Trang chủ Phật học Phật Thích Ca: Vạn nẻo đường vào cửa không

Phật Thích Ca: Vạn nẻo đường vào cửa không

141
0

Ba Mươi Lăm Năm Ðầu Ðời Của Ðức Phật Như Lai
 
Hàng năm, ngày Vía Phật là ngày Rằm Tháng Tư âm lịch.  Năm nay – 2012– là Mùa Phật Ðản thứ 2556 tính theo Phật Lịch tức là tính từ năm 543 Trước Tây Lịch khi Ðức Phật nhập Niết Bàn.  Đại Lễ thường diễn ra ba ngày đặc biệt: Phật Ðản, Phật Ðắc Ðạo, và Phật Nhập Niết Bàn.  
 
Theo ghi nhận trong cuốn: Ðức Phật và Ðiều Phật Dạy – The Buddha and His Teachings (của Ðại Ðức Narada Thera, người Tích Lan, do đạo hữu Phạm Kim Khánh phiên dịch và xuất bản tại Saigòn, 1964):
 
 Phật Thích Ca sinh ở Nepal (Ấn Ðộ) năm 623 Trước Tây Lịch và tịch năm 543 TTL, thọ 80 tuổi; con của Vua Suddhodana và Hoàng Hậu Maha Maya; bà mất sau vài ngày sinh Ðức Phật.
           
Ðức Phật là một nhân vật phi phàm được hàng trăm triệu tín đồ tôn sùng.  Ðại thi hào Ấn Ðộ Rabindranath Tagore (1861 – 1941) tôn Ngài là bực Vĩ Nhân cao quý nhất trên thế gian.  Triết gia Ðan Mạch, ông Fausboll tán dương Ðức Phật: “Càng hiểu biết Ngài, tôi càng quí mến Ngài”.  Câu chuyện Ðức Phật ra đời cũng đượm màu sắc phi phàm.
  
Hoàng Hậu nằm mộng thấy bốn vị thiên thần đến nhắc bổng long sàng và đưa bà lên Hi Mã Lạp Sơn, rồi các nữ thiên thần đưa Hoàng Hậu tới Hồ Anotatta để tắm gội khỏi những vết nhơ trần tục.  Sau đó họ đưa Hoàng Hậu tới một tòa nhà bằng vàng, đầu hướng về phía đông.  Hoàng Hậu thấy một con voi trắng rất uy nghi đi từ Khu Ðồi Bạc xuống, bước đi chung quanh Hoàng Hậu ba lần rồi chui vào người Hoàng Hậu ở cạnh sườn bên phải.  Lập tức Hoàng Hậu thấy mình thụ thai.

Nghe Hoàng Hậu kể giấc mộng đó, nhà vua bèn triệu tập 64 vị đại tu sĩ và yêu cầu giải đoán.  Họ thảo luận xong bèn tâu rằng:

– Xin Bệ Hạ đừng lo lắng gì cả.  Ngài sẽ có một hoàng nam.  Và, nếu hoàng nam sống một cuộc đời bình thường, hoàng nam sẽ là một vị vua của khắp thiên hạ; nhưng nếu hoàng nam từ bỏ cuộc sống gia đình, rút lui khỏi trần thế, hoàng tử sẽ trở thành một vị Phật và sẽ cuốn đi những đám mây của tội lỗi và điên cuồng của trần thế này. 
 
Khi Phật sắp đản sanh, có 32 hiện tượng kỳ diệu xẩy ra: cả mười ngàn thế giới bỗng rung chuyển; lửa phun ra từ các địa ngục; bịnh tật chấm dứt; các nhạc khí tự nhiên vang lên mà không có ai đánh; nước biển cả bỗng ngọt lịm; toàn bộ mười ngàn thế giới kết hoa vô cùng tươi đẹp.
 
Khi Ðức Phật ra đời được năm ngày, vua cha đặt cho cái tên là Siddhattha có ý nghĩa là Người Được- Toại-Nguyện.  Năm lên 16 tuổi, Ngài kết hôn với công chúa Yasodhara và sống cuộc sống gia đình vương giả trong 13 năm.  Ngay từ thưở thiếu thời, với một tâm đạo khác người và qua sự giảng dạy của các bậc Đại Sư và đại thức giả đương thời, Ngài thu thập được đầy đủ những kiến thức về khoa học, chiêm tinh, và đặc biệt là những triết thuyết về Tạo Hóa, linh hồn, luân hồi, luật nhân quả, vô thường, nghiệp chướng, thiền định, v.v. 
 
Ngài cũng đã chiêm nghiệm thấy đúng cuộc sống của con người là một chuỗi vòng vô thường sinh, lão, bịnh, tử đầy khổ lụy.  Và, tuy sống trong cung cấm, Ngài vẫn ý thức được rằng đại đa số người dân Ấn Độ bị nghèo đói và   xã hội Ấn Độ còn đầy dẫy những bất công và bất bình đẳng qua sự phân chia giai cấp trong đó giai cấp giáo sĩ Bà La Môn đuợc độc tôn và giai cấp nô lệ đứng ngoài xã hội bị miệt thị.
 
Những cảnh huống bi thương của xã hội đã đánh động tới tâm thức từ bi và tinh thần bình đẳng của Ngài khiến Ngài luôn luôn trầm ngâm, ưu tư, suy ngẫm với câu hỏi làm sao cho con người bớt khổ hay hết khổ?  Những lý thuyết cũng như các hành động của các vị đại sư trong cung cấm không làm cho Ngài hài lòng vì thiếu luận lý, thiếu phân tích, không thực nghiệm, và lại đặt con người dưới quyền uy của đủ loại thần linh mơ hồ khiến con người không có một tự do lựa chọn nào ngoài sự trông cậy vào quyền năng của sư tăng.  Và, Ngài quyết  định muốn phá vỡ cái biên giới của tri thức tù hãm này.     
 
Thời gian sống trong cung điện, Ngài học hỏi rất nhiều, suy ngẫm rất sâu xa, nhưng vẫn không tìm ra được chân lý, nên Ngài quyết định phải rời Hoàng Cung với hy vọng chót là có thể tìm ra được sự thật hầu cứu nhân, độ thế làm sao thoát khỏi vòng tuần hoàn định mệnh “Thành, Trụ, Di, Diệt”.  Duyên lành thay vua cha hiền và sáng suốt đã chiều ý người con có tâm đạo, và đã chấp thuận cho Ngài ra đi với điều kiện là Ngài phải đợi khi công chúa sinh hạ một con trai.
 
May thay, ngày đó đã đến, tuy đến khá muộn: vào năm 29 tuổi, khi biết công chúa vừa sinh ra cho Ngài một Hoàng nam, Ngài lập tức xin Vua Cha cho phép xuất cung tầm Đạo.  Truyện kể, Ngài vội vã ra đi không từ biệt ai và cũng không kịp nhìn đứa con mới chào đời.  Đó hoàn toàn không phải là một sự nhẫn tâm như có sách đã suy diễn ra rằng Ngài cho đó là “một trở ngại”!  Sự thực đó chỉ là biểu hiện của một ý chí phấn đấu tột cùng gay go giữa tình cảm và lý trí.  Cũng nên hiểu rằng Ngài hẳn đã phải hết sức nóng lòng chờ đợi phút thoát ly quá lâu rồi.  Ngài như người khát nước quá lâu và khi nước tới là phải uống ngay không thể chần chừ.  Bởi vậy rất là hợp lý khi Ngài đã lập tức lên đường ngay.  Và, kể từ đó vua cha cũng như công chúa chỉ còn âm thầm theo dõi.
 
Ngài tìm đến các vị đạo sĩ rất nổi tiếng lỗi lạc xin học đạo và rất kiên trì thực hành các điều được chỉ dạy kể cả pháp môn tuyệt thực.  Sau 6 năm tu tập đủ các lối tu, Ngài hầu như đã không tìm được lối tu nào khả dĩ giúp Ngài khám phá ra chân lý của sự sống và cuộc đời kể cả lối tu khổ hạnh.  Ngài thấy khổ hạnh chỉ làm suy nhược tinh thần và mòn mỏi thân thể; còn lối tu lợi dưỡng cũng chỉ làm hư hại thân, tâm, trí.  Năm vị đạo sĩ thân tín vẫn theo Ngài, thấy Ngài đột ngột bỏ phương pháp tu tập khổ hạnh, bèn bỏ đi, và nói “Ðạo sĩ Cồ Ðàm đã trở lại ưa thích xa hoa, đã ngừng cố gắng, và quay trở lại đời sống lợi dưỡng”. 
 
Bỏ lối tu khổ hạnh, sức khỏe hồi phục, Ngài chấm dứt ý tưởng đi tầm sư học Đạo.    Ngài quyết định tự mình tìm chân lý bằng giải pháp cuối cùng là ngồi  tham thiền, hy vọng rằng trong sự trống rỗng của tâm thức, một cõi siêu thức có thể được mở ra giúp Ngài hiểu được bộ máy huyền vi của Tạo Hóavà nhìn thấy được quá khứ và vị lai.  Lúc này Ngài đã được 35 tuổi.  Nhờ trải qua quá trình nhiều năm suy ngẫm và học hỏi không ngừng, và nay Ngài hết vương vấn muốn tìm pháp môn nào nữa, tâm của Ngài trở nên vô cùng an tịnh và trong sáng hơn bao giờ hết.  Có thể Ngài đã đạt tới giai đoạn hai của tiến trình “Giới – Định – Huệ” như Sư Tổ Thiền Sư Vạn Hạnh đã chỉ ra.
 
Sau 7 tuần ngồi nhập định dưới gốc cây Bồ Ðề, Ngài bỗng thấy trí tuệ bừng sáng khác thường (Huệ) và rơi vào trạng thái Nhà Phật gọi là Ngộ.  Ngài thấy mình thông suốt mọi sự, hiểu được căn nguyên, lý lẽ của sinh tử và mọi khổ đau, và tìm ra được con đường giải thoát cho chúng sinh.  Mọi suy tư của Ngài từ trước tới giờ khai diễn trở laị giúp Ngài có dịp hệ thống hóa lại và bổ túc thêm các phần giải lý đầy thuyết phục.  Ngài xuống núi, tìm gặp lại 5 vị đạo sĩ cũ và bắt đầu giảng bài pháp đầu tiên nói về Tứ Diệu Đế và con đường Trung Đạo.  Năm vị đó bỗng cảm thấy như người mù vừa được sáng mắt ra, quỳ xuống đảnh lễ xin trở lại làm đệ tử đầu tiên của Ngài.

Từ đó Ngài trở thành Vị Phật tức là Vị Ðại Giác hay Vị Ðại Ngộ (The Enlightened One) và Ngài đã đạt tới mục tiêu tối thượng là Niết Bàn tức là nơi của hoàn toàn an tịnh, của hiểu biết toàn vẹn, và của giải thoát khỏi tất mọi dục vọng và khổ đau. 
 
Tín đồ gọi Ngài là Ðức Phật, Ðức Thế Tôn; người đạo khác gọi Ngài là Tôn Giả Cồ Ðàm (Bho Gotama); Ðức Phật xưng là Như Lai (Tathagata) có nghĩa là người đến và ra đi hằng như vậy.  Trước khi đạt đạo quả Vị Phật, ngài trải qua thời kỳ Bồ Tát (Bodhisatta) là người có nguyện vọng trở thành Phật và phải trải qua giai đoạn thực hành những đạo hạnh nơi trần gian đòi hỏi như Ðại Bố Thí, Ðại Trì Giới, Ðại Nhẫn Nhục, Ðại Tinh Tấn, Ðại Trí Tuệ và Ðại Thiền Ðịnh.  Sáu Hạnh đó mang ý nghĩa gì?
Thượng Tọa Thích Minh Không có thơ rằng:
 
Trong thì quên thân, ngoài quên cảnh là Ðại Bố Thí.
Không tham, sân, si là Ðại Trì Giới.
Chẳng chấp thị (đúng), phi (sai), phân biệt nhân (người), ngã (ta) là Ðại Nhẫn Nhục.
Niệm Phật không ngưng nghỉ là Ðại Tinh Tấn.
Vọng tưởng không móng khởi là Ðại Thiền Ðịnh.
Tâm sạch duyên cảnh là Ðại Trí Tuệ.
 
Ðức Phật viên tịch vào tuổi 80 (543 TTL), một tuổi thọ thật rất hiếm có vào thời đại đó.  Trước khi nhập Niết Bàn, Ðức Phật nói với các đệ tử: “Hãy tìm sự cứu rỗi trong chân lý; đừng tìm sự trợ giúp ở người nào cả ngoài chính bản thân mình.”
 
Câu tục ngữ khôn ngoan cuả người Việt nói, “Không thầy, đố mày làm nên”, khuyên người ta cần phải tìm thầy để học hỏi và được giúp đỡ mới nên người.  Vậy, lời Phật dạy ở đây, “đừng tìm sự trợ giúp ở người nào cả”, hàm ý gì?  Phải chăng Ngài muốn ám chỉ đừng tìm sự trợ giúp ở nơi các thần linh như các đạo sĩ Bà La Môn đã dạy như vậy, bởi vì theo Ngài, tin vào thần quyền là trở thành nô lệ của các vị đạo sĩ Bà là Môn từng tự xưng là đại diện của các thần linh.   Ngài tuyệt đối muốn giải phóng niềm tin tiêu cực này.  Tư tưởng giải phóng này là một tư tưởng hết sức cấp tiến (cách mạng) và táo bạo vì đi ngược với những thế lực lớn nhất thời bấy giờ.  May thay Ngài là một vị Hoàng Tử, nếu không tất khó tồn tại.

Còn tìm sự trợ giúp nơi chính bản thân mình hàm ý gì?  Phải chăng đó là lời khuyên, sau khi đã trải qua một quá trình trau dồi kiến thức và đạo hạnh tốt, hãy tìm về với bản thể của chính mình vì ở đó có sẵn Phật Tính tức là có sẳn tính tuyệt đối sáng suốt để giúp con người thăng hoa. Vả lại, không tự tin là không có ý chí, tài năng kém, hiểu biết thô thiển.  Người như vậy chưa đáng được chứng quả. 

Ðức Phật truyền dạy điều gì
 
Đa số các nhà bác học đã phủ nhận thuyết ngẫu sinh.  Nhưng trong thâm tâm, nhiều người vẫn còn thắc mắc “Ta từ đâu đến và sẽ đi về đâu?” và còn có những câu hỏi khác như “Tại sao con người phải chết?  Có cách nào làm con người sống mãi được không?  v.v. 
 
Ta từ Đâu Đến
 
Ta từ đâu đến?
Ta không thể từ ngẫu nhiên xuất hiện
Ta từ cái “Không” biến thành cái “Có”
Ta từ cát bụi tạo hình hài
 
Linh tố tạo hồn nhập thế
Khai thần thức bát môn
Sự sống tồn sinh luân hồi mãi
Trời là Cha
Ðất là Mẹ
Sinh con người cùng vạn vật chan hòa
Muông thú, cỏ cây, hoa lá
Vun trồng sự sống
Nở hoa thơm, hương xạ
 
Ðời ý nghĩa – ta nhập thế
Tâm đạt Vô Ngã, thăng hoa

*
Một nhà đại tư tưởng Nga phát biểu đại ý rằng mỗi khi nhân loại đi vào con đường sa đọa có thể dẫn tới nguy cơ diệt vong thì lại có một nhân vật siêu phàm xuất hiện để huớng dẫn nhân loại ra khỏi con đường mê lầm., và Ðức Phật là một trong những nhân vật đó.
 
Đức Phật cổ võ cho Con Ðường Ở Giữa gọi là Trung Ðạo (The Middle Way), đó là con đường giữa hai thái cực: sống khổ hạnh và sống theo dục vọng; lối chấp Ngã và Vô Ngã; chấp đúng và sai.   Bỏ những cái chấp đó, Tâm con người mới thực sự an định và Thức mới hy vọng thăng hoa.  Ngài nêu lên bốn chân lý căn bản gọi là Tứ Diệu Ðế (Four Noble Truths) và 8 con đường giải thoát khỏi vòng sanh tử gọi là Bát Chánh Ðạo (The Noble Eightfold Path) để con người hằng trụ mãi mãi trong cõi Niết Bàn.     
 
Bốn chân lý là bốn sự thật được chiêm nghiệm ngay trong cuộc sống hằng ngày, đó là:
 
(1) Khổ Ðế tức chân lý thứ nhất về khổ đau.  Ðời người ai cũng phải trải qua chuỗi khổ đau: sinh ra, già đi, bịnh hoạn, và chết.  Thật là:
 
Mới sinh ra thì đà khóc chóe
Trần có vui sao chẳng cười khì?
Khi hỉ, nộ; khi ái, ố; lúc sầu, bi
Chứa chi lắm một bầu nhân dục?
(Nguyễn Công Trứ)
 
Và có thơ rằng:
 
Con biết Phật Dạy:

Ðời là bể khổ
Sống trong lo sợ
Già khôn nương tựa
Bịnh khôn thuốc chữa
Chết trong lãng quên
Của Luật Vô Thường
Thành, Trụ, Di, Diệt
Trong cõi lưỡng cực
Sắc sắc, không không

(2) Tập Ðế tức chân lý về nguyên nhân của khổ đau.  Nguyên nhân của khổ đau là lòng ham muốn (ái dục) được kết tập từ muôn ngàn kiếp trước, tạo thành nghiệp quả của kiếp này và cứ thế xoay vần không bao giờ dứt nếu không kiên trì tuân theo pháp diệt khổ.  Có thơ rằng:
 
Con biết Phật dạy:
 
Khổ do nơi tâm
Chấp giả làm chân
Chấp ta là nhất
Khởi tham, sân, si
Mạn, nghi, ác kiến
Làm điều bất thiện
Ích kỷ, hại nhân
Khiến thân, khẩu, ý
Bồng bềnh dao động
Yêu, ghét, giận, mừng
Ðau, buồn, sướng, hận

(3) Diệt Ðế tức chân lý về quyết tâm triệt để diệt những nguyên nhân của khổ mới chấm dứt đau khổ.  Chân lý này đòi hỏi phải quán niệm tự giác giải phóng con người mình khỏi mọi luyến ái, tham, sân, si, mạn, nghi, và ác kiến bằng cách triệt để theo con đường chân lý thứ tư là Trung Ðạo (Middle Way) có tám nhánh gọi là Bát Chánh Ðạo.  Có thơ rằng:
 
Con biết Phật dạy

Tám cách diệt khổ
Khao khát đúng chỗ
Quan niệm không sai
Nói một không hai
Cư xử quảng đại
Sống không sai trái
Làm việc hăng hái
Chú tâm kiên trì
Suy nghĩ cho cân
Là Bát Chánh Ðạo
 
(4) Ðạo Ðế tức chân lý về con đường đúng nhất gồm 8 cách để diệt nguyên nhân của khổ đau.  Có những giải thích khác nhau về những từ ngữ trong Bát Chánh Ðạo nên mỗi người cần có sự suy nghĩ riêng của chính mình. Tám cách đó đại cương được dẫn giải như sau:
 
1.      Chánh Kiến (Right View) là nhìn đúng về sự vật.  Đây là điều kiện tiên quyết.  Bởi vì một cái nhìn sai lệch, có tiên kiến hay thành kiến sai lệch, sẽ dẫn tới một niềm tin sai lệch; rồi một niềm tin sai lệch sẽ dẫn tới những hành động hay lời nói sai trái.  Nhưng làm sao biết được cái nhìn nào đúng và không đúng?  Điều đó không phải dễ làm.  Có một cách là dựa vào hâụ quả  của cái nhìn đó: nếu hậu quả là không gây tai hại tới ai hay vật gì, không mang lại tư lợi vô thường, phát xuất từ một lương tâm trong sạch, thì đó là cái nhìn đúng.   Phương pháp này đòi hỏi phải học hỏi không ngừng để nâng cao trình độ tri thức vì đó là điều Ðức Phật quan tâm tới nhất:  u minh là nguồn gốc của moị sai lầm.  Học hỏi không ngừng mới hy vọng thanh lọc ô trọc kết tụ từ muôn kiếp trước trong bản thân. 
 
2.      Chánh Tư Duy (Right Thinking) hay là Chánh Khát Vọng (Right Aspiration).  Nói chun, ai cũng có những khát vọng cao hoặc thấp, đúng hay sai.  Khát vọng đúng hay sai là do chánh kiến đúng hay sai.       Cho nên nếu khát vọng dựa vào đức từ bi, bác ái, không làm hại sinh linh thì đó là khát vọng chính đáng.   Chánh tư duy hay chánh khát vọng cũng đòi hỏi phải luôn luôn học hỏi nhằm nâng cao trình độ kiến thức của bản thân.
 
3.      Chánh Ngữ (Right Speech) là nói đúng, không nói điều gian dối nhằm có lợi cho mình.  Chánh ngữ phát xuất từ chánh tư duy, chánh khát vọng, từ lương tâm trong sạch, và cũng đòi hỏi phải nâng cao trình độ kiến thức.
 
4.      Chánh Nghiệp (Right Action) là những hành động chính đáng phát xuất từ chánh kiến hay chánh tư duy.  Phải hết sức cẩn thận tu tập từ những hành động thật nhỏ nhặt như không giết hại ngay cả một con kiến hoặc không giữ của rơi làm của mình.  Phật dạy rằng: mỗi tác động (nhân) đều phát sinh ra phản tác động (quả) và đó là ý nghĩa của nghiệp.  Ngoài nghiệp của cá nhân còn nghiệp chung của xã hội (cộng nghiệp).  Và nếu không đổi được nghiệp của quá khứ thì con người lại có thể đổi đuợc nghiệp của hiện tại bằng cách tu nhân tích đức.  Cho nên trong kiếp sống hiện tại, cần phải kiên trì tu tập để cải nghiệp dữ sang nghiệp lành. 
 
5.      Chánh Mạng (Right Livelihood) là sống cho chính đáng.  Chánh mạng cũng phát xuất từ chánh kiến và chánh tư duy.  Sống chánh mạng là sống lương thiện, vị tha, không phân biệt đối xử, tôn trong tự do, và nhân quyền.  Lối sống của chủ nghĩa duy vật không phải là chánh nghiệp và tạo ra những hậu quả rất tai hại cho xã hội loài người.
 
6.      Chánh Tinh Tấn (Right Effort) là nỗ lực đúng để vươn lên.  Chánh tinh tấn biểu hiện ý chí thắng chính mình, triệt tiêu cái “ngã” dọn đường tiến tới mục tiêu cuối cùng là “vô ngã” để chuẩn bị đi đến giai đoạn thăng hoa.  Một phút nản lòng, lơ là, hay tiêu cực là chính ta đã làm cho công lao tu tập lùi lại cả ngàn năm.
 
7.      Chánh Niệm (Right Mindfulness) là tưởng nhớ đúng, là tập trung trọn vẹn tâm ý vào việc đúng, một tư tưởng đúng, một hình ảnh thật cao quý.  Niệm Phật là nhắc mình tưởng nhớ tới những điều Phật dạy và phải thực hành siêng suốt và thành khẩn.  Sự tưởng nhớ liên tục, kiên trì và thành khẩn sẽ tạo một sự giao cảm hay cao hơn là một trạng thái siêu cảm.  Nhớ rằng, những cái gì không còn nhớ tới nữa thì kể như đã mất, đã chết và ngược lại.
 
8.      Chánh Định (Right Contemplation): là tịnh tâm đúng pháp.  Đây là giai đoạn chót rất quan trọng mà các nhà đại sư ngàn xưa quan niệm đó là phương pháp giúp gột bỏ hết tạp tư để “thức” được thanh nhẹ hơn hầu có thể tiếp cận được với cảnh giới khác.  Mỗi phái thiền đều đưa ra một phương pháp khác nhau nhằm tu luyện tâm thức như  Thiền Tì Ni Đa Lưu Chi Ấn Độ)  và Thiền Vô Ngôn (Trung Hoa); Thiền Vạn Hạnh; Thiền Vô Vi (Lương Sĩ Hằng); Zen (Nhật), Thiền Tánh Không (Cali), Thiền Viện Thường Chiếu; v.v.  Người thì không “nhìn” gì cả ngoài bức vách (diện bic1h); người thì không nói, không nghe, không nhìn (nhập thất); người thì nhịn ăn (khắc kỷ); người thì không để tâm đến bất cứ điều gì (vô tâm); … Như vậy, tùy theo duyên cảnh đưa đẩy mà tìm đến một thiền phái để tu tập nhưng đừng quên lời Phật dạy lúc Ngài sắp nhập Niết bàn (ghi ở trên). 
 
Kiên định thực hành đủ 8 cách nói trên tức là nhìn, khát vọng, nói, làm, sống, cố gắng, niệm, và tập trung tâm ý sao cho đúng cách sẽ có đủ công lực thắng được mọi thứ ma chướng và do đó Phật Tánh sẽ phát xạ tập trung giúp tâm thức thăng hoa vuợt tới Cõi Niết Bàn Tuyệt Đối hoặc trước mắt là Cõi Niết Bàn Tương Đối hay Như Lai Tại Thế ngay tại trần gian này.
 
Có thơ nói về Lục Ðại Ðức của giới Bồ Tát tại thế: Bố Thí, Trì Giới, Nhẫn Nhục, Tinh Tấn, Thiền Định, và Trí Huệ như sau:
 
Con biết Phật dạy:
 
Tu: tâm là gốc
Tâm mà xao động
Thiên quang chẳng phát
Trí bị lu mờ
Hành động ngu ngơ
Tạo thành quả nghiệp
Ðời đời, kiếp kiếp
Nối tiếp sinh sôi
Chẳng bao giờ dứt
Tu tâm tạo đức
Sám hối làm đầu
 
Trong thì quên thân
Ngoài quên ma cảnh
là Ðại Bố Thí
Không tham, sân, si
Là Ðại Trì Giới
Chẳng chấp thị, phi
Chẳng phân nhân, ngã
Là Ðại Nhẫn Nhục
Niệm Phật không ngưng
Là Ðại Tinh Tấn
Vọng vô móng khởi
Là Ðại Thiền Ðịnh
Tâm sạch duyên cảnh
Là Ðại Trí Huệ
 
Phật là Ðại Giác

 
A Di Ðà Phật
Vô Lượng Thọ Quang
Sáng mãi, tỏa mãi
Không diệt, không hư
Thoát Cõi Sắc Không
Nhập Cõi Như Lai
Hằng đi, hằng về
Không thành, không trụ
Không đổi, không diệt
Không buồn, không vui
 
Con biết Phật dạy
 
Con Ðường Toàn Thiện
Con Ðường Toàn Giác
Tự con làm được
Chẳng thể cậy ai
Chúng sanh hoàn thành
Như Lai Tại Thế

*
 
Tứ Diệu Ðế và Bát Chánh Ðạo vừa mới đề cập tới ở trên là những giáo lý căn bản của Phật Pháp.  Ngoài ra, Phật còn giảng thuyết về Niết Bàn; Luân Hồi; Nhân Quả; Từ Bi; Thanh Lọc Thân,Tâm, Ý; Chay Tịnh; Duyên; Cảnh; Ngộ; Thiền…

 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here