Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Phật viện Đồng Dương: Trung tâm Phật giáo của Đông Nam

Phật viện Đồng Dương: Trung tâm Phật giáo của Đông Nam

170
0
Vương triều sùng đạo lấy tư tưởng Phật giáo làm thước đo
 
Người Chăm ở Đồng Dương đã từng xem Phật giáo cùng với những quy tắc xử sự (giáo luật) của Phật giáo là lăng kính soi rọi mình. Họ tôn sùng Phật giáo với một đức tin son sắt. Sức mạnh và uy quyền của Phật giáo đã chi phối hầu như toàn bộ nếp sống, nếp nghĩ của người dân, tư tưởng trị vì của đất nước qua các vị vua.
Trải qua nhiều đời vua, tư tưởng Phật giáo như là một hình thái ý thức xã hội phát triển cao, có tác động tới mọi khía cạnh của đời sống xã hội vật chất và tinh thần của cộng đồng. Từ khi hiện hữu, Phật giáo đã dần nhập thế và có ảnh hưởng sâu sắc tới mọi mặt của đời sống xã hội và nhanh chóng trở thành một ý thức hệ tư tưởng chính trị của cộng đồng quốc gia dân tộc đó. Giai đoạn từ khoảng nửa cuối thế kỷ thứ IX đến cuối thế kỷ X là thời kỳ bừng sáng của vương triều Phật giáo Đồng Dương – Quảng Nam.
Phật giáo mạnh mẽ nhất ở vương quốc này là vào thời kỳ Indrapura (875-982). Nhà nước lấy giáo lý của Phật giáo làm chuẩn mực, quy tắc xử sự trong hành xử và giao tiếp, xem giáo lý của Phật giáo như là luật pháp để quản lý đất nước. Nhà vua thành kính và tôn sùng các vị Phật, đặc biệt là Bồ Tát, như là đức tin cao quý. Đó chính là tinh thần nhân ái, khoan dung hay “từ bi, hỷ xả” và tự nguyện trong luật pháp. Đó là tư tưởng “thương dân như con”, chăm lo mọi mặt cho đời sống thiết yếu của thần dân; lối sống theo phương hướng đạo, giáo dục thần dân mình đi theo con đường chánh đạo để “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” muôn đời. 
Tư tưởng “yêu dân như con” trong đạo trị nước của vương triều Đồng Dương không phải là sự giả dối của giai cấp cầm quyền mà là “phần biểu diễn của lòng từ bi do Phật giáo gây nên”. Đây là một trong những chính sách của Nhà nước tập quyền Phật giáo điển hình, xuất phát từ nhu cầu, lợi ích của nhân dân, trên hết là của giai cấp thống trị nhằm củng cổ địa vị thống trị của họ trong xã hội. 

Quy mô của Phật viện Đồng Dương.

Vương triều Phật giáo Chămpa đã biết phát huy yếu tố tích cực, tiến bộ của đạo Phật để phục vụ cho công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, chăm lo tới cuộc sống của nhân dân. Phật giáo còn được coi như là thần quyền để thực hiện mọi nghi thức trong quan hệ bang giao. Nhiều sứ thần các nước đến Đồng Dương phải công nhận rằng, dân ở đây rất sùng đạo Phật với một niềm tin tối cao. Và cũng bởi vì thế mà về sau, những ngôi chùa Đồng Dương này trở thành Trung tâm Phật giáo của Đông Nam Á.
 
Tu viện Phật giáo của Đông Nam Á

Đất nước Chămpa vốn từ trong cội nguồn lịch sử đã chịu ảnh hưởng sâu sắc của nền văn hoá Ấn Độ nên ngoài tiếng nói bản địa, người Chămpa còn sử dụng thêm tiếng Phạn – Sanskrit dùng làm ngôn ngữ chính. Và, Học viện Phật giáo Đồng Dương ra đời đã đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người dân Chămpa. Để rồi, kể từ khi ra đời, nơi đây không những trở thành địa điểm quan trọng của các nhà sư trong việc nghiên cứu, phiên dịch kinh điển, truyền bá chánh pháp mà còn là nơi tu hành đắc đạo hiệu quả. Học viện có không gian rộng lớn, đẹp và mang tầm cỡ quốc tế. Theo các nhà khảo cổ học thì Trung tâm Học viện này được chia làm ba khu, mà khu thứ ba chính là giảng đường của Phật viện.
Có thể coi thời kì Phật giáo Đồng Dương là thời kì hưng thịnh nhất của các thời kì tôn giáo ở Chămpa, khi mà hầu hết các vị vua của vương triều Đồng Dương đều là Phật tử nhiệt thành ủng hộ Phật giáo, lấy tư tưởng “từ bi, hỷ xả” để trị nước, an dân, xem mình là đấng hóa thân của Phật. Tiếng tăm của nền giáo dục Đồng Dương không những tạo nên một tiếng vang trong lòng nhân dân Chămpa mà cả những nước lân cận, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam.
Tên gọi Phật viện hay Tu viện cũng đủ để nói lên vai trò của nơi đây trong việc đào tạo tăng sĩ, tu sĩ cho nền Phật giáo Chămpa. Như vậy, có thể khảng khái khẳng định rằng, nền giáo dục của Phật giáo Chămpa xuất hiện rất sớm. Tại đây, biết bao tăng ni, phật tử đã trở thành những nhà sư nổi danh. Giáo lý đạo Phật được những nhà sư Ấn Độ truyền bá đến Chămpa và được dịch sang tiếng Chămpa để thuận tiện hơn trong quá trình truyền giáo. 
Năm 605, tướng Lưu Phương (Trung Quốc) sau khi đánh Chămpa xong đã lấy đi 1350 bộ kinh nhà Phật của Chămpa (các bộ kinh này đã được dịch sang tiếng Chămpa). Đến thế kỷ VII, ngài Nghĩa Tịnh và ngài Đường Huyền Trang bên nhà Đường (Trung Quốc) trước khi sang Ấn Độ chiêm bái Phật pháp đã có thời gian lưu lại Chămpa để nghiên cứu, học hỏi kinh điển với các vị sư Chămpa. Chính các vị sư này, khi đến Ấn Độ cũng nhắc đến Phật giáo Chămpa với một tên đầy kính trọng “Maha – campa”.
Tài liệu cổ sử Trung Quốc cũng ghi nhận, năm 671 thiền sư Y Doãn (Trung Quốc) trong chuyến hành hương sang Ấn Độ đã đến vương quốc Chămpa. Trong thời gian ở đây, ông được biết Chămpa rất sùng đạo Phật, số lượng người theo đạo Phật rất nhiều, mặt khác, ông còn thấy dấu ấn Phật giáo Trung Quốc tại Chămpa.
Trong nước, năm 982 Vua Lê Đại Hành đi bình Chiêm thắng lợi đã đưa về nước vị sư Thiên Trúc (người Ấn Độ) đang hành đạo thuyết giảng tại Phật viện này; năm 1069, Vua Lý Thánh Tông cất quân đi Chămpa đã đem về một số tù binh, trong đó có Thiền sư Thảo Đường. Thiền sư Thảo Đường vốn người Trung Hoa, thuộc tông truyền thừa qua 6 thế hệ với những tên tuổi lớn trong lịch sử dân tộc, như Lý Thánh Tông ở thế hệ 2, Không Lộ ở thế hệ 3, Lý Anh Tông thế hệ 4, Lý Cao Tông thế hệ 6… Thiền phái Thảo Đường là dòng Thiền lớn bắt đầu truyền Pháp ở nước ta thế kỷ XI.
Trong lịch sử Việt Nam, các vị vua triều Lý – Trần là những người sùng đạo Phật. Sự kiện nổi bật hơn cả là năm 1301, Vua Trần Nhân Tông cùng với rất nhiều tùy tùng (cũng có thể có nhiều nhà sư và tăng lữ) Đại Việt đã sang thăm Trung tâm Phật viện Đồng Dương và thắng cảnh của vương quốc Chămpa. Theo tài liệu nhà Phật Việt Nam cho biết: Vua Trần Nhân Tông đã ở lại Trung tâm Phật viện Đồng Dương trong thời gian khá dài (09 tháng) để chiêm bái Phật pháp.
Trung tâm Phật giáo Đồng Dương mang tầm vóc khu vực cũng bởi lẽ: Ở Đồng Dương, một nền văn hóa Chăm mang “tư duy triết học tâm linh; đức hiếu sinh, từ bi của Phật giáo; tình thương của Visnu giáo và cả tính hung bạo quyền lực của Shiva giáo”. Chính những tư tưởng ấy đã có một tác động sâu sắc đến việc tạo nên một bản sắc văn hóa Phật giáo tại khu thiền viện Đồng Dương vừa mang tính Bàlamôn Ấn Độ, vừa mang dáng dấp Phật giáo Trung Hoa lại vừa mang màu sắc văn hóa Đông Nam Á, góp phần tạo nên tính thống nhất trong đa dạng của Phật viện Đồng Dương.
Tuy các tháp Chăm tại Đồng Dương xét về mặt nội dung – tư tưởng thì đều xoay quanh tính thần thoại và huyền bí của nền văn hóa Ấn Độ, nhất là Phật giáo, nhưng xét về mặt kiến tạo và tư duy thì người Chăm đã rất linh hoạt và khôn khéo khi hướng đến sự hoành tráng, trang nghiêm và thần bí của các ngôi tháp theo mục đích sử dụng. Tất cả như “lột tả thần thái của hình tượng và chủ đề”, tạo nên một nét riêng, trở thành “một trong những nền điêu khắc cổ lớn nhất và đẹp nhất trong khu vực Đông Nam Á”.
Hà Kiều
Nguồn: http://baophapluat.vn/xa-hoi/phat-vien-dong-duong-trung-tam-phat-giao-cua-dong-nam-216471.html

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here