Một số người phản đối việc phóng sinh, họ bảo: làm như thế tạo thêm những kẻ săn bắt; mình thả, họ bắt, con vật biến thành vật hy sinh cho việc mua bán và bị giam cầm thường xuyên; một số sinh vật bị giam cầm đã chết hoặc suy dinh dưỡng, lúc thả ra, không đủ sức bay hoặc bơi lội…
Cũng có một số người quan niệm: Thú vật là dạng chúng sinh mang nghiệp nặng, hãy để cho chúng trả nghiệp, đừng gánh lấy nghiệp của chúng …
Những người ngoại đạo lại bảo: Sinh vật được Thượng đế tạo ra để nuôi dưỡng loài người, hà cớ lại đem tiền ra mua, thả chúng thật phí phạm. Nếu tất cả đều như thế thì các động vật sẽ phát triển nhanh, chiếm hết không gian cuộc sống và ảnh hưởng hoa màu của con người…
Tóm lại, rất nhiều lý do để phản đối hành động phát khởi do tình thương của người con Phật. Việc thể hiện lòng từ bi của con người nói chung và của giới Phật tử nói riêng đối với mọi loài là việc tốt.
Chuyện kẻ săn bắt lợi dụng tình thương đó mà phát triển nghề nghiệp là việc của họ. Nếu thấy một người đói khổ, bảo rằng đừng giúp đỡ vì họ là kẻ ăn cắp, giúp rồi họ vẫn tiếp tục đói, hoặc do nghiệp của họ phải lãnh thì cả xã hội, không ai giúp ai, mạnh ai nấy sống, tinh thần từ bi và hạnh bố thí của nhà Phật áp dụng vào đâu?
Cổ nhân có nói: Kiến nghĩa bất vi, phi dõng giả, lâm nguy bất cứu mạc anh hùng. Trước việc khổ đau của kẻ khác, chúng ta có bổn phận giúp đỡ, giải thóat khổ đau trong khả năng, nguyên nhân nào và hậu quả thế nào là do những yếu tố phụ thuộc khác; đừng vì những hệ lụy liên đới mà ngăn chận việc làm đúng, thể hiện lòng từ, là sai.
Người con Phật có trí tuệ khi hành động và thực hiện lời dạy của đấng cha lành. Nếu do nghiệp ác của chúng sanh mà ta sợ lãnh nghiệp, thì Đức Thế tôn đã không bỏ ngôi báu tìm phương giải thoát cho chúng ta.
Lý luận bảo rằng mọi sinh vật đó là vật nuôi dưỡng chúng ta do Thượng đế tạo ra, là lối biện luận của kẻ tham ăn và lòng hiếu sát. Mọi sinh động vật đều có giá trị sinh tồn bình đẳng, bởi chúng đều có cảm thọ vui buồn, sướng khổ như nhau, đều tham sống sợ chết như chúng ta.
Quy luật cân bằng sinh thái của tinh cầu, không cho phép các động vật, dù nguy hiểm như rắn, hổ và những thú dữ khác phát triển hơn bình thường. Hàng tỷ năm hình thành sự sống, loài người có mặt sau cùng, thế mà các thú hoang có bao giờ phát triển quá độ?
Trong cõi riêng tư của gia đình, con người thích nuôi thú và nhất là thú hoang để làm cảnh, tại sao trong đời sống, chúng ta không cho phép chúng tồn tại đồng thời với cuộc sống của chúng ta một cách hài hòa, thân thiện? Dù chúng ta có phóng sinh hay không, từ lâu vẫn tồn tại kẻ săn bắt và các thú hoang vẫn bị giam cầm, tại sao chúng ta không đốt bớt một giai đoạn giam cầm những động vật đáng thuơng đó, cho dù chúng hưởng được một tự do trong khoảnh khắc ngắn ngủi?
Những tín đồ ảnh hưởng giáo lý Từ bi có khác với những người bình thường, tại sao chúng ta lại nghe theo những ngăn cản mà thoái tâm từ, vốn dĩ đó là một trong những mắt xích trưởng dưỡng đạo tâm của chúng ta. Dĩ nhiên bât cứ lòng tốt nào cũng bị lợi dụng, nhưng đừng vì bị lợi dụng mà chúng ta bỏ lỡ cơ hội cứu giúp một sinh mạng. Một tù nhân thèm khát tự do như thế nào thì các chú chim trong lồng cũng ao ước một chân trời tự do bay lượn như thế, hãy cho chúng một tự do trong khả năng của chúng ta.
Luật nhân quả bảo rằng Nhân nào Quả đó, thế thì phóng sanh ắt phải có quả báo tốt đối với người phóng sanh! Biết như vậy, chúng ta không nên do dự khi có điều kiện làm điều thiện. Rất nhiều lần cá được thả xuống thì người dân chèo xuồng bơi dọc bờ sông chích điện đem lên lại, và chim bị cắt cánh, không bay được nên bị bắt lại. Đó là một thảm kịch lẩn quẩn không có lối thoát.
Những người dân sống trên sinh mạng của muông thú và lạm dụng lòng từ của con Phật, họ không ý thức luật nhân quả và đồng cảm nỗi đau của một sinh vật, họ hành động một cách tự nhiên của luật sinh tồn trong cỏi vô minh, người con Phật có lòng từ đối với các sinh vật đó, cũng phải có lòng bi đối với những người dân như vậy.
Giải quyết một vế thì vế bên kia cũng phải phát triển tương xứng, vì thế, chúng ta phải nghĩ đến cách giải quyết cho người đánh bắt. Với số lượng chim trời cá nước phóng sinh hàng chục triệu. Có những cuộc phóng sinh trên 26 tấn cá ở Cà Mau những năm trước, tại sao chúng ta không trích một phần tương đương thu nhập một ngày của họ để giúp họ và nhờ họ cùng chúng ta phóng sinh, tránh được đánh bắt trở lại ngay lúc đó, giúp họ có cơ hội hành thiện.
Nếu song hành với việc phóng sinh là giúp đỡ đồng bào nghèo trong vùng phóng sinh, dù là tượng trưng, cũng tạo cho họ một ý thức cộng tác từ thiện, khuyến nhủ cho họ hiểu lợi ích việc phóng sinh, thế nào cũng có người cảm nhận được từ trường bi mẫn của chúng ta. Giúp kẻ khó và phóng sinh đều có giá trị như nhau.
Người Phật tử thường hành thiện theo thói quen và nặng về hình thức, nếu chịu khó suy xét kỷ thì việc bố thí, phóng sanh, hành thiện sẽ đạt kết quả sâu sắc hơn.
Phóng sinh không có nghĩa phải đợi chú nguyện làm lễ, một giây phút chờ đợi là kéo dài thêm nỗi đau khổ của sinh loại. Chúng có thể được phóng sinh bất cứ lúc nào và bất cứ nơi nào, không nhất thiết phải có nghi lễ tôn giáo. Phóng sinh, có một số cá, ốc, chim chết hoặc ngất ngư vì thiếu nước và ngạt thở trong thời gian quá lâu. Nhưng phần lớn chúng sung sướng tung tăng bơi lội trong nước và tung cánh vào không gian tự do khi được thả.
Ai đã từng phóng sinh, hau ai đã từng chứng kiến những sinh linh được con người thả ra giữa thiên nhiên trời nước bao la chắc hẵn đã thấy được niềm vui sướng vô biên của những con cá, những con chim…và niềm an lạc vô cùng của người phóng sinh.
Cuộc sống sẽ đẹp hơn trong ngày mai, sẽ không còn sự tiệt chủng những loài động vật quý hiếm, và xa hơn nữa sẽ góp phần chấm dứt những thiên tai hạn hán, bão lụt từ sự phóng sinh.
T.T