Trang chủ Phật học Phật tánh và tâm từ

Phật tánh và tâm từ

155
0

Từ Bi Hỷ Xả là những đức tính của một bậc Giác ngộ:

“Đại từ đại bi đại hỷ đại xả chính là Phật tánh, Phật tánh chính là Như Lai” (phẩm Bồ- tát Sư Tử Rống, kinh Đại Bát Niết Bàn).

Trong bài này chúng ta tìm hiểu tâm từ và Phật tánh, y cứ vào kinh Đại Bát Niết Bàn, chủ yếu lấy từ phẩm Phạm Hạnh. Kinh này gắn liền với tâm từ. Ngay trang đầu, Đức Phật đã nói: “Như Lai Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thương mến che chở chúng sanh, là ngôi nhà lớn rộng cho chúng sanh về nương ở, xem chúng sanh như con một là La Hầu La”. Suốt kinh đều nhắc đến tâm từ, cho đến gần cuối kinh, phẩm Bồ-tát Ca Diếp, có bài kệ tán thán Đức Phật, chủ yếu tán thán đại từ đại bi của bậc Giác Ngộ.

Tâm từ là một thuộc tính của giác ngộ, đến độ nếu không có tâm từ thì không thể gọi là giác ngộ:

“Này thiện nam tử! Tâm từ tức là Đại thừa. Đại thừa tức là tâm từ, tâm từ tức là Như Lai. Tâm từ tức là đạo giác ngộ. Đạo giác ngộ tức là tâm từ, tâm từ tức là Như Lai.

“Này thiện nam tử! Tâm từ có thể vì tất cả chúng sanh mà làm cha mẹ, cha mẹ tức là tâm từ, tâm từ tức là Như Lai.

“Này thiện nam tử! Tâm từ là cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn của chư Phật. Cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn của chư Phật chính là tâm từ. Nên biết tâm từ chính là Như Lai.

“Này thiện nam tử! Tâm từ chính là Phật tánh của chúng sanh. Phật tánh ấy từ lâu bị phiền não che lấp nên khiến cho chúng sanh chẳng được nhìn thấy. Phật tánh tức là tâm từ, tâm từ tức là Như Lai” (Phẩm Phạm Hạnh).

Qua đoạn kinh trên, chúng ta có thể nói rằng thực hành để đạt đến tâm từ trọn vẹn tức là đạt đến giác ngộ. Đạt đến tâm từ là đạt đến Phật tánh, đạt đến tâm từ hay Phật tánh một cách trọn vẹn là thành Phật.

Kinh thường nhắc đi nhắc lại câu nói, “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh”. Phật tánh là cái vốn có sẵn, không do tạo tác, nhưng chúng sanh vì bị phiền não che lấp nên không thấy.

Nhưng tâm từ chính là Phật tánh của chúng sanh. Như thế tâm từ cũng là cái vốn có sẳn, không do tạo tác, ở nơi chúng sanh mà từ lâu bị phiền não che lấp khiến chúng sanh chẳng được nhìn thấy.

Nếu Phật tánh “không do tạo tác, không sanh không diệt, không tăng không giảm, không dơ không sạch” thì tâm từ cũng “không do tạo tác, không sanh không diệt, không tăng không giảm, không dơ không sạch”.

Nói thế nghĩa là chúng ta đang hiện có tâm từ này, đang sống và hoạt động trong hay trên tâm từ này, dù chúng ta chưa thể nghiệm được nó.

Tâm từ là Phật tánh vốn có sẵn, toàn thiện, không tăng thêm không giảm bớt. Đây là tâm từ của chân lý tuyệt đối và tối hậu. Còn những pháp môn tu để khai mở, tương ưng với tâm từ của chân lý tuyệt đối và tối hậu này như phát Bồ đề tâm, quán tưởng tâm từ, bố thí… thuộc về chân lý tương đối và quy ước. Cho đến khi chân lý tương đối tương ưng và hợp chất với chân lý tuyệt đối, lúc đó có giác ngộ viên mãn.

Sống là để tìm gặp nguồn từ bi vốn có sẵn, như Phật tánh vốn có sẵn, và khai mở cuộc sống của chúng ta với tâm từ, thấm đẫm cuộc đời chúng ta bằng tâm từ, làm lớn rộng hiện hữu của chúng ta bằng tâm từ. Cho đến khi tâm từ trở thành vô lượng (Bốn vô lượng tâm) thì hiện hữu của chúng ta cũng trở thành vô lượng.

Tâm từ là tâm thương mến, yêu mến, quý mến, dịu dàng, gần gũi, bao che, muốn cho đối tượng không bị đau khổ mà luôn luôn được hạnh phúc. Lòng tốt luôn luôn có nơi tâm từ: có tâm từ với đối tượng nào là có lòng tốt (hảo tâm), có ý muốn tốt (thiện ý), không có ý làm tổn hại đối tượng ấy. Tâm từ là sự ấm áp, sự thương mến cho đi một cách thuần túy mà không đòi hỏi đáp lại cái gì cả. Như cha mẹ với con nhỏ, như mặt trời mặt trăng với cỏ cây.

Hơn nữa, kinh thường nói “tâm từ xem tất cả chúng sanh đồng như con một”. Bậc “nhất tử địa” là bậc xem chúng sanh như con độc nhất (nhất tử) của mình. Thế nào là ý nghĩa con một, đứa con độc nhất?

– Con là một liên hệ, kết nối về thân thể, huyết thống. Con là một thân thể khác, một tâm thức khác của cha mẹ. Sự liên kết này không thể đứt lìa trong bất cứ trường hợp nào, nhất là khi lại là con một. Tâm từ xem tất cả chúng sanh là con một là tâm từ nối kết chặt chẽ với chúng sanh, không thể để đứt lìa dù bất cứ nguyên nhân hoàn cảnh nào.

– Con một phải là quan trọng hơn mình, về mọi mặt, mạng sống, tiền đồ tương lai, thành công, hạnh phúc… tất cả đều phải quan trọng hơn cuộc sống của mình. Con một chính là tương lai và sự sống của cha mẹ.

– Cuộc đời cha mẹ phải làm mọi việc để con được an toàn, hạnh phúc và thành đạt.

– Sự thương mến, yêu quý… dành cho đứa con độc nhất là sự thương yêu lớn lao nhất, sâu đậm nhất và cũng là duy nhất.

Khi giữ được năm giới đối với chúng sanh (không giết hại, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, không say sưa) là chúng ta bắt đầu biết thế nào là tâm từ, vì giữ năm giới chính là sự biểu lộ của tâm từ với bên ngoài. Từ đó, chúng ta mở cuộc đời mình ra với tâm từ, huấn luyện tâm bằng thiền định thiền quán để tâm từ có ngày trở thành vô lượng.

Phẩm Phạm hạnh nói: “Bồ-tát đối với chúng sanh phân làm ba hạng: Một là những người thân yêu, hai là những người oán ghét, ba là những người không thương không ghét. Mỗi hạng lại chia ra nhiều, trung bình, ít. Vị này đối với hạng thân yêu nhiều ban cho sự vui lớn lao. Với hạng thân yêu trung bình và ít cũng bình đẳng ban cho sự vui lớn lao. Với hạng oán ghét nhiều thì cho ít phần vui. Với hạng oán ghét trung bình thì cho sự vui trung bình. Với hạng oán ghét ít thì cho sự vui lớn lao.

“Bồ-tát dần dần tu tập thêm lên. Với người oán ghét nhiều thì cho sự vui trung bình, với người oán ghét trung bình và ít, cho sự vui lớn lao. Lại tu tập tăng thêm, với những người oán ghét nhiều, trung bình, và ít đều bình đẳng cho sự vui lớn lao. Nếu với người oán ghét nhiều mà cho sự vui lớn lao, bấy giờ gọi là thành tựu tâm từ”.

Khi với cả ba hạng người, nghĩa là mọi người trong thế giới này, đều có thể tặng cho sự vui lớn lao, như thế có phải thế giới này đã biến thành niềm vui lớn lao?

Kinh nói đến một số lợi lạc của việc thực hành tâm từ: “Vì trừ những sự không lợi ích cho các chúng sanh, đây gọi là đại từ. Muốn cho chúng sanh được vô lượng lợi ích an vui, đây gọi là đại bi. Với các chúng sanh sanh lòng vui mừng, đây gọi là đại hỷ. Nếu chẳng thấy có ta, tướng các pháp, thân mình, tướng chúng sanh, thấy tất cả pháp đều bình đẳng, không sai khác, đây gọi là đại xả. Tự rời bỏ sự vui của mình mà đem cho người khác, đây gọi là đại xả.

“Chỉ có bốn tâm vô lượng có thể làm cho Bồ-tát đầy đủ được sáu pháp ba-la-mật. Bốn tâm vô lượng của Bồ-tát có thể làm cội gốc cho tất cả hạnh lành”(PhẩmPhạm hạnh).

“Người tu tâm từ có thể dứt tham dục, sân giận”.

Bố thí cho những đạo sĩ có ngũ thông đông đảo khắp mặt đất thì phước đức ấy “chẳng bằng tu lòng từ, trong một phần mười sáu”.

Tâm từ làm căn bản cho mọi pháp môn:

“Tất cả Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát, chư Phật có được căn lành đều do tâm từ làm căn bản. Bồ-tát tu tâm từ có thể sanh vô lượng căn lành như quán bất tịnh, sổ tức, vô thường, bốn niệm xứ, mười hai nhân duyên… cùng với bốn gia hạnh pháp noãn, đảnh, nhẫn, thế đệ nhất, kiến đạo, tu đạo… cho đến ba mươi bảy phẩm trợ đạo, bốn thiền, bốn vô lượng tâm, không, vô tướng, vô nguyện, vô tranh tam muội, trí biết bổn tế, trí Thanh văn, trí Duyên giác, trí Bồ-tát, trí Phật” (Phẩm Phạm hạnh).

Bồ-tát luôn luôn với tâm từ mà làm các hạnh. Chẳng hạn bố thí thức uống:

“Lúc bố thí các thức uống, Bồ-tát ở trong tâm từ nên nguyện rằng: Những thức uống bố thí hiện giờ đều cho tất cả chúng sanh chung hưởng. Nguyện các chúng sanh rời niệm ưa sanh tử mà ưa thích Đại Niết- bàn trọn vẹn Pháp thân, được các tam muội vào đại dương trí huệ sâu thẳm. Nguyện các chúng sanh được vị cam lồ trí huệ xuất thế tịch tịnh lìa dục. Nguyện các chúng sanh đầy đủ vô lượng trăm ngàn pháp vị. Đủ pháp vị rồi được thấy Phật tánh. Thấy Phật tánh rồi có thể rưới mưa pháp. Rưới mưa pháp rồi Phật tánh trùm khắp dường như hư không… (Phẩm Phạm hạnh).

Tâm từ phối hợp với trí huệ soi thấy tánh Không và cuối cùng hợp nhất với trí huệ thì tâm từ ấy trở thành Đại từ, tâm từ vô lượng và vô thượng:

“Này thiện nam tử! Tâm từ tức là Đại Không. Đại Không tức là tâm từ, tâm từ tức là Như Lai.

“Tâm từ là đạo vô thượng của tất cả Bồ-tát. Đạo là tâm từ, tâm từ tức là Như Lai.

“Tâm từ nếu chẳng có thể thấu rõ các pháp (là tánh Không), nên biết tâm từ ấy là tâm từ của Thanh văn. Tâm từ nếu thấy các pháp có tướng, nên biết tâm từ ấy là tâm từ của Thanh văn.

“Này thiện nam tử! Nếu tâm từ chẳng có thể được mười trí lực của Phật và bốn vô sở úy, nên biết tâm từ ấy là tâm từ của Thanh văn” (Phẩm Phạm hạnh).

Nhờ tương ưng với “tâm từ là Phật tánh” này mà Bồ- tát “có thể biết tất cả chúng sanh đều có Phật tánh”.

“Bậc Bồ-tát Thập trụ biết tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, nhưng thấy chưa được rõ ràng, như trong đêm tối thấy vật chẳng rõ” (Phẩm Phạm hạnh).

Nhờ “tâm từ là Phật tánh” này mà “các Bồ-tát do ở trong Phật tánh mà xem chúng sanh bình đẳng như nhau không sai khác” (Phẩm Văn tự).

Trọn vẹn ở trong “tâm từ là Phật tánh” này, Đức Phật “thấy rõ hoàn toàn Phật tánh của tất cả chúng sanh” (PhẩmBồ-tát Sư tử rống).

Như vậy nhờ Phật tánh như là tâm từ, nói đầy đủ là từ, bi, hỷ, xả mà thấy được tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, và chính vì thấy biết tất cả chúng sanh đều có Phật tánh mà có được từ bi hỷ xả đích thực và rộng lớn. Từ bi hỷ xả đích thực và rộng lớn đặt trên nền tảng Phật tánh chung của mình và người, của tất cả muôn loài chúng sanh.

Phật tánh là nền tảng của tất cả đạo đức Phật giáo. Đạo đức ấy không chia lìa với nhận thức của trí huệ, với hiểu biết của khoa học (thấu rõ các pháp), với các ngành xã hội – nhân văn (tất cả chúng sanh), với tất cả mọi mặt của xã hội con người.

Như vậy, tất cả mọi ngành học nghiên cứu của con người, tất cả mọi sinh hoạt của thân, ngữ, tâm của con người, đều nằm trong câu nói “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh”. Chúng ta hiểu rõ hơn tại sao gọi đó là “tiếng rống của sư tử”, phẩm Bồ-tát sư tử rống.

Tâm từ có sức mạnh ảnh hưởng đến chung quanh: “Ví như người ta thấy thú dữ từ xa thì tự nhiên sanh sợ sệt. Ngược lại, chúng sanh thấy người tu tâm từ thì tự nhiên sanh vui vẻ, sung sướng” (Phẩm Phạm hạnh).

Tâm từ có sức mạnh lớn lao mà kinh nói là những thần thông: “Ta nói tâm từ có vô lượng môn, chính là những thần thông” (Phẩm Phạm hạnh).

Trong phẩm Phạm hạnh này có nhiều câu chuyện về Đức Phật để minh họa cho sức mạnh của tâm từ. Đức Phật nhập “từ tâm tam muội” để điều phục con voi say do vua A-xà-thế thả ra để hại Đức Phật. Hất văng tảng đá lớn năm trăm lực sĩ không làm gì nổi, “nên biết chính là sức thiện căn của tâm từ khiến các lực sĩ ấy thấy như vậy”. Rừng cây bị chặt, môi trường bị nhiễm bẩn do các Ni-kiền-tử làm để ngăn cản Đức Phật đến một thành phố. “Lúc ta đến ngoài thành kia chẳng thấy rừng cây, chỉ thấy trên mặt thành vũ trang chặt chẽ, ta liền thương xót khởi tâm từ. Những cây cối mọc lên như cũ, có phần tươi tốt hơn.

“Nước sông, ao hồ, đều trở nên trong vắt, nhiều thứ hoa nở đầy mặt đất… Lúc ấy thật ra ta chẳng hóa ra những rừng cây, cũng chẳng làm cho nước trong sạch, cũng chẳng biến vũ khí thành những cành hoa. Nên biết những việc ấy đều do sức căn lành của tâm từ làm cho nhân dân thành Thủ-ba-la thấy như vậy”.

Còn nhiều chuyện về sức mạnh của tâm từ như vậy nữa. Nhưng chúng ta có thể học một điều: sức mạnh của tâm từ có thể cải biến vật chất, từ dơ thành sạch, từ hư hỏng biến thành tốt lành, và nhất là đối với con người, có thể biến một tâm xấu ác thành một tâm hiền thiện.

Để kết luận về tâm từ, chúng ta trích bài kệ Bồ-tát Ca-diếp tán thán Đức Phật, chủ yếu nói về tâm từ của bậc Giác ngộ.

Bài kệ này kết thúc chương Bồ-tát Ca-diếp:

Đại Y Vương thương mến thế gian
Thân và trí huệ đều tịch tĩnh
Trong pháp vô ngã, có chân ngã
Nên con kính lễ bậc Vô thượng.

Phát tâm, rốt chót, hai không khác
Hai tâm này, tâm trước khó thay
Mình chưa được độ, độ người trước
Nên con kính lễ Sơ phát tâm.

Sơ tâm đã là Thầy trời người
Vượt hẳn Thanh văn và Duyên giác
Phát tâm như vậy vượt ba cõi
Nên được gọi bậc Tối vô thượng.

Đời phải mong cầu, rồi mới được
Phật không chờ thỉnh, làm chỗ quy
Phật theo thế gian như nghé con
Nên được gọi là bậc Đại bi.

Công đức Như Lai khắp mười phương
Người vô trí không thể ngợi ca
Nay con tán thán tâm từ bi
Để báo đáp hai nghiệp thân khẩu.

Thế gian thường thích lợi riêng mình
Như Lai trọn chẳng làm việc ấy
Dứt báo thế gian cho chúng sanh
Nên con lễ bậc Tự, Tha lợi.

Thế gian theo đuổi lợi người thân
Như Lai làm lợi không thân, oán
Phật không các tướng như người đời
Nên tâm bình đẳng, không hai tướng.

Thế gian nói khác, việc làm khác
Như Lai nói, làm không khác nhau
Phàm chỗ tu hành, dứt các hành
Nên được xưng gọi là Như Lai.

Trước đã rõ biết lỗi phiền não
Thị hiện ở đó vì chúng sanh
Từ lâu giải thoát khỏi thế gian
Vào trong sanh tử, từ bi vậy.

Tuy hiện thân trời cùng thân người
Từ bi theo sát như nghé nhỏ
Như Lai tức là mẹ chúng sanh
Tâm từ đó chính là nghé nhỏ.

Tự chịu các khổ vì chúng sanh
Nhớ nghĩ xót thương lòng chẳng hối
Quá thương yêu nên không biết khổ
Nên con kính lễ bậc Bạt khổ.

Như Lai tuy tạo vô lượng phước
Nghiệp thân khẩu ý thường thanh tịnh
Thường vì chúng sanh, chẳng vì mình
Nên con kính lễ Nghiệp thanh tịnh.

Như Lai chịu khổ, chẳng biết khổ
Thấy chúng sanh khổ như mình khổ
Dầu vì chúng sanh, ở địa ngục
Chẳng sanh tưởng khổ và hối tiếc.

Tất cả chúng sanh khổ khác nhau
Thảy đều Như lai một mình chịu
Biết rồi, tâm trở nên kiên cố
Nên chuyên cần tu đạo Vô thượng.

Phật chỉ đại từ tâm một vị
Nghĩ thương chúng sanh như thương con
Chúng sanh chẳng biết Phật thường cứu
Chê bai Tam bảo Phật, Pháp, Tăng.

Thế gian đầy đủ mọi phiền não
Cùng với vô lượng lỗi xấu ác
Phiền não và tội lỗi như vậy
Phật sơ phát tâm đã trừ diệt.

Duy chỉ chư Phật ca ngợi Phật
Ngoài Phật không ai biết tán thán
Nay con chỉ xưng tán một điều:
Là tâm từ trải thấm thế gian.

Tâm từ Như Lai gồm mọi pháp
Từ ấy độ được hết chúng sanh
Đó là vô thượng Chân giải thoát
Giải thoát, đó là Đại Niết Bàn.

vanhoaphatgiaoblog.com

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here