Trang chủ Sáng tác - Nghệ thuật Quà tặng bất ngờ…

Quà tặng bất ngờ…

141
0

Trong khi chờ Lan đưa xe vào, chị nhìn vơ vẩn chung quanh. Một ngòi nước nhỏ men theo chân một hòn giả sơn phủ cỏ Nhật xanh um, những phiến đá xám rải rác đây đó, những chụp đèn bằng đất nung màu đỏ tía trên lối đi, những chậu kiểng đủ loại hiện ra một cách bất chợt từ các góc của khu vườn tạo một khoảng xanh dìu dịu đẩy lùi cái nắng tháng sáu đỏ lửa ra phía ngoài kia. Một mành tre, mắt thưa, buộc sơ sài, quấn quýt những đọt non tơ, lá xanh lục chen giữa những chùm hoa vàng đong đưa. Trông nó mộc mạc quá dường như chẳng ăn nhập gì vơi vẻ hiện đại của ngôi nhà nhưng chị lại thấy rất quen thuộc, chị vốn yêu hoa vàng mà. Khu vườn dược sắp xếp một cách ngẫu hứng mà tinh tế…

Lan đưa chị theo cầu thang trước mặt để lên phòng khách. Toàn ngồi một mình trên ghế xa lông. Thấy chị anh đứng dậy. Dễ chừng có đến cả năm hai người mới gặp lại nhau sau lần giáp năm ba mẹ chồng. “Em đi lấy nước” Lan bảo vậy, cô nhanh nhẹn đi vào trong. Chị ngồi xuống chiếc ghế trước mặt Toàn. Một khoảng yên lặng, không ai mở lời trước. Trông Toàn mệt mỏi quá! Đầu tóc bù xù, hai bên thái dương lấm tấm bạc, đôi mắt lờ đờ đỏ ngầu vì thiếu ngủ, hai vai rủ xuống. Cố giấu vẻ lung túng anh mở lời: “Cảm ơn em đã đến đây… Anh sợ làm phiền em… Nhưng vì Yến năn nỉ quá… Cô ấy muốn vậy…”

Toàn bỏ lửng câu nói. Chị không biết trả lời làm sao. Toàn lịch sự đến độ khách sáo khiến chị chạnh lòng. Cái lịch sự làm chị có cảm giác mình bị đánh bật ra khỏi cuộc đời anh và biến mất chẳng còn để lại một dấu vết gì! Chừng như giữa họ không hề có khoảng thời gian tám năm vừa yêu nhau vừa là vợ chồng! Vậy mà ngày xưa anh ấy là tất cả của chị…

Có một ai đó để yêu thương là một điều hạnh phúc. Chị cảm thấy như thế khi yêu và làm vợ Toàn. Có bao nhiêu tình thương có được chị trút hết cho anh. Mẹ mất từ khi chị còn bé. Trong những giấc mơ chị vẫn sống lại cảm giác hạnh phúc và an toàn khi được úp mặt vào ngực bà, cọ má vào tấm áo cánh lụa mỡ gà mát rười rượi, hít lấy mùi thơm từ da thịt quyện lấy mùi long não, bàn tay nghịch nghịch những món tóc đen, dày như bóng đêm của bà lòa xòa trên gối. Cảm giác ấy sống động đến từng chi tiết tưởng như mới vừa hôm qua hôm nay thôi, và khi thức dậy thấy chỉ còn lại một mình chị bật lên nức nở…. Ngoài cảm giác ấy ra, tất cả những kỷ niệm về bà bị đẩy lùi vào một nơi nào đó trong tận cùng của ký ức sâu thẳm, chị cố nhớ thì cứ như là người đi trong đám sa mù, càng cố tìm càng chẳng thấy.

Sau khi mẹ mất chị về ở với ông bà ngoại. Bố chuyển công tác sang tỉnh khác và một thời gian sau thì tái hôn. Bố làm đủ nhiệm vụ của một người cha, còn ông bà ngoại cũng dồn hết tình thương cho đứa cháu nhỏ mất mẹ. Thế nhưng chị vẫn là khách khi về thăm gia đình mới của bố. Chị cảm thấy mình thiếu một gia đình. Phải có bố, có mẹ, có anh chị em mới thành một gia đình đươc chứ! Nhiều khi chị ao ước điều đó đến rung động cả người.

Việc Toàn xuất hiện trong đời chị, quãng đời hai người yêu nhau và những năm đầu chung sống là thời gian hạnh phúc. Khi chị có thai đứa con đầu, lòng cứ lâng lâng. Vật chất hồi ấy thiếu thốn lắm nhưng nào có hề chi. Mọi cái còn ở phía trước… Biết bao dự định… biết bao nhiêu là mơ ước….

Rồi chị sẩy thai, một bé gái sáu tháng tuổi. Chị không nhìn thấy nó được nhưng chắc là rất xinh. Bị biến chứng phải phẫu thuật, chị mất khả năng làm mẹ vĩnh viễn. Định mệnh đã giáng vào anh chị một đòn chí mạng. Chị gượng dậy được là nhờ sự an ủi và tình yêu của Toàn. Anh thường nói: “Em thấy, bên Tây, bên Nhật người ta đâu cần có con. Thậm chí người ta cũng không muốn lập gia đình nữa. Sau này, nếu em muốn, chúng ta có thể xin con nuôi. Còn không, đem con của chú Hải về một đứa để nuôi, chú ấy đang khó khăn”

Chị cố tin những điều anh nói là thực lòng nhưng chị cũng đủ thông minh để thấy được trong những lần họp mặt bạn bè cùng khóa, nhìn những bạn đồng lứa bồng bế con đi theo, than thở vì sự vất vả bận rộn, nụ cười buồn và nỗi khao khát hiện rõ trong mắt anh. Chị cũng đủ tinh ý để thấy những lúc rãnh rỗi anh hay mở cửa vườn nhà cho lũ trẻ hàng xóm vào chơi, anh cười đùa hồn nhiên trước những trò nghịch ngợm phá quậy của tụi nhỏ. Anh yêu trẻ con lắm! Dù không muốn chị cũng phải thừa nhận điều ấy.

Vợ chồng sống với nhau mà không có trẻ con nó lạnh lẽo và trống trải thế nào. Toàn vẫn chu đáo, tế nhị. Tánh anh vốn thế. Nhưng chị vẫn lờ mờ thấy quan hệ qiữa hai người có cái gì đó khang khác, một cặp vợ chồng như người ta thường bảo có êm mà không ấm. May thay công việc làm ăn của công ty Toàn mỗi ngày một phát triển, anh bận rộn công tác luôn, chị cũng mừng. Thú thật, lắm lúc chị sợ đối diện một mình với Toàn trong ngôi nhà im ắng vắng tiếng trẻ con. Những lúc như thế chị cảm thấy mình có lỗi về sự thiệt thòi mà anh phải chịu đựng. Cho đến một ngày…

Một người bạn học cũ của chị từ nước ngoài về thăm. Chị đưa đến thăm một người bạn khác rồi cả ba cùng đi ăn trong một quán đặc sản. Khách không đông, chị lại ngồi ngay cửa ra vào nên khi anh xuất hiện cùng với một người phụ nữ trẻ, mọi người đều thấy. Một thoáng lúng túng, nhưng anh đã vội trấn tĩnh đi đến bàn của chị. Sau khi chào hỏi hai người bạn kia anh giới thiệu: “Đây là Yến, thư ký của anh. Tụi anh vừa đi gặp đối tác, trên đường về nhân thể ghé qua dùng bữa trưa.” Cô gái còn trẻ, không hề bối rối, nhìn thẳng chào chị một cách tự tin. Trong tích tắc hai người đàn bà ngầm đánh giá nhau. Chị cảm thấy mình thua sút về mọi mặt.

Sau lần ấy về nhà, chị không hề cật vấn về cuộc gặp gỡ hôm đó. Anh cũng không giải thích thêm để làm chị yên lòng. (Lý do anh đưa ra đã rõ quá rồi còn gì, chị chua chát nghĩ như thế!). Giá như ở hoàn cảnh khác chị đã chất vấn, thậm chí ghen tuông, cãi cọ ầm ĩ cả lên như những người vợ khác vì họ có quyền làm thế để bảo vệ hạnh phúc gia đình. Mặc cảm bọc ngoài bằng thái độ bất cần đầy tự trọng. Càng tế nhị họ càng bị đẩy ra xa nhau hơn. Rồi việc gì đến phải đến…

Khoảng một năm sau ngày gặp nhau lần đầu tiên ấy Yến đến nhà chị nhân một chuyến công tác dài ngày của anh. Cô báo cho chị biết cô đã có thai mấy tháng. Lần đầu tiên chị nhìn kỹ Yến. Đó là một cô gái trẻ khá xinh, có học thức, mạnh dạn, tự tin. Cô ta thua chị khoảng mười tuổi. Cô thuộc tuýp phụ nữ mới, năng động, biết tận dụng ưu thế của mình để đạt được mục đích. Yến nói và chị ngồi nghe. Chị thấy mình bình tĩnh một cách lạ lùng, không ngạc nhiên quá, có lẽ chị đã tiên đoán điều này thế nào cũng xảy ra, không oán thù, giận dữ, cãi cọ, sỉ nhục lẫn nhau.

Thế cô đến đây anh Toàn có biết không?

– Không, anh ấy không biết. Anh ấy còn yêu chị, trọng tình nghĩa và cả nể. Em giúp anh ấy quyết định điều có lợi cho anh ấy

Chị nghĩ có chút mỉa mai “đúng là giọng điệu của thư ký riêng” nhưng trong thâm tâm chị phải thừa nhận cô ấy nói đúng.

– Tôi hỏi thật, cô trẻ, đẹp, có học thức, không phải là người ế ẩm gì mà Toàn lại lớn tuổi. Cô có yêu anh ấy không?

Không cảm thấy xúc phạm vì câu hỏi, cô ta nhìn vào mắt chị thẳng thắn, tự tin mà không ngạo nghễ, khiến chị dù không thích vẫn ngầm thán phục người đối diện mình.

Không biết có bằng chị không nhưng em yêu anh ấy thật lòng.

Chị đưa cô ra cửa lịch sự như tiễn một người bạn. Yến đi trước, chị theo sau. Cái dáng cao dong dỏng với vóc người thon, chắc. Chiếc quần jean ôm lấy đôi chân thuôn, cái áo cánh trắng cổ viền ren giản dị mà thanh thoát. Bất thình lình Yến quay lại nhìn vào mắt chị: “Em biết chị là người tốt nhưng giữa chị và em anh Toàn phải chọn một”.

Cuộc ly hôn tiến hành chóng vánh. Tự chị đứng ra chủ động và nhận lấy trách nhiệm về mình. Từ trong thâm tâm chị cũng muốn làm một điều gì đó, tránh cho anh những ân hận và dằn vặt về sau.

Anh dọn ra thuê nhà ở riêng, chị vẫn ở ngôi nhà cũ mà hai vợ chồng mua được khi bắt đầu lập nghiệp. Đó là một ngôi nhà nhỏ nhưng khu vườn thân quen, yên tĩnh. Thật sự chị cũng đau lòng và chới với nếu nó bị bán đi. Bỗng chốc chị bị trả về cuộc sống độc thân bất đắc dĩ cứ như con thuyền bị dứt khỏi neo của bến đợi, dập dềnh, mất phương hướng. Chị gắng sức gượng dậy và tổ chức lại cuộc sống của mình. Ngoài thời gian đi dạy chị đọc sách, làm vườn và theo một số chị bạn lớn tuổi đi làm từ thiện…. Thời gian trôi qua… mọi việc lắng xuống… Có được khoảng cách thích hợp để con người bình tâm nhìn lại vấn đề. Hóa ra là chẳng có gì trầm trọng quá như chị đã từng nghĩ. Chị thấy bây giờ mình đằm hơn, không vui náo nức mà cũng chẳng buồn đến độ ủ ê, không kỳ vọng mơ ước xa vời mà chắt chiu từng niềm vui nhỏ. Chị nhớ có lần tình cờ trú chân dưới mái hiên của trường mù Nguyễn Đình Chiểu nhìn các em tắm mưa. Lũ nhỏ đùa nghịch té nước vào nhau, dang tay và ngửa nét mặt hân hoan để đón những hạt mưa dông đầu mùa, tiếng cười trong vắt, giòn tan. Thì ra vẻ đẹp của cơn mưa đâu phải được nhìn bằng khoảng tối mênh mông của đôi mắt mà bằng sự tỏa sáng của tâm hồn. Trong đau khổ tuyệt vọng chị đã chết và đã được tái sinh. Chị đã trở thành một con người khác

-“Em uống nước đi” Toàn vừa nói vừa đẩy ly nước cam đến trước mặt chị. Chị giật mình và rời mắt khỏi khoảng sân đầy bóng nắng. Chị nhìn thoáng mặt trong ngôi nhà, trang nhã mà sang trọng, màu sắc, thiết kế nội thất hài hòa biểu lộ cái gu và sự thành đạt của chủ nhân. Chị buộc miệng khen: “Nhà đẹp quá!” Hình như lời khen của chị làm anh áy náy. Có lẽ anh nhớ đến ngôi nhà nhỏ tuềnh toàng của anh chị trước kia. Chị đọc được suy nghĩ của anh và trách mình về sự vô ý. Từ lâu chị đã thôi không còn thói quen so sánh và luôn cố gắng để chế ngự cảm xúc của mình. Vừa đúng Lan quay ra: “Em đưa chị vào thăm chị Yến”.

Phòng ngủ rộng, nhiều cửa sổ lớn, ánh sáng dịu hẳn nhờ những tấm rèm màu trắng sữa buông xuống đến tận sàn nhà. Chị từ từ đi đến chiếc ghế đặt cạnh giường và khi nhìn thấy người nằm trên đó tim chị thắt lại như có bàn tay ai đó siết mạnh. Cả một đống chăn, gối, đệm màu sắc sáng tươi, hòa hợp với vẻ hiện đại, sang trọng của căn phòng làm nổi bật cái quắt queo của thân hình nằm trên ấy mặc dù đã được che kín bằng một tấm ra mỏng. Thú thật chị không còn nhận ra Yến. Làm sao một người lại có thể thay đổi đến nhường ấy! Chị nhớ tấm thân mảnh dẻ nhưng căng đầy của cô gái trong bộ váy áo màu beige, mái tóc vàng duỗi thẳng óng mượt làm tôn nước da trắng hồng một cách tự nhiên không chút tì vết khi lần đầu tiên gặp cô ở tiệm ăn. Chị nhớ vẻ tự tin và sức sống tràn đầy của cô khi lần thứ hai đến nhà chị. Yến nằm đó, mái tóc thưa loăn xoăn, lòa xòa trên gối đôi chỗ trơ cả mảng da đầu, nước da vàng ệch, lưỡng quyền nhô cao, đôi môi khô nứt nẻ, vành lông tơ trên mép sẫm màu hơn khiến cho khuôn mặt có cái gì đó rất lạ. Hai cánh tay thò ra ngoài chiếc áo ngủ, gầy đét, lộ cả xương khuỷu tay và bàn tay với những đường gân xanh nổi cộm chằng chịt. Cô ta ra dấu chào chị bằng mắt, Lan tế nhị đi ra để hai người đàn bà ở lại nói chuyện với nhau.

Yến thở khò khè, ngực nhấp nhô lên xuống một cách mệt nhọc. Chị cố gắng che giấu xúc cảm của mình nhiều chừng nào tốt chừng ấy, còn ngôn ngữ thì bất lực. Thân mật hẳn nhiên là không, còn thăm hỏi xã giao thông thường cũng chẳng làm được. Như những lần trước gặp nhau, bao giờ cô gái này vẫn ở thế chủ động. Yến thều thào, hơi thở rin rít qua cổ họng bóp méo âm thanh nghe rất khó: “Em xin lỗi chị”. Chị không biết cô xin lỗi chị về chuyện cũ hay vì đã đường đột mời chị đến đây mà không nói trước lý do. “Không sao, cô đừng nói nhiều mà mệt”. Yến ngừng một chút để lấy lại sức rồi nói một mạch những điều mà dường như cô đã cân nhắc kỹ, giọng đã rõ hơn, rành rọt từng tiếng: “Em xin lỗi chị về tất cả… Em muốn gởi cháu Vàng Anh cho chị… Em biết thế nào anh Toàn cũng có vợ khác… Em hiểu thế nào là mẹ ghẻ con chồng… Em không còn nhiều thời gian… Xin chị giúp em…”.

Chị không lường trước sự việc đang xảy ra bỗng dưng mình đẩy vào tình thế lạ kỳ và ngỡ ngàng trước lời đề nghị của Yến.

“Cố gắng tĩnh dưỡng đi. Cô đừng nói gỡ như thế.”

– Không… Em…

Yến ngừng nói khi có tiếng chân người đi vào phòng. Một cô bé khoảng ba, bốn tuổi bồng một chú gấu bông nhỏ đi trước, Lan theo sau. Con bé mặc một chiếc váy bông màu hồng nhạt phủ một lớp ren, cổ đeo một vòng ngọc trai nhỏ xíu. Hai bím tóc vàng tơ được buột bằng ruy băng hồng cong vút như hai chiếc sừng nhỏ. Trông cô bé rất điệu có lẽ người ta muốn làm vui lòng mẹ nó. Lan đẩy cô bé đến trước mặt chị và bảo: “Con chào mẹ đi.” Con bé ngơ ngác bối rối nhìn chị. Chị là người lạ mà! Đây là lần đầu tiên chị gặp nó. Con bé rất xinh, mơn mởn như mầm cây còn đầy lông tơ. Nó giống cả Toàn lẫn Yến, một sự pha trộn hài hòa tuyệt vời đến độ lần đầu tiên thấy nó lòng chị bỗng nảy sinh tình âu yếm.

Con bé xoay sang mẹ nó. Yến làm một cử chỉ cố gắng xoay người, đưa tay lên hướng về phía con bé. Sinh lực còn lại và bão tố trong lòng đều dồn tụ vào đôi mắt. Đó là tình âu yếm và lòng xót thương. Đó là nỗi bất lực và sự chống trả một cách tuyệt vọng số phận cay nghiệt. Đó là niềm luyến tiếc và nỗi lo âu. Đó là sự hoảng loạn của con người trong giây phút chênh vênh giữa hai bờ vực. Ngực Yến phập phồng, cô nấc lên, một dòng nước mắt rỉ ra chảy dài xuống hai má hõm sâu, gương mặt của cô biến dạng khủng khiếp. Đó không phải là mặt người, đó là nỗi khổ! Thấy mẹ như thế con bé mếu máo chực khóc. Cả bốn người trong căn phòng này đều muốn khóc. Chị vội bảo Lan: “Cô đưa cháu ra đi.”

Yến đau đáu nhìn theo con bé, cô tiếp tục nức nở, đôi vai gầy rung động. Chao ôi! Chưa bao giờ chị thấy đôi mắt nào da diết đến thế! Bỗng chốc chị thấy con bé là bóng dáng của mình mấy chục năm về trước. Và mẹ, chị hiểu bà đã trãi qua những giây phút đớn đau như thế nào! Cổ họng chị nghẹn lại, nước mắt tràn mi. Như được tiếp thêm sức mạnh, chị nắm lấy bàn tay Yến, bàn tay lục cục những xương, lạnh và nhớp nháp mồ hôi như truyền vào đó chút sinh lực. Chị nhìn thẳng vào đôi mắt hoảng loạn, nhòe nhoẹt nước mắt của người mẹ khốn khổ với tấm lòng tràn đầy bi mẫn: “Nếu như cô thực sự muốn vậy, tôi sẽ làm theo ý cô. Tôi hứa chắc như thế. Cô an tâm.”

Yến bật khóc thành tiếng, hai vai rung rung. Chị cũng khóc. Nước mắt của hai người đàn bà hòa vào nhau. Trong cái ngày lạ lùng chị đã trãi qua những cực điểm đối nghịch của cảm xúc, vừa mênh mang buồn vừa lâng lâng hạnh phúc. Nỗi khổ cũng là biển và tình yêu thương cũng là biển. Chị đã yêu, yêu thực lòng con người chị tưởng không thể nào yêu được. Chị đã đau nỗi đau của một con người mà chị đã từng thù ghét. Hai người đàn bà đã chia rẽ vì một người đàn ông và cũng chính họ đã liên kết lại với nhau bởi một đứa trẻ. Mà nào có phải chỉ là đứa trẻ, họ liên kết lại với nhau trong nỗi khổ chung của thân phận con người. Và chị, một người đàn bà bất hạnh, một con người bị số phận buộc vào cái tuổi Canh như người ta vẫn thường bảo canh cô mồ quả, thiếu tình thương của cha mẹ, không chồng, không con như một sự diệu kỳ nhận được một quà tặng bất ngờ từ trên trời rơi xuống.


L.T.C.T

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here