Trang chủ Phật học Phước đức của việc hiếu dưỡng cha mẹ

Phước đức của việc hiếu dưỡng cha mẹ

140
0

Trong kinh Đại Thừa Bản Sanh Tâm Địa Quán, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã từng nói đến công ơn của cha mẹ như sau:

“Này thiện nam tử! Ân đức của cha mẹ như vầy: cha có ân Từ, mẹ có ân Bi. Đối với ân Bi của mẹ, dù ta có giảng nói suốt đời cũng không thể kể hết. Nay ta vì ông mà tuyên nói một đôi lời. Giả sử có người vì cầu phước đức mà cung kính cúng dường một trăm vị đại Bà-la-môn tịnh hạnh, một trăm vị đại thần tiên ngũ thông, một trăm vị thiện hữu tri thức, trong nhà chứa đầy đồ bảy báu thượng diệu, dùng trăm ngàn loại thức ăn ngon, rũ những chuỗi anh lạc, các y phục quý báu, dùng gỗ trầm hương chiên đàn làm nhà, hàng trăm thứ vải quý trải giường nằm, hàng trăm loại thuốc thang chữa trị các bệnh, suốt trăm kiếp ngàn đời nhất tâm cúng dường như vậy cũng không bằng một niệm nhớ nghĩ đến điều hiếu thuận. Dù chỉ dùng một ít vật thực, nhưng lại hết lòng chăm sóc phụng dưỡng mẫu thân thì công đức này so với công đức trước đó lớn hơn trăm ngàn vạn lần, không thể so sánh suy lường được”.

Như chúng ta biết, phước báo của việc cúng dường các bậc đức hạnh là rất lớn. Và trong đoạn kinh trên, Đức Phật đã liệt kê ra các vị như Bà-la-môn tịnh hạnh, thần tiên, thiện hữu tri thức…, nhưng công đức phước báo của việc cúng dường các vị ấy so với tâm hiếu thuận đối với cha mẹ vẫn còn kém xa.

Ở đời, lòng mẹ thương con không gì sánh bằng. Ân đức của mẹ đối với con kể từ khi con chưa thành hình. Suốt mười tháng thai mang, kể từ khi thọ thai đến ngày sinh nở, đi đứng nằm ngồi mẹ phải chịu biết bao khổ não không thể nào kể hết. Việc ăn uống, y phục mẹ không còn tâm trí nào nghĩ đến, trong lòng luôn lo lắng bồn chồn, nhất là sắp đến ngày sinh nở, vì vậy mà ngày đêm âu sầu khổ não. Đến lúc sinh nở thì lại đau đớn như trăm ngàn lưỡi dao đâm vào cơ thể, lại còn lo gặp chuyện chẳng lành không bảo toàn tính mạng. Nếu may mắn không gặp các tai ách khổ nạn thì bà con quyến thuộc vui mừng khôn xiếc, như bần nữ gặp được ngọc như ý. Khi con cất tiếng khóc chào đời, người mẹ cảm thấy như tiếng nhạc vi diệu, ôm con vào lòng chở che, vui mừng vô bờ, tình thương của mẹ trào dâng như dòng suối cam lồ bất tận. Ân đức của mẹ nuôi ta khôn lớn vời vợi như trời cao, tình thương của mẹ bao la như biển cả. Cao nhất thế gian không gì sánh bằng núi Nhạc, ân đức của mẹ lại vòi vọi như núi Tu-di; nặng nhất thế gian không gì sánh bằng quả đất, tình thương của mẹ lại nặng gấp muôn phần.

Vì sao Đức Phật nói chúng ta chịu ân của mẹ như vậy là rất lớn? Vì người mẹ từ khi thọ thai, suốt mười tháng thai mang cho đến ngày sinh nở, nuôi nấng, cho bú, bồng bế, yêu thương…, những ân tình ấy đối với chúng ta là rất sâu nặng. Ân này còn nặng hơn cả núi Nhạc và đại địa.

“Nếu có người nam hay nữ nào trái ân không hiếu thuận, khiến cho cha mẹ sanh tâm oán giận, và một khi người mẹ phát ra lời nói cay nghiệt, con cái nhất định theo đó sẽ bị đoạ lạc, hoặc rơi vào địa ngục, ngạ quỷ hoặc súc sanh. Nhanh nhất của thế gian không gì hơn gió mạnh, tốc độ của oán niệm lại nhanh hơn rất nhiều. Dù là Như Lai, Kim Cang thần, Thiên vương hay các vị tiên nhơn chứng quả ngũ thông cũng không thể cứu giúp. Nếu người nam hay người nữ nào biết vâng theo lời dạy của mẹ, hiếu thuận không trái nghịch, tất sẽ được chư thiên bảo hộ, phước lạc không cùng tận. Và những người đó chắc chắn sẽ được loài trời và loài người tôn quý, vì họ chính là những vị Bồ-tát hiện thân hóa độ chúng sanh, hiện làm thân nam hoặc nữ để nhiêu ích cho cha mẹ”.

Theo đó, nếu có người con nào ngỗ nghịch, bất hiếu khiến cho cha mẹ sanh tâm oán hận, và khi tâm oán hận của cha mẹ vừa mới phát khởi, đó chính là đầu mối dẫn dắt chúng ta đoạ vào địa ngục, hoặc rơi vào ác đạo ngạ quỷ, súc sanh. Quả báo này đến rất nhanh, so với cuồng phong ở thế gian còn nhanh hơn rất nhiều. Dù là Phật, Kim Cang thần hay trời, tiên đều không thể xoay chuyển được. Nếu người con nào luôn thuận thảo với cha mẹ, làm cho cha mẹ an vui, tất sẽ được chư thiên bảo hộ, phước lạc không cùng. Người như vậy chính là ngang hàng với chư thiên hoặc Bồ-tát chuyển thế, hiện thân ở đời để làm lợi ích cho cha mẹ.

“Nếu người nam hay người nữ nào, vì báo ân cha mẹ mà trải qua một kiếp, mỗi ngày ba thời tự cắt thân mình để nuôi dưỡng cha mẹ cũng vẫn chưa thể báo đáp được ân đức một ngày của cha mẹ. Vì sao vậy? Vì tất cả những người nam, người nữ này từ khi con nằm trong thai đã được nuôi dưỡng bằng chính nguồn sữa máu huyết của mẹ. Đến khi chào đời, lúc còn thơ ấu, lại được bú mớm dòng sữa của mẹ, tính ra hết cả một trăm tám mươi hộc. Có được thức ăn ngon mẹ đều dành trước cho con, áo quần quý đẹp cũng lại như vậy. Dù đứa con có ngu si bỉ lậu thế nào, tình yêu thương của mẹ cũng không khác. Xưa có một người phụ nữ đi xa đến nước khác, bế đứa con mới sinh vượt sông Căng-già, gặp lúc nước sông dâng lên đột ngột, bị nước cuốn trôi, nhưng vì tình yêu thương mà người mẹ vẫn ôm ghì con vào lòng, cả hai mẹ con đều chết chìm theo dòng nước. Do sức mạnh của từ tâm và căn lành này, người mẹ sau đó liền được sanh lên cõi trời Sắc Cứu Cánh, làm Đại Phạm Vương”.

Tình thương của mẹ theo con đi suốt cuộc đời. Kể từ khi nằm trong bào thai cho đến lúc trưởng thành, chúng ta được được nuôi dưỡng biết bao nguồn sữa của mẹ, đón nhận biết bao sự chăm sóc chở che của mẹ. Bất luận chúng ta xinh đẹp hay xấu xí, tình thương của mẹ đối với con vẫn như nhau. Ân tình này thật khó để báo đáp trọn vẹn. Đã từng có người phụ nữ như vậy, bế con của mình đi xa đến nước khác, lúc vượt qua sông, nước sông dâng lên đột ngột, không có cách nào vượt qua. Vì thương con nên người mẹ ôm chặt con vào lòng, cả hai mẹ con đều chìm trong nước mất thân. Với tâm từ đó, về sau người mẹ được vãng sanh lên cõi trời Sắc Cứu Cánh, làm đại Phạm Thiên Vương.

“Do nhân duyên này, người mẹ có mười đức: (1). Đại địa: tức bào thai mẹ là chỗ nương tựa an lành của con; (2). Năng sanh: mẹ phải trải qua biết bao lao khổ mới sinh ra con; (3). Năng chánh: đôi bàn tay mẹ thường chở che, bảo hộ năm căn của con; (4). Dưỡng dục: tùy theo bốn mùa nóng lạnh mà nuôi dưỡng con; (5): Trí giả: luôn tìm mọi cách để phát triển trí tuệ của con; (6): Trang nghiêm: thường dành những gì tốt đẹp và quý giá nhất như ngọc anh lạc để trang điểm cho con; (7). An ổn: lòng mẹ là nơi an ổn để ôm ấp, vỗ về con; (8). Giáo thọ: khéo léo tìm mọi phương tiện để dìu dắt con nên người; (9). Giáo giới: dùng lời hay lẽ phải để khuyên răn con lánh xa các điều xấu ác; (10). Dự nghiệp: có thể đem toàn bộ gia nghiệp giao phó cho con”.

Theo đó, trong kinh Đức Phật đã nêu rõ mười thứ công đức của người mẹ: Một là Đại địa, tức bào thai mẹ là chỗ trú ẩn, nương tựa của hài nhi, ví như mặt đất là nơi ươm mầm của vạn vật. Hai là Năng sanh, tức người mẹ từ khi mang thai đến ngày sinh nở phải trải qua rất nhiều gian nan mới sinh hạ được đứa bé. Ba là Năng chánh, tức sau khi sinh hạ đứa bé, mẹ lại chăm ẳm vỗ về, giúp cho đứa con năm căn sáng tuệ. Bốn là Dưỡng dục, tức dõi theo thời tiết bốn mùa để nuôi dưỡng bú mớm, khiến con được khỏe mạnh. Năm là Trí giả, tức tìm mọi cách giúp con phát triển trí tuệ. Sáu là Trang nghiêm, tức dùng các thứ áo quần, trang sức để tô điểm cho con của mình. Bảy là An ổn, tức vòng tay của mẹ ôm ấp vỗ về, giúp con có được giấc ngủ an lành. Tám là Giáo thọ, tức dìu dắt, hướng dẫn con làm mọi việc, từ tập đi, giặt giũ, ăn uống…, bất kỳ việc lớn nhỏ nào cũng đều nhờ mẹ dìu dắt. Chín là Giáo giới, tức khuyên răn, dạy bảo con xa lìa các việc ác, giúp con hiểu rõ mọi lẽ thiện ác ở đời. Mười là Dự nghiệp, tức đem toàn bộ gia nghiệp giao lại cho con. Đó chính là mười thứ ân đức của mẹ vậy.

“Này thiện nam tử, khắp trong thế gian ai là người giàu nhất? ai là người nghèo nhất? Ai còn mẹ chính là người giàu nhất, ai mất mẹ chính là người nghèo nhất. Mẹ còn ở đời chính là mặt trời giữa trưa, mẹ không còn ở đời chính là mặt trời khuất bóng. Lúc mẹ còn sống là ánh trăng an lành, khi mẹ mất rồi là đêm đen mờ mịt. Vì vậy các ông phải nên siêng năng tu tập và hiếu dưỡng cha mẹ. Phước đức của việc cúng dường chư Phật và hiếu dưỡng cha mẹ đều như nhau. Các ông nên như vậy mà báo ân cha mẹ”.

Như vậy, khi cha mẹ còn sống tựa như mặt trời giữa trưa lồng lộng, và ai còn cha mẹ chính là người giàu có nhất. Khi cha mẹ mất rồi cũng như mặt trời đã khuất núi, chỉ còn một màn đêm bao phủ, và ai không còn cha mẹ chính là người nghèo cùng nhất. Vì vậy, nhân khi cha mẹ hiện còn ở đời, mỗi một người chúng ta cần phải hết lòng hiếu kính, phụng dưỡng cha mẹ. Và nên nhớ rằng, phước đức của việc hiếu dưỡng cha mẹ cùng với công đức cúng dường chư Phật là như nhau.

Theo BSKK.com

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here