì đó là hạng gian trá ngu muội. Luận bàn đâu phải dễ dàng như thế!”.

Để giải thích việc cắt tóc của các Tăng sĩ Phật giáo, Mâu Tử đưa ra ba trường hợp được các Thánh hiền thừa nhận.

Trường hợp thứ nhất, “Có người nước Tề đi thuyền qua sông. Người cha rơi xuống nước. Người con nắm tay xốc ngược đầu cha cho nước chảy ra miệng mà cứu sống được cha. Xốc ngược đầu cha thì còn bất hiếu nào lớn hơn? Nhưng vì bảo toàn thân thể của cha, nếu khoanh tay giữ đạo người con hiếu thì cha đã chết đuối rồi”. Ở trường hợp này, nếu người con một mực giữ hiếu đạo sẽ đưa đến hậu quả khó lường. Đạo hiếu như thế, tự thân đã mang nhiều hạn chế trong việc quy định lễ giáo.

Trường hợp thứ hai, việc “Thái Bá cắt tóc, vẽ mình, tự theo phong tục của nước Ngô, nước Việt, trái với nghĩa thân thể tóc da. Thế mà, Khổng Tử khen ngợi ông ta: Thái Bá đáng gọi là bậc chí đức vậy.” Rõ ràng Hiếu kinh đã mang tính mâu thuẫn qua nhân chứng thực tiễn là Thái Bá.

Trường hợp thứ ba, việc phá hoại một phần hay toàn phần thân thể: “Dự Nhượng nuốt than, sơn mình; Nhiếp Chính lột mặt, tự vẫn; Bá Cơ đạp lửa; Cao Hạnh hủy dung nhan”. Vậy mà “quân tử cho họ là dũng cảm và chết vì nghĩa, không nghe ai chê là tự hủy hoại”. Đến đây xem như quy định của Hiếu kinh đã “đánh mất hết mọi giá trị” [4, 411].

Kết thúc câu trả lời cho người chất vấn, Mâu Tử khẳng định: “Sa-môn cạo bỏ râu tóc, so với bốn người trên, đâu có cách xa”. Vậy có gì đáng để người đời chê trách và thắc mắc?

Lấy hiếu làm đầu trong nếp sống đạo đức và phẩm hạnh làm người, chương đầu của Hiếu kinh hết sức đề cao. Ngoài việc “thân thể, tóc da nhận từ cha mẹ không dám tổn thương là đứng đầu hạnh hiếu”, sau đó “lập thân hành đạo, nêu danh với đời sau để cha mẹ được rạng danh là cuối cùng của hạnh hiếu”, thì người con còn phải lập gia đình, sinh con để nối dõi tông đường. Quan điểm này được Mạnh Tử xiển dương mạnh mẽ qua câu: “Tội bất hiếu có ba điều, mà không con nối dõi là nặng nhất” [3, 1054]. Cho nên, không có gì ngạc nhiên khi Nho gia thắc mắc về vấn đề tu sĩ Phật giáo từ bỏ gia đình, sống không gia đình “sao trái với hạnh hiếu và phúc đức như thế?” (điều 10).

Mâu Tử lý giải: “Sa môn tu hành đạo đức để thay cho niềm vui thế tục, giữ tâm hiền thiện để thay cho lạc thú vợ con” (điều 10). Vì “vợ con, tài sản là vật thừa ở đời, giữ thân trong sạch vô vi là huyền diệu của đạo” (điều 10). Từ đó, Mâu Tử xác định quan điểm hiếu đạo trong Phật giáo rất rõ ràng qua điều 4: “Ở nhà có thể dùng thờ cha mẹ, làm chủ nước có thể dùng để trị dân, sống một mình có thể dùng để sửa thân”.

Quả thật, trên thế gian này, mang nợ ai, ta còn mong có ngày trả được, nhưng ơn cha nghĩa mẹ, ta không thể báo đáp cho cân, bởi đó là tim óc, máu lệ đổi  bằng mạng sống của người. Lần giở những trang sách Thánh hiền, ta không khỏi bùi ngùi xúc động về tấm lòng hiếu thảo của các hiền nhân. Đó là lòng hiếu thảo của vua Thuấn cảm động đến trời, Hán Văn đế nếm thuốc rồi dâng lên mẹ, Tử Lộ đội gạo thuê để lấy tiền phụng dưỡng mẹ cha, Đổng Vĩnh bán thân để lo tang lễ cho cha, Đinh Lan khắc tượng thờ cha mẹ, Vương Thôi nghe sấm khóc mộ… Những bậc Thánh hiền thời xưa xem nhẹ bản thân để phụng dưỡng cha mẹ. Quả thật hạnh hiếu được xem là thứ tình cảm thiêng liêng tuyệt đối!

Thế nên, bàn về đạo hiếu, Khổng Tử đặt nặng trách nhiệm của người con đối với cha mẹ qua năm điều:

  1.  Ngày thường ở với cha mẹ phải hết lòng cung kính.
  2. Phụng dưỡng thì phải làm cho cha mẹ vui.
  3. Lúc cha mẹ có bệnh phải tỏ lòng quan tâm lo lắng.
  4. Khi cha mẹ mất thì phải buồn rầu thương khóc.
  5. Lúc tế lễ thì phải tỏ vẻ trang nghiêm.

Làm tròn năm điều trên, mới gọi là thờ phụng cha mẹ vậy. [5]

Tuy nhiên đôi khi, giá trị trung hiếu tiết nghĩa ngày xưa của Nho giáo đã đưa con người trong nhiều trường hợp đến chỗ bế tắc hay kết thúc bằng các hình thức bi thương, như trường hợp Quách Cự chôn con nuôi mẹ, Ngô Mãnh để mặc cho muỗi hút máu…

Đối với Phật giáo, nói đến ân đức cao rộng sâu dày của cha mẹ, Đức Phật dạy:

“Có hai hạng người, này các Tỳ-kheo, Ta nói không thể trả ơn được. Thế nào là hai? Mẹ và Cha. Nếu một bên vai cõng mẹ, này các Tỳ-kheo, nếu một bên vai cõng cha, làm vậy suốt trăm năm cho đến 100 tuổi; nếu đấm bóp, thoa xức, tắm rửa, xoa gội, và dầu tại đấy, mẹ cha có vãi tiểu tiện, đại tiện, như vậy, này các Tỳ- kheo, cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ mẹ và cha. Hơn nữa, này các Tỳ-kheo, nếu có an trí cha mẹ vào quốc độ với tối thượng uy lực, trên quả đất lớn với bảy báu này, như vậy, này các Tỳ-kheo, cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ mẹ và cha. Vì cớ sao? Vì rằng, này các Tỳ-kheo, cha mẹ đã làm nhiều cho con cái, nuôi nấng, nuôi dưỡng chúng lớn, giới thiệu chúng vào đời này” [2, 119].

Sự hiện hữu của người con trên quả đất này là một niềm vui vô hạn, biểu hiện công lao to lớn vô ngần của mẹ cha mà người con không sao đáp đền trọn vẹn. Thế nên, ngoài cách báo đáp như kinh Thiện Sanh trình bày, người con phải có trách nhiệm khuyến hóa cha mẹ hướng tâm đến đạo giải thoát, giác ngộ.

Trên phương diện căn bản, Đức Phật dạy bổn phận người con phải luôn hiếu kính, phụng dưỡng cha mẹ qua năm điều như kinh Thiện Sanh ghi:

  1. Cung phụng hiếu dưỡng cha mẹ không để thiếu thốn.
  2. Phàm làm điều gì trước phải thưa cho cha mẹ biết.
  3. Cha mẹ làm điều gì mình phải kính thuận, không được chống báng.
  4. Không trái với việc làm của cha mẹ.
  5. Không ngăn cản việc lành của cha mẹ. [1, 567]

Tuy nhiên, đền đáp ơn nghĩa sinh thành, dưỡng dục bằng của cải vật chất, tiền của và lòng thương kính, Phật giáo quan niệm sự đền đáp ấy chưa đủ. Người con chí hiếu phải biết hướng dẫn cha mẹ có chánh kiến, chánh tín, trợ duyên cha mẹ hướng đến sự giải thoát, giác ngộ:

“Đối với mẹ cha không có lòng tin, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào lòng tin; đối với mẹ cha theo ác giới, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào thiện giới; đối với mẹ cha xan tham, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào bố thí; đối với mẹ cha theo ác trí tuệ, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào trí tuệ. Cho đến như vậy, này các Tỷ-kheo là làm đủ và trả ơn đủ mẹ và cha” [2, 119-120].

Đến đây, ta gợi nhớ lại hình ảnh cao quý của Đức Thế Tôn và chư vị Thánh tăng đã thể hiện tâm hiếu như là một hạnh nguyện tu tập giải thoát đối với tự thân và cha mẹ. Đó là hình ảnh: Đức Thế Tôn hóa độ cha mẹ đắc quả Thánh, hưởng phước trời; Tôn giả Mục-kiền- liên làm lễ Vu-lan bồn, cứu mẹ thoát kiếp ngạ quỷ; Tôn giả Xá-lợi-phất độ mẹ đắc quả Thánh rồi mới nhập Niết-bàn; Bồ-tát Địa Tạng phát đại nguyện cứu mẹ thoát khỏi ba đường ác…

Hơn bao giờ hết, xưa cũng như nay, dù cha mẹ còn hay đã khuất, dù ở cương vị nào, người con hiếu vẫn luôn quý kính mẹ cha. Từ tâm hiếu ấy, tình người được giáo dục và phát triển, cũng từ tình người ấy mà có tình thương yêu nhân loại và tất cả chúng sanh.

Như vậy, “Hiếu” là nền tảng căn bản của đạo làm người, là nhân tố quyết định để hình thành lòng nhân của người quân tử, mẫu người lý tưởng của Nho giáo.

Việc tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ đều bắt đầu từ đức tính cao đẹp của con người. Đức tính ấy không gì khác hơn là hạnh hiếu.

Với đạo Phật, tinh thần hiếu hạnh không chỉ giới hạn đơn thuần như thế gian và cũng không gò bó khuôn mẫu như Nho giáo. Chữ hiếu theo đạo Phật có tầm nhìn xa hơn, vì nó không chỉ dạy con người đền trả công ơn cha mẹ đầy đủ về vật chất và tinh thần mà còn hướng cha mẹ đến con đường giải thoát ra khỏi vòng sinh tử luân hồi, đoạn tận mọi khổ đau ngay trong đời sống hiện tại và mãi mãi về sau. Hãy làm tròn bổn phận của người con hiếu theo tinh thần Phật giáo. Có như thế mới mong đền đáp ân đức lớn lao của hai đấng sanh thành một cách đầy đủ và trọn vẹn. Đây chính là điểm khác biệt căn bản về chữ hiếu giữa Phật giáo và Nho giáo. 

T ÀI LIỆU THAM KHẢ O

  1. Kinh Trường A-hàm (1991), tập I, (Viện Cao đẳng Phật học Huệ Nghiêm dịch), Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành.
  2. Kinh Tăng Chi Bộ (1996), tập I, (Hòa thượng Thích Minh Châu dịch), Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành.
  3. Chu Hy (1999), Tứ thư tập chú, (Nguyễn Đức Lân dịch và chú giải), Nxb Văn Hóa Thông Tin, Hà Nội.
  4. Lê Mạnh Thát (2008), Nghiên cứu về Mâu Tử, NxbVăn Hóa Sài Gòn.
  1. Đức Khổng Tử dạy về chữ hiếu, tham khảo tại:http://www.thegioivohinh.com/diendan/showthread. php?t=21993
  2. Mâu Tử Lý hoặc luận, Hoằng Minh tập, quyển 1, Đại Chính tân tu Đại tạng kinh (牟子理惑論, 《弘明集》卷1, 大正新修大藏經, T52, No. 2102.

Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 18 Vu Lan

 

vanhoaphatgiaoblog.com

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here