Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Phật tượng gốm sứ ở Nam bộ

Phật tượng gốm sứ ở Nam bộ

173
0

1. Vào những năm 80 của thế kỷ trước, trong đợt khảo sát các ngôi cổ tự, tôi đã thỉnh được một Phật tượng bằng đất nung, cao chừng 30 phân, gãy mất bàn tay phải, đã được “cất giấu” dưới hầm bệ thờ ở chùa Hội Sơn (Q.9, TP.Hồ Chí Minh). Hồi đó, thỉnh các tượng thờ gãy sứt là cốt để đem về nhà sửa chữa, đắp nặn lại cho lành lặn để chưng và cũng có cái để ngày nay nghiên cứu đặng… xóa dốt dần về nghệ thuật tạo hình.  

Pho tượng gốm đất nung này được tạo tác theo “Tăng hình” hơn là “Phật hình”; riêng cái mũ thì hao hao cái mũ tỳ lư thường thấy ở tượng Địa Tạng Bồ tát. Hỏi, thầy trụ trì bảo đó là tượng “Phật trì chú”. Hỏi xuất xứ, thầy đáp: Một vị sư đời trước tự nặn bằng đất sét và gởi nung ở lò gạch gần chùa… xưa lắm rồi ! Đây là Phật tượng đầu tiên gợi lên trong tôi mối quan tâm về loại tượng làm bằng chất liệu đất nung và cho đến  nay, đối chiếu với nhiều dữ liệu, tôi xác tín rằng đây là Phật tượng gốm cổ xưa, có thể ra đời sau khi Tổ Khánh Long khai sơn tạo tự để tu hành (1), tức khoảng thế kỷ XVII, XVIII. Phật tượng này thực ra là thuộc loại “tượng Phật mục đồng”, hiểu là loại Phật tượng dân gian. Có điều khác biệt là hầu hết “tượng Phật mục đồng” nặn bằng đất sét, còn tượng này đem nung chín thành loại “ngõa khí”.

gomxu-1.gif

Phật trì chú (gốm đất nung đặc-Chùa Hội Sơn)

2. Đến những năm 1990, duyên may trong đợt đi thực tế thu thập tư liệu viết Địa chí tỉnh Đồng Nai, tôi đến một ngôi chùa, ở đó toàn bộ Phật tượng, trên dưới 100 pho, đều làm bằng đất nung thếp vàng và sơn màu tuyệt đẹp. Đó là chùa Hóc Ông Che (Hiển Lâm tự) ở Hóa An (Biên Hòa) do Hòa thượng Huệ Lâm (1887 – 1945) khai tạo hồi đầu thế kỷ XX. Tên gọi là Hiển Lâm tự nhưng ở đây là một quần thể nhiều cơ sở tín ngưỡng: chùa, miếu, am…

gomxu-2.gif

Địa Tạng bồ tát ( gốm đất nung sơn màu)

Ai vô chùa Hóc thì vô

Đừng quên (miếu) Chư vị, am Cô, đảnh Bà

(Ca dao địa phương)

Hầu hết các Phật tượng ở đây, theo kết quả điều tra hồi cố, đều do sư Điền (pháp danh Lệ Hạnh – Thiện Viên / 1893-1972) và các ông Bùi Văn Cần (chuyên làm đồ mã, học nghề làm gốm từ người anh rể  – người Hẹ), Bùi Văn Bồi (thợ chụm lò gốm chuyên nghiệp) tạo tác. Họ lấy đất sét nguyên liệu của lò lu Trần Lâm (Tân Vạn) đem về chùa làm tượng và nung tại chỗ bằng trấu. Cũng phải nói thêm rằng ông sư Điền có một “người thầy” nữa, vốn là huynh đệ của ông, là sư Thiện Hóa (1854-1944) – tác giả các Phật tượng làm bằng hợp chất ở chùa Châu Thới.

gomxu-5.gif

Bồ Đề Đạt ma ( gốm Cây Mai-chùa Phụng Sơn)

Có lẽ, đội ngũ nhóm những người làm tượng gốm đất nung năng nổ và đông đảo hơn, bởi loại tượng gốm đất nung này có số lượng nhiều và thấy ở nhiều ngôi chùa Đồng Nai, Dĩ An, Thủ Đức, xuống tận Bà Rịa-Vũng Tàu; lại thấy ở các chùa nội thành TP.Hồ Chí Minh, xuống tận Trà Ôn, Chợ Mới – cù lao Giêng (An Giang) (2).

gomxu3-a.gif

gomxu-7.gif

Giám trai (gốm cây Mai-Chùa Giác Viên)

Nói chung, loại tượng gốm đất nung nhẹ lửa (hầm non độ 6000C – 7000C) này chủ vào kỹ pháp dựng cốt và cắt dán. Tùy theo tư thế (ngồi, đứng, tọa thú) mà dựng cốt khác nhau để lấy đó làm giá đỡ cho việc cắt các lát đất theo kiểu cắt giấy dán làm đồ mã. Chính khâu cắt dán này đã tạo nên các dạng thức ngoại hình đa dạng và sinh động. Lại nữa, người tạo tác còn dùng khuôn âm bản để tạo nên các đồ án hoa văn trang trí trên lát đất trước khi dán, tạo nên những họa tiết trang trí đa dạng: tường vân, hồi ba, ngọc châu…

gomxu-8.gif

Phật Tổ (Gốm Biên Hòa)
 
gomxu9.gif
Tara trắng (gốm Biên Hòa)

Hiển nhiên là tập hợp Phật tượng gốm đất nung này là một tập thành phong phú về số lượng lẫn đề tài và kiểu thức mỹ thuật. Chính vì vậy, chúng đã góp phần của nó vào kho tàng mỹ thuật Phật giáo, mỹ thuật vùng đất mới nói chung.

3. Xét về mặt kỹ pháp dựng hình và trang trí, chúng ta dễ nhận ra ảnh hưởng của gốm Cây Mai (Sài Gòn xưa / tức Chợ Lớn sau này) – đặc biệt là kỹ thuật cắt dán và in khuôn các bộ phận rời. Tượng gốm Cây Mai chủ yếu là các sản phẩm sành cứng (nung ở nhiệt độ cao) có tô vẽ men màu (chiếm tỷ trọng lớn là xanh lục và lam cô ban), song cũng có một số tượng thờ đất nung sơn màu (như bộ Thập điện Minh vương ở chùa Phước Lưu / Trảng Bàng, các tượng thần ở chùa Từ Quang / quận 8, chùa Giải Bệnh ở Phú Lâm…). Nói cách khác, loại tượng gốm đất nung nói trên có nguồn gốc trực tiếp từ loại tượng đất nung Cây Mai này. Chúng ra đời đáp ứng nhu cầu thờ tự của các chùa làng, bởi giá thành rẻ hơn loại tượng sành cứng men màu sản xuất tại các lò gốm chuyên nghiệp.

gomxu10.gif

La Hán phục hổ ( gốm Lái Thiêu)

Gốm Cây Mai, theo các tài liệu thư tịch, hình thành và phát triển từ cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, tập trung ở vùng đất quanh chùa Cây Mai – một cổ tự danh tiếng của đất Gia Định – mà đến nay, dấu tích còn lại là địa danh rạch Lò Gốm, đường Lò Siêu, Xóm Đất… và sau đó lan tỏa lên Trường Thọ (Thủ Đức), Lái Thiêu, Biên Hòa.

Phật tượng gốm Cây Mai có niên đại chính xác là tượng Giám Trai ở chùa Giác Viên với câu chữ đắp nổi trên bệ tượng: “Đề Ngạn / Nam Hưng Xương điếm tố / Canh Thìn niên …” (Năm Canh Thìn là năm 1880; Đề Ngạn là Sài Gòn ngày xưa / nay là Chợ Lớn). Đây là pho tượng có giá trị lịch sử lẫn giá trị tạo hình.

gomxu-11.gif

Phật chuyền pháp luân (gốm Lái Thiêu)

Cho đến nay, Phật tượng gốm Cây Mai còn tồn tại không nhiều, nhưng hầu như tất thảy đều là những pho tượng đẹp, được tạo tác công kỹ. Đáng kể là tượng Bồ Đề Đạt Ma (chùa Phụng Sơn, quận 11, TP. HCM), tượng Chuẩn Đề cỡi Khổng Tước (chùa Giác Sanh, quận 11, TP.HCM), tượng Tiêu Diện Đại Sĩ (chùa Phụng Sơn quận 11, và chùa Bảo An quận Bình Thạnh, TP.HCM), đặc biệt là bộ tượng Di Đà tam tôn kích cỡ to lớn ở chùa Phước Lưu (Trảng Bàng), do lò Bửu Nguyên tạo tác vào năm Ất Tỵ (1905) đáng được coi là vô giá.

Nói chung, gốm Cây Mai không tạo tác Phật tượng nhiều như các loại tượng thần, các quần thể tiểu tượng trang trí ở các đình, miếu, chùa Hoa; song khởi đi từ đó, Phật tượng gốm đất nung lại phát triển mạnh mẽ.

4. Gốm Cây Mai bắt đầu từ cuối thế kỷ XIX đến những năm 1920-1940 do tốc độ đô thị hóa, nguồn đất nguyên liệu và củi đốt tại chỗ cạn kiệt nên dời dần về Trường Thọ (Thủ Đức), Lái Thiêu và Biên Hòa.

Ở Lái Thiêu và Biên Hòa, dòng gốm Cây Mai phát triển một thời gian; nhưng sau đó, theo một thỏa thuận giữa các chủ lò gốm, hai nơi này không sản xuất các mặt hàng gốm Cây Mai nữa (3 ). Có lẽ do thỏa thuận này mà ở khu vực ngoại vi Lái Thiêu và Biên Hòa: Bửu Long – Tân Vạn – Hóa An – Dĩ An – Thủ Đức… đã phát triển mạnh mẽ loại tượng gốm đất nung bán chuyên nghiệp, mang tính chất phiên bản của gốm Cây Mai nói trên. Mặt khác, cùng với sự phát triển các dòng sản phẩm gốm đặc thù, gốm Lái Thiêu và gốm mỹ nghệ Biên Hòa cũng đã cho ra đời các loại Phật tượng riêng.

Gốm Lái Thiêu, trong suốt hơn 150 năm qua, chủ vào sản xuất sản phẩm gia dụng, sản phẩm gốm mỹ nghệ chiếm tỷ trọng nhỏ: đôn, đôn voi, tiểu tượng. Theo đó, Phật tượng gốm trước đây là tượng nhỏ, cao chừng 15 – 30cm, để cung ứng cho việc thờ tự trong gia đình Phật tử, phổ biến là tượng Phật Thích Ca, Phật Di Lặc, Phật Bà Quan Âm, La hán phục hổ… (Trong một hai thập kỷ gần đây mới sản xuất tượng La hán đủ bộ, các loại tượng Phật kích cỡ lớn, cao 70 – 90cm). Nói chung, đa phần Phật tượng gốm Lái Thiêu được tạo tác bằng kỹ thuật khuôn rót nên ngoại hình, đường nét, y trang không mấy sắc sảo, rõ nét, ít dụng công tỉ mỉ như tượng gốm của Trường Mỹ nghệ Biên Hòa.

Trường Mỹ nghệ thực hành Biên Hòa, thoạt đầu được gọi là “Trường Bá nghệ” được thành lập vào năm 1902 và năm 1906 tuyển sinh ban Gốm. Tuy nhiên, từ những năm 1920 về sau thì sản phẩm gốm của các thế hệ thầy trò trường này mới xác lập được sản phẩm gốm đặc thù, được thế nhân gọi là “Gốm mỹ nghệ Biên Hòa”: trang trí nhiều màu (nổi tiếng là men xanh đồng / vert Biên Hòa và men lam Hồi / vert Islam), chạm khắc chìm và chấm men màu trong từng ô theo kiểu đồ pháp lam (cloisonné). Tuy có kế thừa những thành tựu của kỹ thuật chế tác, sản phẩm, lò nung và men… của gốm Cây Mai, nhưng sản phẩm gốm “Mỹ nghệ Biên Hòa” đã được nâng cao và công nghệ hóa ở những khâu cơ bản nên chất lượng và vẻ đẹp khác các loại gốm bản xứ truyền thống.

Gốm mỹ nghệ Biên Hòa sản xuất đủ các chủng loại sản phẩm. Riêng về tượng cũng khá phong phú, bao gồm tiếu tượng, tượng người, tượng thần, Phật. Riêng về Phật tượng, gốm mỹ nghệ Biên Hòa chủ yếu dựa vào các mẫu tượng cổ nổi tiếng của Tây Tạng, Trung Quốc, Campuchia… cả tượng tròn lẫn phù điêu: Phật đắc đạo, Phật nhập Niết bàn, Phật ngồi trên rắn chín đầu, Quan Âm (Quan Âm ngư lam, Quan Âm tọa nham, Tara trắng?)… Danh mục Phật tượng Biên Hòa hết sức phong phú, đó là chưa kể đến Phật tượng đúc bằng chất liệu bột đá (đá nhân tạo)…

Nhìn chung, khởi đi từ tượng gốm đất nung tự tạo, các dòng phái gốm sứ đã tạo tác nên một tập thành Phật tượng phong phú cả về số lượng, kiểu dáng và phong cách mỹ thuật. Đó là chưa kể đến tập hợp Phật tượng được tạo tác bằng gốm đen (hắc đào) ở An Giang vào những năm 1980.

Huỳnh Ngọc Trảng – Nguyễn Đại Phúc (theo Giác Ngộ online)

 (1) Xem Gia Định thành thông chí (biên soạn hồi đầu thế kỷ XIX). Bản dịch Tu trai Nguyễn Tạo, S, 1972. (2) Kể ra một số ngôi chùa: Bảo An (An Hòa, Long Thành, Đồng Nai), Bửu Sơn (Tân Bình, Thuận An, Sông Bé), Châu Thới (Thuận An, Sông Bé), Chúc Thọ / Thủ Huồng (Cù lao Phố), Diệu Giác (Bình Thạnh, TP.HCM), Hoàng Ân (Cù lao Phố), Hiển Lâm (Hóa An, Biên Hòa), Long Ẩn (Bửu Long, Biên Hòa), Long Hòa (Chơn Tiên, Bà Rịa-Vũng Tàu), Long Thiền (Bình Nghị, Gò Công Đông), Phước Hậu (Trà Ôn, Vĩnh Long), Tân Sơn (Bửu Hòa, Biên Hòa), Tân Quang (Hóa An, Biên Hòa), Thanh Long (Biên Hòa), Thanh Lương (Bửu Hòa, Biên Hòa), Thiên Long (TP.Biên Hòa), Trường Thọ (Gò Vấp, TP.HCM) (3) – Monographie de la province Thudaumot. B.S.E.I, 1910, p23-24. – Monographie de la province Biên Hoa. Pub. De S.E.I. Saigon, 1901, p. 43 – 44 – M. Robert: Monographie de la province Biên Hoa. Imp du Centre / Loui Minh, Saigon, 1924, p 119

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here