Theo tinh thần Phật giáo Đại thừa với quan niệm rằng, bất cứ việc làm nào của hàng đệ tử Phật cũng đều vì lợi ích cho mọi người, vì an lạc cho số đông, và ngày nay với tinh thần đó đã được mọi người dễ dàng tiếp nhận và áp dụng trong cuộc sống. Sự thấm nhuần giáo lý Phật pháp này đã được thể hiện qua câu ca dao của người Việt Nam: “Xây chùa, tô tượng, đúc chuông. Trong ba việc ấy phước duyên muôn đời”.
Thật vậy, ngày nay chúng ta thấy rõ chùa chiền là nơi ký thác tâm linh của đại đa số người dân Việt Nam khi họ còn sống cũng như lúc đã qua đời, cho nên nhà thơ Huyền Không đã nói lên tinh thần ấy qua hai câu thơ làm xúc động lòng người:
Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tông.
Ngôi chùa là cơ sở vật chất, nhưng cũng là nơi che chở những tâm hồn trong sáng cho mọi người và thể hiện đạo đức của dân tộc ta, đồng thời hình bóng ngôi chùa từ ngàn xưa đến nay đã trở thành nét đẹp truyền thống văn hóa của người dân Việt, là nơi thanh tịnh để mọi người ký thác tâm sự. Chính vì những ảnh hưởng tốt đẹp này mà thực tế cho thấy, người nào gặp khó khăn phiền muộn, họ thường tìm đến ngôi chùa để tiếp nhận sự thanh thản để giúp họ có thể vững bước vượt qua những khó khăn nghịch cảnh.
Việc thứ hai là tô tượng, chủ yếu là tượng Phật và tượng Bồ tát. Những hình tượng giải thoát của các Ngài rất đa dạng, đều thể hiện những mẫu người đạo đức thánh thiện, làm lợi ích cho nhiều người, nêu gương sáng cho đời qua nhiều thế hệ. Các tôn tượng Phật và Bồ tát tiêu biểu cho Từ bi, Trí tuệ, giải thoát luôn tác động cho người chiêm bái, lễ lạy cảm nhận sự an lành và hướng tâm về những hạnh nguyện xả kỷ vị tha, làm lợi ích cho cuộc đời. Điển hình như Bồ tát Quán Âm, Bồ tát Quảng Đức là những biểu tượng của tình thương trong sáng cao tột, của trí tuệ vô cùng, của vô số việc làm vì nhân sinh… khiến cho người phát tâm học theo hạnh đức của các Ngài, đi theo dấu chân giải thoát của các Ngài.
Việc thứ ba là đúc chuông, tuy tiếng chuông không phát ra thành lời nói, nhưng có thể chuyển tải được âm thanh vi diệu của Phật pháp. Vì vậy, khi tiếng chuông chùa ngân vang, người ta thường cảm thấy như nghe được pháp Phật đi thẳng vào lòng người, làm cho họ vơi đi những khổ đau phiền muộn, từ đó lòng người trở nên nhẹ nhàng, thanh thản và lần sống theo lời Phật dạy, chuyển hóa cuộc sống có ý nghĩa hơn.
Tiếng chuông chùa còn là một pháp khí thiêng liêng trong lòng người con Phật, ngoài việc báo hiệu cho đồng bào Phật tử biết những giờ phút nhà chùa thực hiện những nghi lễ thuần túy Phật giáo, tiếng chuông còn có một công năng mầu nhiệm khác nữa là thức tỉnh lòng người đang lang thang trong dòng đời dâu bể và đặc biệt là, tiếng chuông có thể khiến cho những chúng sanh đang đau khổ trong cảnh giới địa ngục được nhẹ nhàn siêu thoát.
Nên đã là chùa thì phải có chuông, bởi chuông hay là Đại hồng chung đã trở thành một pháp khí của nhà chùa có ý nghĩa và sức lan tỏa rất lớn đến đời sống tâm linh của mọi người. Bởi theo như ý nghĩa của tiếng chuông chùa có thể thấu đến cõi địa ngục u ám, chúng sanh nào bị đọa nơi địa ngục nhờ nghe tiếng chuông này liền được giải thoát.
Nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng cũng như sự nhiệm mầu thiêng liêng của ngôi chùa và của tiếng chuông chùa đồng vọng hôm sớm. Trong thời gian qua Chùa Chơn An-Vạn Phật tháp đã vận động quý thiện nam tín nữ Phật tử xa gần phát tâm cúng dường tịnh tài để chú tạo một đại hồng chung có trọng lượng 800kg, với kinh phí dự kiến là 290 triệu đồng.
Trong những năm qua, Chùa Chơn An-Vạn Phật tháp đã cố gắng hết sức mình để xây dựng nên một Ngôi bảo tháp thờ Thất Phật, hai ngôi nhà để thờ Phật và chỗ ăn ở tu học của Tăng chúng. Sau lễ chú tạo Đại Hồng chung, chúng tôi tiếp tục vận động xây dựng ngôi điện thờ Bồ tát Quán Thế âm đồng thời cũng là nơi tôn trí quả Đại hồng chung nầy. Tiếp theo đó, chúng tôi sẽ vận động xây dựng ngôi chánh điện chính thức…
Kính mong Chư Liệt Quý Vị, hãy vì sự trường tồn của đạo pháp và dân tộc, cũng như sự lợi ích trong việc cầu an cho bản thân và gia quyến, cầu siêu cho người thân của mình đã khuất, mà tùy duyên phát tâm ủng hộ trợ duyên, đóng góp để Phật sự xây dựng chùa Chơn An-Van Phật tháp sớm hoàn thành như sở nguyện mà sinh thời cố Hòa thượng Thích Chánh Liêm đã hằng ấp ủ nơi đây sẽ trở thành một ngôi phạm vũ huy hoàng cho hàng Tăng, Ni Phật tử đảnh lễ, chiếm bái, tu học cầu giải thoát giác ngộ.
Để Phật sự trọng đại này sớm được hoàn thành theo sở nguyện, rất mong nhận được sự gia trì của chư tôn đức Tăng ni và sự phát tâm hỷ cúng của đồng bào Phật tử gần xa.
(trích diễn từ lễ chú tạo đại hồng chung chùa Chơn An, Tp. Đông Hà, Quảng Trị)