Trang chủ Phật học Phật là tánh giác

Phật là tánh giác

136
0

Từ chí nguyện đó ngài đi vào cuộc đời cứu khổ chúng sanh. Là Thái tử dĩ nhiên ngài có một đời sống vật chất cao tột, với những cung điện mùa xuân, mùa hè, mùa đông. Tuy sống trong nhung lụa, nhưng ngài không hài lòng với những tiện nghi ấy. Ngài luôn luôn ưu tư, những cái ưu tư lớn của cuộc đời, của con người, không ai giải quyết được. Đó là tại sao con người có già, có bệnh, có chết? Thế gian không ai muốn già, không ai muốn bệnh và ai cũng rất sợ cái chết. Theo quan niệm thông thường chết là sự mất mát, là không còn nữa, là trở về cát bụi, vì thế người ta sợ chết.

Nhờ có đức Phật xuất hiện với nền giáo lý uyên thâm của ngài, người con Phật hiểu đạo lý rồi không quan niệm như vậy. Chúng ta được biết chết là một sự thay đổi, giống như chuyện thay áo vậy. Chiếc áo này đã quá cũ rách thì chúng ta thay áo mới. Trên học trình hiểu biết thì như vậy, nhưng thực tế lại khác. Chết là khóc lóc, khổ đau, mất mát, là đáp án sau cùng đối với thân này. Con người phải đối diện với vấn đề ấy, không có lối thoát. Bởi không có lối thoát nên trong cuộc sống chúng ta luôn có sự dằn co, kéo lôi, từ đó hình thành bất an phiền não. Thật ra trong cuộc sống cũng có những niềm vui nhưng chỉ mang tính khuây khỏa đôi chút, còn lại là con người đối diện với phiền não, những lo sợ lớn lao của già bệnh chết, không giải quyết được. Chẳng những mình không giải quyết được mà những người chung quanh cũng không ai có phương thức để giải quyết.

Thái tử Tất-đạt-đa đã luôn ưu tư như vậy, dứt khoát phải tìm một lối thoát cho chính mình, đồng thời hướng dẫn cho tất cả mọi người cùng giải thoát. Do vậy bao nhiêu sự thương yêu, đùm bộc lo lắng của hoàng gia, ngài sẵn sàng đánh đổi. Thái tử tuyên bố với vua cha, nếu như chí nguyện của con không giải quyết được, con không thể nào sống trong hoàng thành. Những ràng buộc gia đình, tình cảm luyến ái, lầu vàng điện ngọc không thể cầm chân ngài. Bởi dứt khoát như vậy nên cuối cùng hoàng gia không giữ được con người có ý chí xuất trần. Đêm mồng 8 tháng 2 năm 19 tuổi, ngài vượt thành xuất gia, tìm lối thoát cho chính mình và nhân loại.

Đức Phật do nỗ lực tu tập mà được giác ngộ viên mãn, chúng ta tu học theo ngài, như vậy có được giác ngộ không? Đây là vấn đề chúng ta phải nêu lên, để tương lai sự tu hành của mình không bị mù mờ, có một hướng dứt khoát trong việc tu tập nhằm đi đến giác ngộ giải thoát. Với người tu thiền, tiêu chí là phải nhận và sống được với tánh giác của mình. Có một số huynh đệ nghe nói tánh giác thì mường tượng về tánh giác, nghe nói giác ngộ cũng mường tượng như mình có giác ngộ, nhưng thực chất đi sâu trong công phu hành trì thì chưa được, cho nên chỗ này nên chính chắn khảo sát lại.

Vậy tánh giác là gì, giải thoát là gì, chúng ta có thể thực hiện ngay trong đời này hay không? Tánh giác là tâm Phật, tâm chân thật có sẵn nơi mỗi chúng ta, muốn nhận ra được tánh giác phải lặng hết tất cả vọng tưởng đảo điên. Lặng hết vọng tưởng rồi là hết niệm. Hết niệm là dừng nghiệp. Dừng nghiệp là giải thoát khỏi mọi trói buộc phiền não. Như vậy chúng ta có thể thực hiện được sự giác ngộ giải thoát ngay trong đời này, nếu cố gắng công phu thật chuyên nhất. Đệ tử bậc giác ngộ thì không nên để cho cuộc đời mình trôi vào thế lơ đễnh, mù mờ, như thế thì quả thật đáng tiếc và cũng đáng trách. Do đó chúng ta phải khẳng định công phu tu hành hằng ngày, từng bước dẫm lên đất chân thật, nhất định sẽ đạt được giác ngộ giải thoát. Trong từng phút giây ta sống trong cái chân thật thì tâm an lạc giải thoát, đảm bảo làm chủ được vấn đề sinh tử.

Tu thì dĩ nhiên Phật tử muốn tu rồi, nhưng kiên trì quyết liệt chưa lại là một việc khác. Chúng ta cũng vẫn còn liếc ngó hai bên, vẫn còn sóng gió, vẫn còn lang thang xuôi ngược, nghĩa là ta chưa quyết liệt, mà chưa quyết liệt thì không đến nơi. Bởi vì giải quyết vấn đề sanh tử là một việc làm chí mạng, đòi hỏi chúng ta phải dứt khoát. Giải thoát là gì? Giải là mở ra, thoát là không còn dính mắc. Giải thoát là ra khỏi sanh tử, không còn kẹt vướng một chút gì nữa cả. Đối với tất cả cảnh duyên, những sự kiện trước mắt, lúc nào ta cũng tỉnh, cũng biết, không lầm chạy theo, dần dần sẽ được giác ngộ giải thoát. Nếu công phu tu hành tích cực, liên tục, không cho xen hở, từ chuyên môn gọi là miên mật, nhất định giây phút lóe sáng sẽ đến. Trái lại, ta tu chưa sâu sắc, thì những giây phút này rất xa đối với chúng ta.

Phật tử vẫn còn bị nghiệp ràng buộc, cảnh duyên chung quanh làm trở ngại, nó làm méo mó công huân tu hành của quí vị. Do tu không thấy kết quả nên ngán tu, rốt lại thích cầu xin, trông cậy ở tha lực bên ngoài. Phải biết giải thoát giác ngộ là tự mình, nhưng vẫn còn nhiều người chưa tin điều này. Bởi chưa tin nên cầu đấng nào đó cho mình giác ngộ giải thoát. Bản thân mình không chịu giác ngộ mà biểu ai cho giác ngộ, ai mà cho. Tự mình không cởi mở, tự mình không giải thoát thì phải chịu lẩn quẩn trong ba cõi sáu đường thôi. Nhiều đời chúng ta si mê, không tỉnh giác nên gây tạo những nghiệp nhân không tốt, bây giờ chuốt quả khổ. Nếu muốn chấm dứt sự khổ thì không gây tạo nghiệp xấu nữa. Chúng ta là chủ nhân ông cột thì bây giờ phải là chủ nhân ông mở. Người khác không biết cách mở cho chúng ta đâu.

Như có những điều chúng ta dấu kín trong lòng, không nói ra thì không ai biết được. Khi nào chịu nói ra, tôi muốn như thế, tôi cần như thế, người bên ngoài mới hỗ trợ giúp cho. Còn cứ cất kín hoài thì không ai giải quyết dùm được cả. Đức Thế Tôn và chư vị Bồ-tát cũng vậy, các ngài luôn từ bi chờ chúng ta trình bày, nói rõ nghiệp tập của mình để các ngài chỉ chúng ta cách giải quyết. Nếu chúng ta giấu diếm hoài thì giữa các ngài với chúng ta không dính dáng, không có sự hỗ tương gì cả. Người học thật nhiều, nhớ thật nhiều Phật pháp mà những cù cặn thâm căn cố đế không giải tỏa, không tự mở ra, thì chánh pháp không có tác dụng gì đối với nghiệp tập. Chỉ khi nào chúng ta dám mở cửa, dám khui ra, dám nhìn thẳng nó thì chánh pháp mới có tác dụng, có giá trị.

Con đường giác ngộ hết sức quan trọng, tự bản thân chúng ta hình thành chứ không thể nhờ vả, đợi chờ ai. Người gần gũi nhất trong cuộc đời tu của mình là thầy, kế đến là thiện hữu tri thức, nhưng những vị này dù thương cách mấy, các ngài chỉ cho chúng ta phương pháp để tu chớ không thể tu dùm ta được. Bởi việc tu không phải như tiền bạc, vật dụng, thức ăn, mà nó là vấn đề thể nghiệm trực giác, không thể ban cho. Điều này rất đặc biệt. Như trong kinh Viên Giác nói ngón tay chỉ mặt trăng, ai là người thông minh từ ngón tay nhận được mặt trăng thực ở trên trời. Trái lại, người không ngón tay là phương tiện, chẳng những không nhận ra mặt trăng thực mà làm hư đi ngón tay. Việc áp dụng Phật pháp, nương thiện hữu tri thức tu hành cũng vậy. Nhờ thiện hữu tri thức chúng ta biết được Phật pháp để tu hành, nhưng đạt được kết quả là do chúng ta nỗ lực thật tu thật chứng. Nếu chỉ học chỉ nghe hời hợt bên ngoài, nhất định sẽ không có kết quả.

Khi nào chúng ta nhận và sống được tánh giác mới không bị chi phối bởi ngoại duyên. Sở dĩ mình còn bị trần cảnh chi phối là do còn lầm mê, còn vô minh dày đặc. Vì vậy các cảnh duyên, sự kiện chung quanh kéo lôi mình như chơi. Đôi khi sự việc không đáng gì hết mà nó vẫn kéo lôi, làm cho ta mắc mứu chạy ngược chạy xuôi. Bây giờ làm sao để không bị chi phối? Trước nhất là tỉnh giác. Tỉnh là không lầm, giác là biết. Đối với các pháp mình không lầm, biết rõ nó là đồ giả nên không bị kéo lôi. Phải bén nhạy, thường trực với sự tỉnh giác, không để vắng thiếu quãng nào hết. Liên tục như vậy chúng ta sẽ giảm bớt sự kéo lôi của ngoại duyên. Như bình thường mỗi ngày quí vị làm công việc nhà, nấu nướng dùng trưa, nghỉ ngơi, chiều lại tu tập. Nhưng sáng nay gặp bạn rủ mình đến nhà, gặp nhau vui vẻ rồi tổ chức ăn uống dài dài, mất hết một ngày. Rõ ràng quý vị bị chi phối, mất nhiều cơ hội quý báu để tu tập. Thế nhưng quí vị vẫn mặc nhiên chấp nhận sự chi phối ấy. Đôi khi còn để nó phát triển càng ngày càng nặng, càng dày, rồi thì đương nhiên thấy đó là niềm vui, mất mình hồi nào không biết. Tôi đơn cử một việc nhỏ xíu như vậy thôi, Phật tử nghiệm lại sẽ thấy rõ nếu chúng ta không cương quyết dứt khoát thì suốt đời bị ngoại cảnh chi phối, làm mình mất rất nhiều thì giờ. Khi thành quen rồi, chúng ta cho đó là việc bình thường, làm sao tu hành được nữa.

Người xưa khi hạ thủ công phu không rảnh để cắt móng tay. Như có một vị thiền sư tu trong rừng, ngài đang lùi khoai trong đống lửa. Bấy giờ sứ giả của nhà vua tới thưa: Bạch Hòa thượng! Có chiếu chỉ mời. Ngài lấy tay bới củ khoai trong đống lửa ra lột ăn, nước mũi chảy xuống tèm hem. Sứ giả thấy ngộ quá, nói: Xin ngài hoan hỷ chùi nước mũi dùm. Ngài bảo: Đâu có rảnh mà chùi. Đó là gì? Người xưa tham thiền tu hành miên mật, không để ý tới chuyện bên ngoài, chuyện trau chuốt thân tướng, không quan trọng chiếu chỉ vua ban, chỉ biết việc bổn phận của mình.

Qua câu chuyện trên, chúng ta thấy công phu tu hành hằng ngày của mình phải làm sao giữ gìn cho miên mật, tích cực. Luôn luôn như vậy thì đảm bảo có thể thực hiện được giác ngộ giải thoát. Bản thân chúng ta thực hiện được rồi, mới nói đến việc dẫn dắt chúng sinh tới chỗ giác ngộ giải thoát. Năng lực, vốn gốc của mình có đầy đủ thì tất cả việc làm bên ngoài không khó. Ngược lại vốn gốc không có, không vững, ta lại ôm đồm làm việc bên ngoài, nhất định sẽ gặp lúng túng khó khăn, ít khi được thành tựu. Do gốc chưa đầy đủ nên việc nói và làm chưa đi đôi, điều này dễ đánh mất lòng tin của mọi người chung quanh chúng ta.

Có bốn hiện tượng của con người trong cuộc đời, đó là gì?

1. Sự già khụ, quằn quại, tàn phế suy nhược của sắc thân.

Nói gì thì nói, dù người thành công hay thất bại trên mọi lĩnh vực, đến một lúc nào đó thân này cũng sẽ già cụm tàn phế. Bởi vậy các mặt hàng mỹ phẩm luôn luôn được thịnh hành, mỹ viện phát triển nhiều. Là vì sự đổi thay suy tàn của thân này, dù chúng ta mong nó đẹp bền, niềm mong mỏi ấy chỉ là mơ mộng, không có đáp án. Có khi một chút xíu lo lắng, đầu đêm chúng ta không thấy mệt, không thấy già nua, nhưng qua đêm mất ngủ, sáng ra ta thấy tóc bạc, người uể oải, mọi thứ chung quanh nhạt nhòa, không phấn chấn vui tươi nữa. Đó là gì? Là hiện tượng già cụ, thân xác suy nhược còm cỏi.

Có khi Phật tử sẽ đặt câu hỏi người tu thấy thân này không thiệt, thì sợ chi thân thay đổi, tàn lụn? Thưa, tuy biết thân không thiệt nhưng nếu chúng ta không có thân thì lấy gì mà tu. Có thân, có nghiệp tập, có phiền não, có bạn hữu, có cảnh duyên nên ta có tu, có xuất gia, có học pháp, có hành trì lời Phật dạy. Người biết dụng công tu hành thì không lệ thuộc bởi hoàn cảnh, bởi thân nhưng biết dùng thân cho mục đích vì thành đạo nghiệp của mình. Khi thấy thân bị chi phối bởi vô thường, chúng ta càng nỗ lực tu nhiều hơn, từng phút giây gầy dựng đạo lý, trí đức để kịp giác ngộ trước khi thân hoại mạng chung. Thấy và áp dụng như vậy thì mỗi ngày qua không uổng tí nào hết. Nhưng nếu chúng ta không khéo thì cố chấp, khổ đau lụy phiền vì thân, vì cảnh không thật. Phiền não từ vô minh phát sinh. Chúng ta chưa làm chủ được, chưa tỉnh giác, chưa giác ngộ nên bị phiền não nhiễu loạn. Chỉ khi nào tỉnh giác, trí tuệ hiện tiền chiếu phá vô minh tăm tối thì sẽ hết phiền não.

2. Con người khổ đau vì những cơn bệnh của thân. Trên đời này có ai không bệnh? Người già bệnh, người nhỏ cũng bệnh, người có tiền nhiều bệnh, người không một đồng cũng bệnh. Làm sao để đừng bệnh? Đáp án này khó giải quyết lắm. Bởi vì thân là gốc của bệnh, gốc của khổ đau. Chúng ta lỡ ngu si gầy dựng thân này từ những tăm tối, tham đắm, bây giờ bị lụy bởi nó. Không có người nào từ nhỏ tới già không một lần bệnh. Có người rất ít bệnh nhưng mỗi lần bệnh là gần mất mạng. Có người bệnh liên tục như cảm ho, nhức đầu, sổ mũi, đau nhức, gió không ưa mưa không chịu, nên thân phải thọ khổ liên miên. Khi thân càng có tuổi tác, càng bị chồng chất bởi nhiều sự kiện trong cuộc sống thì càng bệnh hoạn suy yếu. Mới hôm nào khỏe mạnh đó, hôm nay chống gậy, chân cẳng xệu xạo.

Ai cũng cầu nguyện, mong mỏi cho thân cường tráng, khỏe mạnh, tươi tắn, sống lâu trăm tuổi. Như vậy, cái mong ước mình phóng tới quá tầm tay, cái hiện thực lại theo chiều trái nghịch. Với người tu, chúng ta có thái độ thế nào trước thực trạng này của thân? Phải hành trì pháp môn gì để thắng lướt, giữ vững công phu, không bị bệnh tật ngã quật, làm mất ý chí tu hành? Nếu chúng ta không làm chủ được, không khắc phục chính mình thì bệnh tật sẽ làm tổn giảm và gián đoạn công phu tu hành. Cho nên người tu phải biết điều hòa thân tâm, nhất là giữ tâm ý thanh tịnh. Dùng năng lực thiền định để thắng lướt những lo sợ khi thân có bệnh. Điều hòa được thân tâm thì chúng ta khỏe mạnh, tu tiến, trí lực phát triển, công phu không bị trở ngại.

3. Hiện tượng chết. Con người nếu không điều hòa, tứ đại bị lệch bên nào thì không còn sử dụng thân được nữa. Khi chết thân này là cái tử thi sình thối, mọi người ghê tởm. Đây là một đề án rất cần thiết cho người tu. Hành giả nào còn chút mơ tưởng về dáng dấp, dung nhan, về vẻ đẹp mỹ miều của thân thì hãy quán chiếu đến giai đoạn thứ ba là thây chết. Quán như vậy sẽ giúp vị ấy hoàn toàn tỉnh. Tỉnh cái gì? Tỉnh vì ghê tởm sự nhơ nhớp, sình chương của thân. thân không thật nên cái đẹp cũng không thật, nhờ thế ta không còn đắm luyến thân nữa.

Nếu một phút giây ta không điều hòa được thân thì đứt thở. Đứt thở thì bỏ thân. Thân bỏ một đôi hôm sình lầy, hôi thối, mọi người ghê tởm chán chê. Dù đó là thân thể của người chí thân chí thương của mình, khi không còn thở nữa trong vòng đôi ba tiếng đồng hồ, người ta gói ghém, đóng hòm chôn tức thì. Thiên hạ nói xây mồ xây mả cho đẹp nhưng thực sự là đắp lại thật kỹ để không bay hơi hôi hám. Từ đó chúng ta nhận ra công phu điều hòa thân là một công phu quan trọng. Ở đây là nói trong giai đoạn ta còn sức khỏe, chứ khi không còn sức khỏe nữa, nói điều hòa là vấn đề không dễ dàng. Điều hòa gì được? Lúc sức khỏe suy thoái, bước đi phải chống gậy, nghĩa là có thêm chân thứ ba nữa, nhưng cần té nó cũng té chỏng gọng như thường. Mình không làm chủ được. Từ đó ta thấy việc điều hòa thân tâm là một pháp tu không thể xem thường. Có vậy chúng ta mới sử dụng thân này trong lúc cần để tu hành.

4. Hiện tượng giải thoát. Ở đây mở ra một chân trời mới, có thể là chỗ mộng mơ cuối cùng của chúng ta. Tại sao mộng mơ? Vì chúng ta bị bức bách bởi thân già bệnh rồi chết, nên mong có một phương pháp, một chân trời nào đó để mình được an toàn. Nhưng nếu mong suông, thì chẳng được gì đâu. Đạo Phật giúp cho con người có nhận định, mở ra những phương thức tu hành, từ đó áp dụng sao cho đúng với sự chỉ giáo của các thiện hữu tri thức. Chúng ta không thể ngồi đó mong được giác ngộ, hoặc chờ người khác trao cho mình sự an vui vĩnh cửu. Bao giờ vướng vào những tơ tưởng ảo vọng như vậy. Phải ngay đây giải quyết việc chính của mình, tranh thủ thực hiện sâu sắc phương pháp Phật dạy.

Hiện tượng thứ tư là hiện tượng cho phép chúng ta được ước mơ, và từ ước mơ biến thành hiện thực. Chân trời đó chúng ta thực hiện được bằng công phu tu hành, giải quyết tất cả những vấn đề lỉnh kỉnh của con người như già bệnh và chết. Chúng ta phải năng nổ, tích cực thực hiện cho bằng được ước mơ của mình. Muốn thế, chúng ta phải có đức trầm tỉnh. Trầm tỉnh để nhận định, để đi sâu vào pháp tu, đối diện với tất cả sự kiện chung quanh, mình không bị động. Chư tổ hồi xưa dạy: Người có công phu tu hành đi như trâu, nhìn như cọp. Nghe nói thì thô, nhưng đó là phương thức tu hành thể nhập được đạo lý.

Nói đi như trâu là sao? Con trâu đi từng bước chắc chắn, không phải như khỉ vượn nhảy phớt qua phớt lại. Người có đức trầm tỉnh đi bước nào chắc nịch bước nấy, đi trong tỉnh giác. Nhìn như cọp là sao? Con cọp luôn nhìn trực diện, không lăng xăng láo liên như khỉ vượn. Chúng ta nhìn dáng dấp bên ngoài có thể nhận định được người sâu sắc, trầm tỉnh hay không? Người tu phải trầm lắng xuống, tỉnh táo xem xét hiện trường chung quanh. Nếu không trầm tỉnh dễ bị té, bị sụp hố, bị lạc đường. Chúng ta uy nghiêm dũng cảm tiến trên con đường giải thoát khổ đau già bệnh chết.

Thiền sư nói: Sống như đắp chăn đông, chết như cởi áo hạ. Mùa hạ nóng bức, cởi chiếc áo nhơ nhớp đầy mồ hôi thì thích thú biết bao nhiêu. Đối với người tu thiền, chết không phải là mất mát mà là thảnh thơi, nhẹ nhàng như cởi được chiếc áo nhơ mùa hạ. Thế gì có gì buồn, có gì phải khóc? Nhưng muốn được như thế không phải dễ đâu. Nếu chúng ta không chủ động dũng mãnh, giải quyết việc của mình, tháo gỡ những trói buộc trong già bệnh chết, thì không thể ung dung tự tại trước sống chết. Vui vẻ lúc sống, bình thản lúc chết là hình ảnh đáng quý nhất của người tu. Có vui vẻ mới tu được, mới ăn ngon ngủ yên, chứ phiền não bức xúc trong lòng hoài làm sao sống nổi. Khi chúng ta làm chủ được, không bị sai sử bởi các pháp, đó là có trí tuệ, có sự tự do tự tại, giản dị như thế.

Hòa thượng Viện trưởng dạy chúng ta phải buông những dấy niệm, đừng để nó kéo lôi. Trong bất kỳ sinh hoạt nào, vừa có một dấy niệm là mình buông, định tỉnh, trầm lắng, làm chủ được, tức thì trí tuệ phát sinh. Trí tuệ đó là trí tuệ Bát-nhã, biết rõ tất cả các hiện tượng đều hư giả không thật. Cho nên một khi buông là buông, chứ không nấn ná vướng mắc gì hết, rõ ràng như vậy. Chúng ta lại có thói quen đi lòng vòng. Như hồi chiều mình có phiền não, liền cất vô bụng để tối ngồi thiền tính với nó. Nhưng cất từ chiều tới tối là thêm vấn đề chứ không phải bao nhiêu đó thôi đâu. Câu nói của chị kia hồi chiều như vậy, mình để trong bụng tới tối nó khác. Cho nên mình phải giải quyết tức thì, nghĩa là buông ngay, không thèm cất chứa làm chi cho phiền não. Chuyện tu hành không gì ngoài giải quyết mọi lỉnh kỉnh phiền toái, những bất an bất ổn trong đời sống, trong sinh hoạt của chúng ta. Vì vậy điều kiện tiên quyết là người tu phải luôn tỉnh giác.

Phật nói chúng sanh và chư Phật bằng tuổi nhau. Đó là tuổi thọ vô lượng. Đức Phật đã xuất gia tu hành thành đạo, thuyết pháp giáo hóa và thị tịch cho tới bây giờ hơn hai ngàn năm trăm năm mà chúng ta vẫn còn là chúng sinh mê muội. Do vô minh khiến chúng ta tăm tối, bị trói buộc trong cuộc sống này. Bây giờ mình tháo gỡ, giải thoát nó ra, để trí tuệ hiện tiền. Việc này không phải dễ, rất là khó. Thế thì bây giờ phải tu làm sao? Là đệ tử Phật chúng ta biết rõ, nếu mình không giải quyết việc già bệnh chết thì không ai thay thế cho mình cả. Chỉ bao giờ mình bỏ hết những cù cặn, những thói xấu thì trí tuệ hiện tiền, lúc ấy ta giải quyết được vấn đề.

Phật nói vô minh hết thì cái minh hiện tiền. Vô minh với minh giống như ánh sáng và bóng tối. Chỉ cần cái công tắc mở đèn, chớ nó không có biên cương cố định. Hễ mở đúng công tắc là đèn sáng, tối tăm chạy hết, mà tắt đèn thì tối tăm ập tới, ánh sáng không còn. Biên cương sáng tối tìm không ra, chỉ đòi hỏi chúng ta biết sử dụng công tắc đèn thì vô minh tăm tối nó không bu bám được. Vô minh tăm tối không bu bám được thì chân trời tịnh thanh, rỗng rang sáng suốt hiện bày. Nhờ đức Phật thị hiện nơi đời mà chúng ta biết cách tu tập để được giác ngộ, giải thoát những nghiệp tập của mình. Làm được việc này đến nơi hay không là do chúng ta, chứ không phải ở ngài nữa.

Đức giáo chủ ra đời có nhiều thắng lợi. Thắng lợi thứ nhất là giúp chúng ta giải quyết được những dục lậu phiền não qua công phu tu hành của mỗi người. Nhờ biết nó là dục lậu, là phiền não nên chúng ta không chất chứa, không nuôi dưỡng trong lòng nên không bị khổ. Thắng lợi thứ hai là Phật giúp chúng ta tu tập để được giác giải thoát khỏi sanh tử. Không ai nguyện sinh lại làm người nam hoặc nữ, chỉ mong cho con được giác ngộ giải thoát, không bị ràng buộc nữa. Nếu có tái sinh thì chọn đường đi một cách tự tại, chớ không để nghiệp ràng buộc kéo lôi lẩn quẩn trong luân hồi sinh tử. Các thiền sư còn nói một câu hùng hồn thế này: Nơi nào không có Phật tới đó làm Phật. Những thiền sư có đệ tử đông, khi viên tịch đệ tử thương khóc quá, quí ngài ngồi dậy nói: Ta đi là đã biết đường, việc gì các ngươi phải khóc. Nếu không biết đường, sợ thầy lủi đâu đó mới khóc, đằng này thầy đã biết đường đi mà khóc lóc gì. Thắng lợi thứ ba là tất cả tăm tối chúng ta thảy ra hết. Đồng thời còn giúp mọi người chung quanh cũng được sáng suốt như chúng ta. Đó là thực hành hạnh tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn của chư Phật.

Trong từng phút giây, chúng ta còn bị luỵ bởi các việc ăn mặc, ngủ nghỉ, giao tế… nhưng với thâm tâm cương quyết dũng mãnh của người con Phật chúng ta nhất quyết hành trì cho được những điều Phật dạy. Bao giờ sống với tánh giác hiện tiền trùm khắp, nhập pháp thể thanh tịnh sáng suốt trùm khắp là đã đền ân chư Phật. Sau cùng, chúng ta đi theo con đường của chư Phật là nguyện độ tận chúng sanh, đồng về bờ giác. Đó là hoài bão, là chỗ chí thiết nhất của những người con Phật.

 Trích sách "Vẫn là Phật xưa"

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here