Nhân quả nối đuôi nhau trong chớp mắt. Nhưng cũng có khi là con đường dài biền biệt, có khi hết cả đời không mong gì thấy được nhân thành quả. Mây trắng có thể chẳng bao giờ thành mưa nếu trên đường gió lộng gặp trời xanh và nắng ấm. Nghĩ về và thực chứng là đi từ hư đến thật; từ vọng đến chân.
Sáng Chủ Nhật (3-10-2010), tại chùa Kim Quang, thành phố thủ phủ tiểu bang California, theo sau những nghi lễ đầy âm thanh và màu sắc, tượng Phật Ngọc đã chính thức được trưng bày trước đại chúng. Hơn một trăm Tăng Ni và sáu nghìn người (theo quan sát và ước tính của nhật báo Sacramento Bee. Xem toàn văn tường thuật tại trang web: http://www.sacbee.com/2010/10/04/3076893/jade-buddha-draws-throng-praying.html) gồm quan khách đồng hương cũng như người nước ngoài, thân hữu và Phật tử tham dự nghi thức khai mạc lễ hội cung nghinh Phật Ngọc. Khi toàn hình ngôi tượng được trưng bày trong âm thanh trầm vọng của tiếng cầu kinh niệm Phật hòa quyện với tiếng vỗ tay nồng nhiệt của đại chúng, tôi mới chợt hiểu nghệ thuật biểu hiện tâm linh có con đường bay riêng của nó mà phương tiện diễn đạt của ngôn ngữ và tranh luận của lý trí sẽ trở thành bất lực, vô phương.
Bên cạnh tiền đình với nhiều đường nét mỹ thuật của ngôi chùa Kim Quang mới được tái tạo và khánh thành chưa lâu là lễ đài tôn trí tượng Phật Ngọc. Màu xanh ngọc bích bóng ngời của thân tượng phản chiếu nắng vàng mùaThu nổi bật giữa rừng áo vàng của quý Tăng Ni, hòa với mầu lam dịu hiền của nhiều đơn vị Gia Đình Phật Tử khắp nơi tụ về đã tạo thành một bức tranh mang tính Pháp hội thật nhu hòa mà cũng sinh động đầy thu hút.
Gặp dịp, tôi dán mắt mình quan chiêm ngôi tượng Phật bằng Ngọc để cố tìm cho ra những đường nét hiển hiện đầy thiêng liêng mà nhiều người đã từng ca tụng. Nhưng tất cả hiện ra trước mắt tôi là một tác phẩm điêu khắc mỹ thuật tạc ra từ một chất liệu vật thể quý hiếm mang bóng dáng đức Phật. Thật ra, mọi hình tướng tượng đài tự bản chất là một sự phỏng định không quy ước. Đó chỉ là cách thể hiện cụ thể cái “sự” bắt nguồn từ cái “lý”; cái dụng thể hiện cho cái ứng. Vì vậy, càng tranh luận hơn thua, đúng sai, tốt xấu, cao thấp về niềm tin tôn giáo “linh tại ngã, bất linh tại ngã” càng có cơ dẫn tới sự xung đột cá nhân và phân hóa tình người chẳng có lợi cho ai mà chỉ làm dày đặc thêm bóng tối vô minh của cực đoan và chấp ngã.
Mãi đến khi mắt rời ngôi tượng, quan sát chung quanh, tôi mới thật sự bắt gặp những gì mình chưa thấy qua đôi mắt trần vật lý. Đó là hình ảnh phản chiếu long lanh hình tượng Phật Ngọc trong đôi mắt của hàng nghìn người đang chiêm bái. Tâm thế nào thì ảnh tượng Phật Ngọc sẽ hiện ra trong mắt như thế ấy. Sự mặc khải của dòng trực cảm tâm linh không đo lường hay dò tìm được bằng những phương tiện phàm trần quy ước. Sẽ không ai có đủ khả năng phân tích và lý giải được những gì thuộc về phạm trù tâm linh, tôn giáo trước một khối người đông tới sáu nghìn quanh khuôn viên chùa Kim Quang hôm nay. Tất cả đều như đang trầm lắng lại bằng sự tĩnh tâm quan chiêm cùng một đối tượng: Phật Ngọc.
Xin nghỉ chân rong chơi một chút loanh quanh dòng Tâm Lý Trị Liệu Thực Hành (Practical Psychotherapy) hiện đại. Những tay nghiên cứu tâm lý sừng sỏ thường nói đến sự vi tế và giao hưởng đầy sinh động của năng lượng, sóng và tần số xuất phát từ tâm thức và đời sống thực tế của mỗi con người. Năng lượng lành (thanh khí), năng lượng ác (trọc khí) vần vũ xuôi ngược thường xuyên trong trời đất bao la từ vô thủy đến vô chung. Năng lượng nhiều hay ít tùy theo sóng cao thấp của thể lý và tâm linh. Sóng lớn hay nhỏ, vi tế hay thô trần tùy theo mức độ lành hay dữ của năng lượng. Tần số là cửa ngõ phát tán và thu hút năng lượng. Cửa ngõ mở rộng, đóng hờ hay khép kín đều phát xuất từ tâm và thức. Xin nhớ lại chuyện Đi Chùa Hương: Cô bé bận quần lĩnh áo the mới đi lễ hội chùa Hương với Thầy Mẹ. Chàng thư sinh lòng phơi phới lên chùa chiêm bái. Năng lượng lành xuất hiện. Cả hai không quen nhau nhưng cùng được tưới tẩm trong dòng suối tâm linh “Nam mô A Di Đà” của đại chúng. Mỗi bên đều phát tán và thu nhiễm năng lượng của bên kia. Thuyền càng tới gần chùa, làn sóng tâm linh của cá nhân và đại chúng càng cuồn cuộn vực dậy trong biển năng lượng thanh thoát của vạn lời cầu nguyện phát ra từ những tâm thành. Tần số tâm thức của đôi lứa thanh xuân cùng cường điệu bắt gặp nhau nhẹ nhàng và tự nhiên như đến từ tiền kiếp: “Em ư? Em không cầu. Đường vẫn thấy đi mau. Chàng cũng cho như thế. Ra ta hợp tâm đầu.”
Sự nghiên cứu về năng lượng, sóng và tần số thuộc về lĩnh vực tâm linh của khoa Tâm lý Trị liệu Thực hành khởi từ thời đại cổ sơ của người thượng cổ khi chưa có hình thức tôn giáo ra đời. Phật và Chúa mấy chục nghìn năm sau mới xuất hiện. Đó là khi loài người thực hành nếp sinh hoạt tâm linh qua những hình thái bái
Khai mạc Lễ hội cung nghinh Phật Ngọc tại chùa Kim Quang, Sacramento |
vọng thiên nhiên hay ngẫu tượng. Tiến thêm bước nữa là thời kỳ Bái Vật Giáo; rồi Phiếm Thần Giáo, Đa Thần Giáo. Nhiều bộ lạc chỉ chiêm bái và thờ cúng một tảng đá đầu truông, một con suối, một ngọn núi, một dòng sông đầu làng mà họ hết lòng tín cẩn và cầu nguyện. Khi những năng lượng tâm linh vi tế ẩn chứa phần lớn là năng lượng lành của một khối người có chung một tảng đá, một con suối, một ngọn núi, một dòng sông… làm đối tượng “chứng tri” thì năng lượng lành hay sóng, tần số tâm linh của cả một khối người đông đảo có sự tương tác giao thoa. Đó là một gia tài tâm linh tích lũy càng ngày càng lớn của một tập thể có chung niềm tin trong cùng một tín hiệu. Gặp khi nguy biến, thành tâm cầu nguyện là lúc cá nhân bị nạn “giải mã” (như mở password ngày nay) để nhận nguồn năng lượng lành đã tích lũy. Nếu minh họa bằng hình tượng cho dễ hiểu thì cũng tương tự như hoạt động tích lũy và sử dụng tài sản – gởi và rút tiền – qua trương mục của một ngân hàng trung tâm. Kẻ tích thiện làm lành có vốn giàu to. Kẻ độc ác sẽ bị trắng tay hay phá sản .
Với tinh thần Phật giáo “vô lượng pháp môn tu” – thì những ý kiến cá nhân hay nhóm phái chủ quan, cảm tính, cực đoan là phi Phật giáo vì đi ngược lại con đường Trung Đạo cố hữu của nhà Phật. Nói và viết về đạo Phật – con đường thênh thang mây trắng – mà phải nhăn trán, níu mày loay hoay mãi với tâm lý uẩn ức tiêu cực quanh mấy chuyện được thua, giàu nghèo, có không… trong giới hạn cá nhân nhỏ hẹp để khích bác và đối kháng lẫn nhau thì thật là uổng phí thời gian tĩnh lặng giữa cuộc đời ngắn ngủi. Thú vị chi ngồi khuấy tách trà làm bão tố phù du!
Sáng hôm nay 4-10-2010, đọc bài tường thuật của phóng viên Stephen Magagnini ([email protected]) của nhật báo Sacramento Bee về lễ khai mạc cung nghinh Phật Ngọc tại Sacramento với tiêu đề “ Jade Buddha draws throng praying for peace, health and prosperity.” (Phật Ngọc làm dấy lên lời cầu nguyện đa dạng cho hòa bình, sức khỏe và phồn vinh.) Nội dung bài báo tương đối xứng hợp với tiêu đề đưa ra. Trước đó vài tuần, khi tượng Phật Ngọc còn đang trưng bày ở San Jose, thành phố có đông người Việt thứ nhì tại tiểu bang California sau Quận Cam, phóng viên Bruce Newman của nhật báo địa phương Mercury News, số ngày 15-9-2010 đã viết bài tường thuật về lễ hội cung nghinh Phật Ngọc tại đây dưới tiêu đề “The Jade Buddha, symbol of peace and harmony, everywhere but in San Jose” (Phật Ngọc, biểu tượng của hòa bình và hòa hợp khắp mọi nơi, ngoại trừ San Jose.) Toàn văn bài viết nầy đã đăng lên mạng lưới toàn cầu, ở địa chỉ: http://www.mercurynews.com/ci_16087076?nclick_check=1
Thật ra, đứng trên quan điểm tôn giáo nói chung, Newman đã dẫn chứng các sự kiện và nhân vật trong cộng đồng người Việt tại San Jose mà ảnh hưởng và tác dụng của vấn đề cần đặt trong bối cảnh chung của tình hình xã hội và chính trị tại địa phương, chẳng có sự liên quan trực tiếp nào đáng kể trên sinh hoạt của Phật giáo tại San Jose. Trên tiêu chuẩn “handbook” của ngành báo chí Hoa Kỳ, Bruce Newman săn tin rất “động” nhưng lại chưa đủ “tĩnh” để có thể hiểu hết thực chất “tướng” và “tánh” – bóng và hình – của một cộng đồng dân tộc và văn hóa “bốn nghìn năm văn hiến” quá nhiêu khê như người Việt Nam.
Trong một bài viết trước đây về Phật Ngọc nhan đề: Phật Ngọc, hình tướng và thật tánh của hoà bình, an lạc, (Xin bấm vào địa chỉ sau đây để xem nguyên văn: http://trankiemdoan.net/butluan/tongiao-phatgiao/phatngoc.html) kẻ đang viết những dòng nầy đã cố gắng ứng dụng đồng thời hai tuyến dữ kiện “động” và “tĩnh” để trình bày một phần quan điểm của mình về Phật Ngọc. Nay trong bài viết tiếp theo nầy, người viết bằng vào diễn biến thực tế và ý kiến của nhiều Phật tử trực tiếp tham dự Lễ Hội để nhận định về tác dụng trực tiếp cuộc du thỉnh “world tour” vòng quanh thế giới của Phật Ngọc đối với cộng đồng Phật Giáo Việt Nam.
Xin tạm gác qua lắm chuyện thị phi bên lề diễn biến của tiến trình trưng bày Phật Ngọc liên quan đến sự được thua, hơn kém, to nhỏ, mạnh yếu, khen chê… về thế lực, tài chánh, khả năng tranh chấp quyền lợi; cùng những hào quang dễ dãi và bóng đen vu vạ mà xưa nay trong bất cứ hoàn cảnh nào và thời điểm nào cũng có. Một khi có sự tương tác từ hai người trở lên thì sự va chạm cá nhân và phe phái không thể nào tránh khỏi. Nhà sư Tích Lan, Tikhome Lanka, đã viết trong Pháp Ngữ Diễn Đàn (Dharma, 2001) rằng: “Tôn giáo dính vào tiền bạc và quyền thế tranh chấp đời thường là đang bước lên cổ xe năng động: Chạy lên trời Đâu Suất hay rớt xuống Địa Ngục dễ dàng như trở bàn tay! Nhà tu ngày nay đến với cảnh giới giải thoát hay cứu cánh đắc đạo thường mua vé xe bằng tiền bạc nên chỉ đi được xe ngựa xe đò; trong lúc đó, cuộc đời quá ngắn ngủi thì phải đi bằng tốc độ tâm linh nhiệm mầu nhanh hơn cả tốc độ ánh sáng mới mong về kịp chốn ước mơ trước khi nhắm mắt xuôi tay!”
Trong khi tôi đang viết những dòng nầy tại Sacramento thì đang có hàng trăm người từ San Jose, Fresno, Stockton và các vùng lân cận đã kiên tâm chờ đợi tới mấy ngày nhưng không ít người đã ra về tay không. Hầu hết những người ở xa cho biết là họ đã phải thức dậy từ 2, 3 giờ sáng để lái xe về địa điểm Phật Ngọc,
Ông Trần Quốc Mỹ với tượng ngọc trên tay |
xếp hàng chờ đợi để cố mua cho được một miếng tượng mỏng, nhỏ hơn hai ngón tay. Đại chúng được cho biết và có giấy chứng nhận đây là thành phẩm chiết ra từ khối ngọc chính tạc tượng Phật Ngọc. Tôi quan sát những khuôn mặt chờ đợi phờ phạc nhưng phát nụ cười hớn hở khi vừa ra khỏi cửa với miếng tượng nhỏ xíu trên tay. Cũng đã có quá nhiều lời bình phẩm – trong cũng nhiều mà đục cũng lắm – về ý nghĩa, động cơ và tác dụng của việc mua và bán tượng đeo bằng ngọc nầy. Trong muôn một, tôi thử tiếp xúc với một người vừa mua được tượng ngọc và “phỏng vấn”. Anh cho biết anh là Trần Quốc Mỹ, ở Stockton, đã trải qua “công đoạn” đợi chờ hết sức vất vả suốt mấy ngày mới mua được tượng ngọc. Anh cho biết là đã nghe quá nhiều chuyện thật hư, nhưng “tội ai nấy hứng, ai tu nấy chứng”, nên chẳng quan tâm đến chuyện thị phi, tin hay không tin là do mình. Anh kết luận thoải mái rằng: “Bạc vàng thì có giả, có thiệt do người ta mang tới, nhưng lòng tin là do mình. Mua một niềm tin có khả năng biến thành nguồn vui, hay hơn nữa thành nguồn an lạc thì quả là vô giá. Nhưng ở đây tốn kém chỉ bằng mua một cái vé đại nhạc hội Paris by Night thì cũng là thú vị.” Câu nói của anh làm tôi nhớ tới những hòn đá “tô-tem” làm vật thờ cúng của người cổ sơ. Tác dụng của niềm tin sẽ làm cho đá sỏi và thần nhân thành bạn. Khi đã mất niềm tin thì con người là kẻ thù của thần nhân và thần nhân cũng chỉ là đối tượng khô cằn và vô tri như sỏi đá.
Niềm tin tôn giáo, dù chỉ là năng lực vô hình của tinh thần và tâm linh, nhưng lại chiếm ngự phần đời rất lớn của những người tôn giáo. Có tôn giáo hành đạo mỗi ngày năm lần bảy lượt để cầu nguyện. Có tôn giáo khi đã theo là hiến trọn đời mình cho giáo chủ. Đạo Phật thường nói đến con đường từ bi và trí tuệ không phải vì có một pháp môn chuyên nhất đưa tới giác ngộ, nhưng đức Phật đã chỉ ra vô lượng pháp môn hành đạo mà đời thường đưa ra con số làm biểu tượng là tám vạn bốn ngàn. Trên con đường thênh thang tùy duyên ấy, có những hình ảnh quán niệm tĩnh lặng cao thâm; nhưng cũng có lúc phải cần tới “lục thời công phu” và môn phái Tịnh độ hành trì Pháp môn Niệm Phật, giữ cho được “nhất tâm bất loạn” thì niệm Phật thường hằng không lúc nào dứt niệm. Nói tóm lại, đi vào lĩnh vực đức tin tôn giáo là đi vào một thế giới khác mà những tiêu chí và luận lý đời thường không thể nào lý giải và hiểu cho rốt ráo được.
Hai mẫu tượng ngọc phát hành trong dịp Lễ Hội cung nghinh Phật Ngọc. |
Trong những ngày qua, môi trường truyền thông đại chúng người Việt cũng như người nước ngoài đã đưa ra một lượng thông tin khá phong phú và đa dạng về Phật Ngọc. Khuynh hướng đồng nhất hóa giữa biểu tượng và chân pháp; giữa phương tiện và mục tiêu; giữa lòng tin và lơi dụng; giữa hoằng dương và quảng cáo, giữa lý và sự đã đưa tới nhiều sự duy diễn quá xa vời.
Hiện tại, tượng Phật Ngọc đang được trưng bày tại Sacramento sang ngày thứ tư. Nhiều khách hành hương đã bày tỏ sự tán đồng về danh xưng: “Lễ hội cung nghinh Phật Ngọc…” vì nó tránh được sự cường điệu và thánh hóa không hợp với tinh thần đạo Phật. Người ta ước mong rằng, nếu lễ hội được mở ra bằng những tấm lòng và ý hướng chân chính tất sẽ thành Pháp hội. Phật giáo cận đại và hiện đại có nhiều khả năng lập ra nhiều Giáo hội nhưng thiếu Pháp hội. Giáo hội là để lãnh đạo và khống chế nhau bằng thế và lực; nhưng Pháp hội là để đến với nhau trong tinh thần hòa đồng, bình đẳng, tin yêu và chia sẻ.
Lời phát biểu của thầy Thích Minh Đạt trong lễ khai mạc đã một phần làm sáng tỏ cho một cách nhìn chánh niệm: “Phật vẽ trên giấy, Phật thêu trên lụa, Phật tạo bằng đất sét, bằng xi măng, bằng thạch cao, bằng tất cả các loại đá trong đó có loại đá quý mà chúng ta gọi là “Ngọc”… tất cả đều không có khả năng mang lại hòa bình cho thế giới. Chỉ có một vị Phật duy nhất có đủ khả năng mang lại hòa bình cho thế giới, đem lại an lạc hạnh phúc cho mọi loài, đó là Phật Tâm (…) Tâm bình thế giới bình.”
Phật Ngọc không ở đâu, không giống định kiến nào, không thuộc về ai cả mà ở chính trong đôi mắt của người nhìn. Cái nhìn xuất phát từ Tâm. Phật Ngọc trong mắt ai… sẽ không giống Phật Ngọc trong tưởng tượng và suy diễn của tha nhân. Phải chăng vì cái nhìn thực chứng tự nó không giống ngón tay chỉ mặt trăng mà bởi nó là đôi mắt thật của tâm sinh và tâm khởi trong nguồn năng lượng lành: Ai ăn nấy no, ai nhìn nấy thấy.
Sacramento, 4-10-2010