Trang chủ Phật giáo với Tuổi trẻ Phật tử trẻ kỳ vọng ở Đại hội Phật giáo VII

Phật tử trẻ kỳ vọng ở Đại hội Phật giáo VII

131
0

“Tôi chỉ mong chùa là nơi mọi người đến để tu học chứ không phải là cầu xin, bói toán. Các ngày lễ Phật giáo, các chùa nên tổ chức khóa tu, từ thiện, trình ca nhạc Phật giáo để tạo duyên cho thanh niên” – Phật tử Đậu Anh Tuấn (TP Vinh) chia sẻ.

 
Chú trọng hoằng pháp  ở vùng nông thôn
 
Chỉ còn gần 10 ngày nữa Đại hội Phật giáo VII chính thức được khai mạc tại Hà Nội. Đây là nhiệm kỳ đánh dấu một giai đoạn phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu của Giáo hội sau hơn 30 năm thành lập.
 
 Đồng thời đây cũng khẳng định vị thế của GHPGVN trong thời kỳ hội nhập, phát triển ở trong nước cũng như trên trường quốc tế. Vì vậy, tất cả những người con Phật đang có nhiều mong muốn cũng như kỳ vọng vào Đại hội này.
 
Trao đổi với PV, Phật tử trẻ Tâm Liên Hoa (Hải Dương) chia sẻ: “Nhiệm kỳ này, tôi mong các cấp Giáo hội có phương thức hoằng pháp thực tiễn để truyền bá Phật giáo rộng rãi trong đời sống người dân. Đặc biệt là ở vùng nông thôn, bởi hầu hết ở vùng đó người dân đến chùa chỉ mang tính chất cầu xin là nhiều.
 
Vì vậy, quý Tăng Ni hãy giúp họ hiểu đúng và hành đúng giáo pháp của đạo Phật. Muốn như vậy, các thầy cần phải tăng thêm những thời giảng Phật pháp, khoá tu thiền, đạo tràng niệm Phật, bát quan trai, một ngày an lạc, Phật thất, Thiền thất…”
 
Hiện nay, nhiều vùng nông thôn chùa thì nhiều nhưng vấn đề hoằng pháp mang lại lợi lạc quần sinh thì còn quá khiêm tốn. Do đó, đại đa số người dân coi việc đến chùa chỉ là tín ngưỡng, chứ không phải là học và hành theo điều Phật dạy.
 
Cùng quan điểm với Tâm Liên Hoa, Phật tử  Lưu Thanh Hòa (Hà Nội) có trăn trở: “Ban Hoằng pháp phải làm thế nào để cho người dân hiểu rằng việc đến chùa là để tu học, làm cho tâm thanh tịnh, chứ không phải cầu xin.
 
Các Phật tử trẻ: Giáo hội cần phải tăng cường thực hiện, đồng thời khuyến khích Phật tử tham gia công tác từ thiện, giảng pháp ở vùng nông thôn.
 
Bên cạnh đó, quý thầy phải hoằng pháp ra sao để không chỉ những người lớn tuổi mới đến chùa mà giới trẻ đi chùa nhiều hơn. Giúp các bậc phụ huynh hiểu con cái họ tới chùa để tu học và làm những điều thiện lành, tránh xa những tệ nạn xã hội”.
Như vậy, các cấp Giáo hội cần phải chú trọng đến công tác câu lạc bộ Thanh thiếu niên Phật tử, Gia đình Phật tử, đạo tràng… Đồng thời, cần tổ chức những lớp giáo lý và sinh hoạt cho tuổi trẻ tại các chùa, tự viện… có như thế mới thu hút và trợ duyên được nhiều bạn trẻ tới chùa hơn.
 
Mở rộng “cánh cửa” truyền thông Văn hóa Phật pháp
 
Thực tế cho thấy, chưa bao giờ Phật giáo Việt Nam lại nhập thế sâu và rộng như bây giờ. Ngày nay, văn hóa Phật giáo đã và đang “thấm đẫm” vào đời sống của người dân theo nhiều kênh thông tin khác nhau như sách vở, băng đĩa, truyền hình, phát thanh…
 
“Tuy nhiên, hiện nay việc truyền bá và phát triển văn hóa Phật giáo qua những kênh trên còn hạn chế. Do đó, việc tiếp cận những thông tin cần thiết về Phật học còn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, Giáo hội cần mở rộng cánh cửa truyền thông văn hóa Phật giáo bằng nhiều cách khác nhau, phù hợp với từng đối tượng và địa phương” – Phật tử Diệu Bảo (Đoàn thanh niên Phật tử Thiền viện Sùng Phúc) nhấn mạnh.
 
Mặc dù, các cấp Giáo hội đã có phương thức hoằng pháp để phát triển văn hoá Phật giáo đến vùng sâu, vùng xa nhưng thực tiễn cho thấy nó vẫn chưa đáp ứng được như cầu của người dân. Nhiều nơi còn đói hoặc chưa “chạm” vào pháp của đức Phật.
 
“Do vậy, trong Đại hội Phật giáo VII, Giáo hội cần có những đề án thành lập các lớp xóa mù chữ; xây dựng hoặc nâng cao chất lượng phòng đọc sách báo, ấn hành tài liệu giáo lý, Kinh tụng bằng tiếng dân tộc cho người bản địa” – Phật tử Diệu Bảo mong muốn.
 
Hiện nay, các tờ báo viết như Giác Ngộ, Đạo Phật Ngày Nay; các trang tin Phật giáo hay thậm chí là kênh Truyền hình An Viên (thuộc Ban Truyền thông Giáo hội Phật giáo Việt Nam – PV) đã và đang phát huy thế mạnh tuyên truyền về văn hóa Phật giáo. Điều này, có tác động rất lớn đến chấn hưng Phật giáo nước ta.
 
“Song chúng sinh đa bệnh, Phật pháp đa phương tức là chúng sinh nhiều bệnh thì Phật pháp phải có nhiều phương cách khác nhau để điều trị. Bởi vậy, trong thời đại này Giáo hội nói chung và Ban Văn hóa TƯ GHPGVN nói riêng cần thúc đẩy việc truyền tải những thông tin văn hóa Phật giáo sâu rộng, phù hợp với mọi tầng lớp trong xã hội, bằng nhiều “cánh cửa” khác nhau” – Phật tử Đậu Anh Tuấn (TP Vinh) tâm sự.
 
Theo đó, mỗi người cần phải làm quen và nâng cao khả năng tiếp cận với các hình thức truyền thông văn hóa Phật giáo qua MP3, CD, VCD, DVD, YouTube, iPad hay Laptop. Có như vậy mới giúp đạo Phật nhập thế sâu rộng hơn vào đời sống hiện đại này.
 
 (Kiến Thức)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here